"Cháu xin lỗi tất cả mọi người vì những hành vi tội lỗi của mình. Cháu có viết hàng ngàn vạn câu xin lỗi thì cũng không thể thay đổi được quá khứ đau thương ấy", Lê Văn Luyện viết.
Có lẽ chưa ai quên được hình ảnh tội ác dã man, ghê sợ của "sát thủ máu lạnh" Lê Văn Luyện, một kẻ đã gây ra cái chết cho vợ chồng chủ tiệm vàng Ngọc Bích (Bắc Giang) cùng con gái 18 tháng tuổi của họ. Phạm nhân Lê Văn Luyện đã phải trả giá bằng một bản án nghiêm minh của pháp luật, song nỗi ám ảnh khiến cho Luyện khó thanh thản.
Trong bức thư gửi người cha, người ông của nạn nhân, Lê Văn Luyện đã phải thốt lên rằng: “Hằng đêm, những cơn ác mộng lại hiện về và mỗi khi tỉnh ngủ vì ác mộng là người cháu ướt sũng mồ hôi không thể nào ngủ lại được, cứ thế ngồi nghĩ cho đến sáng, tại sao mình lại đi giết người và sao mình lại nhẫn tâm đến vậy? Cháu rất ân hận và cũng rất hận bản thân mình tại sao lại không học hành cho đến nơi đến chốn mà lại đi tụ tập đàn đúm, tụ tập lêu lổng để rồi đi hại người khác khiến gia đình người ta tan cửa nát nhà và cả gia đình cháu cũng vướng vào vòng lao lý...".
Thông qua cuộc phát động viết thư "Gửi lời xin lỗi" do Cục Giáo dục, Cải tạo và hòa nhập cộng đồng - Tổng cục VIII, Bộ Công an tổ chức, trong bức thư dài 3 trang giấy, phạm nhân Lê Văn Luyện lần đầu tiên được có cơ hội nói lời xin lỗi tới gia đình người bị hại là bố đẻ của anh Ngọc, chủ tiệm vàng Ngọc Bích.
Trong thư, Luyện đã ăn năn hối lỗi: "Thật khó để cháu có thể cầm cây bút trên tay và viết những dòng chữ đầy tội lỗi của mình lên đây. Cháu đã phải suy nghĩ rất nhiều, rất nhiều đêm, bao lần trằn trọc để quyết định viết bức thư này gửi lời xin lỗi đến ông và tất cả các thân nhân gia đình ông. Cháu xin lỗi tất cả mọi người vì những hành vi tội lỗi của mình dù biết cháu có viết hàng ngàn vạn câu xin lỗi thì cũng không thể thay đổi được quá khứ đau thương ấy. Nhưng cháu viết những chữ xin lỗi ấy từ trong thâm tâm của một phạm nhân đầy tội lỗi day dứt lương tâm khi mà hằng ngày hằng giờ không muốn nhắc và nghĩ về quá khứ kinh hoàng của mình, khi mà những điều không muốn nghĩ đến thì lại hiện hữu trước mắt mỗi ngày và không thể nào quên được những hành vi tội lỗi của bản thân ông ạ...
Cháu hận bản thân cháu, nhiều lần cháu đã nghĩ "mày nên chết đi Luyện ạ, sống trên đời chỉ mang cái nhục về cho gia đình và những nỗi đau cho người khác, mày không đáng có mặt trên cõi đời nữa" mỗi lần nghĩ như vậy thì những câu hỏi "mày chết đi thì người ta có sống lại được không, mày có thể làm cho bố mẹ mày vui hơn khi họ mất đi đứa con mà họ yêu thương" và những ý nghĩ ấy cứ xoay tròn ở trong đầu cháu. Và nếu cháu chết đi mà có thể làm cho (cô, chú, em) sống lại thì cháu xin được chết, dù cái chết có thế nào cháu cũng xin chịu, cháu xin lỗi ông rất nhiều.
