46% cơ sở y tế bị phát hiện vi phạm quy định về an toàn bức xạ trong việc sử dụng thiết bị X-quang. Số liệu trên được Thanh tra Bộ Khoa học – Công nghệ công bố ngày 5-12. Điều này đặt ra mối lo ngại về mức độ an toàn trong công tác khám chữa bệnh, đảm bảo sức khoẻ cho bệnh nhân khi mà nhiều trang thiết bị y tế chưa đáp ứng được quy định về kiểm định.
Theo báo cáo của Thanh tra Bộ Khoa học – Công nghệ, tổng số cơ sở được thanh tra trong năm 2014 là 2.779, trong đó số cơ sở sản xuất, kinh doanh, sử dụng phương tiện đo nhóm 2 dùng trong y tế (huyết áp kế, nhiệt kế, máy đo điện tim, máy đo điện não) là 1.286 và số cơ sở y tế sử dụng thiết bị X-quang là 1.493. Qua thanh tra, đã có 702 cơ sở (chiếm 25,3%) vi phạm bị xử phạt hành chính với tổng số tiền phạt trên 1,441 tỉ đồng. Trong đó, có 379 cơ sở vi phạm quy định về đo lường (chiếm 54%) và 323 cơ sở vi phạm quy định về an toàn bức xạ (chiếm 46%). Vi phạm trong đo lường chủ yếu là về kiểm định (chiếm 93%). Đối với các cơ sở y tế, các vi phạm chủ yếu là vi phạm quy định về kiểm soát liều chiếu xạ cá nhân (18,5%), vi phạm về giấy phép tiến hành công việc bức xạ (10%), vi phạm về kiểm định máy (10,1%), vi phạm về đánh giá an toàn phòng chụp (5%). Một số địa phương đã xử lí nghiêm khắc các hành vi vi phạm như TP Hồ Chí Minh (xử phạt 22 cơ sở với số tiền 146,5 triệu đồng), Kon Tum (xử phạt 11 cơ sở với 126 triệu), Quảng Nam (xử phạt 16 cơ sở với 85 triệu đồng)… Ngoài việc xử phạt bằng tiền, cơ quan thanh tra còn áp dụng nhiều hình thức xử phạt bổ sung như đình chỉ sử dụng nguồn phóng xạ, thiết bị bức xạ, tước quyền sử dụng giấy phép tiến hành công việc bức xạ có thời hạn.
Việc các trang thiết bị y tế không đảm bảo tiêu chuẩn kiểm định có thể dẫn đến những sai số trong chẩn đoán, khám chữa bệnh.
Ông Trần Minh Dũng, Chánh Thanh tra Bộ Khoa học – Công nghệ khẳng định, ở nhiều địa phương, các cơ sở y tế không thực hiện kiểm định trang thiết bị y tế theo quy định. Có nơi, tỉ lệ này lên tới 100% như Gia Lai, Phú Yên, Thanh Hoá… Khi kiểm tra 331 phương tiện đo huyết áp, điện tim, điện não thì có đến 327 phương tiện đo hết hiệu lực kiểm định. Tiến hành kiểm tra sai số đo lường đối với 49 huyết áp kế thì có đến 17 chiếc có sai số vượt mức cho phép (chiếm 34,7%). Như vậy, các dụng cụ bảo vệ sức khoẻ này không đủ điều kiện về đo lường vẫn đang được sử dụng để khám, chữa bệnh cho người dân. Ông Dũng cũng cho rằng, mức xử phạt hiện nay còn nhẹ (vi phạm đo lường đối với đồng hồ điện, đồng hồ nước lạnh chỉ bị phạt từ 200.000-400.000 đồng) nên nhiều cơ sở sẵn sàng vi phạm rồi nộp phạt vì tính theo lợi nhuận, doanh nghiệp vẫn có lãi.
Ông Lê Quang Hiệp, Phó Cục trưởng Cục An toàn bức xạ hạt nhân (Bộ Khoa học – Công nghệ) cho biết, vẫn có tình trạng các cơ sở y tế chưa có giấy phép tiến hành công việc bức xạ nhưng vẫn sử dụng các thiết bị X-quang. Trong năm 2013, Cục An toàn bức xạ hạt nhân đã thanh tra 12 cơ sở X-quang; 36 Sở KHCN đã tiến hành thanh tra 623 cơ sở X-quang y tế và 26 Sở KHCN tiến hành kiểm tra 398 cơ sở X-quang y tế. Trong đó, 15 Sở KHCN đã xử phạt vi phạm hành chính đối với 54 cơ sở với tổng số tiền 334 triệu đồng. Tuy nhiên, theo ông Hiệp, việc thanh tra, kiểm tra các cơ sở y tế vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu về tần suất do hạn chế về kinh phí. Cả nước có gần 3000 cơ sở y tế có sử dụng thiết bị X-quang, tuy nhiên số cơ sở bị thanh tra, kiểm tra chỉ chiếm tỉ lệ rất nhỏ.
Liên quan đến những vi phạm ở các cơ sở y tế, ông Dương Xuân An, Phó Chánh văn phòng Bộ Y tế cho biết, trang thiết bị y tế phục vụ đắc lực cho công tác chẩn đoán, điều trị bệnh, do đó đòi hỏi phải có độ chính xác cao. Tuy nhiên, hiện nay, một số phương tiện đo huyết áp kế, nhiệt kế chưa nằm trong danh mục Bộ Y tế quản lí. “Nếu không thuộc danh mục quản lí thì Bộ Y tế không cấp giấy phép. Nhiều trang thiết bị y tế cũng không phải là mặt hàng kinh doanh có điều kiện. Hơn thế, những trang thiết bị này thường có kết cấu tinh vi, trị giá rất lớn trong khi đó năng lực kiểm tra của cán bộ y tế, hải quan còn hạn chế”- ông An nói thêm. Ông Dũng thì cho rằng, ở nhiều nơi, trang thiết bị y tế được cấp phát và chưa được kiểm định ban đầu. Điều này cho thấy việc kiểm soát chất lượng của cơ quan chủ quản chưa chặt chẽ, dẫn đến tình trạng phân phối cho các đơn vị y tế trực thuộc những trang thiết bị chưa qua kiểm định, kiểm soát chất lượng.