Hiệp ước thương mại về vũ khí toàn cầu của Liên Hiệp Quốc chính thức có hiệu lực vào hôm nay 24.12. Nhưng Mỹ, Nga, Trung Quốc, 3 nước buôn bán vũ khí lớn không tham gia vào thỏa thuận này, theo Reuters.
Tổng Thư kí Liên Hiệp Quốc, ông Ban Ki-moon - Ảnh: AFP
Tổng Thư kí Liên Hiệp Quốc, ông Ban Ki-moon phát biểu vào thứ Ba 23.12, từ bây giờ các nước tham gia Hiệp ước có đầy đủ cơ sở pháp lý để thi hành các giao dịch vũ khí và đạn dược xuyên quốc tế, theo thông tin từ trang web chính thức của Liên Hiệp Quốc.
Đồng thời, ông Ban Ki-moon kêu gọi tất cả các nước chưa tham gia, đặc biệt là những quốc gia sản xuất và nhập khẩu vũ khí lớn, hãy nhanh chóng gia nhập vào công ước buôn bán vũ khí chung của thế giới.
Bà Anna Macdonald, Giám đốc liên minh Kiểm soát Vũ khí phát biểu, các nước tham gia Hiệp ước sẽ cùng nhau mở ra một kỉ nguyên mới. Nếu thực hiện hiệu quả, Hiệp ước sẽ giúp giảm thiểu thương vong và bảo vệ những người dễ bị tấn công trên toàn thế giới.
Nội dung của Hiệp ước nhằm thiết lập các tiêu chuẩn chung cho việc thông thương vũ khí, từ giao dịch các loại súng đến máy bay chiến đấu, yêu cầu các quốc gia phải rà soát lại tất cả các hợp đồng giao thương vũ khí, tránh để vũ khí sát thương rơi vào tay những phiến quân nổi dậy, các tổ chức tội ác, nhóm bạo động...
Một người lính đang bỏ vũ khí tại kho tiêu hủy - Ảnh: Reuters
Bên cạnh đó, Hiệp ước sẽ ngăn chặn các tổ chức buôn bán vũ khí cung cấp vũ khí cho những nơi như Syria, Nam Sudan cũng như các điểm nóng bạo lực ở Trung Đông và châu Phi.
Mỹ, nước xuất khẩu vũ khí lớn nhất thế giới đã kí nhận tham gia Hiệp ước vào tháng 9.2013 nhưng không được Thượng viện thông qua. Trong đó, Hiệp hội súng trường quốc gia, tổ chức về súng lớn nhất ở Mỹ đã phản đối quyết liệt Hiệp ước này.
Hiệp ước có 130 nước ký nhận tham gia, trong đó 60 nước đã thông qua. Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Pakistan, những nước sản xuất vũ khí lớn không tham gia, trong khi các nước xuất khẩu vũ khí hàng đầu như Anh, Pháp, Đức đã xác nhận thông qua thỏa thuận chung.
Theo: Huỳnh Mai - TNO