Không ít vụ, đám thảo khấu còn bắn thẳng vào người, vào xe để cướp tiền, cướp hàng. Thậm chí, chúng lăm lăm mỗi tên khẩu súng K54 chặn bà con đi chợ để cướp... một con gà.
Vào những năm 1990 thế kỷ trước, ở tỉnh biên giới Lạng Sơn giáp Trung Quốc, nạn cướp bóc diễn ra thường xuyên. Thời điểm đó, Việt Nam và Trung Quốc mới mở cửa giao thương trở lại, nên hoạt động buôn bán cực kỳ náo nhiệt. Khách du lịch, người đi buôn không còn lạ với cảnh những toán người vác súng AK nhảy ra đường chặn xe khách, xe tải... để cướp.
Nỗi ám ảnh của dân bản
Đó là băng cướp hoành hành suốt một thời gian dài trên tuyến quốc lộ 1B từ TP.Lạng Sơn đi huyện lỵ Văn Quan cuối năm 1996. Đoạn đường này quanh co khúc khuỷu, người đi đường chủ yếu là dân bản vào mỗi phiên chợ, thường cách nhau dăm ba ngày.
Phiên chợ nào, nhóm cướp cũng xuất hiện. Khác với các băng cướp khác, bọn này dùng khăn bịt mặt kín mít, vác súng K54, súng kíp chặn người đi chợ để cướp. Thượng vàng hạ cám, từ vài chục ngàn đồng dành dụm được do bán ngô, bán lúa để mua mắm muối, vải vóc, nhu yếu phẩm dùng trong gia đình cho tới phiên chợ sau, đến con lợn cắp nách, vài con gà, con vịt được bà con xách xuống chợ bán... đều bị chúng cướp hết. Dẫu tài sản bị cướp không quá nhiều, nhưng là nỗi ám ảnh cho mọi người mỗi khi có việc qua đây.
Những lá đơn trình báo không đầu không cuối vì khó khăn lắm mới kiếm được người biết tiếng phổ thông để nhờ viết hộ, cuối cùng cũng được gửi đến công an huyện Văn Quan. Đơn trình báo tuy ngày một nhiều lên, nhưng việc thu thập tài liệu, chứng cứ hầu như rất khó khăn, thậm chí không có chút manh mối nào.
Vụ án được giao cho ông Triệu Văn Điện - Anh hùng LLVTND, Phó phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Lạng Sơn (đại tá Điện nay là Trưởng phòng Cảnh sát truy nã tội phạm) thụ lý. Đích thân ông Điện cùng một số trinh sát mai phục tại địa bàn suốt thời gian dài.
Một đoạn quốc lộ 1B lên TP.Lạng Sơn.
Đường 1B tuy là quốc lộ nhưng rất quanh co, gồ ghề, ôm vòng theo những sườn núi. Hai bên đường khu vực này rất trống trải. Đám cướp lại manh động, ra tay chớp nhoáng, có khi vừa nghe tiếng hô “cướp, cướp!” ở khá gần, nhưng khi các trinh sát đến nơi thì chúng đã mất hút, chỉ còn lại nạn nhân ngồi ngu ngơ bên đường.
Ông Điện chú ý một chi tiết là tất cả bọn chúng đều đi dép tổ ong. Vốn là chuyên gia săn bắt cướp xứ Lạng, ông xác định ngay, các đối tượng trong băng cướp chính là người địa phương. Bởi những băng cướp ở địa bàn khác đến hoạt động là lưu manh chuyên nghiệp và bọn chúng thường có chung diện mạo: đi dép cao su, mặc áo “ga” Tô Châu (Trung Quốc), đội mũ cối. Băng cướp này lại luôn bịt kín mặt khi hành động.
“Xưởng” sản xuất súng trên đồi
Tại địa phương có một nhóm người thường xuyên bỏ nhà đi tụ tập rượu chè, đánh bạc. Cầm đầu nhóm này là tên Hà Văn Lượng (59 tuổi, ở thôn Pò Mạch, xã Bình Trung, huyện Cao Lộc, Lạng Sơn). Tên Lượng sau này đã chết trong trại. Ngoài Lượng còn có Đinh Văn Hào, mới 18 tuổi; Hoàng Văn Thiết (39 tuổi, trú bản Làn, huyện Văn Quan, Lạng Sơn) và bố là Hoàng Văn Phảy.
