Gánh chịu nỗi đau mất người thân đã là khó khăn nhưng càng éo le và đau đớn hơn khi người thân đã mất mà gia đình không hay biết. Để rồi sau khi tìm kiếm phải ngậm ngùi đến nhà xác đón về.
Hộc lạnh ở Nhà Đại thể (nhà xác) của Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP.HCM) - Ảnh: Lương Ngọc
Kéo từng hộc lạnh tìm chồng
Mọi thứ xung quanh dường như đổ sụp vì sau bao ngày nỗ lực tìm kiếm và hy vọng giờ lại biết chồng mình đã chết. Cảm giác tuyệt vọng và có lỗi ùa về khi chị nghĩ đến cảnh chồng mình đã chết mà phải nằm lạnh lẽo nơi nhà xác cả tháng trời
Đã 14 năm, nhưng chị Trần Thị B. (quê Long An) vẫn còn nhớ như in câu chuyện tìm chồng ngày nào. Anh Lương Văn Đ. (SN 1968) chồng chị làm nghề thợ hồ, nhận công trình khắp nơi nên thường xuyên xa nhà. Như thường lệ, khoảng đầu tháng 4 năm 2000, anh Đ. nhận xây nhà cho một người trên đường Tân Kỳ - Tân Quý (Q.Tân Phú, TP.HCM) và đó cũng là lần anh đi mãi không về.
Cho đến bây giờ chị B. vẫn chưa thể quên không gian u ám, cảm giác lành lạnh ở sống lưng, mùi tử khí xộc lên mũi nồng nặc khi đặt chân đến nhà xác tìm chồng. Chị dùng hết can đảm kéo nhè nhẹ từng hộc lạnh vô danh để nhận dạng. Trong lòng chị vừa hồi hộp vừa sợ hãi và cả vừa hy vọng những hình hài biến dạng kia không phải chồng mình. Cứ thế, chị nín thở kéo từng hộc này đến hộc khác từ nhà xác này đến nhà xác khác của nhiều bệnh viện (BV), nhưng vẫn không tìm được chồng. Chị B. kể: “Lúc đó cảm thấy lạnh lẽo, tim đập thình thịch vì sợ. Do xác vô danh nhiều quá nên mình tìm cũng khó”.
Sở dĩ có chuyện chị phải đến từng nhà xác kéo từng hộc để tìm chồng vì sau 10 ngày anh Đ. đi làm mà không về nhà, chị chạy đi tìm kiếm, hỏi han tung tích khắp nơi thậm chí khi điện thoại đến chỗ làm người ta bảo anh đã về được 3 ngày rồi. Tìm mãi tận hơn 30 ngày vẫn biệt tăm, chị B. quyết định nghe theo lời hàng xóm là đến nhà xác tìm thử vì lỡ đâu anh bị tai nạn mà không biết. Chị B. rớm nước mắt: “Lúc người ta chỉ, tui còn nói giận lại mấy người đừng có trù ẻo, nhưng cuối cùng cũng phải làm thôi vì đã hết cách”.
Tìm ở nhà xác không có kết quả, chị B. đến Công an H.Bến Lức, Long An để yêu cầu giúp đỡ, khi ấy chị nhận được thông tin có một vụ tai nạn giao thông ở Q.Bình Tân (TP.HCM) xảy ra cách đó 32 ngày, nạn nhân không rõ danh tính, chỉ chụp lại ảnh lúc xảy ra tai nạn. Với những thông tin có được, chị B. bỏ hết mọi việc chạy đến Công an Q.Bình Tân để nhận diện. Đến nơi, chị B. như muốn ngã quỵ khi cơ quan công an cung cấp những hình ảnh anh Đ. trong một vụ tai nạn giao thông thảm khốc và cho biết thi thể anh đang để ở nhà xác BV Chợ Rẫy (TP.HCM). Nước mắt giàn giụa, chị không nói nên lời, mọi thứ xung quanh dường như đổ sụp vì sau bao ngày nỗ lực tìm kiếm và hy vọng giờ lại biết chồng mình đã chết. Cảm giác tuyệt vọng và có lỗi ùa về khi chị nghĩ đến cảnh chồng mình đã chết mà phải nằm lạnh lẽo nơi nhà xác cả tháng trời.
