Hoạt động trong lòng địch với việc “nhập vai” yểu điệu thục nữ một cách xuất sắc, hoàn hảo đến nỗi ông Thắng bị con trai Tỉnh trưởng Bến Tre lúc bấy giờ khăng khăng đòi rước về làm vợ.
Suýt làm dâu nhà Tỉnh trưởng Bến Tre
Nhập vai xuất sắc, ông Năm Thắng với cái tên Huỳnh Thị Thanh khi ấy suýt phải về làm dâu nhà tỉnh trưởng
Vì nhiệm vụ cách mạng giao, ông Năm Thắng đã giả gái, trở thành một tình báo viên thâm nhập vào tổ chức “Thiên Nga Phụng Hoàng”. Quá trình “nhập vai” sống giữa những người phụ nữ thật khiến ông Năm Thắng gặp không ít chuyện bi hài.
“Khó khăn và nguy hiểm nhất là những lúc ngủ chung với các thành viên trong đội. Họ thì vô tư và thoải mái vì là con gái với nhau, trong lúc đó mình phải thận trọng giữ khoảng cách an toàn nhưng cũng không được quá tách biệt. Rồi chuyện đi vệ sinh, nhiều chuyện tế nhị của phụ nữ đều phải chú ý từng tý để tránh bị lộ” - ông Thắng tâm sự.
Với chiều cao gần 1,7m, giọng nói nhỏ nhẹ, dáng đi duyên dáng, làn da trắng nên Năm Thanh nhanh chóng được các đồng nghiệp nam để ý tỏ tình. Nguy hiểm nhất là “mối tình” với con trai của Tỉnh trưởng Bến Tre lúc bấy giờ. Cậu ấm ăn chơi khét tiếng này đã gục ngã trước sự duyên dáng, hiền hậu của "cô Thanh" và nhất quyết đòi lấy "cô" làm vợ.
“Mình đã cố gắng giữ khoảng cách để hoạt động, nhưng đối với con trai tỉnh trưởng thì không thể nào từ chối. Bởi từ chối thì cũng chẳng sống nổi để hoạt động nên chỉ còn cách kéo dài thời gian”, ông Thắng vừa cười vừa kể lại. Trước tình thế đó, tổ chức phải đưa ra kế hoạch cho ông sang vùng khác hoạt động để tránh bị lộ. Thế nhưng kế hoạch chưa được thực hiện thì đất nước ta hoàn toàn giải phóng.
“Vua cá, Năm dưa”
Người chiến sĩ tình báo năm xưa giờ chăm sóc ao cá mỗi ngày để làm kinh tế gia đình
Đất nước giả phóng, ông lại trở về cuộc sống đời thường như bao người. Nhà nghèo, ông phải sang tận Campuchia để mưu sinh. Năm 1983, ông trở về quê hương, hai bàn tay trắng, không đất, không nhà. Hai năm sau, ông dắt díu cả gia đình lên ấp Sông Mây, xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai sinh sống. Thương cảnh gia đình ông khó khăn nên HTX Bắc Sơn cho gia đình ông mượn 2 mẫu đất để làm ăn.
Có đất, ông quyết định trồng dưa hấu, kinh tế khó khăn nên trong khi chờ đợi thu hoạch cuộc sống gia đình hết sức chật vật. “Vừa mới đến đây nên cũng không quen ai, nước uống thì phải lấy dưới suối để lắng phèn rồi dùng, trồng dưa thì 2 cha con phải thắp đèn dầu suốt đêm để gánh nước tưới” – Ông Năm Thắng nhớ lại những ngày đầu lập nghiệp.
Trời không phụ lòng người ngay vụ dưa đầu ông thắng lớn, đến nỗi từ chỗ gọi ông là Năm Thắng thì người dân nơi đây chuyển sang gọi ông là “Năm Dưa”.
Có chút ít vốn, cộng thêm vay mượn, ông mua thêm đất xây chuồng nuôi heo thịt, rồi chuyển dần sang nuôi heo nái. Cao điểm lúc bấy giờ trại heo của ông có hơn 400 con.
Đến năm 2003, nhận thấy tiềm năng nuôi cá có thể mang lại hiệu quả cao, ông quyết định đào ao nuôi cá kết hợp chăn nuôi heo để tận dụng làm thức ăn cho cá. Đến nay, trong tay ông đã có 14 hecta mặt hồ nuôi cá cộng với đó là trại heo với hơn 60 heo nái và hơn 300 con heo thịt.
Hàng năm, gia đình ông cho xuất chuồng hơn 3.000 con heo thịt và heo giống, gần 100 tấn cá các loại, mang về khoản thu nhập gần 1 tỷ đồng. Chia sẻ về bí quyết thành công ông Năm Thắng cho biết: “Để đạt hiệu quả kinh tế cao, thì trên một diện tích mặt hồ mình phải tận dụng nuôi nhiều loại cá. Hiện trong mỗi ao tôi nuôi khoảng 10 loại cá như mè trắng, mè đen, basa… Ngoài ra kết hợp nuôi cá và heo có thể tận dụng thức ăn thừa, phế phẩm nuôi heo làm thức ăn cho cá để giảm chi phí”.
Giờ đây, ngoài tên gọi Năm Dưa người dân nơi đây lại đặt cho ông thêm một tên gọi khác “vua cá”.
Năm 2010, trang trại của ông Năm Thắng được Hội làm vườn Việt Nam bình chọn là “Trang trại vàng Việt Nam” duy nhất của tỉnh Đồng Nai. Từ gian khó đi lên, nên khi đã thành công, ông Năm Thắng luôn nhiệt tình giúp đỡ người nghèo, làm từ thiện, khuyến học và đóng góp xây dựng quê hương.
Ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom (Đồng Nai) cho biết, ông Năm Thắng là một người anh hùng trong kháng chiến, thời bình ông cũng giữ đúng chất người chiến sĩ cách mạng. Luôn tìm tòi, phát triển các mô hình làm ăn hiệu quả nhằm phát triển kinh tế của gia đình. Không những vậy anh còn nhiệt tình giúp đỡ bà con cùng vươn lên phát triển kinh tế. Ngoài ra, anh còn tích cực tham gia nhiều công tác từ thiện như xây cầu, làm đường, giúp đỡ người nghèo mỗi năm hơn 100 triệu đồng. Những đóng góp của anh đã góp một phần vào sự phát triển của địa phương.
Theo: Vĩnh Thủy - Dân trí