Chanh đã từng tốt nghiệp loại khá ở một trường ĐH hàng đầu ở Thủ đô, ra trường có công ăn việc làm đàng hàng nhưng nỗi ám ảnh của đồng tiền đã làm mờ mắt chàng kỹ sư trẻ.
“Dù sao cuộc sống vẫn còn dài và phải biết đứng dậy sau vấp ngã là câu nói mà thầy giáo chủ nhiệm cấp III đã nói với em trước khi về trại. Có được câu nói này, em như cảm thấy vững tin hơn sau suốt quãng thời gian suy sụp tinh thần ở trại tạm giam” - đó là lời kể của phạm nhân Nguyễn Văn Chanh (SN 1985) ở Trại giam Nam Hà.
Nguyễn Văn Chanh sinh ra trong một gia đình thuần nông nghiệp có tới 5 anh chị em ở thôn Bãi Ổi, xã Dĩnh Trì, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang. Là con thứ 4 trong nhà nhưng Chanh lại nổi bật hơn những anh chị em khác trong nhà bởi sức học rất tốt.
Chanh đã đỗ vào trường đại học danh tiếng ở Thủ đô - Đại học Bách Khoa Hà Nội. “Quyết tâm theo nghiệp đã học, em xin vào làm tại một công ty chuyên dự án cung cấp điện cao áp. Nhưng cũng là do mình, tuổi trẻ, lại mới ra trường nên thiếu kinh nghiệm, vốn sống, đâu phải sự thẳng thắn, sáng tạo nào cũng được hưởng ứng, dĩ nhiên kết quả là em xin nghỉ việc và tìm cho mình một môi trường mới thích hợp hơn. Em đã xin vào tổ điện của Nhà máy Xi-măng Bút Sơn ở xã Thanh Sơn, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam”.
So với nhiều bạn trẻ chân ướt chân ráo mới ra trường còn loay hoay xin việc, Chanh khá may mắn khi được nhận và phân công vào tổ điện. Công việc chính của Chanh là viết giáo trình và biên dịch các bảng điện, thiết kế.
Đây chính là sở trường nên Chanh rất thích thú với công việc được phân công. Vì là thế mạnh nên em có cơ hội được khẳng định mình và được lãnh đạo chú ý, đồng nghiệp tín nhiệm. Chanh tâm sự: “Hài lòng với sự ổn định của công việc cũng chính là lúc em nghĩ tới một mái ấm cho chính mình”…
Dành tình yêu thương suốt 5 năm trời cho một cô gái cùng làng, Chanh tổ chức đám cưới. Sau một thời gian ngắn, cuộc sống hạnh phúc của họ đơm hoa kết trái với một bé gái xinh xắn. Họ hàng hai bên nội ngoại đều rất vui mừng cho đôi vợ chồng trẻ. Thế nhưng, đúng vào lúc cuộc sống của Chanh đang yên bình và hạnh phúc thì Chanh lại rẽ đi vào một con đường khác.
Tai họa từ những cám dỗ
Nguyễn Văn Chanh có một người bạn tên Đào Đình Luận (SN 1984), ở tại Hà Nam. Tuy là bạn bè với nhau nhưng khác với Chanh, Luận sớm nảy sinh ý định kiếm tiền nhiều hơn nữa để thỏa mãn những thú vui xa xỉ của mình, đặc biệt là tiêu hoang.
Luận đã từng mở một quán café tẩm quất tại thị trấn Đồng Văn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam với tên Phong Vân nhưng làm ăn thua lỗ nên phá sản. Cho đến ngày vào làm việc tại Nhà máy Xi-măng Bút Sơn, Luận đã nợ vài chục triệu đồng. Biết bạn túng thiếu lại đang khó khăn nên Chanh sẵn sàng giúp đỡ.
Sau một hồi bàn đi tính lại, Luận rủ Chanh hùn vốn mở một cửa hàng “mát-xa, tẩm quất, giải khát” ngay cạnh nhà Luận. Nghĩ có thể giúp được bạn, lại cũng có máu me làm ăn nên Chanh đã gật đầu.
Chanh nhớ lại: “Khi mở quán, do cả hai không có nhiều thời gian trông coi cửa hàng nên chúng em đã thuê Nguyễn Hữu Trung (SN 1990) làm quản lý. Sau một thời gian mở quán, Luận tiếp tục bàn với em sẽ mở thêm nhiều “dịch vụ” mới để quán có thể nhanh chóng thu hồi vốn và tăng thêm thu nhập: Đấy là nuôi “em út”. Lúc đó em giật mình và sợ hãi, em đã thẳng thắn trao đổi với Luận về sự lo lắng của mình và cho rằng “kế hoạch” này gặp rất nhiều rủi ro. Thế nhưng, không hiểu trời xui đất khiến thế nào em lại gật đầu đồng ý”. Và thế là… các “em út” đã xuất hiện tại quán cùng với một số nhân viên cũ có thể “chiều” khách tới bến.
Việc kinh doanh tiến triển nhiều thuận lợi, ngoài số tiền cưa đôi mỗi khi khách tới mua vui, Chanh và Luận còn thu nhiều mối lợi khác từ việc điều nhân viên tới nhà nghỉ và khách sạn gần đó cho khách. Có tháng làm ăn được, số tiền thu về khiến Chanh tin tưởng hơn về lời Luận nói có thể thu hồi vốn nhanh.
“Tin tưởng vậy thôi nhưng chẳng ngày nào Chanh không lo và luôn tự nhủ với bản thân rằng “làm nốt tháng nữa rồi nghỉ”, Chanh chia sẻ. Nhưng câu chuyện không hề đơn giản. Xa nhà, thiếu thốn tình cảm của vợ khiến Chanh phát sinh tình cảm với một nhân viên trong quán.
