"Về lâu dài, việc mua bán vũ khí chỉ là một phần, quan trọng nhất vẫn là lợi ích chiến lược lâu dài, đó là đảm bảo an ninh, an toàn hàng hải, bảo vệ độc lập, chủ quyền lãnh thổ".
Ông Trần Việt Thái (Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược – Học viện Ngoại Giao) cho rằng, việc Mỹ tuyên bố dỡ bỏ một phần lệnh cấm vũ khí sát thương là bước đi cuối cùng khép lại quá khứ và mở ra một tương lai hợp tác, phát triển toàn diện cho cả hai nước. "Sự kiện này là một điểm tích cực trong việc triển khai quan hệ đối tác toàn diện gữa Việt Nam và Hoa Kỳ vừa được thiết lập từ năm 2013, đặc biệt trong bối cảnh hai nước đang hướng tới kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ (1995 – 2015).
Mặt khác, theo tôi việc Mỹ tuyên bố dỡ bỏ một phần lệnh cấm vũ khí sát thương là một dấu hiệu tích cực cho thấy sự tin cậy lẫn nhau mang tầm chiến lược giữa hai nước ngày càng gia tăng. Mặc dù đã bình thường hóa mối quan hệ được gần 20 năm, nhưng quan hệ Việt – Mỹ sẽ chỉ thực sự bình thường một cách đầy đủ, trọn vẹn, khi lệnh cấm vận được dỡ bỏ. Tôi cho rằng, đây là một bước đi cuối cùng khép lại quá khứ, và mở ra một tương lai hợp tác, phát triển toàn diện cho cả hai nước. Hiện nay quan hệ Việt – Mỹ đang có những tiến triển rất tốt đẹp và tôi hi vọng sau sự kiện này, hai nước sẽ từng bước khai thông, tranh thủ được những cơ hội hợp tác không chỉ trong lĩnh vực Chính trị - Quốc phòng mà còn ở nhiều lĩnh vực khác như: xây dựng lòng tin chiến lược, hợp tác Kinh tế - Thương mại, Khoa học - Công nghệ, An ninh và Môi trường…".
Quan hệ Việt Nam – Mỹ được bình thường hóa gần 20 năm và hai bên cũng đã thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện từ năm 2013. Tuy nhiên, theo ông tại sao đến thời điểm này Mỹ mới dỡ bỏ một phần lệnh cấm bán vũ khí với Việt Nam?
Thực tế, mối quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ bị chi phối bởi nhiều yếu tố, trong đó có phần bị ảnh hưởng từ quá khứ để lại. Một điều trớ trêu của lịch sử là hai nước cùng trải qua một cuộc chiến tranh tàn khốc. Thứ hai nữa, Việt Nam và Mỹ có thể chế chính trị, lối sống, văn hóa khác nhau hoàn toàn. Chính vì những lý do này, theo tôi không thể ngày một ngày hai mà hai nước bình thường hóa quan hệ ngay được, mà cần phải có một quá trình nhất định để xây dựng lại lòng tin giữa hai bên.
Tuy lệnh cấm chỉ được gỡ bỏ một phần nhưng theo tôi, nó cũng có ý nghĩa biểu tượng rất cao. Về mặt chính trị cho thấy, Việt Nam và Mỹ đã vượt qua được những mặc cảm của quá khứ, thể hiện sự tin tưởng lẫn nhau trong quan hệ hợp tác giữa hai nước. Nhưng ý nghĩa quan trọng hơn là hai nước đều hiểu được vai trò, lợi ích của nhau. Tôi có nhớ một câu nói rất hay: “Trong quan hệ quốc tế, không có thù vĩnh viễn mà chỉ có lợi ích quốc gia dân tộc là vĩnh viễn”.
Về lâu dài, việc mua bán vũ khí chỉ là một phần, quan trọng nhất vẫn là lợi ích chiến lược lâu dài, đó là đảm bảo an ninh, an toàn hàng hải, bảo vệ độc lập, chủ quyền lãnh thổ.
Việc dỡ bỏ một phần mà không phải toàn bộ cho thấy ẩn ý hai bên cần đẩy mạnh giao lưu, trao đổi, thúc đẩy sự tin cậy lẫn nhau đưa quan hệ hai nước lên một bước cao hơn.
Rõ ràng việc dỡ bỏ một phần lệnh cấm bán vũ khí sẽ giúp Việt Nam và Mỹ tăng cường sự hơp tác theo hướng có lợi cho cả hai nước. Vậy theo ông, lợi ích cụ thể mà hai nước đạt được ở đây là gì?