Còn bây giờ cháu đang sống nhờ Đảng và Nhà nước đã khoan hồng độ lượng tha chết cho cháu, và đang giáo dục cháu để sau này là người có ích cho xã hội. Cháu hứa cháu sẽ cải tạo tốt để sửa chữa, để đánh đuổi con quỷ trước đây đã ngự trị điều khiển cháu, cháu sẽ làm hết sức mình để trở thành một con người lương thiện".
Hai mẹ con pham nhân Nguyễn Hữu Bắc.
Trong số gần 84.000 bức thư gửi lời xin lỗi của các phạm nhân, trại viên, học sinh từ các trại giam, cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng gửi về tham dự cuộc phát động viết thư "Gửi lời xin lỗi", có nhiều bức thư được phạm nhân cởi lòng gửi gắm vào đó những nỗi niềm bấy lâu chưa có dịp tỏ bày cùng gia đình, người thân, người bị hại, chính quyền địa phương… Những nỗi niềm mà lâu nay, do tâm lý e dè, mặc cảm, sợ khơi lại nỗi đau của người bị hại, sợ sẽ không được tha thứ những lỗi lầm quá khứ nên chưa dám viết thư.
Phát động phong trào viết thư "Gửi lời xin lỗi" đã tác động vào đúng tâm lý của phạm nhân, khuyến khích, tạo điều kiện cho phạm nhân có cơ hội mạnh dạn dám nói ra sự thật tận đáy lòng mình về những lỗi lầm, nỗi trăn trở, day dứt, ân hận về những hành vi phạm tội của mình gây ra. Họ có dịp gửi đến người bị hại, thân nhân người bị hại, các cơ quan, tổ chức và cho chính thân nhân gia đình, ông, bà, bố mẹ, anh chị, vợ con của mình lời xin lỗi chân thành.
Tuy có muộn màng nhưng trong sâu thẳm những con người đang bị pháp luật trừng trị đó luôn có một ước muốn tâm nguyện nói lên nỗi niềm ân hận của mình. Qua đó để xác định rõ hơn trách nhiệm của bản thân đối với bị hại, với người thân của bị hại và người thân của chính mình.
Thư của phạm nhân Bùi Ngọc Quân (Trại giam Suối Hai) gửi lời xin lỗi đến gia đình bác Vũ Huy Cảnh đã viết: “Cháu sẽ cố gắng phấn đấu cải tạo, trở thành một người có ích để chuộc lại phần nào lỗi lầm cháu đã gây ra. Cháu có hai mong ước, một là báo đáp gia đình và gần cô chú hơn, hai là thắp một nén hương trước mộ bạn Cương, một người bạn đồng trang, đồng lứa cùng có những ước mơ dự định tương lai tươi sáng, nhưng giờ đây, vì cháu mà người ra đi mãi mãi, người phải vào chốn lao tù... Một người bạn mà cháu đã nợ, một món nợ mà cháu không thể trả hết. Cháu sẽ cố gắng cải tạo thật tốt vì hai mong ước đó...".
Thư của phạm nhân Đào Văn Trường trong vụ án giết người, xin lỗi chị Nguyễn Thị Thủy, mong được chị tha thứ: "...Tôi đã sai, tôi đã nhận ra điều đó ngay khi tôi bị bắt. Vì thế nên tôi chấp nhận mọi cái giá phải trả ngay khi Tòa tuyên án. Tôi đã dự định viết thư này tới chị và gia đình chị lâu lắm rồi, nhưng tôi chưa có điều kiện hay đúng hơn là tôi chưa đủ can đảm để đối diện với chị và gia đình chị. Nay được sự quan tâm của Ban giám thị cùng hội đồng cán bộ đã tiếp thêm sức mạnh cho tôi, để tôi hoàn thành ý nguyện của mình, gửi lời xin lỗi tới chị cùng gia đình chị, mong chị và gia đình chị rộng lượng tha thứ bỏ qua cho tôi lỗi lầm để lương tâm tôi không bị những áp lực nặng nề cho cuộc sống cải tạo hiện tại và cuộc sống sau này...".
