Không một từ ngữ nào có thể diễn tả nỗi thất vọng của những người mà chúng tôi đã gặp trong hành trình họ đi đòi Nhà nước bồi thường.
Tiền bồi thường là sự an ủi, bù đắp phần nào thiệt hại từ những sai sót của cán bộ công chức đại diện Nhà nước, tuy nhiên thủ tục để được nhận “sự bù đắp” này lại làm người dân thêm một lần nữa phải thất vọng vì chờ đợi nhiều lúc mỏi mòn.
Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và các văn bản dưới luật đã quy định rất rõ thời hạn từ khi thụ lý đơn yêu cầu đến khi chi trả tiền bồi thường.
Thế nhưng như Bộ Tư pháp thừa nhận, việc chi trả tiền bồi thường thường kéo dài từ bốn tháng đến một năm, thậm chí có vụ việc kéo dài hai năm. Còn trên thực tế, nhiều vụ việc đã kéo dài cả chục năm.
Lý do, theo lãnh đạo Cục Bồi thường nhà nước, quá trình thụ lý giải quyết phải hướng dẫn người dân bổ sung chứng cứ chứng minh thiệt hại, gửi văn bản đến các cơ quan trao đổi... mà những vấn đề này luật không quy định.
Trên thực tế, có những việc không phải hướng dẫn trao đổi nhưng vẫn kéo dài như vụ ông Lương Ngọc Phi. Ông Phi đòi bồi thường từ năm 2004. Mãi đến năm 2013, bản án của Tòa án nhân dân TP Thái Bình tuyên buộc Tòa án nhân dân tỉnh Thái Bình phải bồi thường cho ông Phi hơn 21 tỉ đồng. Sau bản án, không bên nào có kháng cáo kháng nghị nhưng đến nay gần một năm trôi qua, ông Phi vẫn chưa nhận được tiền bồi thường.
Hay như vụ bà Mai Thanh Thúy đòi bồi thường oan sai cho chồng là ông Lê Quốc Dũng (quận Gò Vấp, TP.HCM) đến nay đã hơn hai năm chưa được giải quyết (bài “Đến chết vẫn chưa được bồi thường oan sai”, Tuổi Trẻ ngày 1-11-2012).
Một lý do nữa khiến việc chậm chi trả tiền bồi thường là trình tự xét duyệt kinh phí trải qua quá nhiều khâu thẩm định. Trong khi quyết định bồi thường đã có hiệu lực thì lẽ ra phải được thực thi ngay. Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước quy định nguồn kinh phí chi trả cho hoạt động bồi thường được sử dụng từ ngân sách trung ương (do Bộ Tài chính quản lý) và ngân sách địa phương (do sở tài chính quản lý).
Thực tiễn cho thấy việc sử dụng cấp phát kinh phí như vậy là bất cập, nhất là đối với các cơ quan được tổ chức theo ngành dọc từ trung ương đến địa phương.
Ví dụ cụ thể như vụ ông Lương Ngọc Phi, để có tiền chi trả cho ông Phi, Tòa án nhân dân tỉnh Thái Bình đã chuyển hồ sơ lên Tòa án nhân dân tối cao. Tòa dân sự Tòa án nhân dân tối cao xem xét nội dung bản án, nếu không phát hiện sai sót, hồ sơ vụ án sẽ được chuyển cho Vụ kế hoạch tài chính Tòa án nhân dân tối cao, sau đó chuyển cho lãnh đạo tòa tối cao phê duyệt rồi mới chuyển sang Bộ Tài chính (Vụ hành chính sự nghiệp).
Sau khi Bộ Tài chính phê duyệt, tiền chi trả bồi thường sẽ được rót về Vụ kế hoạch tài chính Tòa án nhân dân tối cao, sau đó tòa tối cao mới chuyển về Tòa án nhân dân tỉnh Thái Bình rồi mới được chi trả cho ông Phi.
