Bình Ba là đảo du lịch nổi tiếng ở Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa nhưng hiện đảo này đang đối mặt tình trạng thiếu nước ngọt phục vụ cho nhu cầu của du khách và người dân địa phương.
Một góc đảo Bình Ba nhìn từ biển.
Theo phản ánh của người dân, tình trạng thiếu nước ngọt trên đảo đã diễn ra từ lâu nhưng vài năm trở lại đây trở nên trầm trọng hơn. Hiện nguồn nước người dân trên đảo đang sử dụng là nước giếng khoan, nhưng bị phèn lớ, mặn chát nên chỉ dùng để tắm, giặt. Tại thôn Bình Ba Đông, người dân hầu như không thể dùng nước giếng vì độ nhiễm mặn chẳng khác gì nước biển.
Vào các tháng mùa nắng, nguồn nước ngọt trên đảo rất eo hẹp, bức bí. Để đảm bảo đủ nước sinh hoạt, người dân đã sắm hàng loạt phuy nhựa thể tích lớn để hứng “nước trời”. Ông Bùi Văn Tuấn (48 tuổi, thôn Bình Ba Đông), cho biết cách đây vài năm, người dân được hỗ trợ cho vay ưu đãi để xây bể chứa nước ngọt. Tuy nhiên, giải pháp này chỉ là tình tế, hiện giờ do nhu cầu tăng cao nên các bể chứa nước không đáp ứng được nhu cầu của người dân. “Mỗi ngày, gia đình tôi dùng 1 đôi nước 40 lít để ăn, uống nhưng vẫn không đủ. Mọi sinh hoạt khác phải dùng nước giếng nhưng nước biển mặn 10 thì nước giếng mặn 8”, ông Tuấn nói.
Bình Ba là một trong 2 đảo thuộc xã Cam Bình (TP Cam Ranh) có hơn 90% hộ dân sống bằng nghề đánh bắt, chế biến và nuôi trồng thủy sản. Vài năm trở lại đây, các ngành nghề chế biến thủy sản phát triển mạnh đã tiêu thụ một nguồn nước ngọt rất lớn. Mặt khác, dân số trên đảo không ngừng tăng cộng với việc du khách đến đảo tham quan đông đúc khiến nhu cầu nước ngọt tăng theo.
Người dân sống trên đảo Bình Ba đang đối mặt với tình trạng thiếu nước ngọt.
Vào các ngày cuối tuần, ngày lễ, đảo Bình Ba thiếu nước ngọt do phải đáp ứng nhu cầu sử dụng của du khách. Mọi du khách khi đến Bình Ba và thuê phòng nghỉ lại đều buộc phải sử dụng nước giếng nhiễm mặn cho các sinh hoạt cá nhân. Nước ngọt chỉ được cấp cho du khách 1 đến 2 xô (khoảng 10 lít) để sử dụng cho những việc thực sự cần thiết. Chúng tôi thuê một phòng nghỉ tại Bình Ba 2 ngày để ở lại tác nghiệp nhưng cảm thấy rất bức bối thì thiếu nước ngọt. Sau khi nhận phòng, chủ nhà dặn trước là phải xài nước tiết kiệm vì đảo đang thiếu nước. Chỉ đến khi tắm, chủ nhà mới “cấp” cho một xô nước ngọt để dội lại cho khỏi ngứa.
Theo người dân, không ít lần các đoàn chức năng đã về khảo sát, tìm phương án cải thiện nguồn nước trên đảo nhưng hiện chưa có chuyển biến gì đáng kể. “Chúng tôi chẳng mong gì to tát, chỉ mong có nước ngọt để dùng, phục vụ các hoạt động chế biến thủy sản, nhu cầu của du khách”, một người dân kiến nghị.
Trao đổi với PV Dân trí, ông Trần Văn Hóa, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Cam Bình, cho biết việc người dân phản ánh thiếu nước ngọt phục vụ sinh hoạt và các hoạt động du lịch dịch vụ, chế biến thủy sản là có thật. Hiện nguồn nước trên đảo vẫn đáp ứng đủ cho nhu cầu sinh hoạt, tắm giặt của người dân. Tuy nhiên, ông Hóa dự báo vào năm tới, đảo Bình Ba sẽ thiếu nước nghiêm trọng do lượng khách du lịch “đổ” về đây tham quan, nghỉ mát.
Bình Ba nhìn từ trên đỉnh núi.
Bình Ba là đảo du lịch nằm cách đất liền khoảng 7 hải lý về phía Đông, án ngữ trước quân cảng Cam Ranh. Bình Ba là một trong những nơi đón bình minh sớm của cả nước và có nhiều bãi biển nước trong veo, cát trắng hoang sơ. Để ra đảo, du khách phải đi đò hoặc ca nô siêu tốc. Xã Cam Bình có 2 đảo là Bình Ba và Bình Hưng cách nhau 3 hải lý với hơn 5.000 nhân khẩu.
Theo ông Hóa, hiện chương trình nước sạch cho đảo Bình Ba đã được các cấp trình trung ương nhưng hiện đang gặp một số vướng mắc nên chưa triển khai thực hiện. Phương án cấp nước cho Bình Ba trong tương lai là kéo đường ống từ Vùng 4 hải quân (nơi gần đảo) ra đảo. “Đến năm 2015, nguồn nước tại chỗ trên đảo sẽ không đáp ứng đủ nhu cầu của người dân và du khách. Khi đó, chỉ có cách là mua nước…”, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Cam Bình trăn trở.
Bình Ba, một hòn đảo du lịch mới nổi ở Nam Trung Bộ - trong tương lai khi có chương trình nước sạch, đảo này sẽ là điểm đến không thể thiếu trong hành trình của du khách. Không những vậy, khi có đủ nước ngọt, các hoạt động kinh doanh, chế biến thủy hải sản sẽ phát triển bền vững…