Trong tín ngưỡng Phật giáo, Dược sư Phật là một vị Bồ Tát có quyền năng cứu nạn tất cả các loại trọng bệnh. Ngài còn có các tên gọi khác: Dược sư Lưu Ly Quang Phật, Dược sư Như Lai, Đạ Y Vương Phật, Tiêu Tai Diên Thọ Dược sư Phật... Dù mang tên gọi nào, hình tượng của ngài đều được thể hiện với tay trái cầm bầu thuốc chữa bệnh, tay phải bắt ấn Thí nguyện. Đó là vị Phật được nhiều hệ phái Phật giáo thuộc khu vực châu Á thờ cúng, ngưỡng vọng để mong sức khỏe trường tồn.
Với tín đồ, Dược sư Phật là niềm tin cứu cánh khi gặp những chứng bệnh hiểm nghèo.
Lợi dụng niềm tin đó, một số kẻ xấu đã biến vị Bồ Tát này thành miếng mồi để "câu" tiền của những người nhẹ dạ, cả tin.
Những kiểu điều trị bệnh bá láp
Trần Văn Đông, có hỗn danh là Bảy "bò", 62 tuổi, cư ngụ ở khu phố 5, đường Thiên Hộ Dương, phường 1, quận Gò Vấp, TP HCM là một trong những người tự xưng Dược sư Phật.
Ông Nguyễn K.V, cựu chiến binh, cư ngụ ở khu phố 5, phường 1, quận Gò Vấp cười phì khi chúng tôi hỏi đến "Dược sư" Bảy "bò": “Là người không nghề nghiệp ổn định, trình độ văn hóa chỉ vừa đủ biết đọc biết viết, bỗng dưng ổng tự xưng là Dược sư Phật có khả năng điều trị tất cả các loại bệnh mà bác sĩ đã bó tay? Điều lạ là, tuy xưng là Dược Sư Phật nhưng ông không hề thuộc một câu kinh Dược sư nào.
Khi "trị" bệnh, ông chỉ biết lảm nhảm những câu vô nghĩa mà ông tự gọi là thần chú. Tuy nhiên, loại chú ngữ của ông không phải Phạn ngữ của các pháp sư ngoại giáo, cũng không phải chú ngữ của bất kỳ môn phái huyền thuật nào. Chỉ duy nhất mình ông hiểu. Chúng tôi đề nghị chính quyền địa phương phải xử lý triệt để vụ ông Bảy "bò" mượn uy danh Dược sư Phật lừa kẻ nhẹ dạ mới được".
Bảy "bò" đang "làm phép" trị bệnh. Ảnh: T. Trinh.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, Bảy "bò" còn kiêm thêm nghề xem bói trong khi "trị bệnh". Bất kỳ ai vào khám bệnh, ông ta đều dùng 1 tờ giấy pơ-luya mỏng soi lên ánh sáng, căn cứ vào những đường vân trên giấy để liên tưởng đến chân dung những oan hồn nào đó để hù dọa bệnh nhân? Bất kỳ chứng bệnh nào ông cũng đều quy tội cho những oan hồn. Và bệnh nào ông ta cũng "kê toa" bằng 4 miếng giấy được gọi là bùa, bảo đem về nhà đốt lấy tro hòa nước rồi uống. Ngoài ra, ông ta còn khoe có 1 con dấu có khắc một loại chữ cổ được tổ tiên 10 đời truyền lại. Bệnh nhân đau chỗ nào, ông ta dùng con dấu in mực chỗ đó.
Tuy mồm liên tục rằng chỉ làm từ thiện giúp đời, nhưng ai "cúng" dưới 100.000 đồng là ông ta phản ứng: "Thuốc thánh không có giá đó nghen".
Ít ai biết rằng, dù trị bệnh cho người khác bằng thuốc "thánh" nhưng mỗi khi cảm gió thời tiết, “Dược sư” Bảy “bò” đều mò đến tiệm thuốc tây HX trên đường Thiên Hộ Dương để mua thuốc uống.
