Nạn nhân chết do bị đâm nhưng trước đó lại bị người khác đánh. Ngoài việc khởi tố kẻ đâm chết người, thông qua việc giám định trên hồ sơ, CQĐT còn đề nghị khởi tố người đánh tội cố ý gây thương tích nhưng VKS không đồng ý…
Chiều 23-5, Phan Minh Tấn cùng Nguyễn Trường Giang đi nhậu cùng bạn bè. Nhậu xong, cả nhóm đến một quán cà phê thuộc xã Tân Bình (Phụng Hiệp, Hậu Giang).
Người đánh, kẻ đâm
Trong quán lúc này có Đoàn Văn Tiển đang ngồi uống cà phê với bạn gái. Thấy nhóm Tấn vào quán không ngồi chung một bàn mà ngồi mỗi người một bàn, Tiển ngứa mắt, nói: “Mấy thằng một hồi ra đường tao cắt đầu từng thằng”. Nghe Tiển khiêu khích, Giang liền cầm ly thủy tinh (loại có quai cầm) đánh vào đầu Tiển hai cái.
Tiển bỏ chạy về nhà, lấy cây quay lại. Lúc này Tấn cũng về nhà lấy hai con dao quay lại quán. Hai bên gặp nhau, Tiển vác cây xông vào đánh làm nhóm của Tấn bỏ chạy. Tấn bỏ chạy xuống bụi tre gần kênh thì Tiển đuổi kịp. Tấn bèn quay lại dùng dao mổ trâu đâm liên tục vào người Tiển làm nạn nhân tử vong tại chỗ.
Giám định vết thương qua hồ sơ
Kết quả khám nghiệm tử thi xác định nạn nhân tử vong do vết đâm thấu ngực, thủng tim, mất máu cấp. Do đó CQĐT Công an tỉnh Hậu Giang đã khởi tố Tấn về tội giết người.
Ngoài ra, biên bản khám nghiệm tử thi còn xác định đầu của nạn nhân có hai vết thương do vật tày gây ra làm rạn xương sọ. CQĐT đã gửi biên bản khám nghiệm tử thi đi giám định tỉ lệ thương tật. Theo kết quả giám định, tỉ lệ thương tật đối với vết thương trên đầu của Tiển là 26%. Từ đó CQĐT đã đề nghị VKS cùng cấp phê chuẩn khởi tố Giang (người dùng ly thủy tinh đánh hai cái lên đầu nạn nhân) về tội cố ý gây thương tích.
Xung quanh việc này đang có hai luồng quan điểm trái chiều: CQĐT Công an tỉnh Hậu Giang cho rằng việc khởi tố Giang về tội cố ý gây thương tích là đúng vì hai vết thương trên đầu nạn nhân phù hợp với lời khai của các đối tượng tham gia đánh nhau, phù hợp với các chứng cứ khác. Việc giám định tỉ lệ thương tật qua hồ sơ để khởi tố Giang là có cơ sở. Trong khi đó, VKS tỉnh cho rằng việc giám định pháp y trên hồ sơ chưa được pháp luật quy định nên không thể khởi tố Giang về tội cố ý gây thương tích được.
Hai luồng quan điểm
Ủng hộ quan điểm có thể khởi tố Giang, luật sư Đoàn Công Thiện (Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Kiên Giang) phân tích: Nếu trong quá trình điều tra, các biên bản khám nghiệm đầy đủ, có đủ điều kiện để giám định thì việc giám định qua hồ sơ cũng có thể là căn cứ để xử lý hình sự. Tuy nhiên, kết quả giám định phải phù hợp với lời khai của người làm chứng và các chứng cứ khác.
“Hiện nay các hướng dẫn về giám định thương tật khá cụ thể. Nhiều trường hợp chỉ cần căn cứ vào vết thương trên bộ phận nào, gây tổn hại ra sao là có thể đối chiếu để đưa ra tỉ lệ thương tật nhất định. Hành vi dùng ly thủy tinh (hung khí nguy hiểm) đập vào đầu người khác gây thương tật 26% là hành vi phạm tội thuộc khoản 2 Điều 104 BLHS. Nếu cứng nhắc không sử dụng kết quả giám định thương tật qua hồ sơ thì sẽ bỏ lọt tội phạm” - luật sư Thiện nói.
Trong khi đó, TS Nguyễn Duy Hưng (Trưởng khoa Luật Trường ĐH Thủ Dầu Một, Bình Dương) lại ủng hộ quan điểm của VKS tỉnh Hậu Giang. Ông phân tích: Theo các điều 155, 156, 157, 158, 159 BLTTHS (về trưng cầu giám định) thì không có quy định nào cho phép cơ quan tố tụng trưng cầu giám định tỉ lệ thương tật qua hồ sơ. Tổ chức giám định chỉ căn cứ vào biên bản khám nghiệm tử thi để cho ra tỉ lệ thương tật là không đảm bảo tính chính xác nên việc CQĐT căn cứ vào kết quả giám định đó để khởi tố Giang sẽ không chặt chẽ, thiếu thuyết phục.
“Hiện chưa có văn bản hướng dẫn nào hướng dẫn về việc giám định qua hồ sơ trong tố tụng hình sự. Do vậy việc khởi tố Giang chắc chắn sẽ khó được các cơ quan tố tụng khác đồng thuận” - TS Hưng nhận xét.
Cần có hướng dẫn
BLTTHS hiện hành không cho phép cơ quan tố tụng trưng cầu giám định tỉ lệ thương tật bằng việc gửi hồ sơ của nạn nhân cho tổ chức giám định. Đồng thời, cũng không có điều khoản nào cho phép tổ chức giám định căn cứ vào biên bản khám nghiệm hay các loại tài liệu khác để đưa ra kết luận về tỉ lệ thương tật của nạn nhân. Tuy nhiên, đó là quy định trên giấy, còn thực tế việc giám định qua hồ sơ hiện khá phổ biến. Hầu hết các vụ cố ý gây thương tích khi tiến hành trưng cầu giám định lại, do thời gian xảy ra đã lâu nên nhiều vết thương đã mờ hoặc không còn. Gặp các trường hợp này, cơ quan giám định thường căn cứ vào hồ sơ chứng thương ban đầu để giám định và đưa ra kết luận.
Vấn đề giám định qua hồ sơ đang phổ biến nhưng lại chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể để các cơ quan tố tụng áp dụng thống nhất. Tôi đề nghị các cơ quan có thẩm quyền nhanh chóng có văn bản hướng dẫn để tránh những tranh cãi tương tự.
Luật sư LÊ QUANG Y, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư
tỉnh Đồng Nai