Ông Dục thổi hương cho người bị nấm đầu.
Với quan niệm đau đâu thổi đấy, ông Kiều Xuân Dục (trú tại xóm Hòa Bình, thôn Yên Lạc, xã Cần Kiệm, huyên Thạch Thất, TP.Hà Nội) châm nắm hương to rồi phì phò thổi khói vào chỗ đau của người bệnh.
Đau đâu thổi đấy
Cứ thấy người lạ đi lòng vòng, ánh mắt nhìn tứ phía là người dân thôn Yên Lạc, xã Cần Kiệm, huyện Thạch Thất đoán ngay là họ đang tìm nhà thầy lang Dục. Người dân nơi đây gọi ông Dục là ông Dục “thổi” vì cách chữa bệnh của ông này là đau đâu thổi đấy mà không cần uống thuốc hay cách điều trị nào khác. Ông Dục tự nhận mình có khả năng thổi hương chữa gần như bách bệnh, trừ ung thư, thần kinh, não và những người để lại di chứng do tự tử không thành, vì ông quan niệm “những người đó không quý trọng mạng sống mà ông chỉ cứu những người muốn sống chứ không muốn cứu những người muốn chết”.
Khi chúng tôi đến, trong nhà, ngoài sân nhà ông Dục đã có gần 10 bệnh nhân đang chờ được thổi hương. Càng về trưa, số người tìm đến nhà ông Dục càng đông. Ông Dục lần lượt hỏi bệnh từng người trước khi quyết định có thổi hương cho người đó hay không.
“Người ta nói tôi chữa được bách bệnh thì kinh quá nhưng tôi cũng chữa được nhiều đấy, các bệnh như vẩy nến, nấm, đau mỏi xương khớp, gai đôi cột sống, đau mắt, nhiễm trùng, viêm loét… đặc biệt là chữa bỏng. Gần chục năm nay, tôi chữa trị ca bỏng nào cũng khỏi hết, còn thời gian bao lâu khỏi thì phải tùy từng vết bỏng nặng hay nhẹ, mỗi ngày đến thổi một lần, bỏng càng nặng thì chữa càng hiệu quả. Mà nhất thiết phải là vết bỏng mới, còn ướt, viêm, loét, toét… hay bỏng đến hở cả xương thì chữa sướng lắm, khỏi hết. Còn vết bỏng đã khô, đã qua điều trị ở bệnh viện rồi thì không chữa được nữa”, ông Dục nói.
Bên trong điện của ông Dục.
Nghe ông Dục “nổ” xuôi tai, những bệnh nhân ngồi cạnh tỏ vẻ tin tưởng. Ông Nguyễn Văn Hùng (55 tuổi, trú tại Phùng Xá, Thạch Thất, TP.Hà Nội) cho biết, ông bị tai nạn xe máy do chiếc ôtô dừng lại bất ngờ, tạt đầu xe ông để hỏi đường. “Sau khi ngã xe, đầu gối tôi đau muốn chết. Có lúc đau quá, tôi chỉ muốn các cụ gọi đi cùng, nhưng sau đó tôi nghe nhiều người giới thiệu tới ông Dục thổi hương nên tôi cũng đến xem sao. Thằng cháu tôi cũng bị tai nạn, khâu hai mũi ở cằm, đau không há miệng ra được nên hôm nay hai chú cháu đèo nhau tới đây thử thổi hương”, ông Hùng nói.
Sau khi hỏi qua tình hình một số bệnh nhân, ông Dục bắt đầu “chữa bệnh” cho từng người ngay trong điện của mình. Đó là gian nhà rộng chừng 10m2 nối tiếp ngôi nhà 5 tầng khang trang của ông. Ông Dục châm nắm hương to, cúng khấn, rồi tay phải cầm hương, tay trái che che như để tránh gió, lấy một hơi sâu thổi “phù phù” để khói hương bay vào đầu gối ông Hùng trong vòng 10 phút. Cháu ông Hùng bị khâu 2 mũi ở cằm, đau hàm nên không ăn được cơm, ông Dục thổi vào bên mang tai. Sau 10 phút đến lượt người tiếp theo, ông Dục lấy nắm hương khác châm lửa.
Bệnh nhân thứ 3 là một người đàn ông bị vảy nến. Người đàn ông này ngồi ghế nhựa, còn ông Dục vừa đứng tấn vừa thổi “phù phù” làm khói hương bay nghi ngút trên đầu người này. Bệnh nhân tiếp theo là một bà cụ bị bỏng nước sôi được cháu trai đưa đi thổi hương. Cẩn thận, chu đáo hơn những bệnh nhân nam trước, bà cụ này sắp lễ đặt lên ban thờ trong điện, rồi thắp hương và ngoài hoa quả dĩ nhiên không thể thiếu tiền, để tỏ lòng thành tâm. Đến lượt mình, bà cụ cũng được ông Dục thổi hương vào mu bàn chân để… vết loét nhanh khô miệng.
Danh thiếp của ông Dục quảng cáo về khả năng chữa bách bệnh bằng thổi hương.