Một cán bộ phường 1 cho biết: "Người dân ở đây không ai tin ổng. Hầu như tất cả những bệnh nhân tìm đến ổng đều là người ở địa phương khác. Ổng chẳng phải thánh thần gì đâu. Hằng ngày, ổng cho một số đệ tử của ổng đi khắp các chợ tung tin rằng, ổng là Phật Dược sư tái thế. Họ cứ truyền miệng là ổng trị hết bệnh nan y cho người này, người kia. Thế là người ta cứ lừa dối nhau thành dây chuyền. Ổng có trị được dứt bệnh cho ai đâu".
Tương tự như Bảy "bò", Nguyễn Thị Hậu ở số 36/15/3, Cù Lao, phường 2, quận Phú Nhuận, TP HCM cũng thuộc hàng cao thủ lừa đảo bằng hình thức "trục vong, trừ tà" bằng quyền năng của Dược sư Phật.
Trước kia, bà Hậu nghèo khó làm nghề cạo gió giác hơi dạo các chợ để kiếm sống qua ngày. Nhờ biết cách nói chuyện thu hút sự chú ý của người khác, bà được nhiều người mến. Lợi dụng sự yêu mến đó, bà bày thêm trò bói chỉ tay để kiếm tiền. Mấy chủ quầy tạp hóa lâu năm ở chợ Phú Nhuận đều khẳng định biết bà Năm Hậu mấy chục năm nay. Hồi năm 1985, bà còn nghèo túng lang thang cạo gió giác hơi ở chợ Phú Nhuận. Ở chợ, ai cũng biết bả bói xạo nhưng những lúc ế ẩm vẫn kêu bả bói để giải trí. Không ngờ độ xạo của bả ngày càng tăng lên.
Những người quen biết lâu năm của bà Hậu khẳng định, bà bắt đầu dùng chiêu trục vong trừ tà lừa đảo từ năm 1989 trong một chuyến các tiểu thương Phú Nhuận đi hành hương vùng Bảy Núi, An Giang. Khi đang dạo cảnh chùa trên núi, bất ngờ một cô gái trong đoàn bị trúng gió, ngã ra rồi co giật. Ngay lập tức, bà Hậu đè cô gái ra xoa dầu cạo gió. Không ngờ, chỉ sau ít phút, cô gái hồi tỉnh. Chỉ có vậy, khi kết thúc chuyến đi, những người trong đoàn hành hương kể thành chuyện "Cô gái đi hành hương bị ma nhập. Nhờ Mẹ độ trì mà bà Hậu xua được tà khí". Tin đồn ở chợ giống như virus máy tính nhanh chóng lan truyền theo cấp số nhân. Cuối tin đồn, bà hậu trở thành... "Thánh chuyên trị bệnh tà ma".
Những người mê tín, khi bị cảm mạo thường nghĩ mình bị tà ma nhập xác. Họ tìm đến bà Hậu. Với bất kỳ chứng bệnh nào, bà Hậu cũng dùng chiêu xoa dầu nóng, cạo gió ra giải quyết. Với những người bị bệnh tâm thần, bà bảo thân nhân khóa chặt tay chân rồi cù mạnh vào những nơi nhạy cảm trên thân thể như nách, bẹn, xương sườn để "hỏi cung". Khi hỏi cung, bà thường hỏi những câu gợi ý như: "Nhà ngươi có nhận mình là con quỷ ngàn năm tuổi không? Không nhận ta cù cho chết". Bị nhột và đau, lại bị bà Hậu "mớm cung", những người tâm thần này thường gật đầu hòng mau thoát nạn.
Với bệnh nào bà Hậu cũng dùng "chiêu" cạo gió và cù nhột để trị bệnh.
Để người khác tin vào sự lừa mị, bà Hậu thường vờ ngất ngây rồi xưng mình là hiện thân của Cậu Vũ hoặc Hoàng Vũ, con trai của... thượng đế, có tuổi đời hơn... 5.000 năm là hiện thân của Dược sư Phật!? Thỉnh thoảng, bà bắt bệnh nhân tâm thần đưa hai cánh tay song song ra phía trước. Bà kéo một cánh tay nạn nhân cho so le hai vai rồi bảo: "Ta đã kéo xương cánh tay người này dài ra thêm 1 gang". Dù chỉ là trò con nít thường chơi nhưng được một gã đệ tử cò mồi tên Dương Quang Vũ (SN 1966, quê Bắc Giang) bơm thổi thành chuyện phi thường khiến nhiều người ở địa phương khác tin rằng bà Hậu có phép thánh.
