Triều Tiên được cho là từng phái nhiều toán biệt kích sang Mỹ nằm vùng chờ tấn công từ bên trong nếu chiến tranh nổ ra. Trong khi đó, giới lãnh đạo Triều Tiên đã không ít lần đe dọa tấn công Mỹ và các quyền lợi của nước này ở Hàn Quốc do những bất đồng chồng chất trong quan hệ hai bên.
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un thị sát một đơn vị nhảy dù - Ảnh: KCNA/AFPLãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un thị sát một đơn vị nhảy dù - Ảnh: KCNA/AFP
Gần đây nhất vào tháng 7, tại buổi lễ duyệt binh quy mô lớn ở Bình Nhưỡng nhân kỷ niệm 61 năm ngày ký hiệp định đình chiến kết thúc chiến tranh Triều Tiên (cuộc chiến diễn ra từ 1950 - 1953), Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Triều Tiên Hwang Pyong-so cảnh báo nước này sẽ thực hiện một cuộc tấn công hạt nhân nhằm vào Nhà Trắng và Lầu Năm Góc, sau khi cáo buộc Mỹ làm gia tăng căng thẳng quân sự trên bán đảo Triều Tiên thông qua hàng loạt cuộc tập trận chung với Hàn Quốc, theo AFP.
Những tiết lộ từ một báo cáo được giải mật của Cơ quan Tình báo quốc phòng Mỹ (DIA) cho thấy Bình Nhưỡng đã có hành động vượt xa những lời đe dọa vào thập niên 1990.
Bước đi táo bạo
Trang tin Washington Free Beacon dẫn báo cáo đề ngày 13.9 của DIA tiết lộ 5 đơn vị biệt kích ngầm của Triều Tiên đã được huấn luyện để thực hiện các vụ tấn công trong lòng nước Mỹ.
Theo bản báo cáo, Tổng cục Trinh sát Triều Tiên đã cài cắm điệp viên nằm vùng nhằm tấn công các nhà máy hạt nhân của Mỹ và các thành phố lớn trong trường hợp xảy ra xung đột vào đầu thập niên 1990. Tuy nhiên, báo cáo không nêu cụ thể những nhà máy và thành phố ở Mỹ có thể bị nhắm đến.
Tổng cục Trinh sát Triều Tiên là một bộ phận thuộc Bộ Các lực lượng vũ trang, chịu trách nhiệm chỉ huy khoảng 60.000 lính biệt kích. Trong quá khứ, lực lượng này đã tiến hành nhiều vụ tấn công ở Hàn Quốc và những nơi khác.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un - Ảnh: Reuters
Báo cáo của DIA là tài liệu tình báo đầu tiên cho thấy Triều Tiên từng hoạch định các vụ tấn công trên lãnh thổ Mỹ và điều điệp viên sang đó để thực hiện sứ mệnh.
Việc giải mật tài liệu theo đạo luật Tự do thông tin của Mỹ được thực hiện giữa lúc có những lời đe dọa được cho là xuất phát từ Triều Tiên rằng họ sẽ tiến hành các vụ tấn công khủng bố kiểu 11.9.2001, liên quan đến bộ phim hài The Interview, có nội dung xoay quanh âm mưu ám sát nhà lãnh đạo Kim Jong-un.
Chính lời đe dọa này đã khiến Sony Pictures đi đến quyết định hủy bỏ công chiếu bộ phim vào ngày 25.12 tới.
Chuẩn bị từ trước
Theo Washington Free Beacon, một tài liệu nữa của DIA hé lộ điều được xem là nỗ lực chuẩn bị của Triều Tiên nhằm xâm nhập và “làm cỏ” nước Mỹ. Tài liệu năm 1998 tiết lộ về trường hợp một cựu sĩ quan không quân Mỹ, chỉ được xác định bằng tên “Jackson”, đang làm việc cho Tổng cục Trinh sát Triều Tiên ngay tại nước này.
Theo đó, Jackson “đã bị Triều Tiên bắt giữ” và đang giảng dạy những chiến thuật của lực lượng đặc nhiệm Mỹ, tiếng Mỹ và các kỹ thuật thẩm vấn cho những tay bắn tỉa của Triều Tiên trong vai trò trưởng khoa nghiên cứu tâm lý chiến tại Đại học Quân đội Madonghui.
Người Mỹ này cũng từng “thăm tiểu đoàn bắn tỉa số 52 trên biển để giảng dạy những kỹ năng tương tự từ năm 1983”. Quá trình huấn luyện được thực hiện dưới sự chỉ đạo và giám sát của Tổng cục Trinh sát Triều Tiên.
Poster giới thiệu phim The Interview - Ảnh: Reuters
Không có tài liệu nào làm rõ mối liên hệ giữa việc Triều Tiên điều 5 đơn vị biệt kích ngầm sang Mỹ và hoạt động của nhân vật bí ẩn có tên gọi Jackson, hoặc nếu có thì chúng có thể vẫn được cất kín đâu đó trong kho lưu trữ chờ ngày giải mật của Mỹ.
Tuy nhiên, Washington Free Beacon dẫn lời các chuyên gia an ninh nhận định việc giảng dạy “tiếng Mỹ” là dấu hiệu cho thấy họ chuẩn bị triển khai những tay súng bắn tỉa Triều Tiên sang nước Mỹ.
Hồi chuông báo động
Ông Mark Sauter, một cố vấn an ninh cho các tập đoàn Mỹ và là người nhiều năm theo dõi tình hình Triều Tiên, nhận định những tài liệu trên đã gióng lên hồi chuông báo động về lời đe dọa khủng bố xuất phát từ những tin tặc thân Triều Tiên.
