Mua mì chính, hạt nêm của Trung Quốc, bà Hạt thuê người đóng gói giả nhãn hiệu Ajinomoto, Miwon, Knorr đưa về tiêu thụ ở các chợ quê Nam Định.
Lạm phát trung tâm thương mại
- Cập nhật : 26/09/2014
Những ngày qua, chuyện đập chợ xây siêu thị, trung tâm thương mại (TTTM) không hẹn mà gặp, cùng “nóng” cả ở Hà Nội và TP HCM.
Hà Nội thì choáng với đại quy hoạch... 999 siêu thị, TP HCM xôn xao chuyện đập chợ Tân Bình để xây một TTTM mới hoành tráng với tổng kinh phí hơn 4.800 tỉ đồng.
Ngoài 2 đô thị bậc nhất của cả nước, chuyện đập chợ xây siêu thị, TTTM cũng đang trở thành phong trào ở nhiều địa phương, kể cả các tỉnh nghèo. Cùng với đà lạm phát siêu thị, TTTM, chợ truyền thống đang rơi vào danh sách “đỏ”.
Trong hội nhập, không thể thiếu siêu thị và các TTTM. Vì vậy, việc quy hoạch hệ thống này cũng là tất yếu. Tuy nhiên, quy hoạch gắn liền với tính khả thi và nhu cầu thực tế vẫn là chuyện dài. Không thể quy hoạch theo kiểu “Dự kiến đến năm 2020, quy mô dân số thủ đô sẽ là 9,4 triệu người, thu nhập bình quân 7.500 USD/người nên tổng mức bán lẻ sẽ đạt khoảng 45,6 tỉ USD…” nên phải có khoảng... 999 siêu thị và 64 TTTM!
Không phải ngẫu nhiên mà các TTTM sau khi chuyển đổi từ chợ dân sinh hầu hết hoạt động kém hiệu quả, nhiều nơi để hoang, gây lãng phí. TP HCM vốn được xem là trung tâm kinh tế thương mại lớn nhất nước, hiện có 25 TTTM, 82 siêu thị và 240 chợ. Theo chương trình hành động phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020 vừa mới được UBND TP HCM phê duyệt, TP sẽ mở thêm 43 siêu thị và 92 TTTM. Chưa bằng một nửa của Hà Nội nhưng TP HCM đang có nhiều chợ, TTTM vắng bóng người. Ngay chợ Tân Bình hiện hữu chưa lên đời, vẫn còn một tầng lầu chưa được sử dụng!
Tình trạng các chợ sau khi chuyển đổi thành TTTM hoạt động kém hiệu quả, để hoang lãng phí đã nhiều lần được chất vấn tại các kỳ họp HĐND ở Hà Nội và TP HCM nhưng vẫn chưa được phân tích, mổ xẻ một cách toàn diện và thấu đáo. Siêu thị, TTTM vẫn cứ mọc lên, để rồi vài năm sau lại chuyển đổi công năng.
Đó là do quy hoạch siêu thị, TTTM nhưng lại bỏ qua chủ thể là tiểu thương, người tiêu dùng có nhu cầu mua hàng giá rẻ, thuận tiện. Kinh nghiệm ở Singapore từng được ông Lý Quang Diệu, khi còn làm Thủ tướng, chia sẻ là thấy nơi nào người dân đi lại nhiều nhất, thích đến nhất, tạo thành lối mòn thì nơi ấy nên xây chợ, làm đường.
Cùng với lịch sử dân tộc, chợ mang đậm dấu ấn văn hóa đặc sắc. Vậy, tại sao không quy hoạch lại chợ? Rất nhiều chợ có thể cải tạo, nâng cấp nhưng vẫn giữ được nét truyền thống. Lạm phát siêu thị, TTTM, e rằng sẽ đến lúc chợ chỉ còn trong tiềm thức!
Minh Hà - Theo: NLĐ