Ngày 6/1/1997, Phòng Cảnh sát hình sự công an tỉnh Lạng Sơn bắt khẩn cấp Lượng. Lượng là em rể liệt sĩ, Anh hùng LLVTND Hoàng Văn Trai - đồng đội cùng chiến đấu trong chiến tranh biên giới 1979 cùng ông Điện. Hàng năm, vào ngày Hoàng Văn Trai hy sinh, ông Điện thường đến thăm nhà, thắp nhang tưởng nhớ người đồng đội đã anh dũng hy sinh.
Khi được ông Điện giải thích, động viên, lại vốn là người dân tộc bản địa, tuy cầm đầu băng cướp nhưng Lượng rất thật thà. Vì vậy, Lượng không hề quanh co, lỳ lợm mà khai tuồn tuột tất cả đám đồng bọn đang làm gì, ở đâu. Thế là, chỉ một ngày sau, cả nhóm cướp bị bắt cùng số súng đạn gây án.
Các đối tượng khai đã gây ra nhiều vụ cướp trên tuyến quốc lộ 1B, chủ yếu nhằm vào người đi chợ về. Số tiền cướp được, cả bọn chia nhau đánh bạc, chơi bời hết. Khi cướp được gà vịt, lợn..., chúng đem về nhà tên Lượng làm thịt, tổ chức nhậu nhẹt. Lượng còn khai, toàn bộ số súng kíp, súng K54 đều mua của tên Vi Văn Chắn (ở bản Làn, huyện Văn Quan, Lạng Sơn).
Chắn từng là quân giới, chuyên chế tạo súng trong quân đội. Sau khi phục viên về bản, Chắn không có việc làm. Ở vùng biên giới này, bà con thường dùng súng kíp để săn thú, làm vũ khí tự vệ và bảo vệ rừng hồi khỏi bị thu hoạch trộm. Giấu được hộp đồ nghề trước khi giải ngũ, Chắn dùng những kiến thức có được trong quân đội chế tạo súng đem bán.
Chỉ với vài chiếc rìu, dao, đục, dũa, khoan đựng trong chiếc hòm gỗ nhỏ, cộng với những ống sắt thép tìm mua ngoài chợ, thứ nào không có thì thuê thợ rèn đúc, Chắn có thể chế tạo được nhiều loại súng rất đẹp, trông không khác gì súng được sản xuất ở nước ngoài.
Ông ta chế tạo rất nhanh, chỉ 2 - 3 ngày đã được một khẩu, lại có cả đạn bắn thử đàng hoàng. Vì toàn đồ nhặt nhạnh, thuê thợ rèn trong bản đúc theo yêu cầu nên ông ta bán rất rẻ, có khi chỉ vài chục ngàn đồng một khẩu súng kíp, súng quân dụng K54 cũng chỉ có giá 2 triệu đồng/khẩu.
Vi Văn Chắn có một căn lán nhỏ lợp bạt trên đồi, cách nhà khoảng 1km, vừa làm nơi ngủ giữ rừng hồi, vừa làm “xưởng” chế tạo và “kho” súng luôn. Từ chỗ chỉ sửa giùm dân bản mấy khẩu súng săn, súng kíp tự chế, Chắn sản xuất súng để bán.
Tiếng tăm ngày một lan xa, dần dần, đám giang hồ, thảo khấu cũng tìm tới ông ta đặt làm những khẩu súng có độ sát thương cao hơn, cả các loại súng quân dụng như K54, AK...
Sau khi thu thập đủ chứng cứ, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Lạng Sơn đã ra lệnh bắt khẩn cấp Vi Văn Chắn, thu ngay tại lán - “xưởng” sản xuất vũ khí của ông ta trên rừng hồi 20 khẩu súng kíp, 1 khẩu súng AK do khách hàng đặt chưa kịp tới lấy...
Băng cướp ngày trên quốc lộ 1B bị xóa sổ, niềm vui của bà con dân bản mỗi khi nô nức xuống phiên chợ để mua bán, gặp gỡ, giao lưu sau những ngày miệt mài trên nương rẫy mới thực sự trọn vẹn.