Bộ mặt thật của “ông bạn vàng”
“H. là một cô gái chân chất ở một vùng quê miền trung nghèo. Qua giới thiệu của một vài người bạn, H. tưởng mình sẽ đổi đời với công việc tốt và thu nhập khá ở Thủ đô. Nào ngờ cô dính phải bẫy của bọn buôn người, suýt bị bán sang Trung Quốc, cuộc đời của H. đã thay đổi hoàn toàn. Cô chấp nhận bán thân và trở thành một gái làng chơi lúc nào không hay”, Chanh kể về hoàn cảnh của cô nhân viên mà mình nảy sinh tình cảm.
Gần gũi với ông chủ, H. thường xuyên nhận thêm được nhiều sự ưu ái. Chanh vẫn tăng thêm tiền thưởng cho H. để cô có thể trang trải chi tiêu và gửi về gia đình. Bù lại, những lúc “cô đơn”, những chuyến đi chơi xa của Chanh thi thoảng H. lại góp mặt và “tâm sự” cùng.
Mối quan hệ ông chủ - nhân viên này chỉ kết thúc cho đến ngày công an ập vào bắt quả tang hai đôi trai gái đang mua bán dâm tại một nhà nghỉ. Không phải ai khác, chính H. là một trong hai cô gái ấy. Trong những dòng nước mắt tường trình, H. khai được môi giới bởi Luận và được Luận chở đến đây tiếp khách. Mỗi lần đi khách, các cô được “bo” 200.000 đồng nhưng chỉ được hưởng 120.000 đồng, còn lại phải nộp cho Luận. Ngay sau đó, quán café giải khát của Luận và Chanh bị xóa sổ.
“Trước lúc bị bắt một ngày, Luận gọi điện cho em với nội dung: “Không nhờ được người nào bảo vệ được vụ này đâu. Mà nếu có bị bắt, tôi nghĩ ông nên nhận cả đi nhé! Một người nhận thôi, tôi ở ngoài sẽ cố gắng làm lụng, kiếm thêm tiền trang trải cho cả vợ con ông nữa. Nhận được cú điện thoại của Luận, tôi như rụng rời. Nghĩ mình khó tránh khỏi hành vi phạm pháp đã gây ra, tôi quyết định ra đầu thú”.
Bị bắt sau đó không lâu, Luận khai với cơ quan điều tra: “Tôi chỉ làm thuê cho Chanh và được chia lợi nhuận 30%, còn lại là 70% thì Chanh được hưởng”. “Tôi thực sự bất ngờ về lời khai này của Luận. Cuộc đời cũng thật lắm bất ngờ, tôi đã từng giúp đỡ và tin tưởng ở người bạn này rất nhiều. Nhưng đúng là chỉ đến khi hoạn nạn mới biết lòng nhau và hiểu rõ nhau như thế nào”…
“… Phải biết đứng dậy”
“Ra tòa, nhiều bạn bè đại học và cả những thầy cô giáo cũ đến dự khiến tôi như được an ủi phần nào. Ai cũng trách tôi không suy nghĩ mà làm liều không tính toán để rồi vướng vào vòng lao lý. Riêng thầy giáo chủ nhiệm cấp III cũ đã động viên tôi cố gắng cải tạo để sớm làm lại.
“Dù sao cuộc sống vẫn còn dài và phải biết đứng dậy sau vấp ngã là câu nói mà thầy tôi đã nói trước khi về trại. Có được câu nói này, tôi như cảm thấy vững tin hơn sau suốt quãng thời gian suy sụp tinh thần ở trại tạm giam”, Chanh tâm sự.
Sau đó, cả Chanh và Luận đều bị kết án về hành vi Chứa mại dâm và lĩnh mức án cho mỗi người 6 năm tù. Cả hai đều được chuyển về Trại giam Nam Hà và cải tạo ở hai phân trại khác nhau.
Trong khi đó, vợ Chanh, chị Đỗ Thị Huyền dù rất giận chồng nhưng vẫn nuốt nước mắt thường xuyên xuống thăm nom. Chanh sụt sùi: “Tội cho cô ấy và bố mẹ hai bên cũng buồn lo nhiều. Cô ấy vẫn bảo con gái là tôi đi công tác xa ngày, lâu lâu nữa mới có dịp về nhà”.
Cải tạo tại trại giam Nam Hà, Chanh được phân công sắp xếp lắp toàn bộ bảng điện và hệ thống điện của phân trại số 2. Công việc này không vất vả, lại phù hợp với chuyên môn của mình nên chàng kỹ sư trẻ này như tìm được cho mình một niềm vui nho nhỏ.
Chanh tâm sự: “Mong con lên thăm mình lắm anh ạ! Nhớ con nên lúc nào em cũng tự dặn mình cố gắng cải tạo. Mức án 6 năm nhưng nếu cải tạo tốt em tin mình có thể trở về sớm bên gia đình và việc đầu tiên có lẽ là bế con cùng vợ đi dạo trên con đường ở quê nhà, một việc làm mà em đã từng nói với vợ mình nhưng chưa có cơ hội thực hiện”.
Câu chuyện buồn của phạm nhân Nguyễn Văn Chanh là bài học cho bất kỳ ai ham làm giàu một cách bất chính vẫn bất chấp tất cả bỏ lại sau lưng công việc, danh vọng và cả mái ấm gia đình để chạy theo ma lực của đồng tiền và những cám dỗ vật chất tầm thường để đến khi bừng tỉnh còn lại chỉ là những giọt nước mắt ân hận sau song sắt để trả giá cho tội lỗi của mình.
Quân.Trần - Theo An ninh thủ đô