Cơ quan CA vừa thông báo kết quả xử lý vụ việc đưa tin sai sự thật về cuộc thi Hoa hậu các dân tộc Việt Nam lần thứ 3 năm 2013. Đây là lần đầu tiên, những người tung tin sai lệch về cuộc thi hoa hậu bị xử phạt hành chính.
Cuộc thi Hoa hậu các dân tộc Việt Nam lần thứ 3 năm 2013 diễn ra tại TP Hội An, tỉnh Quảng Nam từ ngày 15-3-2013 đến ngày 21-6-2013 đã thành công, là hoạt động văn hóa có ý nghĩa quan trọng, nhằm tôn vinh trí tuệ, tài năng và vẻ đẹp của thiếu nữ các dân tộc Việt Nam; thắt chặt tình đoàn kết, gắn bó của 54 dân tộc anh em; bảo tồn và phát huy di sản văn hóa truyền thống; góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam đến du khách, bạn bè quốc tế.
Đêm chung kết cuộc thi Hoa hậu các dân tộc Việt Nam 2013 khép lại với sự đăng quang của người đẹp Nguyễn Thị Ngọc Anh. Chưa kịp hưởng trọn vẹn cảm xúc, tân Hoa hậu đã bị dính nghi án tình tiền, một số thí sinh cũng tố cuộc thi không minh bạch, có sự mua bán giải thưởng…
BTC cuộc thi “Nữ hoàng sắc đẹp” năm 2014 bị xử phạt 50 triệu đồng. Ảnh: TL
Trước những thông tin gây bức xúc dư luận, cơ quan chức năng tiến hành điều tra, xác minh sai phạm của các tổ chức, cá nhân liên quan.
Qua xác định, hành vi của các đối tượng đã vi phạm Luật Báo chí và có dấu hiệu tội phạm (Điều 258, Bộ luật Hình sự). Tuy nhiên sự việc xảy ra đến nay đã hơn 1 năm, mức độ hậu quả và ảnh hưởng không còn như trước, bản thân các đối tượng đã thành khẩn khai báo, kiểm điểm. Do đó, xét thấy chưa đến mức truy tố về hình sự, nhưng cần phải xử lý về mặt hành chính để tạo sự răn đe, giáo dục.
BTC cuộc thi Hoa hậu các dân tộc Việt Nam nhiều lần bị thí sinh “tố”. Ảnh: TL
Đối với các cá nhân Trần Anh K, thí sinh Trương Thị Kiều D, Phạm Thanh T, Thoòng Coọc D, Nguyễn Thị Ngọc H có hành vi cung cấp thông tin không khách quan, chưa được kiểm chứng cho PV báo chí, bị xử phạt theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Liên quan đến chuyện các người đẹp “tố” BTC các cuộc thi nhan sắc mới thấy, hầu như cuộc thi nào, ở quy mô lớn nhỏ khác nhau cũng có liên quan đến “tố”, đến “lùm xùm”. Mà điển hình nhất là ở các cuộc thi có tính chất chuyên nghiệp và độ dày “lịch sử” chưa nhiều.
Gây nhiều tranh cãi nhất là cuộc thi Hoa hậu các dân tộc Việt Nam với vụ việc trả lại vương miện của Hoa hậu năm 2011 Triệu Thị Hà. Trong lá đơn xin trả lại danh hiệu được Triệu Thị Hà viết gửi đơn vị tổ chức và các cơ quan chức năng, cựu “Hoa hậu các dân tộc Việt Nam 2011” cho biết, cô từ bỏ ngôi vị cao quý này là vì lý do sức khỏe. Tuy nhiên sau đó, người đẹp Cao Bằng còn tiết lộ nhiều thông tin bên ngoài lá đơn rằng cô thật lòng không muốn trả lại danh hiệu này mà do chịu quá nhiều sức ép từ BTC cuộc thi, trong đó có việc cô nhiều lần bị gọi đi tiếp khách vào lúc đêm khuya. Ngược lại, BTC phủ nhận hoàn toàn những gì Triệu Thị Hà tố cáo. Bà Đoàn Thị Kim Hồng, Trưởng BTC cuộc thi tỏ ra rất bất ngờ và bức xúc và yêu cầu Triệu Thị Hà đối chất làm rõ, nếu không đưa ra được bằng chứng thì người đẹp này có thể sẽ bị khởi kiện vì đã gây ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của người khác. Dù vụ việc năm 2013 được xác định là tin vu khống nhưng rõ ràng, danh tiếng BTC cuộc thi Hoa hậu các dân tộc Việt Nam cũng bị ảnh hưởng không hề nhỏ.