Cùng với chiêu đồn truyền miệng, Dương Quang Vũ còn thường xuyên quay clip, viết bài tán dương rồi tung lên mạng Youtube những cảnh bệnh nhân tâm thần bị bà Hậu "bức cung".
Xưng là "con ông trời xuống trần gian độ thế" nhưng mỗi ca chữa bệnh kiểu cù nhột "bức cung", bà Hậu giao cho Vũ buộc nạn nhân phải "cúng dường" ít nhất 500.000 đồng. Chuyên trị bệnh ma ám cho người khác nhưng đứa con gái hơn 30 tuổi của bà bị bệnh tâm thần mấy năm nay có biểu hiện ngày càng nặng thêm thì bà bó tay.
Mồm leo lẻo có phép thần thông, tàng hình nhưng khi cơ quan chức năng xuất hiện, bà Hậu không thể dùng phép tránh né. Bị phạt hành chính nhiều lần nhưng bà ta vẫn chứng nào tật ấy, hiện bà vẫn lén lút hành nghề trị bệnh kiểu bá láp.
Những kết cục oan uổng vì u mê
Mê tín dị đoan, không những khiến nạn nhân rơi vào cảnh tiền mất tật mang mà đôi khi dẫn đến những cái chết oan uổng.
Vì tin chuyện "thần thánh phục sinh" của mẹ và bà ngoại mà em Huỳnh Sơn Vỹ (SN 2000, cư ngụ phường 9, quận 5, TP HCM) đã bị mẹ và bà ngoại tổ chức cho người khác bóp cổ đến chết.
Em Vỹ có biểu hiện bị bệnh tâm thần thể nhẹ. Không hiểu bắt nguồn từ đâu mà mẹ em bà Huỳnh Lan Thảo (SN 1974) và bà ngoại là Ngô Thị Cang (SN 1948) tin rằng, em là hiện thân của "thần thánh phục sinh".
Từ cuối năm 2013, bà Thảo cùng mẹ thường xuyên mời một số người khác đến nhà mình để thực hiện một nghi thức cúng bái điên rồ, quái đản.
Vào lễ, mọi người dùng dây thừng quấn quanh cổ Vỹ lại rồi cử 4 người khỏe mạnh vừa khấn vái vừa nắm đầu dây siết từ từ cho đến khi Vỹ... chết ngất. Mọi người vẫn tiếp tục khấn vái cho đến khi Vỹ tỉnh lại. Khi Vỹ tỉnh lại, những lời nói của Vỹ trở thành "lời ơn trên dạy dỗ" có khả năng trị mọi chứng bệnh nan y và giải cứu mọi bất an trong cuộc sống.
Đêm giao thừa (18/2/2015), bà Thảo lại tổ chức buổi cúng tế quái đản ấy.
Như mọi lần, khi đến phần nghi thức "thần thánh phục sinh", 4 người khỏe mạnh gồm Nguyễn Thị Kim Loan (SN 1984), Nguyễn Thị Rỉ (SN 1974, cùng ngụ quận 8), Nguyễn Hoàng Anh (SN 1973, ngụ quận 3) và Lê Hồng Sơn (SN 1960, ngụ quận 2) được phân công siết dây quấn cổ Vỹ. Khi Vỹ ngất, ngã vật xuống nền nhà, mọi người vẫn tiếp tục khấn vái. Chờ mãi, "thần thánh" vẫn không chịu "phục sinh", mọi người kiểm tra thì thấy Vỹ đã ngưng thở, ngưng tim. Dù vậy, mẹ và ngoại của Vỹ vẫn ngăn cản những người tìm cách cấp cứu.
Đến sáng hôm sau, mẹ và ngoại của Vỹ mới chịu tin là Vỹ đã chết. Cả hai đến UBND phường 9, quận 5 trình báo là em Vỹ bị té ngã trong phòng vệ sinh, chấn thương và tử vong, để làm giấy chứng tử.