Với hoạt động bồi thường trong lĩnh vực thi hành án dân sự, hồ sơ duyệt kinh phí được chuyển qua một loạt cơ quan từ Cục Thi hành án dân sự - Tổng cục Thi hành án dân sự - Vụ kế hoạch tài chính Bộ Tư pháp - lãnh đạo Bộ Tư pháp rồi mới đến Bộ Tài chính.
Lãnh đạo Cục Bồi thường nhà nước cho biết quy trình giải quyết này được kế thừa từ nghị quyết 388/2003 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về bồi thường oan sai.
Khi xây dựng Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, nhiều chuyên gia đã kiến nghị quy trình này không còn phù hợp, tuy nhiên Bộ Tài chính cho rằng quy trình không vấn đề gì nên dự án luật đã trình Quốc hội được chấp thuận. Đến nay, quá trình thực thi tiếp tục bộc lộ nhiều vướng mắc.
Vẫn biết chuyện xem xét để bồi thường cũng phải cẩn trọng. Tuy nhiên đối với những người dân bị thiệt hại từ hành vi sai trái của cán bộ công chức thì thủ tục đơn giản, bồi thường kịp thời cho người dân là điều cần thiết. Đừng để người dân vốn đã bị oan sai nay lại phải mòn mỏi chờ được Nhà nước bồi thường trong vị thế xin - cho.
Trình tự, thủ tục giải quyết bồi thường theo Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước:
* Người bị thiệt hại có đơn yêu cầu cơ quan có trách nhiệm bồi thường khi có văn bản của Nhà nước xác định hành vi của người thi hành công vụ là trái pháp luật. Thời hiệu yêu cầu bồi thường là hai năm kể từ ngày cơ quan nhà nước có văn bản xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ. Sau khi có văn bản này, người bị thiệt hại gửi yêu cầu bồi thường đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
* Trong thời hạn năm ngày kể từ ngày nhận đơn và các giấy tờ hợp lệ, cơ quan nhận hồ sơ phải thụ lý và có văn bản thông báo việc thụ lý cho người bị hại.
* 20 ngày kể từ ngày thụ lý đơn yêu cầu bồi thường, cơ quan có trách nhiệm bồi thường phải hoàn thành việc xác minh thiệt hại để làm căn cứ bồi thường. Vụ việc phức tạp thì thời gian xác minh thiệt hại có thể kéo dài nhưng không quá 40 ngày.
* 30 ngày kể từ ngày kết thúc việc xác minh thiệt hại, cơ quan có trách nhiệm bồi thường phải tổ chức thương lượng với người bị thiệt hại, trường hợp vụ việc có tình tiết phức tạp thì thời hạn thương lượng có thể kéo dài nhưng không quá 45 ngày.
* 10 ngày kể từ ngày kết thúc việc thương lượng, cơ quan có trách nhiệm bồi thường phải ra quyết định giải quyết bồi thường. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày người bị thiệt hại nhận được quyết định, trừ trường hợp người bị thiệt hại không đồng ý và khởi kiện ra tòa án.
* Trong thời hạn năm ngày kể từ ngày bản án, quyết định giải quyết bồi thường có hiệu lực pháp luật, cơ quan có trách nhiệm bồi thường phải chuyển ngay hồ sơ đề nghị bồi thường đến cơ quan tài chính.
* Trong thời hạn năm ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan tài chính kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ, trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ thì hướng dẫn cơ quan có trách nhiệm bồi thường bổ sung hồ sơ, thời hạn bổ sung không quá 15 ngày.
* Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị bồi thường hợp lệ, cơ quan tài chính có thẩm quyền cấp kinh phí cho cơ quan có trách nhiệm bồi thường để chi trả cho người bị thiệt hại.
* Sau khi nhận được kinh phí do cơ quan tài chính cấp, trong thời hạn năm ngày làm việc, cơ quan có trách nhiệm bồi thường phải thực hiện việc chi trả bồi thường cho người bị thiệt hại hoặc thân nhân của người bị thiệt hại.