Những năm 1970, giang hồ Đà Nẵng thường kiêng nể Bửu “liều” ( Nguyễn Ngọc Bửu, SN 1956, ngụ phường Hòa Hiệp Nam, Liên Chiểu) vì quá khứ chỉ biết cướp bóc và tù tội.
Ông Nguyễn Ngọc Bửu
Ngót ngét gần nửa đời người lầm lỗi, nhờ sự thức tỉnh của cán bộ trại giam, “đại ca” đã quay đầu phục thiện, trở thành đội trưởng đội dân phòng cơ động.
Quá khứ lỗi lầm
“Có vô tù nhiều như rứa, tui mới hiểu được, sống ở đời đừng nên dùng dao búa để đối xử nhau”, ông Bửu thường mở đầu như vậy mỗi khi có ai muốn tìm hiểu về quãng đời giang hồ.
Người đàn ông này từng là nỗi kinh hãi của rất nhiều người mỗi khi đi qua đèo Hải Vân. Bửu “liều” sinh ra trong một gia đình nghèo, anh cả của 9 đứa em nheo nhóc. Chẳng được học hành, đứa bé cứ thế lớn lên, tự lao vào đời mưu sinh, kiếm cái ăn nuôi lấy thân. Và cũng vì sớm va vấp với cơm áo cuộc đời, thiếu sự định hướng nên Bửu đã đi lầm đường. Mười lăm tuổi, chàng thiếu niên đã bắt đầu dính dáng đến các băng nhóm cướp giật cộm cán ở phía Nam chân đèo Hải Vân và cũng nhanh chóng có tên trong “sổ đen” của cảnh sát. Vốn láu lỉnh, luồn lách giỏi nên khi chưa bị “sờ gáy”, Bửu đã có một vị thế đáng nể trong giới giang hồ. Bửu có độ liều hiếm thấy mỗi khi “hành sự”, hay ai đó thuê đòi nợ, chém mướn… nên mới được gắn cho biệt danh “Bửu liều”.
Mười tám tuổi, Bửu chính thức bị đưa vào tầm ngắm của cảnh sát khi liên tiếp gây ra các vụ cướp bóc tài sản dưới chân đèo Hải Vân. Theo hồ sơ lưu của Công an tỉnh Quảng Nam- Đà Nẵng (cũ), hơn 30 năm trước, cứ tầm 22h trở đi, đèo Hải Vân vắng lặng, chỉ còn vài ngôi miếu leo lét ánh đèn. Thời điểm đó các xe khách hiếm khi vượt đèo, nhưng không phải không có. Cứ chuyến xe nào liều lĩnh vượt đèo đêm, sẽ bất ngờ bị nhóm cướp lao ra chặn đường. Chỉ trong tích tắc, băng cướp của Bửu đã tràn ngập khắp xe, khống chế hành khách bằng đao, mã tấu, gậy gộc để cướp bóc tài sản.
Bửu bị kêu án 5 năm. Thay vì hối cải, được ra tù trước thời hạn, về lại xã hội chưa được bao lâu, năm 23 tuổi Bửu tiếp tục cầm mã tấu giao tranh nảy lửa để tranh giành địa bàn hoạt động. Bửu chém bị thương đối thủ và nhanh chóng bị cảnh sát vào cuộc vây bắt, truy tố tội Cố ý gây thương tích.
Trả giá 6 năm ăn ngủ sau song sắt, nhưng lần này mới ra tù chỉ đúng 3 tháng, Bửu lại tiếp tục lĩnh án về tội trộm cắp tài sản quy mô lớn ở kho Lào (Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu ngày nay), lĩnh án 10 năm tù giam. Lần vào trại giam thứ 3 này, Bửu đi còn văng vẳng tiếng mẹ với theo “cải tạo tốt rồi về nghe con. 30 tuổi rồi có sớm sủa chi nữa đâu con cứ quấn lấy tù tội”.
Đội trưởng đội dân phòng cơ động Nguyễn Ngọc Bửu (bên trái) đang trao đổi công việc với đồng nghiệp
Nhờ ân tình kéo về nẻo thiện
Vào trại, hình ảnh người mẹ già mỏi mắt chờ con cứ ám ảnh Bửu “liều” không thôi. Khi nhìn lại quãng đời tung hoành ngang dọc mà kết cục vẫn trắng tay, toàn “ăn cơm tù mặc áo số”, Bửu kể lại tự thấy cần phải quyết tâm rèn luyện và cải tạo tốt để mong được ra tù sớm. Khoảng thời gian này, Bửu được quản trại tin tưởng bầu làm đội trưởng đội trật tự trong tù. Ngoài ra, mỗi ngày Bửu còn được nghe quản giáo trại tỉ tê khuyên nhủ “quay về nẻo thiện”, khiến gã giang hồ một thời “không sợ trời sợ đất” càng thấm thía ý nghĩ được sống lương thiện, được “làm một cái chi đó” cho đời.