Thứ nhất, theo tôi việc này phục vụ cho lợi ích quốc gia của cả hai nước. Đối với Việt Nam, điều này góp phần vào việc bảo vệ độc lập, toàn vẹn lãnh thổ, giúp chúng ta xây dựng lực lượng góp phần phát triển đất nước, và nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Đồng thời qua đó cũng góp phần xây dựng, đóng góp vào hòa bình ổn định, an ninh hàng hải ở khu vực Đông Nam Á cũng như thế giới. Cần phải nhấn mạnh rằng, chúng ta phát triển quan hệ với Mỹ không phải nhằm chống lại một bên nào, cũng không đi ngược lại lợi ích của bất kỳ ai. Phát triển quan hệ Việt – Mỹ chỉ nhằm phục vụ cho lợi ích quốc gia dân tộc, đóng góp cho hòa bình, ổn định thế giới.
Còn về phía Mỹ, theo tôi việc gỡ bỏ một phần lệnh cấm cũng giúp Mỹ tái cân bằng sang Châu Á – Thái Bình Dương. Xây dựng quan hệ bạn bè, đối tác với Việt Nam chính là để phục vụ lợi ích, an ninh quốc gia của Mỹ trong cả tầm quốc gia cũng như tầm khu vực. Rõ ràng, Mỹ thấy ở Việt Nam là một nước có nhiều tiềm lực, vai trò trong khu vực mang lại nhiều lợi ích cho họ. Tiềm năng của Việt Nam không chỉ dừng lại ở quan hệ bạn bè mà còn là một đối tác quan trọng có thể hợp tác trong nhiều lĩnh vực.
Việt Nam có vị trí rất quan trọng ở khu vực Đông Nam Á. Chúng ta là nơi giao thoa, cầu nối giữa Đông Nam Á lục địa và Đông Nam Á hải đảo, đồng thời Việt Nam cũng là điểm nối giữa Đông Bắc Á và Đông Nam Á. Do vậy, trong quá trình thực hiện chính sách chuyển dịch trọng tâm sang Châu á – Thái Bình Dương, Mỹ đặc biệt quan tâm đến Việt Nam cũng như các nước ASEAN bởi đây là những nước có nhiều tiềm năng to lớn để hợp tác trong nhiều lĩnh vực và là một đối tác mà Mỹ không thể bỏ qua. Với Mỹ, Việt Nam là một trong những nước có vai trò chiến lược trong Đông Nam Á, giúp Mỹ có thể cân bằng các lợi ích kinh tế - an ninh, tăng cường sức mạnh cho khu vực. Vì vậy, Việt Nam trở thành một trong những đối tác đặc biệt quan trọng đối với Mỹ và cũng là đối tác chính ở Đông Nam Á cũng như là yếu tố chính liên kết từ Đông sang Tây, từ Bắc tới Nam trong cộng đồng Châu Á.
Cũng phải nói thêm rằng, hiện nay Mỹ có sức mạnh kinh tế đứng đầu thế giới, an ninh – quốc phòng cũng vượt trội. Không những thế, yếu tố chiến lược của Mỹ cũng rất quan trọng. Trong vấn đề biển Đông, quan điểm của Mỹ có rất nhiều thuận lợi cho Việt Nam, họ ủng hộ chủ trương giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, ủng hộ việc sử dụng Công ước luật biển để giải quyết tranh chấp. Mỹ lên tiếng rất mạnh mẽ trong vụ việc giàn khoan Hải Dương 981 vừa qua. Mặc dù giữa Việt Nam và Mỹ còn nhiều khác biệt nhưng sự khác biệt ấy là đương nhiên không thể tránh khỏi. Vượt qua những thách thức, khó khăn ấy để hợp tác với Mỹ như một công cụ chiến lược bảo vệ đất nước trong tình hình mới là một yếu tố chiến lược trong bối cảnh hiện nay.
Sau việc gỡ bỏ một phần lệnh cấm bán vũ khí này, liệu chúng ta có thể trông đợi một bước đột phá mới cho quan hệ Việt – Mỹ trong tương lai không, thưa ông?
Quan hệ Việt – Mỹ trong thời gian tới theo tôi, còn nhiều cơ hội hợp tác rất lớn. Trước mắt, tôi nghĩ hai nước cần xây dựng lòng tin lẫn nhau, vượt qua những mặc cảm quá khứ để có thể hợp tác toàn diện và hiệu quả hơn. Thứ 2, về mặt hợp tác Kinh tế - Thương mại thì hai bên đang thúc đẩy đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và nếu vấn đề này được triển khai nhanh thì nó sẽ mở ra rất nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam. Thứ nữa, về mặt hợp tác Giáo dục – đào tạo, Khoa học – công nghệ, Mỹ cũng là một nước có nhiều công nghệ nguồn tốt, nếu việc chuyển giao được thực hiện thì Việt Nam sẽ có rất nhiều thuận lợi.
Tôi tin rằng, sau sự kiện gỡ bỏ một phần lệnh cấm vũ khí sẽ tạo đà thuận lợi để hai nước tiến tới trong việc hợp tác nhiều lĩnh vực khác, vì khi lĩnh vực Chính trị - Quốc phòng đã khai thông thì các lĩnh vực khác cũng rất thuận lợi, đặc biệt trong bối cảnh hai nước tiến tới kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ.
Xin cảm ơn ông!