Thư của phạm nhân Nguyễn Xuân Trường (Trại giam Thanh Xuân) phạm tội Giết người viết cho ông Nguyễn Văn Bình là bố đẻ của bị hại thể hiện rất rõ sự suy nghĩ rất sâu sắc, lương tâm dằn vặt, hối hận và lời xin lỗi chân thành của phạm nhân Trường với gia đình người bị hại: "Cháu biết hai từ "xin lỗi" chắc chắn sẽ không thể xóa đi nổi một phần nhỏ với những gì cháu đã gây ra... Tòa án xử cháu 10 năm nhưng đó chỉ là 10 năm tù giam về thể xác. Còn tòa án lương tâm trong cháu đã tự tuyên cho mình suốt cuộc đời này bởi sự băn khoăn. Và cháu muốn mình có thể làm một cái gì đó để có thể thay anh Kiên một phần nào đó phụng dưỡng hai bác khi tuổi già. Cháu đã từng mong ngóng từng ngày, từng giờ để có thể làm được điều đó. Có như vậy cháu mới thấy vơi bớt được sự day dứt trong lòng".
Thư của phạm nhân Nguyễn Văn Thế (Trại giam Ninh Khánh) phạm tội Giết người, mà xót xa nhất, nạn nhân chính là con trai của Thế, gửi cho vợ có đoạn viết: “Thấm thoát đã hơn sáu năm trôi qua đó là những ngày tháng đau khổ, tủi phận của cuộc đời anh. Anh cảm thấy thời gian vừa qua cứ như sợi dây vô hình từng ngày thít chặt con tim đầy tội lỗi của anh. Có thể nói những ngày cải tạo trong này là những ngày lương tâm anh dằn vặt. Cái hình bóng về một người chồng tồi tệ, một người cha đáng chết ngàn lần cứ hiển hiện trong tâm trí của. Anh thật không ngờ cái đêm định mệnh ấy đã cướp đi người con trai đáng yêu nhất của cuộc đời anh và nghiệt ngã thay người gây ra tội lỗi chính là anh, có lẽ anh không bao giờ quên được cái đêm ngày 4/1/2008 (âm lịch) ấy.
Trong cái không khí vui tươi của ngày Tết, tất cả các gia đình đang quần tụ, sum họp đón một năm mới vậy mà tai họa đã ập vào gia đình bé nhỏ của chúng mình. Trời ơi, chỉ vì vui chơi ngày tết quá đà đã làm anh trở thành một con ma men không làm chủ được bản thân mình, rồi đòi giết chết chính người vợ yêu thương của anh, người mà hằng ngày thường quan tâm, chăm sóc cho anh. Nhưng nghiệt ngã thay người phải hứng chịu lại là đứa con trai yêu quý của chúng mình. Anh đã hỏi ông trời tại sao, tại sao?... lại nhẫn tâm với gia đình mình như thế.
Giá như ông trời cho anh một điều ước duy nhất thì anh sẽ ước người con trai yêu quý của mình được sống trở lại cho dù anh có chịu nhiều khổ đau, đắng cay đi nữa. Nhưng điều đó không trở thành hiện thực mà nó chỉ là niềm mong ước của anh thôi, anh thấy có lỗi với em nhiều lắm. Anh nghĩ không gì có thể bù đắp được những tổn thất tinh thần mà anh đã gây ra cho em và hai con, nhưng từ trong sâu thẳm trong trái tim anh người mà anh muốn nói ngàn lời "xin lỗi em và hai con" dù anh biết rằng lời xin lỗi này là quá muộn màng nhưng trong thâm tâm anh luôn nghĩ mình đã gây nên tội thì mình phải biết xin lỗi và phải sửa chữa những lỗi lầm đã mắc phải. Anh luôn luôn trăn trở và rất ân hận và day dứt về những việc đã làm của mình.