Chị tức tốc đón xe lên BV Chợ Rẫy TP.HCM cùng người em họ. Một lần nữa chị lại đến nhà xác. Khi người em họ kéo hộc lạnh ra và đau đớn thốt lên: “Đúng là anh rồi chị ơi”, chị muốn ngã quỵ. Chị B. chia sẻ: “Lúc đó tui đau đớn lắm nhưng không khóc được vì cả người mình lúc ấy như đông cứng, hai tay ôm lấy mặt không dám nhìn thẳng vào hộc lạnh vì xác đã hơn 30 ngày có phần khô lại, hình dạng không còn vẹn nguyên”.
Kể từ ngày đó gia đình nhỏ của chị B. thiếu vắng tiếng cười trong những bữa cơm hằng ngày. Chị B. gánh vác bổn phận vừa làm mẹ, vừa làm cha. Một mình nuôi hai con đang tuổi ăn học. “Khi ba tụi nó mới mất, mấy đứa còn nhỏ đâu biết gì, sau đó cứ hỏi ba đâu mẹ, lâu rồi con không gặp ba, con nhớ ba… Mỗi lần nghe mà tui ứa nước mắt rồi ậm ừ chứ biết nói sao vì chúng quá nhỏ để biết mà”, chị B. ngậm ngùi.
Nằm lại nơi đất khách
Tương tự, câu chuyện đón mẹ nơi nhà xác của chị Trần Thị D. (ngụ Đồng Nai) đã lấy đi không biết bao nhiêu nước mắt của bà con hàng xóm. Chị D. bồi hồi kể lại: “Mẹ tôi khi đó đã già nhưng còn khỏe lắm, không ai có thể nghĩ bà lại ra đi vì tai nạn xe và càng đau đớn hơn khi bà mất mà phải nằm lạnh lẽo nơi nhà xác 3 ngày”.
Bà Võ Thị Kim H. (66 tuổi, mẹ ruột chị D.) mất vì tai nạn giao thông khi đang trên đường từ Đắk Lắk xuống Đồng Nai để thăm chị. Thay vì đi xe một ngày là đến nơi thì bà đi tận 3 ngày vẫn chưa thấy tông tích. Gia đình sốt ruột hỏi han mọi nơi vì sợ bà đi lạc nhưng rồi một ngày, chị đau đớn biết tin bà mất nhờ loa phát thanh của địa phương. Khi ấy cả gia đình bàng hoàng không tin vào sự thật. Nhận thông tin thông báo tìm người thân nạn nhân mang tên Võ Thị Kim H. đã chết trong vụ tai nạn xe khách, chị như chết đứng. Sau một hồi trấn tĩnh, cả gia đình chạy đến Công an tỉnh Đồng Nai. Đến nơi, chị D. ngất xỉu tại chỗ khi cầm đúng CMND của bà H. Sau khi hoàn tất thủ tục, cả gia đình vội đến nhà xác BV đa khoa Đồng Nai để đón mẹ trong nỗi đau khôn xiết. “Không thể gọi là khóc bình thường, cả đại gia đình lúc ấy vỡ òa trong những tiếng nấc, không một tiếng nói nào chỉ có tiếng kêu mẹ, kêu bà, mọi thứ tạo nên một âm thanh mà đến giờ nghĩ lại tôi vẫn còn rợn người, đau đớn lắm, kinh khủng lắm”, chị D. kể lại trong nước mắt.
Chị D. càng đau đớn hơn khi hình dung đến vụ tai nạn khiến thân hình của người mẹ ruột bị biến dạng. Cũng vì lý do đó mà gia đình bàn bạc không đưa thi thể bà H. về quê Đắk Lắk mà làm đám tang và chôn cất ngay tại đất khách Đồng Nai.