Cuộc đấu tranh đòi dân chủ của giới trẻ Hồng Kông trở nên quyết liệt khi những người đứng đầu tuyên bố không dừng lại ở biểu tình ôn hòa nếu đặc khu trưởng không từ chức, tường thuật của Thanh Niên Online từ Hồng Kông.
Nam Á - Mắt xích quan trọng trong "Giấc mơ Trung Hoa"
- Cập nhật : 01/10/2014
Trong chuyến công du bốn quốc gia Nam Á cách đây hơn một tuần, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã khẳng định Nam Á là tiểu lục địa có tiềm năng rất lớn, có thể trở thành cực tăng trưởng mới của kinh tế châu Á nói riêng và kinh tế thế giới nói chung.
Thủ tướng Narendra Modi (phải) đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến thăm tới Ấn Độ tại Ahmedabad. Ảnh: THX-TTXVN
Một Nam Á hoà bình, ổn định, phát triển, phồn thịnh phù hợp với lợi ích của các nước và nhân dân trong khu vực cũng như của Trung Quốc.
Giới phân tích cho rằng mục đích của chuyến công du Nam Á lần này của Chủ tịch Tập Cận Bình là nhằm tăng cường quan hệ với các nước trong khu vực và tìm kiếm sự ủng hộ của các nước này đối với dự án “Con đường tơ lụa trên biển" thời hiện đại nối Trung Quốc với nhiều nước.
Con đường tơ lụa
Khởi đầu chuyến công du Nam Á, Chủ tịch Tập Cận Bình đã tới thủ đô Dushanbe để tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) và thăm cấp nhà nước tại Tajikistan trong các ngày 11-12/9.
Sau đó, ông Tập Cận Bình đã đến Male ngày 14/9, đánh dấu chuyến thăm Maldives cấp nhà nước đầu tiên của một nhà lãnh đạo Trung Quốc kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao cách đây 42 năm.
Trong 42 năm qua, quan hệ hợp tác Trung Quốc - Maldives chủ yếu tập trung vào lĩnh vực thương mại và du lịch. Ngành "công nghiệp không khói" hiện chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế của quốc đảo tại Ấn Độ Dương này. Khoảng 1 triệu lượt du khách tới Maldives hàng năm, trong đó khách Trung Quốc chiếm 30%.
Rời Maldives, ông Tập Cận Bình đã tới Sri Lanka vào ngày 16/9 và trở thành nhà lãnh đạo Trung Quốc đầu tiên thăm Sri Lanka từ 28 năm nay. Tại đó, ông Tập Cận Bình đã cùng với Tổng thống Sri Lanka Mahinda Rajapaksa chứng kiến lễ ký 27 thỏa thuận hợp tác trên nhiều lĩnh vực như xây dựng và phát triển cảng biển, phát triển các công viên kỹ nghệ ven biển, kinh tế biển và an ninh hàng hải.
Sri Lanka hiện đang thu hút sự chú ý của các nền kinh tế hàng đầu châu Á do nước này nằm dọc các tuyến hàng hải tất bật nhất thế giới. Trung Quốc đang đầu tư vào cảng Hambantota thuộc miền Nam nước này.
Ấn Độ là chặng dừng chân cuối cùng và cũng là quan trọng nhất trong chuyến công du Nam Á của ông Tập Cận Bình. Nhật báo Hindu Daily dẫn lời Chủ tịch Trung Quốc nói: "Mối quan hệ Trung - Ấn đã trở thành một trong những quan hệ song phương năng động và hứa hẹn nhất của thế kỷ 21".
Theo số liệu thống kê, Ấn Độ hiện là đối tác thương mại lớn của Trung Quốc với kim ngạch thương mại song phương đạt 70 tỷ USD năm 2013 và hai nước đặt mục tiêu nâng con số này lên 100 tỷ USD vào năm 2015.
Mắt xích quan trọng
Về vị trí địa lý, Nam Á nằm ở phía Nam lục địa châu Á, thường được gọi là “bán đảo Nam Á” hoặc “tiểu lục địa”. Khu vực này gồm 8 quốc gia thuộc Hiệp hội Nam Á vì sự hợp tác khu vực (SAARC) gồm Afghanistan, Pakistan, Buhtan, Maldives, Ấn Độ, Bangladesh, Sri Lanka và Nepal.
Với diện tích khoảng 4 triệu km2 (tương đương khoảng 10% diện tích châu Á) và dân số hơn 1,5 tỷ người, tiểu lục địa này có vị trí quan trọng không chỉ về mặt địa chiến lược mà còn cả về mặt kinh tế.
Sự đa dạng về quy mô và trình độ phát triển kinh tế giữa các nước là một trong những đặc điểm dễ nhận thấy của khu vực này. Ấn Độ - nền kinh tế lớn nhất Nam Á – hiện chiếm đến 79% GDP của khu vực. Tiếp theo là Pakistan (chiếm 11%) và Bangladesh (chiếm 6%).
