Mạo danh tài xế các xe khách hoạt động trong bến Mỹ Đình, Hùng vờ nhận chuyển hàng cho người có nhu cầu để lừa đảo, trộm cắp.
Thực phẩm bẩn dùng làm gì?
- Cập nhật : 01/11/2014
Nhiều chủ cơ sở thu gom nội tạng súc vật, trong đó có lô hàng trong giai đoạn phân hủy, bốc mùi thối để làm thức ăn cho gia súc nhưng thực tế không phải như vậy
Lợi dụng sự thông thoáng của pháp luật khi cho phép lô hàng không có giấy chứng nhận kiểm dịch được phép kiểm dịch lại, nhiều chủ hàng khai báo đem hàng chế biến thức ăn cho gia súc nhưng nếu không giám sát chặt, lòng thối, mỡ thối sẽ lên bàn ăn.
Thức ăn cho cá chở xe bảo ôn!
1 giờ 30 phút ngày 28-10, căn nhà số B20/5C (ấp 2, xã Bình Chánh, huyện Bình Chánh, TP HCM, giáp ranh tỉnh Long An) cửa đóng im ỉm, đèn tắt nhưng khu nhà tạm nằm đối diện đèn sáng rực. Vừa lúc một người đàn ông chân đi ủng, chạy chiếc xe máy cũ chở 2 giỏ hàng tập kết về đây.
Khi đoàn kiểm tra liên ngành huyện Bình Chánh ập vào, dưới sàn nhà đã có nhiều phổi heo, lòng heo đổ đống và còn trong các bịch ni-lông, bên cạnh là nồi nước sôi, một máy xay và một máy bơm nước... Nhìn hiện trường không khác gì một cơ sở sơ chế thực phẩm dành cho người.
Nơi “chế biến” phổi heo tại một cơ sở ở ấp 2, xã Bình Chánh, huyện Bình Chánh, TP HCM Ảnh: NGỌC ÁNH
Chủ hàng xin cấp giấy kiểm dịch đưa về Bến Tre nhưng lại xuống hàng ở một lò chế biến mỡ tại Long An Ảnh: LÊ PHONG
Thấy đoàn kiểm tra, nhiều người đàn ông đang làm việc tại đây liên tục nói lớn: “Chúng tôi có làm gì sai đâu, đây là thức ăn cho cá!”. Chủ hàng là ông Trần Văn Lễ cho biết ông thầu toàn bộ phụ phẩm từ một cơ sở giết mổ gia súc ở Long An để cung cấp cho các chủ ao cá trong khu vực.
Khi hỏi về giấy chứng nhận kiểm dịch của lô hàng, ông Lễ nói đây là hàng phế thải, rẻ tiền nên không có giấy. Nhưng một lúc sau ông ta lại nói sẽ có giấy chứng nhận kiểm dịch xuất trình sau cho đoàn kiểm tra.
Khoảng 2 giờ 30 phút, vợ ông Lễ mang giấy chứng nhận kiểm dịch về. Giấy này do kiểm dịch viên Đặng Phước Tân, thuộc Chi cục Thú y tỉnh Long An, cấp cho lô hàng xuất phát từ cơ sở giết mổ gia súc Nghĩa Hưng (huyện Bến Lức, Long An).
Trên giấy ghi rõ lô hàng là phụ phẩm heo (phổi và mỡ vụn), số lượng 600 kg, mục đích sử dụng làm thức ăn cho cá, phương tiện vận chuyển là ô tô biển số 62C - 02987. Đây là xe chuyên dụng, bên ngoài còn nguyên niêm phong của thú y Long An. Khi tháo niêm phong ra thì bên trong máy lạnh đang mở, mọi người có mặt đều ồ lên vì thức ăn cho cá mà được bảo quản tốt quá!
Tiến hành cân hàng thực tế, đoàn kiểm tra ghi nhận trên xe chỉ có 259 kg phụ phẩm, chưa bằng 1/2 so với số lượng ghi trên giấy chứng nhận kiểm dịch. Vợ ông Lễ trình bày giấy được cấp cho cả số hàng ở dưới sàn nhà nhưng điều này không hợp lệ. Hơn nữa, sau khi lực lượng chức năng tiến hành gom và cân lại thì lô hàng trên có số lượng lên đến gần 1 tấn.
Biết không thể hợp thức hóa được lô hàng, chủ hàng chuyển sang than nghèo kể khổ để xin cấp giấy chứng nhận kiểm dịch lại ngay trong đêm mà không đợi đến đầu giờ làm việc hành chính kẻo hàng hư hết, cá… chê không ăn (?!).
Khi các cán bộ thú y khẳng định nếu làm thức ăn cho cá thì đến trưa, hàng vẫn bảo đảm chất lượng thì phía cơ sở liên tục phát ngôn những lời khó nghe rồi tuyên bố bỏ hàng, không ký vào biên bản làm việc để trốn nộp phạt!
Theo nhận định của đoàn kiểm tra liên ngành, qua kiểm tra cũng như trinh sát trước đó, cơ sở trên chỉ cung cấp những loại phế thải dành cho cá, còn lại đưa vào chế biến thức ăn cho người. Trong đó, chủ cơ sở có thể dùng phổi heo để chế biến khô bò như vụ việc mà đoàn đã phát hiện trước đây.
