Nhiều người có HIV đang được tiếp cận với điều trị bằng thuốc kháng virus ARV. Việc này vừa giúp họ cải thiện được sức khỏe, tiếp tục lao động và đóng góp cho cộng đồng xã hội, vừa giảm kỳ thị và phân biệt đối xử. Nhiều người trong số họ đã tìm thấy tình yêu và hạnh phúc không chỉ đối với người cùng cảnh mà cả với những người không có HIV.
Tôi nhớ cách đây 10 năm, Tiến sĩ Stephens, chuyên gia trong hoạt động phòng, chống HIV/AIDS đã đến Việt Nam. Trong lần trả lời các phóng viên báo chí, anh nói: “Tôi đã chung sống với HIV hơn 20 năm nhưng vợ tôi không nhiễm và con tôi cũng không nhiễm HIV”. Câu chuyện đó đã để lại ấn tượng mạnh và thu hút sự quan tâm của nhiều nhà báo trong nước lúc bấy giờ.
Ngay sau đó, đám cưới giữa một người đàn ông có HIV kết hôn với một phụ nữ không có HIV, được tổ chức tại quận Long Biên, Hà Nội cũng không kém phần xúc động. Đó là trường hợp của anh Trung, một người thợ làm nhôm kính không may nhiễm HIV. Sau những ngày tháng chán nản, anh đã đập phá đến đồng tiền cuối cùng dành dụm được trong những ngày lao động cần cù, vất vả. Anh Trung nghĩ rằng cần phải làm cái gì đó có ích cho cộng đồng và xã hội. Anh là một trong những thành viên sáng lập ra Mạng lưới “Vì ngày mai tươi sáng”, tập hợp nhiều nhóm tự lực tại 21 tỉnh phía Bắc của những người sống chung với HIV với các hoạt động chăm sóc, tư vấn tại nhà và cộng đồng.
Ngoài ra, còn tạo việc làm và thu nhập cho những người cùng cảnh. “Mình không nghĩ rằng sẽ có ngày hôm nay. Lúc đấy, mình nghĩ rằng nên nói thật về tình trạng có HIV và hoàn cảnh của mình với người yêu nhưng cô ấy càng thương mình hơn”, anh tâm sự. Cuối cùng, đám cưới của họ vẫn diễn ra bình thường. Hai vợ chồng anh Trung đã sinh được một con trai năm nay lên 6 tuổi hoàn toàn khỏe mạnh và kháu khỉnh.
Ảnh minh họa.
Cho đến thời điểm này, những câu chuyện tương tự như anh Trung tại Việt Nam đã không còn là đề tài hiếm. Trong Hội thảo kết thúc dự án về chăm sóc những người có HIV, tại Hà Nội được thực hiện bởi Hội phụ nữ, cả khán phòng chăm chú lắng nghe những lời chia sẻ của một phữ có nước da ngăm ngăm đen đến từ tỉnh Lạng Sơn. “Em tên là Hạnh. Trước đây, em đã có một đời chồng, anh ấy là người sử dụng ma túy và đã mất bởi AIDS cách đây 5 năm. Thực lòng em cũng không muốn đi bước nữa nhưng anh ấy biết em có HIV song vẫn muốn sống chung và có con với em. Chúng em đã đi hỏi khắp nơi, cuối cùng được một bác sĩ tư vấn cho chúng em cách thụ tinh...
Hôm nay, như các anh, chị thấy đấy, em đã có bầu được 7 tháng. Đi siêu âm bác sĩ nói là con gái”. Sau một hồi im lặng, các đại biểu tham dự hội thảo vỗ tay rào rào vì vui mừng bởi câu chuyện của chị Hạnh.
Nhân dịp chuyến công tác tại TP Hạ Long, Quảng Ninh, chúng tôi tranh thủ đến thăm Hùng - một người bạn cùng quê. Không thể tin vào mắt mình nữa, cùng đi với Hùng đến khách sạn đón chúng tôi, là một phụ nữ trẻ vợ của Hùng trên chiếc xe Lexus 7 chỗ. Tôi vẫn còn nhớ như in khoảng 7-8 năm trước, chúng tôi chuyển gửi Hùng vào Bệnh viện Lâm sàng và các bệnh nhiệt đới. Lúc đó, Hùng chỉ còn da với xương do bị viêm phổi, tế bào miễn dịch CD4 chỉ còn mấy chục (thấp hơn ngưỡng trung bình quá nhiều và đang trong tình trạng nguy hiểm).
Trên người Hùng chả có đồ vật gì có giá trị, Hùng đã bán hết vì ma túy. Vài năm sau, nghe mọi người kể lại Hùng đã cai ma túy, đi học lái xe. Sau đó, đi lái xe thuê, có lúc đi chạy xe ôm. “Vào những năm 90 thế kỷ trước, nhiều thanh niên ở đây đều nghiện. Ma túy đã làm em mất hết tất cả, trong đó có tình yêu. Người yêu đầu tiên của em cũng bỏ em ra đi. Em quyết định bỏ ma túy nhưng cũng chả có ai tin em sẽ làm được việc đó song em không quan tâm đến điều đó. Em biết mình bị nhiễm HIV nên em nghĩ công việc lái xe về lâu dài không có lợi cho sức khỏe. Em đã nghĩ đến việc dành dụm tiền và may mượn gia đình, họ hàng để làm ăn”, Hùng chia sẻ.
Những câu chuyện về tình yêu giữa những người có HIV và những người không có HIV hay khi biết người yêu mình có HIV nhưng họ vẫn chấp nhận đến với nhau, trong mạng lưới của những người sống chung với HIV càng ngày càng nhiều. Có lẽ không thể kể hết.
Trong số các bạn mà tôi biết, chị Thảo có một công việc khá ổn định, đang làm kế toán cho một công ty than tại thị xã Cẩm Phả, Quảng Ninh. Khi gặp anh Hoàng, một thành viên trong Ban điều hành của Mạng lưới những người sống với HIV, tại Hà Nội, chị đã từ bỏ công việc đang làm để lên Hà Nội sống với anh Hoàng. Hai anh chị đang lên kế hoạch để sinh con. “Thà em biết chồng em là người có HIV để chủ động dự phòng còn hơn là không biết vì nguy cơ nhiễm HIV có thể đến với bất kỳ ai”, chị Thảo tâm sự.
Các hoạt động về can thiệp liên quan đến chăm sóc, dự phòng và điều trị đối với HIV/AIDS có hiệu quả. Cũng đồng nghĩa với sự kỳ thị và phân biệt đối xử đối với người có HIV giảm đáng kể tại các tỉnh/ thành phố có nhiều dự án can thiệp. Hy vọng trong tương lai sẽ không còn khoảng cách giữa những người có HIV và người không có HIV. Những người sống chung với HIV mong muốn được tiếp cận với điều trị mang tính bền vững đặc biệt là thuốc bậc hai. Có thể nói rằng, điều trị chính là chiến lược dự phòng tích cực. Các cặp vợ chồng trái dấu cũng mong muốn sẵn có các dịch vụ lọc rửa tinh trùng để sinh ra những đứa con không nhiễm. Như vậy hạnh phúc của họ sẽ trọn vẹn hơn.
(do yêu cầu của nhân vật, tên của họ trong bài viết đã thay đổi và hình ảnh trong bài chỉ có tính minh họa)
Theo: Đồng Đức Thành - CSND