Ngày 28.5, Quốc hội đã thảo luận tổ về “Luật Doanh nghiệp” sửa đổi và dự án “Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh”. Tuy nhiên, còn nhiều ý kiến trái chiều về dự luật này.
Góp ý về Dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), ĐB Lê Minh Thông (Thanh Hóa) cho rằng, không cần thiết phải có một chương riêng về DNNN và DN xã hội trong luật. Lý do mà ông đưa ra, là việc sửa luật phải thống nhất với Hiến pháp để bảo đảm bình đẳng giữa các DN trong kinh doanh: Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, không nhất thiết có nghĩa DNNN giữ vai trò chủ đạo. Cho rằng DN xã hội, hay DNNN chỉ khác nhau về hình thức sở hữu, nên ĐB Nguyễn Hữu Quang (Thanh Hóa) yêu cầu loại bỏ hai chương này “để đảm bảo cho Luật Doanh nghiệp là sân chơi bình đẳng”. Trong khi đó, ít nhất có 3 ý kiến tại đoàn TP.Hồ Chí Minh ủng hộ việc cần có chương riêng về DNNN.
Việc tách chức năng quản lý nhà nước khỏi DN, chuyển các DN ra khỏi bộ phận ngành, ĐB Nguyễn Hữu Quang (Thanh Hóa) đề xuất cần có một cơ quan chủ quản, chuyên quản lý các DNNN. Song, ĐB Đinh La Thăng nêu quan điểm không đồng tình: “Hiện nay, phần vốn đó đang giao cho bộ quản lý chuyên ngành, theo tôi như vậy là phù hợp. Còn nếu thành lập một cơ quan quản lý để thay các bộ thì có quản được không? Từng bộ một quản lý chuyên sâu còn chưa quản được thì một bộ quản lý chung cho tất cả các loại hình thì hiệu quả sẽ ra sao?”. Ông Thăng cũng hy vọng khi hai dự thảo này có hiệu lực, sẽ khắc phục được nhiều khiếm khuyết hiện nay của DNNN, để cho loại hình này hoạt động thực sự hiệu quả.
Theo Bộ KHĐT, một trong những thay đổi quan trọng trong dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) là đổi mới phương thức quản lý nhà nước đối với DN, trên nguyên tắc DN được quyền chủ động đăng ký kinh doanh tất cả những ngành nghề mà pháp luật không cấm hoặc không hạn chế. Song, nhiều ĐBQH quan ngại: Đối với bổ sung mới những điều kiện kinh doanh đưa ra tại dự luật, nếu không quy định cụ thể sẽ vô hình trung tạo nên sự dễ dãi đối với DN.
Theo ĐB Trần Thanh Hải (TPHCM), luật sửa đổi thông thoáng, tạo điều kiện cho DN, song “mặt trách nhiệm của DN và thành viên là chưa ổn!”. Ông cho rằng, có sự mâu thuẫn khi DN đăng ký sẽ được tạo điều kiện dễ dàng, nhưng DN đó có tồn tại hay không, thì không ai quản lý được cả.
Chiều 28.5, các ĐB Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi), trong đó tập trung vào một số nội dung còn có ý kiến khác nhau như phạm vi công chứng; tiêu chuẩn công chứng viên; công chứng hay chứng nhận bản dịch giấy tờ; chủ trương xã hội hóa nghề công chứng; về việc mở rộng phạm vi hoạt động của các tổ chức hành nghề công chứng, của công chứng viên... A.P