Tư vấn doanh nghiệp; Tư vấn sở hữu trí tuệ; Trang tụng thu hồi nợ; Bất động sản; tranh tụng dân sự; Tư vấn thuế, tài chính;...
Khách thể của tội phạm
- Cập nhật : 03/06/2014
Quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ và bị tội phạm xâm hại.
Khách thể của tội phạm là một trong bốn yếu tố cấu thành tội phạm và được hiểu là đối tượng bị tội phạm xâm hại. Luật hình sự coi đối tượng bị tội phạm xâm hại là quan hệ xã hội. Bất cứ tội phạm nào cũng đều xâm hại một hoặc một số quan hệ xã hội nhất định được luật hình sự bảo vệ. Ví dụ: Tội giết người xâm phạm quan hệ nhân thân, tội trộm cắp tài sản xâm hại quan hệ sở hữu v.v.. Quan hệ nhân thân hay quan hệ sở hữu trong những trường hợp này là khách thể của tội phạm.
Trong mối tương quan với tội phạm nói chung, nhóm tội phạm và tội phạm cụ thể có khách thể chung, khách thể loại và khách thể trực tiếp. Trong đó, khách thể chung của tội phạm được hiểu là tổng hợp những quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ và có thể bị tội phạm xâm hại. Những quan hệ xã hội được luật hình sự Việt Nam bảo vệ là những quan hệ xã hội được xác định trong BLHS như độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc,... chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hoá, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, các quyền nhân thân, quyền sở hữu ... Khách thể loại của tội phạm được hiểu là nhóm các quan hệ xã hội cùng hoặc gần tính chất được nhóm các quy phạm pháp luật hình sự bảo vệ và bị nhóm các tội phạm xâm hại. Theo luật hình sự Việt Nam hiện hành có 14 nhóm quan hệ xã hội như vậy. Ví dụ: Nhóm quan hệ sở hữu, nhóm an ninh quốc gia, nhóm quan hệ hôn nhân, gia đình ... Khách thể trực tiếp của tội phạm được hiểu là quan hệ xã hội cụ thể được quy phạm pháp luật hình sự cụ thể bảo vệ và bị tội phạm cụ thể xâm hại (và sự xâm hại này thể hiện được đầy đủ nhất bản chất nguy hiểm cho xã hội của tội phạm cụ thể đó). Một tội phạm có thể xâm hại nhiều quan hệ xã hội khác nhau nhưng trong đó chỉ có một hoặc một số quan hệ xã hội bị xâm hại có tính chất của khách thể trực tiếp. Ví dụ: Tội trộm cắp tài sản xâm hại nhiều quan hệ xã hội khác nhau nhưng trong đó chỉ có quan hệ sở hữu được coi là khách thể trực tiếp; ở tội cướp tài sản có hai quan hệ xã hội (nhân thân và sở hữu) đều được coi là khách thể trực tiếp vì chỉ sự xâm hại đồng thời của hai quan hệ xã hội này mới thể hiện được đầy đủ bản chất nguy hiểm cho xã hội của tội cướp tài sản