“Tấm bùa” thức ăn gia súc
Chiêu đối phó “làm thức ăn cho gia súc” cũng được Lê Thanh Tuấn (hộ khẩu Bến Tre) tận dụng nhằm giải cứu cho những lô hàng không có giấy chứng nhận kiểm dịch.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, ông Tuấn thuê căn nhà số C22/20A ấp 3, xã Tân Quý Tây, huyện Bình Chánh để mở cơ sở sản xuất, chế biến mỡ nước và tóp mỡ. Từ tháng 8-2013 đến nay, cơ sở này bị đoàn kiểm tra liên ngành bắt quả tang 4 lần, trong đó 3 lần vi phạm tại cùng địa chỉ.
Cơ sở hoạt động không phép nhưng quy mô sản xuất rất lớn, tang vật bị phát hiện 2 lần đầu lên đến trên 3 tấn (gồm mỡ vụn, mỡ nước và tóp mỡ). Lần thứ ba bị phát hiện vào ngày 26-9, do hàng vừa được chuyển lên xe đi giao, tang vật tại cơ sở chỉ còn 388 kg nên ông Tuấn đã bỏ đi, không hợp tác với cơ quan chức năng.
Gần đây nhất là vào ngày 7-10, cơ sở của ông Tuấn tiếp tục bị cơ quan chức năng xử lý do sản xuất không giấy phép, không có giấy chứng nhận kiểm dịch. Lượng lớn hàng đã được tẩu tán đến một địa chỉ khác, tang vật thu giữ tại hiện trường chỉ còn 1,5 tấn là mỡ vụn, bốc mùi hôi thối được thu gom từ các nơi về.
Ông Tuấn khai lô hàng này sẽ được đưa về Bến Tre dùng làm thức ăn gia súc và xuất trình hợp đồng mua bán, có công chứng nên buộc cơ quan thú y cấp giấy chứng nhận kiểm dịch lại cho lô hàng.
Để biết thực hư, chiều cùng ngày, chúng tôi bám theo xe tải biển số 54X-6113 vận chuyển lô hàng về Bến Tre, ông Tuấn cũng có mặt trên xe cùng tài xế. Lòng vòng trên nhiều tuyến đường thuộc địa bàn TP HCM thì tài xế phát hiện có người theo dõi nên liên tục đổi hướng, thay đổi tốc độ và quay đầu xe để “cắt đuôi”.
Khoảng 2 giờ sau khi xuất phát, xe 54X-6113 đi qua một cánh đồng lúa, rẽ vào con hẻm đất sỏi và dừng lại ở một ngôi nhà nhỏ nằm trong khu đất rộng, ông Tuấn nhanh chóng xuống hàng rồi lên xe về lại TP HCM. Điều đáng nói, địa điểm này không thuộc tỉnh Bến Tre như ông Tuấn khai báo mà là địa bàn ấp Phú Ân, xã Phước Lý, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An, cách điểm xuất phát khoảng… 5 phút đi xe máy.
Người dân quanh khu vực cho biết đó là một cơ sở chế biến tóp mỡ của người nơi khác đến thuê mặt bằng để làm. Như vậy, ông Tuấn đã dùng “lá bùa” hợp đồng mua bán thức ăn cho gia súc để giải cứu lô hàng nên không loại trừ số hàng hôi thối này sau đó được chế biến làm thức ăn cho người.
Đâu lại vào đấy!
“Mỗi lần bắt quả tang, đoàn kiểm tra đều hướng dẫn ông Tuấn thực hiện các thủ tục đăng ký kinh doanh và yêu cầu chỉ được hoạt động khi đáp ứng đủ các điều kiện vệ sinh. Tuy nhiên, khi đoàn rút về, đâu lại vào đấy. Theo nguồn tin từ người dân thì hiện nay, cơ sở của ông Tuấn vẫn tiếp tục hoạt động. Vấn đề đặt ra là sự giám sát của chính quyền cơ sở như thế nào bởi mỗi lần kiểm tra đều có sự chứng kiến và phối hợp của UBND xã Tân Quý Tây và UBND xã An Phú Tây” - ông Khương Trần Phúc Nguyên, Trưởng trạm Thú y huyện Bình Chánh, đặt vấn đề.
Cơ quan chức năng “đau đầu”
Theo Trạm Thú y huyện Bình Chánh, hiện không có giải pháp kỹ thuật để các sản phẩm động vật được khai báo làm thức ăn cho gia súc không thể chuyển đổi làm thức ăn cho người, trong khi các loại hóa chất, phụ gia, phẩm màu dùng “làm sạch” thực phẩm bẩn mua đâu cũng có. Do đó, biện pháp duy nhất hiện nay là tăng cường giám sát thực tế cho đến khi lô hàng được tiêu thụ hết thì mới bảo đảm hàng không bị biến thành thức ăn cho người.
Ngày 29-10, đoàn kiểm tra liên ngành huyện Bình Chánh tiếp tục xử lý điểm chế biến mỡ động vật trái phép tại địa chỉ D20A/282 Vĩnh Lộc B do ông Phan Văn Nghịch làm chủ. Tang vật gồm 1.461 kg (mỡ tươi, mỡ nước, tóp mỡ và da heo), trong đó 200 kg da heo chủ hàng xin tự nguyện tiêu hủy, 1.261 kg còn lại chủ hàng xin cấp giấy kiểm dịch về làm thức ăn cho gia súc ở Đồng Tháp đang khiến cơ quan chức năng “đau đầu”.
(Theo nld)
Trở về