Đó là khẳng định của Thanh tra Chính phủ ngày 19.9, tại Hội nghị toàn quốc triển khai thực hiện Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; luật Tiếp công dân của Quốc hội và Nghị định 64 của Chính phủ về hướng dẫn chi tiết một số điều của luật Tiếp công dân.
Những điều khó hiểu trong hồ sơ đấu giá
- Cập nhật : 18/09/2014
Cty Cổ phần nhiệt điện Phả Lại bị tố đã đưa ra những điều kiện không thể thực hiện nổi trong hồ sơ bán đấu giá một số chất thải của Cty và có dấu hiệu tiêu cực trong việc bán các chất thải này cho Cty của nước ngoài. Ngày 12.9, chúng tôi đã đến làm việc với ông Tổng Giám đốc Phạm Văn Thư để làm rõ vấn đề trên.
Giá khởi điểm cao bất thường
Gắn với nhà máy nhiệt điện là các lò đốt sử dụng than và tro, xỉ từ lò đốt hiện nay có nhiều đơn vị đến đặt mua, không phải đổ hết ra hồ như trước. Cụ thể, với dây chuyền 1 (nhà máy có 2 dây chuyền) đã được một doanh nghiệp (DN) của Hàn Quốc ký hợp đồng nguyên tắc mua tro bay trong 20 năm, giá mua bán được ký hợp đồng từng năm. Ngoài ra, còn có 2 DN của Việt Nam đang mua xỉ và tro bay đã được thải ra hồ. Để mua được xỉ, tro ở hồ, các doanh nghiệp này phải tự lắp đặt các dây chuyền hút, sàng tuyển ngay tại hồ.
Theo đơn thư phản ánh, hồ sơ bán đấu giá tro bay và xỉ vào tháng 8 vừa qua của Cty này có nhiều điều khó hiểu và có dấu hiệu tiêu cực. Cụ thể, giá khởi điểm bán đấu giá của mặt hàng tro bay đưa ra gấp từ 4-5 lần giá đang bán cho Hàn Quốc, vậy đâu là lý do của giá đưa ra cao bất thường như vậy?
Chúng tôi đã đến làm việc với Tổng Giám đốc của Cty - ông Phạm Văn Thư - ông cho hay, Cty đang cố gắng bán tối đa tro bay ở dạng khô, hạn chế thải ra hồ. Cty vừa được tiền mà lại vừa không mất công mất sức “dọn dẹp” những chất thải đó. Còn khi DN mua chúng ở hồ rất phức tạp về môi trường và an ninh trật tự.
Về giá khởi điểm bán đấu giá tro bay dây chuyền 2 quá cao (96.000 đồng/tấn, cao gấp hơn 4,5 lần so với giá bán cho DN Hàn Quốc, chỉ 20.000 đồng/tấn), ông Thư cho rằng, hiện chúng tôi thỉnh thoảng vẫn bán lẻ với giá 90.000 đồng/tấn nên phải bán theo giá hiện tại. Nhưng cũng chính ông Thư cho biết, lượng khách mua lẻ này rất ít so với lượng hàng Cty có. Nếu như vậy, là một doanh nhân, ông Thư cũng thừa biết, giá mua với phương thức bao tiêu toàn bộ sản phẩm (gần 130.000 tấn) phải khác xa với giá bán lẻ từng xe.
Điều kiện phi lý trong hồ sơ bán đấu giá
Cũng với lô hàng này (hồ sơ có 6 lô hàng), điều kiện là phải mua toàn bộ khối lượng chào bán (gần 130.000 tấn) và thời hạn cấp hàng là từ ngày hợp đồng có hiệu lực đến hết ngày 31.12.2014. Chúng tôi thử làm phép tính đơn giản để vận chuyển hết số hàng này, với xe tải trọng 30 tấn, để vận chuyển hết lượng hàng khổng lồ trên, trung bình khoảng 8 phút phải có một chuyến xe ra khỏi dây chuyền. Đây là điều không tưởng, khiến những đơn vị muốn vào đấu giá cũng phải bỏ cuộc.
Khi chúng tôi đưa ra con số này, ông tổng giám đốc lại cho rằng, có thể bộ phận kỹ thuật tính chưa chính xác, chưa đầy đủ và sẽ tính toán lại.
Chính do các điều kiện đưa ra trong hồ sơ mời thầu có nhiều điểm bất hợp lý này nên nhiều nhà đầu tư đã phản ứng, nó là một trong những nguyên nhân chính khiến phiên đấu giá phải hoãn lại. Trong thời gian chờ đợi làm lại hồ sơ, tro bay thay vì được bán khô lại phải mất công đẩy ra hồ để bán với giá rẻ hơn rất nhiều (9.000 - 10.000 đồng/tấn).
Còn các doanh nghiệp mua nó lại phải nhọc nhằn hút từ đáy hồ lên và sàng tuyển ngay tại đó. Mà như ông tổng giám đốc thừa nhận, khâu này rất phức tạp cả về môi trường lẫn an ninh trật tự. Trong khi đó, nếu ký được hợp đồng mua bán, các ôtô chuyên dụng chỉ cần ghé vào các họng xilo để lấy tro bay ở dạng khô.
Trao đổi với phóng viên về nội dung này, ông tổng giám đốc cũng thừa nhận những bất cập trên nên khẳng định: Lần này thất bại, chúng tôi sẽ làm lại và làm cho bằng được thì thôi.
Theo: LĐ