“Để tòa án, mà cụ thể là cá nhân thẩm phán có thể mang lại công lý thì trước hết thẩm phán đó phải là người độc lập xem xét các vấn đề liên quan đến tới hành vi vi phạm theo tư duy của họ, dựa trên các quy định của pháp luật để phán quyết hành vi đó là đúng hay sai, công dân A đúng hay sai, quan chức A đúng hay sai”.
PGS-TS Lê Hồng Hạnh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu pháp luật và Kinh tế ASEAN (nguyên Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp), đã cho hay như thế khi trao đổi với báo giới bên lề hội thảo Liêm chính tư pháp: Các tiêu chuẩn quốc tế và pháp luật Việt Nam do Tổ chức Hướng tới Minh bạch (TT) phối hợp với Viện Chính sách công và Pháp luật (IPL) tổ chức, ngày 10-10.
. Phóng viên: Vậy theo nghiên cứu của ông, cần những điều kiện gì để thẩm phán được độc lập, thưa ông?
+ PGS-TS Lê Hồng Hạnh: Ở các nước, thẩm phán hoàn toàn không dính gì đến địa phương cả. Lương ông nhận từ trung ương về, nhà thì được nhà nước cấp cả đời, rồi được bổ nhiệm suốt đời. Thẩm phán không phải lo quan tỉnh này, quan huyện kia gây khó cho mình trong tương lai. Đó là cách người ta làm để bảo đảm tính độc lập của thẩm phán.
Hơn nữa, thủ tục của chúng ta là bổ nhiệm năm năm, người ta vừa ngồi vào ghế chưa được bao lâu lại đến thời hạn tái bổ nhiệm. Họ luôn luôn phải lo lắng mình phải làm như thế nào đó để được tái bổ nhiệm tiếp chứ không nên “quá cứng đầu”, mình phải biết nghe… để được giới thiệu tái bổ nhiệm… Như thế thì người ta không thể yên tâm được, quan ngại đó làm cho thẩm phán không thể độc lập. Đấy, chỉ những yếu tố thông thường thế thôi cũng làm cho thẩm phán yên tâm hơn.
. Đó là những áp lực từ bên ngoài nhưng ngay bản thân ngành tòa án cũng đang tồn tại những cơ chế gây ảnh hưởng đến tính độc lập của HĐXX như việc “họp án” chẳng hạn. Ông có bình luận gì về việc này?
+ Họp án thì có nhiều ý kiến khác nhau. Có thẩm phán, có công tố viên bảo cần nhưng cũng có người phản đối. Điều này xuất phát từ tư duy, bản lĩnh của người đó. Đối với những thẩm phán thiếu bản lĩnh, năng lực không cao thì luôn muốn tìm dựa vào tập thể nào đó để trách nhiệm được hòa tan đi.
Xét về vấn đề độc lập tư pháp đó là điều không phù hợp. Việc điều tra, công tố, thẩm phán ngồi bàn với nhau vụ này xử thế này thì sự tham gia của luật sư chẳng có ý nghĩa gì nữa. Lẽ ra anh điều tra thì cứ điều tra, anh công tố thấy có căn cứ thì truy tố còn thẩm phán thì ngồi xem công tố buộc tội như vậy đúng chưa… Thẩm phán sẽ nhìn thấy vấn đề đa chiều và quyết định theo tư duy pháp lý và niềm tin nội tâm của mình.
Tòa án xét xử độc lập nhưng làm thế nào để độc lập là câu hỏi cháy bỏng. Không độc lập thì không làm được gì, không mang lại công lý cho người dân…
. Luật Tổ chức TAND đang được sửa đổi, ông tìm thấy trong dự thảo những quy định gỡ được những bất cập ông vừa nêu không?
+ Có những cái le lói, ví dụ như quy định về thiết chế hội đồng tư pháp quốc gia. Nếu có hội đồng này thì việc bổ nhiệm thẩm phán sẽ độc lập vì không chỉ bó hẹp trong ngành tòa án… Nhưng tất cả cái đó đều đang nằm trong dự thảo, còn phải chờ xem những quy định đó có được giữ hay không vì thực tế đã có những cái le lói bị dập tắt, gây nên sự thất vọng.
. Xin cảm ơn ông.
Thiếu nhất là sự độc lập của thẩm phán
Tại hội thảo này, theo GS-TSKH Đào Trí Úc, Chủ tịch Hội đồng Viện Chính sách công và Pháp luật, sự độc lập của tư pháp (mà theo tư duy phổ biến hiện nay, đó chính là sự độc lập của thẩm phán và hội thẩm nhân dân) là bảo đảm đầu tiên cho liêm chính tư pháp. Thế nhưng PGS-TS Lê Hồng Hạnh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu pháp luật và Kinh tế, lại nhận định: “Điều Việt Nam đang thiếu nhất hiện nay là sự độc lập của thẩm phán. Chúng tôi đang thực hiện một nghiên cứu độc lập về vấn đề này nhưng càng đánh giá càng thấy lo sợ…”.
Đồng tình, luật sư Nguyễn Hưng Quang phân tích hàng loạt yếu tố ảnh hưởng tới tính độc lập của thẩm phán ở Việt Nam. Chẳng hạn: Thực tiễn trao đổi, thỉnh thị án đã làm giảm trách nhiệm cá nhân của thẩm phán và làm suy giảm dần chất lượng giải quyết vụ án, phá bỏ tính độc lập của thẩm phán và các thành viên khác trong HĐXX về chuyên môn pháp luật trong xét xử…