Tình trạng lạm phát bộ ngành, lạm phát cán bộ lãnh đạo. Lương và biên chế. Cơ chế tín nhiệm các thành viên Chính phủ. Câu chuyện từ chức. Nhiệm vụ đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước của Chính phủ... Tất cả đều không hề được giải đáp hoặc đưa ra giải pháp trong phiên Thường vụ Quốc hội thảo luận về Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30.9.
Trả lời các câu hỏi của Phó Chánh án Nguyễn Sơn về lương và biên chế; Chủ tịch Quốc hội về trách nhiệm bảo hiến, theo Hiến pháp (HP); Phó Chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn về “QH bỏ phiếu tín nhiệm với những chức danh do QH bầu, phê chuẩn, vì sao luật chưa cụ thể hóa điều này? Có nên có cơ chế từ chức không khi báo chí dư luận nêu rất nhiều... Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình: Chúng tôi sẽ tiếp thu, sẽ xem xét, sẽ nghiên cứu, sẽ làm rõ, sẽ ghi nhận...
Về biên chế, tiền lương, ông Bình dẫn quy định trong dự thảo “Chính phủ thống nhất quản lý nền hành chính quốc gia, công chức, công vụ trong hệ thống CQNN”. Về ý kiến của Chủ tịch QH xung quanh trách nhiệm bảo hiến của Chính phủ, Bộ trưởng Bình nói: Đây là nội dung mới, CQ soạn thảo sẽ hết sức lưu ý để sửa đổi. Về quan hệ giữa Thủ tướng, QH, Chủ tịch Nước, tòa án, ông Bình xin phép “tiếp thu để đảm bảo mối quan hệ và trách nhiệm”.
Về cơ chế từ chức và lấy phiếu tín nhiệm, cho rằng nghị quyết Bộ Chính trị và Luật Cán bộ công chức đã có nói, Bộ trưởng Bộ Nội vụ hứa “sẽ ghi nhận để xin ý kiến. Vì đây là một ý kiến cần quan tâm”. Về trách nhiệm của Chính phủ mà không ít ý kiến cho rằng được quy định trong dự thảo luật còn mờ nhạt, chưa rõ ràng, ông Bình nói “Điều 7 đã quy định, nhưng qua ý kiến chúng tôi sẽ tiếp tục làm rõ”.
Chủ nhiệm Phùng Quốc Hiển cho rằng, tổng kết việc thi hành luật cũ đã nêu rất nhiều hạn chế vướng mắc trong việc thực hiện, nhưng luật mới không có gì đột phá. Nhiều điều luật gần như chỉ phản ánh nguyên văn HP, thậm chí khác so với HP. Chẳng hạn HP quy định Chính phủ phải báo cáo Quốc hội, các đồng chí lại sửa thành Chính phủ gửi báo cáo tới Quốc hội. Cái này khác nhau. Ông Hiển đề nghị cần quy định rõ điều kiện nào, tiêu chuẩn nào, nguyên tắc nào để có thể thành lập một cơ quan cấp bộ. “Các đồng chí nói có nhiều hạn chế trong việc thi hành luật cũ, nhưng luật mới cũng chỉ quy định quá chung chung”.