Số người bị kết án phạt tù còn ở ngoài xã hội lên đến hơn 3.000. Trong đó, hơn 1.400 người đã trốn thi hành án nhiều năm, hiện vẫn chưa bắt được
Ngày 25-10, Quốc hội (QH) đã thảo luận báo cáo về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm của Bộ Công an; báo cáo về công tác thi hành án, các báo cáo công tác của Viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Hòa Bình và Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình.
Tránh lạm dụng tạm giam
Thẳng thắn vạch ra nhiều vấn đề còn tồn tại về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; công tác của Viện trưởng VKSND Tối cao và Chánh án TAND Tối cao; công tác thi hành án..., báo cáo thẩm tra do Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH Nguyễn Văn Hiện trình bày được nhiều đại biểu (ĐB) quan tâm thảo luận.
Theo báo cáo, năm 2014, chất lượng xét xử các vụ án hình sự đã được nâng lên đạt chỉ tiêu, yêu cầu. Tuy nhiên, hoạt động xét xử án hình sự, ra bản án của tòa án còn nhiều vi phạm. Tỉ lệ các bản án sơ thẩm bị kháng nghị, kháng cáo và được tòa án cấp phúc thẩm chấp nhận tăng so với năm trước; chưa giảm được tỉ lệ bản án bị hủy, sửa do nhận định và quyết định chưa đúng tính chất, mức độ và hậu quả của hành vi phạm tội. Mặt khác, việc tranh tụng tại tòa còn hình thức, chưa đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và hành chính mới.
Bà Nguyễn Thị Hoài Thu, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, từng đến tỉnh Bình Phước để thực địa hiện trường kỳ án vườn mít ngày 13-5-2013Ảnh: Tân Tiến
Các vụ án dân sự mà tòa án thụ lý tăng nhiều so với năm trước. Tỉ lệ các bản án dân sự bị sửa, hủy do lỗi chủ quan của thẩm phán giảm. Hơn 4.600 bản án và quyết định dân sự còn vi phạm. Số lượng các bản án bị kháng nghị phúc thẩm tăng... 560 bản án dân sự tuyên không rõ, có sai sót, khó thi hành. Đường lối xét xử án dân sự không thống nhất, mỗi cấp một cách.
Báo cáo của Ủy ban Tư pháp dẫn chứng: “Có vụ án xét xử 13 lần qua sơ thẩm, phúc thẩm, 3 lần giám đốc thẩm, trong đó 2 lần do Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao xét xử giám đốc thẩm. Đã qua 19 năm, nay lại trở về cấp sơ thẩm, không biết khi nào kết thúc”. Theo đánh giá, việc xét xử như vậy gây mất lòng tin của nhân dân.
Ủy ban Tư pháp kiến nghị cần tập trung đầu tư cơ sở ở nơi giam giữ đã xuống cấp nghiêm trọng; đẩy nhanh tiến độ thi hành án; xử lý có hiệu qủa các vụ án, khắc phục bỏ lọt tội phạm; tránh lạm dụng hình thức tạm giam đối với những trường hợp không thực sự cần thiết; không để xảy ra nhục hình, không làm oan người vô tội; khắc phục triệt để tình trạng đình chỉ miễn trách nhiệm hình sự, quyết định hình phạt nhẹ, cho hưởng án treo, cải tạo không giam giữ không đúng quy định của pháp luật, đặc biệt đối với tội phạm tham nhũng.
Bên cạnh đó, cần đẩy nhanh rà soát những đơn thư kêu oan, nhất là các trường hợp có mức phạt tù 20 năm, chung thân, tử hình theo yêu cầu của Nghị quyết 69 của QH.
Mang án vẫn nhận chức
ĐB Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) cho rằng công tác khởi tố, điều tra hiện còn yếu. Một số thẩm phán, điều tra viên có trình độ cao nhưng vẫn để xảy ra oan sai, án kéo dài, bức cung, nhục hình...
“Như vậy, vấn đề không phải là trình độ mà là đạo đức hay là sự vô cảm, thiếu ý thức, thiếu trách nhiệm” - ông Nghĩa nhìn nhận. Ông đề nghị các ngành kiểm sát, công an, tòa án báo cáo rõ ràng đã xử lý các cán bộ này thế nào và phải cho dân thấy sai phạm đã được xử lý.
ĐB Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) đề nghị cần đánh giá sát thực hơn nguyên nhân của các loại tội phạm mới nổi, tàn bạo, như giết người chặt xác… gây bức xúc dư luận.
Nêu những bất cập trong công tác thi hành án treo, cải tạo không giam giữ ở nơi cư trú, quản chế, tước một số quyền công dân, cấm đảm nhiệm một số chức vụ..., ĐB Trần Thị Dung (Điện Biên) còn dẫn ra nhiều ví dụ cụ thể về người thi hành án đã bị tòa cấm đảm nhiệm chức vụ nhưng vẫn được chính quyền bố trí chức vụ, gây bất bình trong dư luận.
Chẳng hạn, ông Phạm Đăng Hoan - nguyên Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND và ông Lê Thanh Liêm - nguyên Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, TP Hải Phòng. Ông Hoan và ông Liêm bị tuyên phạt tổng cộng 39 tháng tù (hưởng án treo) và 78 tháng thử thách do liên quan đến vụ cưỡng chế đầm nuôi trồng thủy sản của gia đình ông Đoàn Văn Vươn năm 2012. Tuy nhiên, vào ngày 17-4-2014, UBND huyện Tiên Lãng ký hợp đồng với ông Hoan và ông Liêm làm cán bộ kế toán và cán bộ địa chính nông nghiệp của UBND xã Vinh Quang.
