Đại hội lần thứ nhất Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam dự kiến tổ chức ngày 11 và 12-11.
Trung tướng Nguyễn Đức Soát - Ảnh: Việt Dũng
Trao đổi với Tuổi Trẻ, trung tướng Nguyễn Đức Soát - nguyên phó tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, trưởng ban vận động thành lập hội - cho biết:
- Chiến tranh đã đi qua gần 40 năm, nhưng bom mìn, vật liệu nổ sót lại đã và đang gây ra những hậu quả rất nặng nề cho đất nước ta.
Số lượng bom mìn, vật liệu nổ khác còn sót lại vô cùng nguy hiểm, có thể phát nổ bất cứ lúc nào nếu có những tác động cơ học, hóa học trong quá trình sinh hoạt, lao động sản xuất của người dân và các tổ chức kinh tế, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
* Ý tưởng thành lập hội được bắt nguồn từ bối cảnh trên hay còn có lý do nào khác, thưa ông?
- Có một điều khiến chúng ta không thể không suy nghĩ là đến nay Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ cho các gia đình thương binh, liệt sĩ, những nạn nhân chất độc da cam. Nhưng những nạn nhân bom mìn sau chiến tranh vẫn còn chịu nhiều thiệt thòi và điều đáng nói là hầu hết đều rơi vào những vùng nghèo khó.
Theo số liệu thống kê, riêng số bom đạn do Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam là hơn 15 triệu tấn, trong đó số lượng bom mìn, vật liệu nổ còn sót lại khoảng 800.000 tấn.
Kết quả điều tra sơ bộ năm 2002 cho thấy có 9.284/10.511 xã trên cả nước bị ô nhiễm bom mìn với tổng diện tích 6,6 triệu hecta trên đất liền, chiếm 21% diện tích cả nước...
Tất cả các tỉnh thành đều bị ô nhiễm bom mìn, vật liệu nổ sau chiến tranh nhưng nặng nề nhất là khu vực miền Trung và một số tỉnh biên giới phía Bắc.
Tính riêng giai đoạn 1975-2000, cả nước đã có hơn 42.000 người chết và hơn 62.000 người bị thương do bom mìn còn sót lại, trong đó có hơn 30.000 trẻ em vô tội.
Những năm qua Nhà nước đã dành hơn 1.000 tỉ đồng mỗi năm cho việc rà phá bom mìn và hàng trăm tỉ đồng cho cứu chữa, trợ giúp, phục hồi chức năng, đào tạo nghề, tái định cư cho nạn nhân bom mìn.
Với nỗ lực đó, chúng ta đã rà phá được khối lượng lớn bom mìn. Tuy nhiên, diện tích bị ô nhiễm bom mìn lớn như vậy, với năng lực tài chính còn hạn hẹp, nước ta phải mất vài trăm năm mới có thể hoàn thành việc rà phá và loại bỏ hoàn toàn hậu quả bom mìn.
Tháng 9-2012, Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về chủ trương thành lập hội và Quỹ nạn nhân bom mìn.
Tháng 3-2013, Văn phòng Chính phủ tiếp tục thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ về việc sớm thành lập Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, tôi cùng với một số cán bộ có năng lực thành lập ban vận động thành lập Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam.
Sau khi được Bộ Lao động - thương binh và xã hội chính thức công nhận, ban vận động đã chuẩn bị các tài liệu về tôn chỉ, mục đích, hội viên, cơ cấu tổ chức của hội, các mẫu đơn đăng ký tham gia hội để tuyên truyền vận động các cá nhân, tổ chức tham gia hội.
* Thưa ông, mục đích, tôn chỉ hoạt động của hội là gì?
- Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam là một tổ chức xã hội của các tổ chức, cá nhân tự nguyện tham gia nhằm góp phần giảm thiểu, tiến tới khắc phục hoàn toàn ảnh hưởng của bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh. Đảm bảo an toàn cho nhân dân, hỗ trợ tích cực giúp nạn nhân bị tai nạn tái hòa nhập cộng đồng, tái định cư khỏi vùng ô nhiễm.
Mục đích, tôn chỉ của hội gồm bốn nội dung lớn: Tuyên truyền trong nhân dân về chủ trương, chính sách của Nhà nước ta về khắc phục hậu quả bom mìn ở Việt Nam.
Tuyên truyền trong nhân dân các biện pháp phòng tránh, nhằm hạn chế tối đa hậu quả của bom mìn, trọng tâm là các địa phương bị ô nhiễm bom mìn nặng. Tuyên truyền và thuyết phục các quốc gia, các tổ chức quốc tế về nghĩa vụ và trách nhiệm hỗ trợ Việt Nam khắc phục hậu quả bom mìn.
Vận động các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước, các tổ chức phi chính phủ quốc tế hỗ trợ về mặt tài chính, đóng góp vào Quỹ hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam để tiếp tục rà phá bom mìn và hỗ trợ nạn nhân bị tai nạn.
Hội sẽ vận động tài trợ bằng nhiều biện pháp phối hợp với các tổ chức chính quyền, các tổ chức xã hội, vận động các tổ chức doanh nghiệp, các quốc gia, các tổ chức phi chính phủ hỗ trợ vật chất, tài chính cho nhiệm vụ rà phá bom mìn và hỗ trợ nạn nhân bị tai nạn bom mìn.
Cơ quan trung ương hội mở rộng hợp tác quốc tế, vận động các tổ chức quốc tế hỗ trợ việc rà phá bom mìn và khắc phục những hậu quả lớn mà địa phương không giải quyết được.
Số tiền hội vận động được sẽ đưa vào Quỹ hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn của Nhà nước do Thủ tướng Chính phủ là chủ tịch bảo trợ.