Thảo luận về Luật Tổ chức Chính phủ tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 30-9, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho rằng nếu cái gì bộ trưởng cũng xin ý kiến Chính phủ thì cuối cùng chẳng ai chịu trách nhiệm.
Do đó dự luật cần phải làm rõ trách nhiệm các thành viên Chính phủ và các bộ trưởng để nêu cao trách nhiệm cá nhân.
Theo ông Hiện, cần phải làm rõ trách nhiệm các thành viên Chính phủ và các bộ trưởng để nêu cao trách nhiệm cá nhân. Phải phân định trách nhiệm để rạch ròi của các thành viên Chính phủ.
Ở khía cạnh khác, Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn nêu câu hỏi. “Hiện Quốc hội đang thực hiệc quy định bỏ phiếu tín nhiệm. Vậy trong luật này chúng ta có nên cụ thể hóa vấn đề trên hay không, nhất là đối với các vị trí bị tín nhiệm thấp. Thứ hai có đưa quy định về cơ chế từ chức không? Cái này báo chí, dư luận nói nhiều”.
Trả lời câu hỏi trên, ông Bình cho rằng từ chức, miễn nhiệm, bãi nhiệm đã được Bộ Chính trị quy định. Tuy nhiên, Ban soạn thảo xin tiếp thu ý kiến trên và nếu cần sẽ xin ý kiến của Chính phủ để quy định về công tác cán bộ.
Về trách nhiệm của Thủ tướng báo cáo trước nhân dân, nhiều ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật cho rằng đây là trách nhiệm cá nhân của Thủ tướng Chính phủ đã được hiến định. Do đó ngoài việc ủy nhiệm cho người phát ngôn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ vẫn có nghĩa vụ thường xuyên thông báo trước nhân dân, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng về những vấn đề quan trọng thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, dự thảo luật chưa làm rõ vai trò của Chính phủ trong bảo vệ Hiến pháp cũng như cụ thể trách nhiệm. “Có thẩm quyền thì phải đi liền trách nhiệm” - ông Hùng nói và dẫn chứng trách nhiệm thi hành Hiến pháp mà thi hành không tốt thì có chịu trách nhiệm không, chịu trách nhiệm trước ai.
THÀNH VĂN
Băn khoăn mô hình tổ chức chính quyền địa phương
Cùng ngày, thảo luận về dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng-An ninh Nguyễn Kim Khoa cho hay bản thân ông đọc cũng không hiểu thì không biết người dân đọc có hiểu nổi không.
Đi vào các nội dung cụ thể, ông Khoa tỏ ra băn khoăn khi với các phương án về mô hình tổ chức chính quyền địa phương được đề cập trong dự thảo luật. “Chúng ta đã tổ chức thí điểm HĐND quận, huyện, phường không tổ chức HĐND. Theo báo cáo tổng kết thì kết quả thí điểm là rất tốt. Tốt thế tại sao không bỏ luôn mà vẫn quy định nhiều phương án vào trong luật” - ông Khoa nói.
Trước đó, theo tờ trình, Chính phủ đề xuất hai phương án về mô hình tổ chức chính quyền địa phương. Trong đó, phương án 1 quy định: Ở quận, phường tổ chức UBND mà không tổ chức HĐND, chức năng đại diện, giám sát, quyết định các vấn đề ở địa phương do HĐND TP, thị xã đảm nhiệm. Còn phương án 2 là HĐND, UBND được tổ chức ở cả ba cấp.
Theo Ủy ban Pháp luật, đây là vấn đề hệ trọng của quốc gia nên phải được thảo luận, cân nhắc thận trọng. Đồng thời cần làm rõ những điểm chung và khác biệt cơ bản về tính chất, đặc điểm của địa bàn, qua đó xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo.