Sử dụng rượu-bia khi tham gia giao thông là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn giao thông (TNGT) ở Việt Nam. Theo thống kê của Ủy ban ATGT Quốc gia, khoảng 40% số vụ tai nạn giao thông và 11% số người tử vong do tai nạn liên quan đến rượu-bia.
Uống không kiểm soát
Lái xe say rượu gây TNGT liên hoàn làm 1 người chết ngày 9.11 tại Hà Nội.
Uống rượu từ lâu đã trở thành thói quen sinh hoạt của người dân. Song việc lạm dụng rượu-bia gây tác hại rất lớn cho sức khỏe con người. Đây cũng là một trong những trở ngại đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.
Khi có chất men trong người, người điều khiển phương tiện thường vượt sai quy định, đi sai phần đường, chạy tốc độ cao, lạng lách, không làm chủ được tay lái, phán đoán và xử lý tình huống kém. Một thực tế khác đáng lo ngại không kém trong việc sử dụng và lạm dụng rượu bia ở những người có trình độ học vấn cao đang có xu hướng tăng nhiều hơn. Nhất là tại khu vực thành thị, xu hướng sử dụng và lạm dụng rượu-bia nhiều hơn so với khu vực nông thôn.
Thực tế, số người không tự kiểm soát được hành động của mình sau khi uống rượu-bia rất lớn. Theo các chuyên gia y tế, với nồng độ cồn ở mức 0,05mg/1l khí thở, người uống đã bị giảm sút suy nghĩ và bị kích động nhẹ, nói nhiều; 0,1mg/1l khí thở, gặp khó khăn trong việc cầm nắm, đi lại vụng về; 0,2mg/1l khí thở, dễ bị ức chế, dễ giận dữ, đi lại loạng choạng. Nếu cao hơn nữa, tùy mức độ, người uống có thể bị lú lẫn, không nhận thức được mọi việc diễn ra xung quanh… Số người bị tai nạn, thậm chí bị chấn thương sọ não do điều khiển phương tiện sau khi sử dụng rượu-bia luôn ở mức cao. Báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, trong tổng số hơn 3,3 triệu ca tử vong có liên quan đến chất có cồn trên toàn cầu, có đến 15% số tử vong này do TNGT có nguyên nhân từ sử dụng rượu- bia. Cũng theo nghiên cứu của WHO, khi tiến hành khảo sát trên hơn 18.000 nạn nhân nhập viện do TNGT tại Việt Nam đã cho thấy, 36% số người lái xe máy có nồng độ cồn trong máu vượt ngưỡng cho phép, 66,8% số lái xe ôtô vi phạm quy định về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện.
Chấm dứt khi quãng đời đẹp nhất
Phó Giám đốc Bệnh viện Việt - Đức (Hà Nội) Nguyễn Bích Hường cho biết phần lớn các nạn nhân đưa đến đây cấp cứu còn rất trẻ, đang ở độ tuổi sung mãn, bị TNGT đưa vào bệnh viện với đa chấn thương hoặc chấn thương sọ não rất nặng và 10 - 20% phải đưa vào cấp cứu, TNGT đã cướp đi mạng sống hoặc sức khoẻ của họ. Điển hình như trường hợp của nạn nhân Hà Thị Sơn tại Lục Bình (Lạng Sơn) bị xe công nông cán gãy 2 chân và chấn thương sọ não khi mới 27 tuổi.
Được biết, Bộ GTVT đã triển khai các trạm sơ cấp cứu trên các tuyến cao tốc và phối hợp cùng các trạm y tế xã, phường cấp cứu nạn nhân bị TNGT, nhằm giảm thiểu thương vong khi xảy ra TNGT. Theo Thứ trưởng Bộ GTVT - ông Nguyễn Hồng Trường - cần phải nâng cao nhận thức và ý thức của toàn dân trong việc chấp hành pháp luật trật tự ATGT, phòng tránh TNGT, góp phần thực hiện mục tiêu tiếp tục kéo giảm số vụ, số người chết và số người bị thương do TNGT. Luật Giao thông đường bộ quy định cấm hoàn toàn việc sử dụng rượu -bia đối với lái xe ôtô khi tham gia giao thông và hạn chế đến mức rất thấp nồng độ cồn trong máu đối với người đi môtô, xe máy. Nghị định 34/CP/2010 cũng quy định mức phạt từ 4-6 triệu đồng đối với người điều khiển phương tiện mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,4 mg/1 lít khí thở; phạt từ 2-3 triệu đồng với người có nồng độ cồn vượt quá 50-80mg/100ml máu, hoặc vượt quá 0,25-0,4mg/1 lít khí thở.
Theo Chánh văn phòng Uỷ ban ATGT Quốc gia - ông Nguyễn Trọng Thái - nhằm đảm bảo ATGT trong mùa cưới hỏi và dịp trước Tết Nguyên đán Ất Mùi, uỷ ban sẽ tiến hành triển khai đợt cao điểm về tuyên truyền, kiểm tra và xử lý nồng độ cồn đối với người đi môtô, xe máy và ôtô. Do vậy, cần phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất là cán bộ CNVCLĐ. Ngoài ra phải tăng cường quản lý SXKD và nhập khẩu đồng thời các sản phẩm phải có nhãn cảnh báo để nhắc nhở người sử dụng. Cũng theo ông Thái, hiện uỷ ban đang phối hợp với Tổng cục Cảnh sát thực hiện văn bản 2329 về việc triển khai các quy định về nồng độ cồn với việc tăng cường kiểm tra chuyên đề về nồng độ cồn và thông báo công khai để làm gương.