Chiều 6-10, Giáo sư Anna C. Conley, chuyên gia pháp luật đến từ Hoa Kỳ đã gặp gỡ báo chí để trao đổi các vấn đề liên quan tới pháp luật Hoa Kỳ, quyền của bị can, bị cáo theo luật pháp Quốc tế và Hoa Kỳ.
Hành trình thưa kiện còn tiếp diễn
- Cập nhật : 09/10/2014
Sau khi TAND TP Nha Trang bác yêu cầu khởi kiện về cưỡng chế nhà đất của gia đình mình, ông Quang Nhật Mạnh cho biết sẽ kháng án lên tòa phúc thẩm.
Ông Nhật Mạnh nói ông làm vậy dù biết hành trình “đáo tụng đình” khốn khổ tiếp tục kéo dài.
Trình bày trước tòa, ông Mạnh cho biết năm 2002, UBND tỉnh Khánh Hòa ra quyết định thu hồi đất của nhiều gia đình để thực hiện dự án xây dựng chợ Vĩnh Hải, trong đó có hơn 400m2 đất ở mặt tiền đường 2 Tháng 4 mà gia đình ông đã xây dựng nhà sinh sống hợp pháp.
Do không nhận được quyết định thu hồi đất cũng như chưa đồng ý với việc áp giá bồi thường, vợ chồng ông Mạnh khiếu nại.
“Ngày 30-10-2007, phó chủ tịch UBND TP Nha Trang thay mặt chủ tịch UBND TP ra quyết định cưỡng chế nhà đất của chúng tôi khi mà chính quyền chưa giao đất tái định cư. Vào ngày 25-7-2008, trong khi tôi đang dẫn dắt đoàn VĐV VN thi đấu ở Paralympic Bắc Kinh (ông Mạnh là HLV) thì chính quyền đưa xe máy đến húc đổ nhà tôi, đưa toàn bộ tài sản đi mà không có sự xác nhận của chúng tôi, gây thiệt hại rất lớn” - ông Mạnh bức xúc.
Cho rằng thời điểm trên, việc chủ tịch UBND TP Nha Trang ban hành quyết định cưỡng chế là không đúng thẩm quyền, việc tiến hành cưỡng chế không đúng trình tự, thủ tục theo luật định, vợ chồng ông Mạnh khởi kiện yêu cầu tòa án hủy quyết định cưỡng chế của chủ tịch UBND TP Nha Trang, buộc đền bù thiệt hại hơn 1,1 tỉ đồng.
Tuy nhiên, hội đồng xét xử đã tuyên bác yêu cầu khởi kiện của vợ chồng ông Mạnh.
Tòa cho rằng theo quyết định số 02 ngày 5-1-2007 của UBND tỉnh Khánh Hòa giao UBND TP Nha Trang thực hiện các chức năng, quyền hạn, nhiệm vụ cụ thể theo Luật đất đai 2003 thì chủ tịch UBND TP Nha Trang có thẩm quyền ký quyết định cưỡng chế nêu trên.
“Mặt khác, quy định tại điều 44 Luật đất đai 2003 là thẩm quyền thuộc UBND trong việc thu hồi đất, còn quyết định cưỡng chế thu hồi đất là thẩm quyền của chủ tịch UBND, không phải của UBND. Trong trường hợp này, chủ tịch được ủy nhiệm cho các phó chủ tịch thực hiện một số quyền hành của chủ tịch trong một số lĩnh vực là đúng pháp luật. Vì vậy, quyết định cưỡng chế của chủ tịch UBND TP Nha Trang đối với nhà đất của hộ ông Mạnh được ban hành đúng thẩm quyền” - chủ tọa phiên tòa tuyên.
Theo dõi phiên tòa, luật sư Nguyễn Hồng Hà - phó chủ nhiệm Đoàn luật sư Khánh Hòa - nhận xét: “Tôi không đồng tình với nhận định của hội đồng xét xử cho rằng ban hành “quyết định cưỡng chế thu hồi đất là thẩm quyền của chủ tịch UBND, không phải của UBND”. Bởi lẽ chủ tịch UBND TP Nha Trang ra quyết định cưỡng chế nhà đất ông Mạnh vào năm 2007.
Theo quy định pháp luật về đất đai 2003, chỉ UBND cấp có thẩm quyền quyết định thu hồi đất mới ra quyết định cưỡng chế, chủ tịch UBND các cấp không có thẩm quyền quyết định thu hồi đất của các tổ chức, cá nhân và cũng không có thẩm quyền ban hành quyết định cưỡng chế, thu hồi đất, giải phóng mặt bằng.
Trong mọi trường hợp chủ tịch UBND ban hành quyết định thu hồi đất, cưỡng chế thu hồi đất đều phải coi là quyết định hành chính trái thẩm quyền, là quyết định hành chính không hợp pháp. Theo tôi, trường hợp này UBND TP Nha Trang ra quyết định cưỡng chế mới là đúng luật”.
“Xoay vòng” với tòa án
Như đã phản ánh trong bài “Khốn khổ đáo tụng đình” (Tuổi Trẻ 24-11-2013), do bức xúc với quyết định cưỡng chế của chủ tịch UBND TP Nha Trang, từ cuối năm 2007, ông Mạnh đã làm đơn khiếu nại quyết định trên nhưng không được giải quyết, ông muốn kiện ra tòa nhưng lúc bấy giờ quy định của luật là khi chưa có quyết định giải quyết khiếu nại của cấp có thẩm quyền thì tòa không thụ lý được.
Mãi đến ngày 18-10-2010 (tức sau khi việc cưỡng chế thực hiện được hai năm), chủ tịch UBND TP Nha Trang mới ban hành quyết định giải quyết khiếu nại, bác đơn của vợ chồng ông Mạnh đối với quyết định cưỡng chế đã nêu, khi đó ông mới có đủ điều kiện pháp lý để khởi kiện.
Tháng 11-2011, TAND TP Nha Trang thụ lý vụ kiện của ông Mạnh, nhưng tháng 3-2012 cho rằng TAND tỉnh Khánh Hòa thụ lý mới đúng thẩm quyền nên đã chuyển hồ sơ lên tòa cấp trên.
Ngày 27-6-2013, TAND tỉnh Khánh Hòa đưa vụ án ra xét xử, sau khi thực hiện xong các nội dung thẩm vấn, xét hỏi, tranh luận đã tuyên... đình chỉ xét xử, chuyển hồ sơ lại cho TAND TP Nha Trang.
Sau khi nhận được hồ sơ, TAND TP Nha Trang không thụ lý ngay, mà tháng 11-2013 yêu cầu ông Mạnh phải xác định cụ thể người bị kiện là ai vì tòa cho rằng chủ tịch UBND TP Nha Trang chỉ là người thực hiện ủy quyền của chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa để ra quyết định cưỡng chế, nên không thể là người bị kiện. Ông Mạnh không đồng ý, nên vụ án tiếp tục kéo dài đến ngày 28-3-2014 mới được TAND TP Nha Trang thụ lý.
Theo: Duy Thanh//TT