Đã có hai ổ dịch với 22 bệnh nhân xét nghiệm dương tính với sởi được ghi nhận tại hai tỉnh Sơn La và Hòa Bình.
Tiêm ngừa sởi cho trẻ em tại Viện Pasteur TP.HCM trong tháng 4-2014 - Ảnh: Hữu Khoa
Đáng chú ý là hai ổ dịch xuất hiện sau khi Bộ Y tế tổ chức tới hai chiến dịch tiêm vét văcxin ngừa sởi.
Trong tháng 9 này lại có một chiến dịch nữa được triển khai: chiến dịch tiêm văcxin ngừa sởi và rubella cho 23 triệu trẻ dưới 14 tuổi, tiêu tốn gần 35 triệu USD. Liệu có vấn đề gì liên quan đến chất lượng văcxin? Khi chiến dịch nối chiến dịch mà dịch vẫn quay trở lại?
Dịch sởi quay lại
Từ ngày 15-8 tại Sơn La và từ ngày 18-8 tại Hòa Bình đến nay, sởi đã quay trở lại. Đáng chú ý là ở Hang Kia (Hòa Bình) là khu vực giáp ranh với vùng bệnh sởi ở Sơn La, và ở cả hai ổ dịch sở y tế hai tỉnh đều đánh giá là tốc độ lây lan nhanh.
Ngày 8-9, ông Nguyễn Trần Hiển - chủ nhiệm dự án tiêm chủng mở rộng quốc gia - cho biết chưa xác định được nguyên nhân xuất hiện hai ổ dịch này có liên quan đến tỉ lệ tiêm chủng thấp, chất lượng tiêm chủng hay vấn đề nào khác.
Tuy nhiên theo ông Trần Đắc Phu - cục trưởng Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế, trước khi triển khai chiến dịch tiêm vét từ tháng 5 đến tháng 7 vừa qua, tỉ lệ tiêm chủng ngừa sởi ở hai vùng vừa xuất hiện dịch mới đạt trên 60%.
Khi triển khai tiêm vét chỉ có nhóm dưới 2 tuổi được tiêm, còn nhóm trên 2 tuổi bị bỏ sót, có nguy cơ mắc bệnh. Một chuyên gia về tiêm chủng lại lo ngại văcxin sởi đóng lọ 10 liều/lọ (cho tiết kiệm chi phí sản xuất), không thuận lợi khi tiếp cận các địa điểm dân cư thưa thớt do khó bảo quản văcxin kéo dài cũng có thể ảnh hưởng đến chất lượng tiêm chủng.
Dấu hiệu của vụ dịch lần này rất giống với thời điểm đầu năm, trước khi dịch sởi bùng phát mạnh ở 62/63 tỉnh thành, tức là dịch xuất hiện lẻ tẻ ở các xã miền núi rồi sau đó lan dần và bùng phát mạnh ở thành phố lớn, đặc biệt là Hà Nội và TP.HCM.
Tuy Hà Nội và TP.HCM đã hoàn tất tiêm vét văcxin ngừa sởi cho nhóm trẻ dưới 14 tuổi, các địa phương khác cũng tiêm vét cho trẻ dưới 2 hoặc 3 tuổi tùy điều kiện từng tỉnh thành nhưng với tỉ lệ tiêm chủng chỉ khoảng 60% ở các “vùng lõm”, những năm qua đã tích lũy đến hàng trăm ngàn trẻ trên 2-3 tuổi có nguy cơ mắc sởi, nếu không nhanh chóng chống dịch, sởi có thể lây lan trở lại như vụ dịch đầu năm 2014.
Gần 35 triệu USD tiêm ngừa sởi - rubella
Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia vừa chính thức công bố triển khai chiến dịch tiêm ngừa sởi - rubella trị giá gần 35 triệu USD, cho 23 triệu trẻ 1-14 tuổi trên toàn quốc.
Đây là chiến dịch tiêm ngừa lớn nhất từ trước đến nay được tổ chức ở VN, trong đó có đợt thí điểm tại Vĩnh Phúc, Bà Rịa - Vũng Tàu, Thừa Thiên - Huế và hai tỉnh vừa có ổ dịch sởi là Hòa Bình và Sơn La, sau đó đồng loạt triển khai trên toàn quốc vào tháng 10-2014.
Trả lời về chất lượng văcxin và nguy cơ có xảy ra tai biến sau tiêm, ông Hiển cho biết văcxin sử dụng trong chiến dịch này là văcxin Ấn Độ, do Liên minh Văcxin và tiêm chủng toàn cầu mua thông qua Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc để tài trợ cho VN.
Theo ông Hiển, văcxin này đã lưu hành tại 39 quốc gia, sử dụng trên 600 triệu liều và đã có bảy “chiến dịch” tương tự VN sử dụng đến nhưng chưa phát hiện các phản ứng phụ nghiêm trọng. Các phản ứng thường gặp nhất là sưng, đỏ, đau tại chỗ tiêm (dưới 15% số trẻ tiêm), còn tỉ lệ có nổi ban sau tiêm là khoảng 2%.
Tuy kế hoạch tổ chức chiến dịch này tỏ ra bài bản và rầm rộ, nhưng sự việc ở Sơn La và Hòa Bình dịch vẫn hoàn dịch sau hai chiến dịch tiêm vét cho thấy các “vùng lõm” tiêm chủng như khu vực có nhiều trẻ nhập cư, trẻ không có hộ khẩu thường trú ở địa phương... sẽ rất khó đảm bảo được tiêm chủng đầy đủ.
Ông Nguyễn Trần Hiển cũng lo ngại nếu chỉ định tiêm chủng chặt chẽ quá sẽ bỏ sót mũi tiêm, nên trẻ chỉ hơi hâm hấp sốt sẽ vẫn tiêm, chỉ chỉ định hoãn tiêm với trẻ sốt cao hoặc cấp tính có tiến triển. Các trẻ đã mắc sởi trong vụ dịch vừa qua vẫn có chỉ định tiêm ngừa trong chiến dịch này, do văcxin lần này là nhị giá cần tiêm để ngừa bệnh rubella.
LAN ANH - Theo Tuổi Trẻ