Cùng với nhiều kế hoạch tái cấu trúc quân đội, Trung Quốc đang trong quá trình xây dựng đội bay khoảng 100 máy bay cỡ lớn có thể chuyên chở quân đi khắp thế giới.
Tàu quân sự Project 052D đang trong quá trình thử nghiệm của Trung Quốc - Ảnh: Reuters
Đó là thông tin của chuyên gia Trung Quốc học Vasily Kashin thuộc Trung tâm phân tích chiến lược và công nghệ tại Matxcơva (Nga) mới đưa ra trong một bài phân tích trên website của Hội đồng Nga.
Theo đó, kế hoạch hình thành đội bay quy mô lớn của Quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) dự kiến sẽ hoàn tất vào năm 2020.
Cũng theo đánh giá của chuyên gia Kashin, trình độ công nghệ quân sự của Trung Quốc đã đạt tới một cấp độ mới. Cụ thể, hiện tại PLA là một lực lượng đã được hiện đại hóa, có khả năng tiến hành một cuộc chiến tranh với công nghệ hiện đại.
Ông Kashin viết trong báo cáo: “Trái với giai đoạn những năm 1990 và 2000, Bắc Kinh chính thức thừa nhận trình độ công nghệ (quốc phòng) của nước này thụt lùi so với các nước công nghiệp hóa. Nhưng vào năm 2009, điều này đã thay đổi. Lĩnh vực quốc phòng của Trung Quốc đã vươn lên sát kịp với các nhà sản xuất vũ khí và khí tài hàng đầu tại hầu hết các khu vực, bỏ qua 1-2 giai đoạn phát triển của công nghệ quốc phòng”.
Dự án 100 chiếc máy bay chuyên chở cỡ lớn nằm trong một loạt các chương trình tái cấu trúc quân đội Trung Quốc để trở thành lực lượng quân sự hiện đại. Nhằm thu hút được nhiều hơn lực lượng quân nhân nhập ngũ có trình độ học vấn cao, PLA đã có nhiều chính sách ưu đãi hấp dẫn như chế độ bảo hiểm tốt hơn và lương tháng cao hơn. Từ 2006 tới 2011, mức lương đã gần như gấp đôi, khoảng 840 USD/tháng.
Việc huấn luyện chiến đấu hiện tại của quân đội Trung Quốc cũng chủ yếu tập trung vào việc phối hợp, tương tác giữa vũ khí và các hệ thống điều khiển bằng máy tính. Trọng tâm của hoạt động này là các loại vũ khí chính xác như pháo 122mm, pháo tầm xa có dẫn đường 155mm. Các phi công của lực lượng không quân cũng tăng thêm trung bình 200 giờ huấn luyện mỗi năm và tập trung nâng cao khả năng tấn công chính xác mà không cần trợ giúp của mặt đất.
Mặc dù hiện tại, lực lượng nòng cốt của PLA vẫn là bộ binh (chiếm 1,6 triệu quân trong tổng số 2,29 triệu quân nhân của PLA) nhưng trong nhiều thập kỷ gần đây, sức mạnh cũng như tầm ảnh hưởng của lực lượng này đang giảm dần. Hầu hết các khoản đầu tư ngân sách quốc phòng của Trung Quốc bắt đầu nghiêng nhiều hơn về phía hải quân và không quân vì tính linh hoạt và cơ động ngày càng tăng của hai lực lượng này.
Trong kế hoạch tái cấu trúc quân đội, Trung Quốc cũng hướng tới việc trở thành một nhà cung cấp vũ khí cỡ lớn khi bắt đầu hợp tác công nghệ với các nước như Pakistan (trên 50%). Các loại vũ khí và hệ thống tấn công như pháo 155mm PLZ-45 của Trung Quốc sản xuất đã có thể thâm nhập các thị trường cạnh tranh như Kuwait, Ả rậpSaudi, Algeria và một số quốc gia Trung Đông khác. Ngoài ra, các chương trình phát triển vũ khí diệt vệ tinh của Trung Quốc cũng đã có thể sánh với những quốc gia hàng đầu thế giới ở lĩnh vực này.
Sau Mỹ, Trung Quốc là nước thứ 2 trên thế giới chế tạo loại tàu chiến có trang bị hệ thống vũ khí đa năng. Tàu quân sự Project 052D hiện đang trong giai đoạn thử nghiệm trên biển có thể bắn các loại vũ khí có chỉ dẫn mục tiêu như tên lửa chống máy bay, tên lửa chống tàu, tên lửa chống tàu ngầm và tên lửa tấn công các mục tiêu trên bộ.
Kết hợp chiến tranh công nghệ cao
Trên mặt trận tình báo, Trung Quốc đang kết hợp phương thức chiến tranh điện tử truyền thống với phương thức chiến tranh bằng công nghệ cao. Các nhà lãnh đạo quân sự Trung Quốc rất quan tâm tới mặt trận công nghệ thông tin, đặc biệt từ sau khi Mỹ và các lực lượng đồng minh ngày càng trở nên phụ thuộc hơn vào các mạng lưới thông tin của họ. Theo đó, 4 mục tiêu Trung Quốc hướng tới trong cuộc “chiến tranh trên mạng” hiện nay là: tăng cường đội ngũ, nâng cao trình độ công nghệ, xây dựng thêm các trung tâm công nghệ thông tin và đào tạo thêm các chuyên gia am hiểu về chiến tranh thông tin.