Gần đây nhất là trường hợp của cuộc thi “Nữ hoàng sắc đẹp” khi thí sinh vứt luôn giải thưởng vào xe rác. Tháng 7-2014, đêm chung kết cuộc thi "Nữ hoàng sắc đẹp" với sự đăng quang của người đẹp Trần Thị Yến Hoa. Tuy nhiên, vì không phải là một cuộc thi cấp quốc gia nên dư luận hầu như không mấy để ý cho đến khi có một thí sinh vứt giải thưởng vào xe rác và lên facebook chỉ trích BTC cuộc thi. Thí sinh Trần Ngọc Bích - người đoạt danh hiệu "Người đẹp hình thể" chụp hình lại dải băng của mình đoạt được đang nằm trên một xe rác kèm status: "Cái giải này em đâu cần BTC công nhận thì em mới là người đẹp hình thể đâu. Bố mẹ em sinh ra em đẹp sẵn như thế rồi. Em cảm thấy chương trình cấp ao làng quá! Ban tổ chức làm ăn không uy tín và thể hiện rõ sự không chuyên nghiệp”.
Theo ông Lê Minh Tuấn, Phó trưởng phòng Quản lý biểu diễn và băng đĩa, Cục NTBD, đây là lần đầu tiên có một cuộc thi sắc đẹp tổ chức mà không được sự cấp phép của cơ quan có thẩm quyền. Ngay sau đó, Thanh tra Sở VH-TT&DL Hà Nội đã quyết định xử phạt BTC cuộc thi 50 triệu đồng.
Ngay cả cuộc thi có uy tín như Hoa hậu Việt Nam, BTC cũng không tránh khỏi việc bị “tố”. Nhiều thông tin cho rằng BTC Hoa hậu Việt Nam 2014 ưu ái thí sinh Phạm Mỹ Linh khi người đẹp này có dấu hiệu phẫu thuật thẩm mỹ nhưng vẫn lọt top 40 thí sinh chung kết. Ông Lê Xuân Sơn, Trưởng BTC khẳng định, không có trường hợp thí sinh đã qua phẫu thuật thẩm mỹ vẫn được tham gia đêm chung kết Hoa hậu Việt Nam 2014. Nhưng ngay sau đó, thí sinh Phạm Mỹ Linh đã rời cuộc thi với lý do không chịu được áp lực.
Không phải ngẫu nhiên mà những lùm xùm giữa thí sinh và BTC các cuộc thi người đẹp phát sinh. Dù là những lời tố cáo là thật hay bịa đặt cũng đủ để thấy: Cả BTC và thí sinh tham dự các cuộc thi sắc đẹp hiện nay đều chưa chuyên nghiệp.
Trong nước hiện đang có tình trạng “loạn” thi sắc đẹp, các danh hiệu người đẹp. Sự thiếu chuyên nghiệp của các cuộc thi sẽ tạo ra những danh hiệu ảo và những gương mặt nhàn nhạt với hi vọng đổi đời từ danh hiệu, mà thực sự không có đóng góp gì cho cộng đồng hay chỉ trong lĩnh vực văn hóa, giải trí. Những sân chơi sắc đẹp tuy tạo cơ hội cho nhiều bạn nữ khẳng định nhan sắc, tri thức cá nhân, nhưng việc xuất hiện “tràn lan” các cuộc thi khiến người xem choáng ngợp. Sự quan tâm của người xem đối với những cuộc thi sắc đẹp cũng nhạt dần, bởi chúng diễn ra quá thường xuyên.
Năm 2015, Phó Cục trưởng Cục NTBD Phạm Đình Thắng cho biết, sẽ xem xét và giảm thiểu đối đa các cuộc thi Hoa hậu trong nước, do có ý kiến nhiều sân chơi sắc đẹp đang “tràn lan” hiện nay.
Ông Phạm Đình Thắng, Phó Cục trưởng Cục NTBD, Bộ VH-TT&DL cho hay, Cục đang lấy ý kiến để tiến hành sửa đổi Nghị định 79 về nghệ thuật biểu diễn, trình diễn thời trang, thi người đẹp, người mẫu… trong đó có việc xem xét giảm bớt số lượng các cuộc thi hoa hậu trong năm.
Vì vậy, khi tiến hành sửa đổi Nghị định 79, Cục NTBD sẽ xem xét việc giảm bớt các cuộc thi hoa hậu trong 1 năm. Bên cạnh đó sẽ quy định cụ thể về quyền hạn của cơ quan quản lý Nhà nước trong việc cấp phép, rút giấy phép trong các cuộc thi, tránh gây ra tranh cãi.
Có lẽ, siết chặt các cuộc thi cũng là một giải pháp để cho các cuộc thi người đẹp bớt “loạn” và công chúng sẽ không phải ngán ngẩm về chuyện hậu trường của các cuộc thi thiếu chuyên nghiệp.
Theo: Nam Dương - PLXH