Tổng thống Nga Vladimir Putin tiếp tục kiên định đẩy mạnh hợp tác với các đối tác, đồng minh thân thiết, các quốc gia hậu Xô Viết cũng như các nước lớn phương Đông, trong bối cảnh mối quan hệ giữa Nga và phương Tây chưa bao giờ “cơm lành canh ngọt”.
Hướng Đông
Ngày 3/10, Tổng thống Putin đã phê chuẩn Hiệp ước thành lập Liên minh Kinh tế Á - Âu (EEU) gồm Nga, Belarus và Kazakhstan bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/1/2015.
Liên minh kinh tế EEU sẽ thay thế cho Liên minh thuế quan thành lập từ năm 2010, là cơ chế nhằm giúp các quốc gia thành viên xích lại gần nhau hơn, tạo dòng chảy tự do về người, vốn và hàng hóa giữa 3 nước tham gia.
EEU được kỳ vọng sẽ thu hút sự tham gia của một số nước cộng hòa khác thuộc Liên Xô cũ như Armenia và Kyrgyzstan và được xem là bệ phóng giúp Nga hùng mạnh hơn trong nền kinh tế quốc tế. Về tương lai, EEU có thể là đối trọng với Liên minh châu Âu (EU).
Tờ RIA Novosti của Nga trích dẫn lời ông Putin cho biết, việc gia nhập EEU của Armenia đã "gần hoàn thành", nước này có thể chính thức gia nhập liên minh được dẫn dắt bởi Nga trong ngày 10/10 tới. Trong khi đó, đàm phàn với Kyrgyzstan cũng đang diễn ra. Nhà lãnh đạo Nga cho biết, số lượng các nước tham gia liên minh này chắc chắn sẽ tăng trong tương lai.
Ông chủ điện Kremlin cũng không quên nhấn mạnh EEU sẽ thắt chặt quan hệ châu Âu và châu Á, giúp nền kinh tế ổn định hơn. Thông qua EEU, hợp tác thương mại với kinh tế thế giới sẽ được đẩy mạnh.
Nga, Belarus và Kazakhstan đabg hoàn tất các thủ tục pháp lý cần thiết thiết để thành lập Liên minh Kinh tế Á- Âu (EEU)
Xinhua trong khi đó cho biết: ông Putin nhấn mạnh việc ký phê chuẩn Hiệp ước thành lập EEU đánh dấu "một giai đoạn quan trọng" trong các nỗ lực chung nhằm hội nhập với các đối tác và đồng minh thân thiết nhất của Nga là Belarus và Kazakhstan.
Sự hình thành của EEU - một kiểu liên kết giống Liên minh châu Âu (EU) - được đề xuất và được lãnh đạo 2 nước Belarus, Kazakhstan và Nga nhất trí hồi tháng 5 vừa qua tại hội nghị thượng đỉnh được tổ chức tại thủ đô Astana của Kazakstan. Tuy nhiên, ý tưởng này đã được đưa ra từ trước đó vài năm.
Năm 2011, Mỹ từng phản đối EEU với nhận định cho rằng đây là một nỗ lực nhằm tái thiết lập một liên minh kiểu Xô Viết. Mặc dù vậy, ông Putin khi đó ở cương vị Thủ tướng đã phủ nhận điều này và cho rằng, EEU hướng tới đảm bảo sự phát triển ổn định toàn cầu.
Báo chí phương Tây cho rằng, Nga nỗ lực cho ra đời EEU nhằm hiện thực hóa tham vọng chuyển hướng sang thị trường đầy tiềm năng châu Á-Thái Bình Dương.
Lợi ích kinh tế khó rời
Hồi tháng 5/2014, Nga đã ký kết thỏa thuận mua bán khí đốt lịch sử trị giá 400 tỷ USD với Trung Quốc. Đầu tháng 9 này, 2 nước đã động thổ xây dựng phần đầu dự án "Năng lượng Siberia" để hiện thực hóa sự hợp tác. Hợp đồng này đã giúp Nga hình thành một "liên minh năng lượng" với Trung Quốc và là cơ sở để mở rộng thị trường sang châu Á.
Mối quan hệ mật thiết về kinh tế với Trung Quốc nói riêng và BRICS nói chung cho thấy đường lối hướng Đông rõ ràng mà Nga đang thực thi.
Tại Diễn đàn đầu tư quốc tế "Nước Nga kêu gọi - Russia calling" tiến hành ở Moscow vào ngày 2/10 vừa qua, ông Putin tuyên bố cho biết: Châu Âu vẫn là một đối tác của Nga. Tuy nhiên, Trung Quốc là phương hướng ưu tiên.
Ông Putin cũng khẳng định, trong những năm tới, Nga chủ trương phát triển quan hệ kinh doanh với các đối tác trong Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) - gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi.
Chính sách hướng Đông của Nga đã hình thành từ lâu và được ráo riết đẩy mạnh thời gian gần đây trong bối cảnh Mỹ và EU đồng loạt áp các lệnh trừng phạt kinh tế và quan hệ với phương Tây vẫn tiếp tục chưa có dấu hiệu "cơm lành canh ngọt".
Việc thành lập EEU là một nỗ lực mới nhất của Nga hướng về phía Đông, xoay trục về châu Á. Nga đang thúc đẩy các liên kết trong khuôn khổ của các quốc gia hậu Xô Viết và khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Mối quan hệ mật thiết về kinh tế với Trung Quốc nói riêng và BRICS nói chung cũng cho thấy đường lối hướng Đông rõ ràng mà Nga đang thực thi.
Không phải ngẫu nhiên Nga thành công trong việc phát triển mạnh mẽ quan hệ với các nước Trung Á và các nước phương Đông lớn nhằm giảm ảnh hưởng tiêu cực của sự căng thẳng với phương Tây.
Theo Reuters, đại sứ Trung Quốc tại Đức Shi Mingde hôm 2/10 cho biết quan điểm rõ ràng của Trung Quốc trước thềm cuộc gặp của ông Lý Khắc Cường với Thủ tướng Đức Angela Merkel, rằng: Trung Quốc muốn và sẽ đẩy mạnh hợp tác với Nga.
Ông Shi cho biết: "Trung Quốc sẵn sàng nắm bắt bất kỳ cơ hội kinh doanh nào tại Nga sau quan hệ căng thẳng giữa Moscow và EU về vấn đề Ukraine".
Hồi giữa tháng 7, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố nhóm BRICS kiên quyết phản đối các biện pháp không công bằng trong nền kinh tế - chính trị toàn cầu. Ông Putin cũng đã từng khẳng định quyết định phát triển quan hệ với BRICS hay EEU không phải nhất thời mà là đường lối chiến lược đã vạch ra từ trước đó.
Có thể thấy, hàng loạt các bước đi gần đây của ông Putin cho thấy, Nga đang nổ lực đẩy mạnh việc phát triển các mối quan hệ kinh tế với các đối tác, đồng minh thân thiết, các quốc gia hậu Xô Viết cũng như các nước lớn phương Đông.
Kế hoạch "Đông tiến" của Nga đã thành chiến lược sau một thời gian Nga dưới thời Tổng thống Boris Yeltsil hướng Tây bất thành. Nga dưới thời nhiệm kỳ thứ 3 của ông Putin giờ đây đang đẩy mạnh hơn bao giờ hết quan hệ với các nước phương Đông. Ông Putin đang có lợi thế khi nhiều nước muốn hình thành một thế giới đa cực và các mối quan hệ kinh tế đang quyết định mạnh mẽ hơn bao giờ hết chính sách đối của các nước.