Trước thông tin cho rằng Việt Nam nhập khẩu tới 70% giống lúa từ Trung Quốc, ông Phạm Đồng Quảng, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) khẳng định rằng: Nước ta chỉ nhập 65% giống lúa lai và diện tích giống lúa lai chỉ chiếm 8% tổng diện tích trồng lúa của cả nước.
Phụ thuộc giống lúa lai nhập ngoại
Theo ông Phạm Đồng Quảng, diện tích gieo trồng lúa của cả nước đạt khoảng 7,8 triệu ha năm 2013, trong đó, diện tích trồng lúa lai là hơn 600.000 ha, chiếm 8% diện tích lúa của cả nước. Diện tích lúa lai tập trung chủ yếu ở các tỉnh miền núi phía Bắc, chiếm 33% diện tích lúa của các tỉnh này vào vụ Đông Xuân, và chiếm 17-20% vào vụ mùa tùy từng năm.
Ông Phạm Đồng Quảng, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) trao đổi với báo chí (Ảnh: T. Nguyên)
Theo số liệu thống kê hải quan, năm 2013 Việt Nam nhập khẩu 11.213 tấn giống lúa lai với tổng giá trị 38 triệu USD, đa số từ Trung Quốc, ngoài ra còn nhập từ Ấn Độ và Philippines. Như vậy, sản xuất giống lúa lai trong nước chỉ đáp ứng được khoảng 35% nhu cầu.
“Thông tin lâu nay cho rằng Việt Nam phải nhập khẩu 70% giống lúa là chưa chính xác. Thực tế, Việt Nam chỉ nhập khoảng 65-70% giống lúa lai. Mỗi năm Việt Nam chỉ nhập khoảng 11.000-12.000 tấn giống lúa lai và sản xuất trong nước dao động từ 5.000-6.000 tấn tùy từng năm,” ông Quảng khẳng định.
Như vậy, hiện nay Việt Nam chỉ nhập giống lúa lai để trồng 400.000 ha diện tích lúa lai trên tổng diện tích 7,8 triệu ha lúa của cả nước, và diện tích lúa lai ở Việt Nam là không đáng kể.
Cục trưởng Phạm Đồng Quảng cũng nói thêm rằng: Mặc dù Viêt Nam có cố gắng và đầu tư nghiên cứu lúa lai nhưng chúng ta vẫn đi sau so với Trung Quốc, Ấn Độ và một số quốc gia khác. Hơn nữa, sản xuất giống lúa lai gặp nhiều khó khăn do phụ thuộc vào thời tiết nên các doanh nghiệp ngại đầu tư vào lĩnh vực này. Chính vì thế, bên cạnh nghiên cứu và sản xuất trong nước thì chúng ta vẫn phải nhập khẩu giống lúa lai để đáp ứng nhu câu sản xuất trong nước.
“Việt Nam tiếp cận các giống lúa lai từ những năm 1990 trở lại đây và nước ta cũng đã quan tâm nghiên cứu, bồi dưỡng cán bộ, và đã đạt được một số kết quả. Chúng ta đã tạo ra được gần 20 tổ hợp lúa lai. Năm 2014, cả nước sản xuất được 2.560 ha giống lúa lai F1, tăng 200 ha so với 2013, năng suất hạt giống lai đạt 2,5 tấn/ha với sản lượng tăng đột biến lên khoảng 6.500 tấn, so với các năm trước chỉ khoảng 5.000-5.500 tấn. Dự kiến, năm 2015 nước ta sẽ đáp ứng 35% nhu cầu hạt giống lúa lai trong nước và hy vọng sẽ tiếp tục tăng trong các năm tiếp theo,” ông Quảng khẳng định.
