Quan hệ tình dục lúc tuổi 13 thì miền xuôi ít khi nghe đến nhưng trên các bản vùng cao của xã Thái Học, huyện Nguyên Bình (Cao Bằng) thì đây được xem là ...chuyện bình thường.
Các gia đình nơi đây cho phép con cái lấy nhau rất sớm, đa phần những thiếu nữ chưa học hết cấp hai đã phải theo về nhà chồng. Việc tảo hôn, thậm chí quan hệ tình dục cận huyết thống đã và đang thực sự trở thành nỗi nhức nhối trên vùng đất này.
Tảo hôn quá phổ biến
Xã Thái Học nằm cách thành phố Cao Bằng chừng 50 km về phía Tây Bắc, nơi đây chủ yếu là đồng bào dân tộc Dao sinh sống. Chính vì Thái Học là một xã có 100% là đồng bào dân tộc thiểu số, lại nằm tách biệt trong thung lũng nên nạn tảo hôn nơi đây diễn ra hết sức phức tạp.
Nằm cách Ủy ban xã chừng 3 km là đường rẽ vào bản Phùng. Xe chúng tôi chạy đến đầu dốc thì gặp ông Lý Kìm Vạng đang gánh củi chậm rãi lên đèo. Khi được hỏi chuyện về nạn tảo hôn, ông Vạng lơ lớ nói: “Chúng nó bỏ học sớm lấy chồng cán bộ à. Trẻ con bây giờ thích nhau là cưới thôi, sắp tới cô Lý Mùi Chủa (14 tuổi) ở bản này lại đi lấy chồng rồi đấy. Nếu cán bộ không tin thì cứ đến nhà (trưởng bản) Lý Vườn Nhàn hỏi là biết ấy mà”.
Bản làng người Dao nằm heo hút trong các thung lũng đá.
Theo sự chỉ dẫn của ông Vạng, chúng tôi có mặt ở gia đình anh Lý Vườn Nhàn. Khi hỏi về trường hợp lấy chồng của Chủa, anh Nhàn tâm sự: "Chủa chưa đủ 14 tuổi đâu, mẹ nó là Lý Mùi Chàn cả nhà chỉ có ba người con, toàn là con gái thôi mà. Bố nó mất sớm nên mẹ nó phải gả cho nhà giàu, nhà nó nghèo lắm, quanh năm chỉ ăn “mèn mén” thôi”.
Theo anh Nhàn, trong bản có 17 hộ dân, cuộc sống của bà con quanh năm chỉ dựa vào cây ngô là chính. Do đói nghèo, trình độ nhận thức chưa cao, cộng với quan niệm phong kiến lệch lạc, nên việc tuyên truyền luật pháp về hôn nhân đến với bà con dân tộc thiểu số là điều cực kỳ khó khăn.
Rời bản Phùng, xe chúng tôi tiếp tục lăn bánh đến xóm Lũng An, Lũng Ỉn nơi được xem là “điểm đen” của nạn tảo hôn và kết hôn cận huyết thống trong xã. Theo người dân, hiện ở xóm Lũng Ỉn có ông Triệu Dào Phúc và bà Đặng Mùi Mui kết hôn cận huyết thống.
Ông Phúc và bà Mui sinh được 5 người con thì 2 người bị tàn tật. Người con gái thứ 2 là Triệu Mùi Ghển, sinh năm 1980, quanh năm ốm đau, một tay không cử động, các ngón tay gập vào nhau, chỉ phụ giúp gia đình được một số công việc nhẹ và không mấy khi đi ra ngoài nên rất tự ti. Còn người con trai thứ 3 Triệu Tòn Chài, sinh năm 1993 cũng bị tật giống chị Ghển, chính vì vậy mà cuộc sống của gia đình ông Phúc cực kỳ khó khăn.
Trưởng bản Phùng - anh Lý Vườn Nhàn (26 tuổi).
Ngoài ra, tại xóm Lũng An có anh Hoàng Tòn Diệu, sinh năm 1995, kết hôn với chị Bàn Mùi Coi sinh năm 1997, anh Diệu mới 17 tuổi, chị Coi được 15 tuổi. Diệu là con bá, Coi con em cậu ruột. Vì quan hệ cận huyết thống nên dù đã kết hôn được 3 năm nay nhưng 2 vợ chồng vẫn chưa sinh con, mặc dù mấy lần đã có thai nhưng đều bị sẩy.
Nguyên nhân do đâu?
Theo ông Đang Phúc Nần, Chủ tịch xã Thái Học thì có nhiều nguyên nhân chính khiến nạn tảo hôn diễn tiến phức tạp trên địa bàn. Thứ nhất là gia đình thiếu lao động, con trai cũng lớn rồi, muốn cưới con dâu về để giúp việc cho gia đình. Thứ nữa là chuyện người dân cho rằng, của cải trong dòng họ phải được cất giữ chứ không thể mang cho dòng họ khác. Từ đó, dẫn đến chuyện lấy vợ, gả chồng cho con em mình phải là người trong dòng tộc. Vì những suy nghĩ thiếu hiểu biết ấy, nạn tảo hôn và kết hôn cận huyết thống ở trong xã trở nên báo động.
Bà Đặng Mùi Mui (56 tuổi) cùng đứa con thứ hai là Triệu Mùi Ghển.
Bà Đặng Mùi Ghển, cán bộ chuyên trách dân số xã Thái Học cho biết: “Xã đang tích cực trong việc tuyên truyền các chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình nhằm giúp người dân biết được độ tuổi kết hôn theo quy định của pháp luật, hậu quả kết hôn cận huyết thống... Tuy nhiên, tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống ở một số xóm vùng sâu, vùng xa vẫn xảy ra. Nhiều gia đình biết dựng vợ, gả chồng cho con khi chưa đủ tuổi là vi phạm pháp luật, nhưng do quan niệm cổ hủ và nhu cầu cần lao động trong gia đình nên họ vẫn tổ chức hôn lễ khi các con chưa đủ tuổi.
Trước tình trạng tảo hôn và kết hôn cận thuyết thống trong các thôn bản thuộc xã Thái Học, cần có sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành, từ Trung ương đến cơ sở và sự đồng thuận cao của nhân dân. Ngoài ra, phải thực hiện đồng bộ các biện pháp mạnh trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước xóa bỏ tình trạng tảo hôn và kết hôn cận huyết thống.
Chị Chu Thị Nga, Giám đốc Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình huyện Nguyên Bình cho biết: “Từ năm 2009 đến nay 3 xã: Phan Thanh, Vũ Nông, Thái Học vẫn có 125 cặp tảo hôn, chiếm 49,2% tổng số cặp kết hôn; trong đó, 3 cặp kết hôn cận huyết thống.
Cụ thể, về tảo hôn: Năm 2009, có 10 cặp; năm 2010, có 18 cặp; năm 2011, có 30 cặp; năm 2012, có 31 cặp, 1 cặp kết hôn cận huyết thống; năm 2013 có 32 cặp tảo hôn, 2 cặp kết hôn cận huyết thống; 9 tháng đầu năm 2014 có 4 cặp tảo hôn. Mặc dù Luật Hôn nhân và Gia đình đã được chúng tôi phát đến tận tay người dân, tuy nhiên vẫn chưa ngăn chặn được hẳn".
Theo Minh Phương/Pháp luật Việt Nam