Nhận thấy có dấu hiệu lạ, cơ quan chức năng tổ chức khám nghiệm tử thi và phát hiện Vỹ chết do siết cổ đến chết!
Cũng vì mê tín mà bà Vân, SN 1989, chủ một quán cháo ở khu phố 4, thị trấn Trà Ôn, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long bị cướp chuốc thuốc mê suýt chết.
Ngày 22/2/2015, có người phụ nữ lạ mặt, trạc 40 tuổi, ghé vào gọi cháo ăn. Trong lúc ăn, người phụ nữ tìm cách gợi chuyện làm quen với bà Vân. Câu chuyện cứ xoay quanh chủ đề tín ngưỡng tôn giáo. Vốn là người ngưỡng vọng Phật, bà Vân nhiệt tình trò chuyện. Từ chủ đề tín ngưỡng, người phụ nữ lạ dần chuyển hướng câu chuyện sang vấn đề phong thủy. Thấy bà Vân say chuyện lắng nghe, bà ta tự nhận mình là "nhà phong thủy". Nghiêng ngó quanh nhà một lúc, bà ta bảo lý do quán ăn của bà Vân vắng khách và thường đau yếu là do ít cúng kiếng, thiếu lòng thành kính nên người âm quậy phá. Bà ta gợi ý, nếu bà Vân muốn quán đông khách, bà ta sẽ cúng giải hạn. Vì "cứu nhân độ thế" bà ta chỉ cúng giúp chứ không lấy thù lao.
Theo chỉ dẫn của người phụ nữ lạ, bà Vân tán nhuyễn một nhúm gạo cho vào chén hòa với nước lã. Sau đó người phụ nữ lạ yêu cầu bà Vân vào nhà lấy một cây kim may đồ. Khi bà Vân quay ra, người phụ nữ lạ bảo uống hết chén nước gạo. Bà Vân vừa uống xong chén nước thì đầu óc quay cuồng rồi lăn ra bất tỉnh.
Gần 3 giờ sau người nhà mới phát hiện bà Vân nằm ngủ bất thường nên đưa đi bệnh viện cấp cứu. Đến lúc đó người nhà mới biết bà bị chuốc thuốc an thần loại mạnh. Khi tỉnh lại, kiểm tra tài sản bà Vân mới biết mình mất 1 sợi dây chuyền vàng, 3 nhẫn vàng, 1 đôi bông tài bằng vàng và gần 2,3 triệu đồng.
Vụ việc được trình báo lên Cơ quan Công an huyện Trà Ôn. Sau khi truy xét, Cơ quan điều tra xác định, người đàn bà đã dùng chiêu mê tín chuốc thuốc mê bà Vân là Mai Thị Ngọc Bích (SN 1983, ngụ xã Tam Ngãi, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh). Bích là đối tượng từng gây ra nhiều vụ cướp gây mê ở nhiều nơi khác.
Nhà phong thủy" Mai Thị Ngọc Bích chuyên gây mê, cướp tài sản tại cơ quan Công an.
Bích khai, khi dụ bà Vân vào nhà lấy kim, Bích đã lén đổ thuốc mê vào chén nước gạo. Do mê mẩn điều kỳ diệu ở phép màu không có thật mà bà Vân đã bị kẻ xấu vô hiệu hóa tính cảnh giác. Hiện Cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can. Còn bà Vân đã thấm thía bài học về sự cuồng tín của mình.
Có bệnh trong người, ai cũng rơi vào trạng thái hoảng loạn, cúng vái tứ phương để cầu mong hết bệnh. Lợi dụng điều đó, hầu hết những kẻ buôn thần bán thánh đều đem tín ngưỡng ra để lòe bịp. Nói cách khác, chính những nạn nhân đã tạo điều kiện cho những kẻ bịp có cơ hội lừa mị mình. Họ quên rằng, Dược sư Phật cũng chỉ là một liệu pháp trấn an, chỉ có khả năng điều trị tâm lý của Phật pháp. Ngữ nghĩa trong những bài kinh Dược sư Phật đã nói rõ điều đó.
Theo: Nguyễn H.K. - CAND