Thật sự anh không biết nói gì hơn anh chỉ biết cố gắng phấn đấu thi đua cải tạo thật tốt, chấp hành nghiêm chỉnh nội quy trại giam để sớm được trở về đoàn tụ với gia đình và xây dựng, vun đắp lại cho gia đình hạnh phúc như bao gia đình khác, con mình được như bao đứa trẻ khác. Anh biết thời gian đó đối với anh còn rất dài và xa vời nhưng dù có thế nào đi nữa anh vẫn không bỏ cuộc... vì sau anh luôn có em và con".
Cuộc phát động viết thư "Gửi lời xin lỗi" tại các trại giam mỗi ngày đều nhận thêm được nhiều bức thư mới, những bức thư đôi khi viết với nét chữ nguệch ngoạc nhưng lại được các phạm nhân gửi gắm trong đó đầy sự ăn năn hối cải, với một mong muốn cháy bỏng là cải tạo tốt để sớm hoàn lương trở về với gia đình, người thân. Với những bức thư tốt, các trại giam đều tổ chức các cuộc tiếp xúc với nạn nhân, người nhà nạn nhân hoặc người nhà phạm nhân. Mới đây, trong cuộc Sơ kết tại Trại giam Suối Hai, chúng tôi đã chứng kiến cuộc tiếp xúc, gặp gỡ đầy nước mắt giữa hai mẹ con bà Lê Thị Liên và phạm nhân Nguyễn Hữu Bắc.
Phạm nhân Nguyễn Hữu Bắc đọc thư trước toàn thể cán bộ và phạm nhân trại giam.
Trước khi gặp mẹ, phạm nhân Bắc đã đọc bức thư trước toàn thể cán bộ trại giam và phạm nhân, và qua quan sát của chúng tôi, những lời nói của Bắc đã như nói hộ nỗi lòng cho nhiều phạm nhân khác cùng hoàn cảnh, cùng một nỗi ăn năn hối cải vì những lỗi lầm mình đã gây ra cho những người đã sinh thành dưỡng dục cũng như cho cộng đồng xã hội.
Bức thư viết: "Mẹ yêu của con! Suối Hai những ngày mưa trời se lạnh, con lại càng nhớ mẹ thật nhiều. Nhưng khi ngồi nhớ về mẹ như bây giờ con mới có cơ hội nhìn lại bản thân lúc trước: ngang ngược và luôn cãi lời mẹ, con sống buông thả… Con đã bỏ ngoài tai những điều mẹ nói vì con cứ nghĩ con đã hai sáu tuổi, đâu phải tất cả một mực nhất nhất theo ý mẹ để hôm nay con nhận được kết quả đắt quá mẹ ơi!. Nước mắt con lại rơi, hình ảnh mẹ mờ nhòa đi trong nước mắt của con và con đã không khóc nữa. Con dặn lòng vì mẹ đã phải vất vả thức dậy từ 3 giờ sáng đi chợ kiếm đồng tiền nuôi con trong thời gian con chấp hành án phạt tù nên con phải cải tạo cho thật tốt. Nếu có một điều ước, con ước thời gian quay lại để con sẽ trân trọng những ngày con được ở bên mẹ hơn, ăn những món mẹ nấu, nghe lời mẹ nhiều hơn, không làm mẹ buồn nữa. Cầu chúc cho mẹ yêu thật nhiều sức khỏe, sẽ không buồn và khóc nữa. Khi con hết án trở về, con sẽ làm cuộc sống của mẹ hạnh phúc hơn. Mẹ nhé!".
"Gửi lời xin lỗi" đã là một chiếc cầu chắp nối lại những ân tình, những tiếng nói từ bản năng sâu thẳm của con người một thời lầm lỡ bị đánh cắp. Chúng tôi tin rằng, những cánh thư đi sẽ nhận lại được một điều tốt đẹp, để ngày càng có nhiều phạm nhân trót bước vào con đường tội lỗi sớm trở lại cộng đồng, làm một người có ích cho xã hội…
Theo Trần Hoàng Thiên Kim/An ninh thế giới