"Họ làm án, làm sai lệch vụ án đến bây giờ mới phát hiện được. Một mình tôi không phải là thánh. Tôi xử theo luật, làm theo bổn phận", ông Phạm Tuấn Chiêm, nguyên thẩm phán chủ tọa phiên phúc thẩm xử oan ông Nguyễn Thanh Chấn, vừa bị khởi tố, chia sẻ.
- Thưa ông, sau khi nhận quyết định khởi tố, ông cảm thấy thế nào?
Ông Phạm Tuấn Chiêm.
- Tôi phải nói thật thế này. Thứ nhất, tôi đã không làm gì trái với lương tâm. Tôi không phải loại thoái hóa, biến chất, tham nhũng. Đây là có kẻ hữu ý làm sai lệch hồ sơ vụ án, còn tôi chỉ làm đúng bổn phận theo luật. Thứ hai, tôi đã vô cùng đau đớn. Suốt đời tôi luôn tâm niệm mình phải luôn trung thực, liêm khiết và bảo vệ công lý. Đây là chuyện tai nạn nghề nghiệp. Tuy vậy, tôi không ân hận.
Tôi kết án theo luật, nếu VKSND Tối cao làm đúng theo trách nhiệm thì ông Chấn đã ra tù cách đây 8-9 năm rồi. Tôi không thể làm khác được, như thế là làm sai lệch hồ sơ vụ án. Còn bên VKS thì sao? Sao họ không nghĩ đến trách nhiệm của họ? Họ có vô tâm, vô cảm không khi dân người ta kêu oan nhưng họ cũng không giải quyết gì. Nếu tôi phát hiện ra, tôi sẵn sàng đề nghị người ta phải làm dù cho phải cởi áo từ quan. Thà tôi bị kỷ luật chứ không để người dân bị oan. Tôi đã làm hoàn toàn hết sức mình rồi.
Bây giờ họ trừng trị ai thì họ làm thôi, còn tôi thì tự chịu. Tôi không muốn làm tổn thất đến người khác.
- Ông có thể nói thật với lòng mình, trong vụ ông Chấn bị oan này, ông có cảm thấy mình có lỗi nào không?
- Thực tế lúc bây giờ anh ạ, với một hồ sơ như thế, tôi phải căn cứ, tuân theo hồ sơ và kết quả điều tra của người ta. Dĩ nhiên đánh giá chứng cứ phải theo chủ quan của con người, bằng kinh nghiệm, trình độ của mình. Trong ngành tư pháp không có gì tuyệt đối, có những cái thậm chí không được chuẩn xác. Có những lúc nhận thức của tôi không được chuẩn nhưng chứng cứ tôi không bịa ra được.
- Theo ông, việc ông Chấn bị kết án oan là do đâu?
- Tôi vốn là người lính, qua bao nhiêu chuyện, tôi không chết vì bom đạn mà chết vì thủ đoạn của bên công an. Họ làm án, làm sai lệch vụ án đến bây giờ mới phát hiện được. Tôi xử theo luật, làm theo bổn phận thì chỉ có thế thôi.
- Trong phiên tòa, không chỉ một mình ông quyết định hết, còn có hai thẩm phán khác, cả ba thẩm phán trong HĐXX phải thông qua biểu quyết khi nghị án. Vậy ý kiến của họ thế nào?
- Hai thẩm phán còn lại đều nhất trí. Xét xử theo tập thể, quyết định theo đa số. 10 năm qua, gia đình ông Chấn cũng đã gửi đơn lên VKSND Tối cao để kêu oan, nếu người ta khiếu nại oan sai, người xử án không thể can thiệp hay làm gì được, nếu không là làm sai lệch hồ sơ vụ án. Chỉ có cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh bằng tái thẩm hoặc giám đốc thẩm. Họ thụ lý đơn nhưng họ nói lý do này nọ mà họ bác. Đây là trường hợp bất khả kháng mà tôi không thể biết được. Một người như tôi có thể không nhìn ra nhưng cả một tập thể thì trí tuệ phải nhân lên nhiều lần vậy mà cũng không nhìn ra.
- VKSND Tối cao khởi tố ông tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, vậy theo ông, trách nhiệm của những người còn lại thế nào?
- Tòa có trách nhiệm xét xử độc lập. Tôi là chủ tọa có trách nhiệm triệu tập và xét xử. Tất cả thẩm phán còn lại, cả vị kiểm sát viên VKSND Tối cao đều khẳng định không oan. Nhưng chỉ mình tôi bị khởi tố.
- Còn việc ông Chấn trong phiên tòa kêu oan, nói bị bức cung nhục hình?
- Trong phút cuối khi yêu cầu thật thà khai báo để hưởng khoan hồng, ông Chấn nói vậy. Tâm lý thường thấy của tội phạm là hay nói vậy để chối tội. VKS khẳng định rằng không có căn cứ.
Trong buổi họp của Ủy ban Tư pháp vừa rồi có người nói 20 năm chưa phát hiện có trường hợp nào bức cung, mới xử lý được vài ba trường hợp dùng nhục hình. Vì vậy, trong hoàn cảnh đó tôi cũng không biết được gì khi họ cố ý làm sai lệch hồ sơ vụ án.
Giữa tháng 8/2003, chị Nguyễn Thị Hoan bị giết hại tại nhà riêng ở thôn Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, Bắc Giang. Công an xác định ông Chấn, hàng xóm với nạn nhân, là thủ phạm.
TAND tỉnh Bắc Giang tuyên phạt ông án tù chung thân do giết người "có tính chất côn đồ". Đơn kêu oan của ông Chấn sau đó không được TAND Tối cao chấp nhận trong phiên phúc thẩm mở tháng 7/2004.
Trong 10 năm đi tù, ông Chấn liên tục gửi đơn kêu oan, ở bên ngoài vợ ông cũng ròng rã "gõ cửa" nhiều cơ quan công quyền và cho rằng thủ phạm thực sự của vụ án là người cùng làng Lý Nguyễn Chung. Tháng 7/2013, xem xét đơn của bà, Cục điều tra VKSND Tối cao đã vào cuộc.
Hai ngày sau khi được VKSND Tối cao tạm tha về nhà sau 10 năm bị bắt, ngày 6/11/2013 TAND Tối cao trong phiên tái thẩm đã hủy hai bản án kết tội ông Chấn giết người với mức phạt tù chung thân. Vụ án được điều tra lại. Trước đó ít ngày, Lý Nguyễn Chung đã ra đầu thú, nhận đã giết chị Hoan để cướp 2 chiếc nhẫn cùng 59.000 đồng rồi bỏ trốn.
Trước việc ông Chấn tố cáo đã bị nhóm cán bộ điều tra ép cung, dùng nhục hình, VKSND Tối cao đã phê chuẩn quyết định khởi tố, bắt tạm giam ông Trần Nhật Luật (nguyên thượng tá, phó công an huyện Việt Yên, Bắc Giang) và ông Đặng Thế Vinh (nguyên trưởng phòng 10, VKSND tỉnh Bắc Giang) để điều tra về hành vi Cố ý làm sai lệch hồ sơ vụ án.
Chiều 30/9, Cục Điều tra VKSND Tối cao đã tống đạt quyết định khởi tố bị can với ông Phạm Tuấn Chiêm (65 tuổi), cựu thẩm phán Toà phúc thẩm TAND Tối cao, chủ tọa phiên phúc thẩm bác đơn kêu oan của ông Chấn. Ông Chiêm bị điều tra cáo buộc thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Ít ngày trước, phiên xử vụ án Lý Nguyễn Chung bị hoãn do liên quan tình tiết mới về con của nạn nhân.