Kiểm soát chặt lúa lai nhập khẩu, ưu tiên sản xuất giống chất lượng cao
Trước khi bất kỳ giống lúa hay giống cây trồng nào được nhập khẩu vào Việt Nam đều phải trải qua quá trình kiểm dịch thực vật do Cục Bảo vệ Thực vật tiến hành, sau đó được khảo nghiệm, đánh giá rồi mới đưa vào sản xuất. Việc nhập khẩu giống lúa là bình đẳng, dù là từ Trung Quốc hay Ấn Độ hay bất kỳ nước nào chỉ cần đáp ứng các quy định kiểm soát nhập khẩu đều được phép nhập. Việc nhập khẩu lúa lai sẽ tiến hành theo cơ chế thị trường. Trong trường hợp quan hệ thương mại với Trung Quốc không thuận lợi và việc nhập khẩu bị gián đoạn thì nước ta sẽ trồng các giống lúa khác trong nước để thay thế.
Lúa lai chỉ chiếm diện tích nhỏ ở Việt Nam, giúp đảm bảo an ninh lương thực vùng núi phía Bắc và Bắc Trung bộ (Ảnh minh họa)
Ông Quảng cũng nhận định rằng xu hướng lúa lai ở nước ta trong những năm gần đây đang chững lại và giảm từ gần 700.000 ha năm 2010 xuống còn gần 600.000 ha và sẽ tiếp tục giảm, vì nông dân chuyển sang trồng các giống lúa có chất lượng cao như bắc thơm, lúa nếp... Mặc dù lúa lai có năng suất cao nhưng chất lượng không thể bằng các giống lúa thuần.
Về lâu dài, Bộ NN&PTNT vẫn xác định lúa lai là một sự lựa chọn, và nông dân căn cứ theo yêu cầu sản xuất và hiệu quả sản xuất để tự quyết định trồng lúa nào.
Thực tế, hiện nay lúa lai ở nước ta chủ yếu tập trung ở các vùng miền núi phía Bắc, nơi có diện tích ít, và Bắc Trung bộ để đảm bảo duy trì an ninh lương thực. Ngoài ra, một số tỉnh đồng bằng như Hà Nam vẫn dành một số diện tích trồng lúa lai vì lúa này phù hợp với vùng đấu bị chua và vùng ngập mặn ven biển.
Trong tương lai, xu hướng lúa lai sẽ không chỉ tập trung vào năng suất mà sẽ nghiên cứu các giống lúa lai vừa có năng suất cao, chất lượng tốt, đồng thời có khả năng chống chịu với sâu bệnh hoặc thích ứng với các tác động của biến đổi khí hậu.
Để chủ động nguồn cung giống lúa lai và giảm nhập khầu từ Trung Quốc, Bộ NN&PTNT đã có nhiều đề tài nghiên cứu chọn tạo giống lúa lai, các dự án sản xuất giống lúa lai quốc gia và tiếp tục đầu tư cho các viện và trường để tạo ra các ròng tốt. Đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp trong nước chọn tạo giống lúa lai; nhiều doanh nghiệp nước ngoài cũng quan tâm đến việc sản xuất giống lúa lai ở Việt Nam vì đây là cách họ thể hiện sự độc quyền.
“Để kiểm soát tốt giống lúa lai nhập khẩu vào nước ta, Cục Trồng trọt đang đề xuất với Bộ NN&PTNT chỉ cho phép nhập khẩu giống lúa lai được công nhận trong 3 năm đầu và sau đó phải được sản xuất ở Việt Nam và không được phép nhâp khẩu nữa. Trước thông tin này, các doanh nghiệp nước ngoài đang chuyển hướng và đưa một số giống lúa lai bố mẹ sang sản xuất thử ở nước ta,” ông Quảng cho biết thêm.
Nhận định về chất lượng gạo xuất khẩu của nước ta, TS. Robert Zeigler, Tổng giám đốc Viện Nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI), cho rằng chất lượng gạo của Việt Nam chỉ ở mức trung bình bởi vì khâu chọn tạo giống còn chưa tốt. Thay vì tập trung quá nhiều vào việc nâng cao năng suất bằng cách sản xuất nhiều giống lúa năng suất cao, chất lượng thấp và bán với giá rẻ, Việt Nam nên đầu tư nhiều hơn cho khâu chọn tạo giống và chú trọng nhiều hơn đến việc sản xuất các giống lúa chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu gia tăng của thị trường.