Tháng 8-2014, xã Chàng Sơn, huyện Thạch Thất, TP Hà Nội bố trí ông Phí Đình Hưng, nguyên Chủ tịch UBND xã, làm kế toán khi còn phải chấp hành 28 tháng án treo và 5 năm thử thách; ông Nguyễn Văn Thuyết, nguyên cán bộ địa chính, vào làm cán bộ văn phòng khi còn phải chấp hành 16 tháng án treo và 48 tháng thử thách...
Quản lý thế nào mà để phạm nhân tự tử?
Thông tin từ báo cáo của Ủy ban Tư pháp cho biết trường hợp bị kết án phạt tù còn ở ngoài xã hội rất lớn, với hơn 3.000 người. Trong đó, hơn 1.400 người trốn thi hành án nhiều năm đến nay vẫn chưa bắt được.
ĐB Nguyễn Thái Học (Phú Yên) cho rằng đó là một nỗi hoang mang của người dân, một sự yếu kém trong công tác thi hành án hình sự. Hơn 3.000 người này ở đâu, làm gì không ai biết. Họ rất nguy hiểm nhưng không ai làm gì được.
Về quản lý trại giam, ông Học nói dù quy định mỗi phạm nhân phải có diện tích chỗ nằm là 2 m2 nhưng thực tế, các trại giam chỉ mới đáp ứng trung bình được 1,49 m2, thậm chí 1,1 m2. “Ở trại giam Xuân Phước (Phú Yên), đoàn giám sát của Ủy ban Tư pháp QH thấy các phạm nhân thậm chí không còn chỗ cựa quậy” - ĐB này nêu.
Không đồng ý với nhận định trong báo cáo cho rằng công tác quản lý trại giam có tiến bộ, ông Huỳnh Nghĩa cho biết năm 2014, có 31 phạm nhân tự tử trong trại. “Quản lý phạm nhân thế nào mà để họ tự tử nhiều như vậy?” - ông đặt vấn đề. Trong khi đó, theo báo cáo của Ủy ban Tư pháp, tình trạng phạm nhân sử dụng ma túy, đánh bạc, dùng điện thoại xảy ra ở nhiều nơi tạm giam.
Báo cáo của Ủy ban Tư pháp cũng đặc biệt lưu ý đến số người bị kết án tử hình chưa được thi hành án. Theo đuổi vấn đề này qua nhiều phiên họp QH, ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) phân tích: “Năm 2013, chúng ta đã nói nhiều về thi hành án tử hình. Đến nay, vì sao vẫn thi hành án tử hình ít khi mới chỉ có hơn 160/742 trường hợp? Cử tri bức xúc nói với tôi rằng đã tuyên tử hình rồi mà không thi hành, để đó làm gì”.
Ông Thuyền cũng phản ánh: “Từ Lâm Đồng, muốn thi hành án tử hình phải sang Đắk Lắk hơn 200 km với đầy đủ đội ngũ, rất tốn kém, nguy hiểm. Trong khi đó, thảo luận ở QH thì Bộ Công an nói sẽ trang bị xe, tử hình chỗ nào thì xe sẽ chạy đến chỗ đó để thi hành án. Có một mũi thuốc độc thôi, thế mà cứ loay hoay mãi!”.
Khởi tố 303 vụ án lĩnh vực ngân hàng, tài chính, chứng khoán
Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang cho biết năm 2014, công an đã khám phá nhiều vụ án lớn, như: đường dây buôn lậu xăng dầu quy mô lớn ở Công ty Hoàng Liên Sơn, vụ buôn lậu 100.000 tấn than tại Quảng Ninh...
Đáng chú ý, công an đã khởi tố 303 vụ trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính, chứng khoán. Trong đó, có một số vụ án nghiêm trọng xảy ra ở Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Phát triển Việt Nam hay Tập đoàn Thiên Thanh gây thiệt hại hàng ngàn tỉ đồng. Gần đây là vụ xảy ra ở Ban Quản lý dự án đường sắt thuộc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam…
Kỳ án vườn mít: Lê Bá Mai “không kêu oan nữa”
ĐB Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) đề cập lại kỳ án vườn mít: “Lê Bá Mai đã nhận 2 bản án tử hình, 1 bản án tuyên vô tội và hiện là án chung thân. Dư luận rất bức xúc, quan tâm, theo dõi, đặt tên là “kỳ án vườn mít”. Kỳ án bởi vì nó kéo dài quá lâu, các mức án quá khác biệt, nhiều tình tiết kết tội chưa thuyết phục. Đề nghị xem xét lại bản án với tinh thần không bỏ lọt tội phạm, không để oan sai, không sợ bồi thường trách nhiệm do oan”.
Giải trình về vấn đề này, Viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết phiên phúc thẩm đã diễn ra công khai, có sự tham gia của đông đảo phóng viên báo chí, tranh tụng công khai, bản án đã có hiệu lực. Ông Bình giải thích: “Từ khi tuyên án đến nay, chúng tôi không thấy Lê Bá Mai có phản ứng, có đơn kêu oan gì nữa. Sau khi nhận được phản ánh của một số đồng chí nguyên là đại biểu QH, chúng tôi đã thành lập tổ liên ngành xác minh lại. Kết quả cho thấy bản chất vụ án không thay đổi, các yếu tố để xem lại bản án không có; không có điều kiện để tái thẩm hay giám đốc thẩm. Trong quá trình điều tra cũng có sơ suất nhưng sơ suất đó không thay đổi bản chất vụ án”.