Con đường trở thành “thần y” của người đàn ông “thổi hương”
Nói về tài chữa bệnh của mình, ông Dục coi khói hương của mình là thần dược mà không cần tới bất cứ loại thuốc bôi hay thuốc uống nào. Để tìm hiểu sâu hơn về thầy Dục, chúng tôi tìm gặp anh Lê Đình Chiến (SN 1974) - trưởng thôn Yên Lạc. Anh Chiến cho biết, ông Dục thổi hương chữa bệnh ngót nghét đã hơn 10 năm nay. Người bệnh ở khắp nơi đổ về, nhưng thỉnh thoảng mới có người dân địa phương tới nhà ông thổi hương để chữa bỏng, viêm loét. Trước kia, ông Dục chữa bệnh không lấy tiền của ai mà chỉ do người bệnh tùy tâm đặt lễ lên ban thờ, nhưng những năm gần đây, ông này đã đưa ra bảng giá cho từng nhóm bệnh.
“Theo tôi tìm hiểu, khi đã chữa bằng phương pháp thổi hương thì ngày nào người bệnh cũng phải đến cho tới khi khỏi mới thôi. Có người 1 tuần, 2 tuần, có người cả tháng. Tính ra, số tiền ông Dục thu được không đếm xuể. Còn việc ông ấy có hành nghề gia truyền hay không thì tôi khẳng định là không và ông ấy cũng không qua trường lớp nào về y học nào hết”, anh Chiến cho biết.
Anh Lê Đình Chiến - trưởng thôn Yên Lạc - cho biết, ông Dục không qua trường lớp y tế mà chỉ đi theo lớp “võ ma” rồi tự nhận mình có khả năng chữa bệnh.
Anh Chiến cho biết thêm, trước kia, ông Dục chỉ làm nông nghiệp, cũng gặt lúa, cấy hái, chăn vịt như những người khác. Sau một thời gian theo học “võ ma” (võ quyền thề - PV) ở điện của một “cô” ở Đại Đồng (Thạch Thất, Hà Nội), ông Dục về nhà nói mình có khả năng chữa bệnh bằng khói hương. Để quảng bá tới nhiều người khả năng chữa bệnh không cần mổ xẻ, không cần uống thuốc, kiêng khem, không lấy thịt chỗ này đắp chỗ kia của mình, ông Dục còn làm danh thiếp rất màu mè, bắt mắt.
Đem chuyện ông Dục tự nhận mình có khả năng chữa bách bệnh, nhất là bệnh bỏng “10 ca như một chục” đều khỏi tới gặp bác sĩ Lê Thị Lâm -Trạm trưởng trạm y tế xã Cần Kiệm, bác sĩ Lâm cho biết: “Chúng tôi đã tiếp nhận nhiều ca bỏng là những người đã tới gặp ông Dục chữa nhưng không đỡ, sau phải tìm đến trạm xá. Qua những trường hợp đó, tôi khẳng định, phương pháp chữa của ông này không hiệu quả. Xét cả lý thuyết và thực tế, ở người bị bỏng độ 1, theo cơ chế tự miễn, nếu vệ sinh sạch sẽ, vết bỏng sau 1 tuần sẽ tự khỏi, còn với bỏng độ 2 sau 14 ngày sẽ tự khỏi. Chính vì vậy, khi vết bỏng khỏi thì người dân lại cho rằng nhờ được ông này cứu giúp. Ông Dục chỉ giỏi đánh trúng vào tâm lý người bệnh mà thôi.
Theo ngành dọc, chúng tôi cũng đã cùng với phó trưởng phòng y tế lập biên bản và đình chỉ hoạt động chữa bệnh bằng cách thổi hương của ông này, sau đó bàn giao cho địa phương nhưng tới nay ông này vẫn ngang nhiên quảng cáo về khả năng của mình để đánh lừa những người cả tin, thiếu hiểu biết”.
Nói về chuyên môn khoa học liên quan tới cơ chế chữa bỏng, TS.BS Đỗ Lương Tuấn - Chủ nhiệm Khoa Bỏng người lớn, Viện Bỏng Quốc gia - cho biết, nguyên lý chung đối với bỏng là, nếu các tổn thương nhỏ, nông chỉ cần giữ nguyên lớp bỏng, không để nhiễm trùng thì vết bỏng sẽ tự khỏi trong vòng 2 tuần. Đối với bỏng sâu, ở diện rộng hoặc nhiễm khuẩn thì khả năng khỏi sẽ khó khăn hơn và bệnh nhân có những biểu hiện của nhiễm trùng như sốt, sưng tấy. Ở những vùng sâu không thể tự liền được thì phải cấy ghép biểu mô hoặc cấy ghép da. Tôi không tin, chỉ chữa bằng thổi hương như ông Dục mà tất cả các độ bỏng khỏi được. Theo tôi, đó chỉ là tà thuật, không có căn cứ khoa học, vì vậy khuyến cáo người dân không nên nghe đồn thổi mà phải có sự tìm hiểu, nhìn nhận rõ ràng, tránh trường hợp tiền mất tật mang, hậu quả khôn lường. Khi bị bỏng hay bất cứ có triệu chứng gì không bình thường trong cơ thể, người dân nên tới cơ sở y tế địa phương được cấp phép để khám, chữa bệnh.