Ông Sauter nhận định: “Những gì họ đã làm trong vụ Sony cho thấy chắc chắn họ sẵn sàng tấn công một công ty Mỹ. Giờ đây họ đang đe dọa thực hiện những vụ tấn công tương tự 11.9.2001 và rất có thể họ có các điệp viên bên trong nước Mỹ đủ khả năng tiến hành các vụ tấn công khủng bố”.
“Sẽ là một sai lầm khi chính phủ này (Mỹ) cho rằng Triều Tiên không thể tung một cuộc tấn công ở Mỹ. Họ có thể hoặc không muốn tấn công lãnh thổ Mỹ vào thời điểm hiện tại hoặc tương lai, nhưng chí ít họ có khả năng nhất định để làm điều đó”, ông Mark Sauter nhấn mạnh.
Ông Bill Cowan, cựu sĩ quan đặc nhiệm Mỹ từng tham chiến tại VN, hiện là diễn giả về an ninh quốc gia và chống khủng bố, nhất trí với nhận định của ông Sauter và gọi tài liệu trên là “sự tiết lộ đáng báo động”. “Tài liệu này nói về việc họ hiện diện trên đất Mỹ để thực hiện các vụ tấn công và điều đó đã đưa mối đe dọa lên một tầm mức hoàn toàn mới. Và họ có thể vẫn còn ở đây”.
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un - Ảnh: Reuters
Ông Cowan là một trong những người được chính phủ Mỹ triệu tập để tham vấn sau vụ tấn công khủng bố ngày 11.9.2001, nay vẫn tiếp tục hỗ trợ nhiều chương trình khác nhau của Lầu Năm Góc và Bộ An ninh nội địa.
Hiện kế hoạch cài cắm người tại Mỹ của Triều Tiên còn được duy trì hay không hoặc có thêm những diễn biến nào nữa vẫn là một câu hỏi lớn. Tuy nhiên, với giới quan sát, vụ việc đang xảy ra với Sony, nếu được chính thức khẳng định do Triều Tiên tiến hành, có thể chỉ là một cuộc tập dượt cho những toan tính làm tê liệt các hệ thống thông tin liên lạc và năng lượng của những quốc gia đối địch trong khả năng cho phép.
“Với những khó khăn kinh tế mà miền Bắc (tức Triều Tiên) đang phải đối mặt, hẳn có hạn chế trong việc nâng cao năng lực hạt nhân, tàu ngầm hay sức mạnh thông thường. Nhưng năng lực xử lý mạng thì hoàn toàn thuộc về con người. Tôi nghĩ đó là con đường hiệu quả nhất để củng cố sức mạnh quân sự của miền Bắc”, Reuters dẫn nhận định của Giáo sư Lim Jong-in tại Trường An ninh thông tin thuộc Đại học Hàn Quốc ở Seoul.
Những vụ tấn công của biệt kích Triều Tiên
Một đòn tấn công ở Mỹ, nếu có, sẽ nối dài thêm danh sách những chiến dịch được cho là do Tổng cục Trinh sát Triều Tiên tiến hành ở nước ngoài. Vào năm 1983, biệt kích Triều Tiên bị quy trách nhiệm đứng sau vụ đánh bom tại Yangon (Myanmar) nhằm ám sát Tổng thống Hàn Quốc khi đó là ông Chun Doo-hwan. Ông Chun toàn mạng nhưng 3 bộ trưởng cao cấp trong chính phủ của ông đã thiệt mạng.
Trước đó, vào năm 1968, biệt kích Triều Tiên đã tiến hành vụ tấn công vào Nhà Xanh (dinh Tổng thống Hàn Quốc) nhằm ám sát Tổng thống Park Chung-hee, thân phụ của đương kim Tổng thống Park Geun-hye. Tổng cục Trinh sát Triều Tiên cũng bị quy trách nhiệm thực hiện các chiến dịch xâm nhập Hàn Quốc thông qua các đường hầm và cài cắm điệp viên vào Hàn Quốc bằng đường biển.
Mỹ cam kết đáp trả vụ tấn công Sony
Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm qua cảnh báo CHDCND Triều Tiên sẽ đối mặt với sự đáp trả cho vụ tấn công mạng của Sony Pictures xung quanh việc hãng này sản xuất một bộ phim hài khiến Bình Nhưỡng nổi giận, theo AFP. Trước đó, FBI và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã tố cáo đích danh Triều Tiên đứng sau vụ tấn công.
Bộ phim mang tên The Interview (tạm dịch: Cuộc phỏng vấn) có nội dung Cục Tình báo trung ương Mỹ lên kế hoạch ám sát lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ông Obama còn cho rằng Sony đã “sai lầm” khi hủy công chiếu The Interview. Đáp lại, Sony bảo vệ quyết định của mình, lập luận rằng một nhóm tin tặc nặc danh đã đe dọa tấn công các rạp chiếu phim The Interview, nên hệ thống các rạp không dám mạo hiểm.
Washington đang tham vấn các nước Hàn Quốc, Nhật, Nga và Trung Quốc nhằm tìm kiếm sự hỗ trợ của họ trong việc kiềm chế Triều Tiên. Nhật cũng lên án vụ tấn công mạng nói trên nhưng khẳng định vụ này không tác động trực tiếp tới cuộc đàm phán giữa Tokyo và Bình Nhưỡng về số phận của những công dân Nhật bị bắt cóc sang Triều Tiên cách đây vài thập niên, theo Reuters. Bình Nhưỡng vốn phủ nhận có liên quan đến vụ tấn công mạng nhưng ca ngợi đó là “hành động chính đáng”.