Năm nước còn lại chỉ chiếm 4% GDP của toàn khu vực. Trong thời gian qua, Ấn Độ và Sri Lanka đã nhanh chóng thích nghi và tận dụng những lợi ích của quá trình toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế để phát triển với tốc độ cao và liên tục.
Mặc dù các nước Nam Á vẫn chủ yếu là các nước nông nghiệp, có tỷ lệ nghèo cao, tình hình chưa ổn định nhưng Nam Á vẫn được đánh giá là khu vực có tiềm năng hợp tác kinh tế, thương mại rất lớn và đa dạng. Sức mua ở nhiều nước trong khu vực đang gia tăng nhờ tăng trưởng kinh tế cao và tầng lớp trung lưu ngày một đông. Chỉ tính riêng tại Ấn Độ, số lượng người thuộc tầng lớp trung lưu lên tới khoảng 300 triệu.
Tổng thống Maldives Abdulla Yameen (phải) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Male. Ảnh: AFP-TTXVN
Bên cạnh đó, động lực tăng trưởng của một số nước chủ chốt trong khu vực, nhất là Ấn Độ, đã chuyển dần từ dựa vào xuất khẩu sang dựa nhiều hơn vào sự tăng trưởng của đầu tư và tiêu dùng nội địa. Điều đó đã giúp cho các nước này hạn chế tác động tiêu cực của những biến động kinh tế ở bên ngoài.
Hiện tại, nhu cầu nhập khẩu hàng hóa của các nước Nam Á là khá lớn, trong đó kim ngạch nhập khẩu của Ấn Độ và Pakistan trong tài khóa 2012-2013 lần lượt là 490 tỷ USD và 39,8 tỷ USD. Các mặt hàng nhập khẩu của các nước khu vực cũng khá đa dạng, phong phú từ xăng, dầu, thiết bị máy móc tới các các mặt hàng nông nghiệp bông, sợi; cao su, nguyên, phụ liệu dệt may…
Trong số các nền kinh tế ở Nam Á, Ấn Độ đang nổi lên như một đối thủ lớn đối với Trung Quốc. Nền kinh tế lớn thứ 7 thế giới này đang phát đi những tín hiệu khả quan sau ba năm tăng trưởng kém và lạm phát ở mức cao.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đang nỗ lực nghiên cứu các chính sách để đưa Ấn Độ theo đúng con đường thành công của Trung Quốc là dựa vào xuất khẩu và đầu tư.
Về phần mình, hiện nay, Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sau Mỹ, với GDP trên 9.000 tỷ USD năm 2013. Nhiều nhà kinh tế dự báo Trung Quốc có thể vượt qua Mỹ để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2024.
Giới phân tích cho rằng tiềm năng hợp tác giữa Trung Quốc và các nước Nam Á, nhất là Ấn Độ, là rất lớn. Sự kết hợp giữa Trung Quốc - công xưởng của thế giới - và Ấn Độ - văn phòng của thế giới – sẽ tạo ra cú hích mạnh mẽ đối với tăng trưởng kinh tế của thế giới trong bối cảnh các đầu tàu kinh tế truyền thống như Mỹ, Nhật Bản và Liên minh châu Âu (EU) chưa thực sự hồi sinh.
Như vậy, có thể nói Nam Á chính là một mắt xích quan trọng trong “giấc mơ Trung Hoa”.
Cụm từ "Giấc mơ Trung Hoa" được ông Tập Cận Bình dùng khi trở thành Tổng Bí thư vào tháng 11/2012 và trong diễn văn đầu tiên trên cương vị Chủ tịch nước vào tháng 3/2013.
Ngày 19/8/2013, ông Tập Cận Bình tuyên bố: “Việc hiện thực hóa Giấc mơ Trung Hoa về sự phục hưng dân tộc vĩ đại có nghĩa là Trung Quốc trở thành một đất nước thịnh vượng, một quốc gia được tiếp sức sống mới và có nhân dân hạnh phúc”.
Theo các học giả, các cơ quan nghiên cứu của Trung Quốc, "Giấc mơ Trung Hoa" gắn với việc đạt được hai mục tiêu 100 năm (Song Bách).
Mục tiêu 100 năm thứ nhất là trở thành xã hội khá giả toàn diện vào năm 2021, tức là đúng dịp 100 năm kỷ niệm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Mục tiêu 100 năm thứ hai là hiện đại hóa Trung Quốc, phấn đấu đến năm 2049, đúng 100 năm ngày thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, tức Trung Quốc, sẽ trở thành nước phát triển toàn diện và đầy đủ.
Theo Anh Quân//Tin tức//dân trí