1,3 triệu tỉ đồng vốn. Vinashin, Vinalines, những ông chủ bộ ngành và “cơ quan độc lập quản lý vốn” - đây là những từ khóa diễn tiến từ kỳ họp Quốc hội trước cho đến nay, liên quan đến một trong những dự án luật quan trọng mà tuần này sẽ tiếp tục được thảo luận tại Quốc hội: Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh.
“Bàn tay quản lý kinh tế” và “bàn tay làm kinh tế”
1,3 triệu tỉ đồng là số vốn mà nhà nước đang kinh doanh qua hệ thống doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Nói chính xác, đây là nguồn vốn từ tiền thuế của dân đang được Nhà nước dùng để kinh doanh qua các DNNN. Và không ngẫu nhiên, khi trả lời báo chí bên hành lang kỳ họp trước, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH Phùng Quốc Hiển, ngoài việc nhấn mạnh tới 1/3 GDP và vấn đề lao động việc làm mà DNNN tạo ra, cũng không quên nhắc đến Vinashin, Vinalines như là những ví dụ cho việc sử dụng vốn không mang lại hiệu quả, thua lỗ, xuất phát từ “cơ chế quản lý không chặt chẽ”. “Yêu cầu của dự án luật là phải giải quyết được vấn đề này, đầu tư vào đâu là phải rõ ràng, hiệu quả mang lại như thế nào, ai sẽ là người đại diện… và mục tiêu cuối cùng là Nhà nước làm kinh tế phải mang lại hiệu quả” - ông Hiển nói.
Nhưng cái khó đến ngay từ mô hình quản lý khối tài sản khổng lồ này. Hay nói đúng hơn, ngay cả dự thảo luật cũng đang lùng nhùng trong mớ bòng bong mô hình quản lý. ĐBQH Trần Du Lịch từng kiên quyết: “Luật này ra đời phải đi đến chỗ không còn bộ, ngành nào làm chủ quản doanh nghiệp”. Rất đơn giản là bởi bộ, ngành không phải là ông chủ. Hay nói một cách chính xác là đã đến lúc phải có sự phân định rạch ròi giữa câu chuyện “Nhà nước quản lý kinh tế” và Nhà nước làm kinh tế.
Để Vinashin, Vinalines không chỉ là chuyện cười xòa, vỗ vai
Thực tế, Vinashin, Vinalines chỉ là hình ảnh của tình trạng “vịt nhà thành vịt giời” - từ dùng của Phó Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) - TS Trần Thị Minh Châu, khi bà cho biết: Mức lỗ trung bình của DNNN cao gấp 12 lần so với DN ngoài nhà nước. Hệ số sử dụng vốn cao hơn DN tư nhân trong nước rất nhiều. Để có 1 đồng doanh thu, DNNN phải sử dụng đến 7,8 đồng vốn, trong khi DN ngoài quốc doanh chỉ cần 3,2 đồng vốn và DN FDI là 5,2 đồng.
Thực tế, từ câu chuyện của Vinashin, Vinalines chẳng hạn, chỉ có DNNN khi thua lỗ, thiếu hiệu quả, thậm chí mất sạch vốn liếng, mới không phá sản. Bởi trong những trường hợp như vậy, “bàn tay quản lý kinh tế” lại nắm lấy “bàn tay làm kinh tế” để cho ra đời một cách xử lý kiểu “chỉ có ở Việt Nam” là “tái cơ cấu”. Đầu tư đa ngành, đa lĩnh vực sẽ phải giải quyết ra sao? Làm thế nào để đồng vốn sử dụng thực sự hiệu quả? Ai sẽ là người giám sát? Và cơ chế chịu trách nhiệm thế nào để những Vinashin, Vinalines không chỉ là chuyện cười xòa, vỗ vai?
Tất cả những điều đó phải được đặt ra và trả lời. Kể cả những cảnh báo sớm, tiêu chí quản lý đồng vốn; việc kiểm tra và cơ chế công khai, minh bạch.
Nói Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh chỉ là một dự án luật, như bao dự án luật khác. Điều đó đúng. Nhưng đây là dự án luật liên quan đến nguồn vốn khổng lồ, mà nếu ngay cả mô hình quản lý hay cơ chế giám sát còn không rõ thì chẳng có gì đảm bảo là sẽ không còn những Vinashin, Vinalines nữa cả.
Trong phiên Ủy ban Thường vụ QH cho ý kiến về dự án luật này ngày 15.7, cho dù Bộ Tài chính vẫn muốn giữ nguyên mô hình quản lý vốn nhà nước như… hiện tại, Ủy ban Kinh tế của QH, với tư cách là cơ quan thẩm tra, cho biết ủng hộ quan điểm thành lập một cơ quan độc lập thuộc Chính phủ để thực hiện việc quản lý và giám sát toàn bộ vốn nhà nước tại DN. Theo Ủy ban Kinh tế, cơ quan độc lập này sẽ là một đột phá, có thể làm thay đổi cơ bản, có thể tách biệt chức năng quản lý nhà nước và chức năng chủ sở hữu doanh nghiệp.