Bốn mươi tuổi, rời khỏi trại giam, khi đó ánh mắt của mọi người vẫn nhìn Bửu không mấy thiện cảm, thậm chí có người còn lờ đi chẳng bắt chuyện. “Lúc nớ, tui mặc cảm vô cùng, chỉ muốn kết liễu cuộc đời cho xong. Nhưng chừ nhìn lại mới thấy, chẳng có thành công mô mà không phải đánh đổi. Đường hoàn lương của tui là con đường nặng nghĩa. Nó bắt đầu bằng sự thức tỉnh từ tình thương của mẹ, người thân, của các cán bộ trại giam, rồi thêm cả sự quan tâm, động viên kịp thời của chính quyền địa phương khi tui mãn hạn tù…”, ông Bửu nhớ lại.
Về lại địa phương vài ngày, ông Bửu được anh em công an phường và chính quyền động viên tham gia giữ gìn an ninh trật tự. Lúc đầu, ông Bửu vì sợ mình không hoàn thành nhiệm vụ, phần khác sợ bà con không đặt niềm tin nên chẳng dám nhận lời. Nhưng rồi chính ông đặt câu hỏi “nếu mình không tin mình thì ai tin” và vui vẻ nhận lời. Năm 1996, ông làm đội viên đội dân phòng cơ sở. Thời điểm đó, tình hình an ninh trật tự ở phường còn rất lộn xộn, nhất là các vụ trộm cắp bu lông đường sắt, gây nguy hiểm cho những chuyến tàu vào Nam ra Bắc đi qua địa bàn phường. Nhờ “kinh nghiệm” có được, cũng như quyết tâm “đã làm phải đến nơi đến chốn”, ông Bửu nhiều đêm thức trắng phục bắt cho bằng được kẻ trộm. Chiến công đầu tiên vào cuối năm 1996, đã giúp ông lấy lại được phần nào niềm tin từ bà con, làng xóm. Dần dà, họ tin tưởng, hỗ trợ ông hơn trong mọi hoạt động giữ gìn trật tự.
Cũng trong năm này, gạt phăng những dị nghị, sự phản đối của gia đình, chị Phạm Thị Thu Hà (SN 1970, quê Huế, ngụ quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) vẫn tin tưởng Bửu hoàn lương thật sự và đã đem lòng yêu thương. Câu chuyện tình của ông Bửu và người vợ cho đến bây giờ vẫn như chuyện cổ tích, khi cả 2 đã cùng nhau vượt qua rất nhiều khó khăn mới nên duyên vợ chồng. Ngồi nhớ lại chị Hà không khỏi xúc động: “Do anh Bửu vừa lớn tuổi, vừa giang hồ nên ai cũng sợ. Vì thế mà cha mẹ, anh chị em tui phản đối cũng có cái lý của họ. Nhưng quái lạ, tui vẫn yêu, vẫn thương và quyết cùng anh từ từ tháo gỡ mọi khúc mắc với người thân, chờ cho đến khi được chấp nhận mới thôi”.
Gần 20 năm nay, ông Bửu tham gia lực lượng dân phòng và đã giúp cơ quan chức năng phá không ít vụ án nghiêm trọng. Ví dụ như vụ phát hiện đối tượng Đoàn Văn Sơn có lệnh truy nã đặc biệt từ Công an tỉnh Bình Phước. Sơn sinh sống trên địa bàn Đà Nẵng, đã thay tên, đổi họ; nhưng với linh cảm của một người từng nhiều năm gây án, ông Bửu đã lặng lẽ theo dõi, phát hiện thân thế thật của Sơn, báo cảnh sát tóm gọn.
Từ một đội viên dân phòng cơ sở, ông Bửu được tin tưởng giao nhiệm vụ đội phó rồi đến đội trưởng đội cơ động, Phó Ban bảo vệ dân phòng phường Hòa Hiệp Nam, kiêm Chi hội trưởng Chi hội Nông dân tổ 58 (phường Hòa Hiệp Nam). Nhận xét về ông Bửu, Trung tá Nguyễn Văn Quân, Phó trưởng Công an phường Hòa Hiệp Nam nói: “Anh Bửu đã biết bỏ lại quá khứ tội lỗi để trở thành tấm gương sáng cho các anh em từng một thời lầm lỗi noi theo khi trở về với xã hội”.
Ông Bửu thì tâm niệm: “Tui từng nếm qua hai mặt trái, phải của cuộc sống nên bây giờ đã thấm thía hết cái giá của những năm tháng lăn lê trong giới giang hồ. Vì vậy, mỗi lần có dịp, tôi đều lấy bản thân và câu chuyện đời mình ra kể cho giới trẻ ở địa phương nghe, với mong muốn bớt đi những kẻ đang đi vào những con đường giống tui trước đây. Ở đó không có tương lai”.