Báo Lao Động đã phản ánh 2 anh em ông Nguyễn Văn Địch và Nguyễn Văn Lộ (Q.9, TPHCM) 17 năm gửi đơn đòi lại phần đất 4.760m2, bị Cty phát triển Hàng Hải, chi nhánh TPHCM lấy để mở rộng Dự án bãi container và nhà làm việc không được đền bù. Từ thông tin của Báo Lao Động, Thanh tra TP đã lập đoàn kiểm tra và có công văn số 396/BC-TTTP-P8 báo cáo UBND TP, phát hiện Cty Hàng Hải thực tế sử dụng vượt diện tích đất đền bù gần 4.000m2.
Đủ kiểu qua mặt công chứng
- Cập nhật : 01/10/2014
Không nhận ra các loại giấy tờ giả mạo, nhiều văn phòng công chứng đã vô tình tiếp tay cho đối tượng lừa đảo
Dù sự việc đã xảy ra gần 7 tháng nhưng đến nay, bà Nguyễn Thị Chung (ngụ 750/6 Nguyễn Kiệm, phường 4, quận Phú Nhuận, TP HCM) vẫn không tin trên đời lại xảy ra chuyện khó tin như vậy.
Bán nhà mình mà không biết!
Tháng 1-2014, do cần gấp 300 triệu đồng, bà Chung vay tiền của một người tên Dung và phải giao cho bà này toàn bộ giấy chủ quyền nhà, sổ hộ khẩu, CMND để làm tin. Ba tháng sau, đến hạn thanh toán tiền gốc và lãi, bà Chung liên hệ với bà Dung thì điện thoại “ngoài vùng phủ sóng”!
Trong khi đó, nhiều người tới tấp gọi điện thoại cho bà Chung hỏi “có bán nhà không?”. “Trong số này, một bà tên Vân cho biết được một người tên Lưu Viết Bằng đưa ra văn phòng công chứng (VPCC) làm hợp đồng bán căn nhà mà tôi đang sở hữu” - bà Chung kể.
Dò tìm tại các VPCC ở TP HCM, bà Chung phát hiện ngày 20-2, Phòng Công chứng số 1 đã công chứng hợp đồng mua bán nhà ở và chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở căn nhà 750/6 Nguyễn Kiệm giữa người bán là ông Lưu Viết Bằng (ngụ quận 2) và người mua là bà Phùng Hạc Vân (ngụ quận 11). Tìm hiểu tiếp, bà Chung được biết hợp đồng chuyển nhượng này được công chứng trên cơ sở hợp đồng ủy quyền do VPCC Chợ Lớn lập ngày 25-1. Trong đó, bên ủy quyền là bà Chung và chồng, ông Nguyễn Văn Chiến; bên được ủy quyền là ông Lưu Viết Bằng.
Nguyễn Thanh Bình (áo sọc) cùng đồng bọn lãnh án vì giả giấy tờ để lừa đảo và những sổ đỏ giả bị một VPCC tư ở Bình Dương phát hiện Ảnh: NHƯ PHÚ
Đủ kiểu qua mặt công chứng
Không tin vào mắt mình, vợ chồng bà Chung đến VPCC Chợ Lớn tìm hiểu. Cả hai tá hỏa khi được biết ngày 25-1, một người xưng tên Bằng dẫn theo 2 người mù chữ, giới thiệu là chủ nhà tên Chiến và Chung đến làm hợp đồng ủy quyền để bán nhà. Theo nhân viên VPCC Chợ Lớn, cặp “vợ chồng” này cũng xuất trình đầy đủ giấy tờ tùy thân khi làm hợp đồng công chứng.
Hoang mang cực độ, bà Chung tìm đến bà Vân, người mua nhà, thì được công an địa phương cho biết bà ta đã chuyển đi nơi khác từ 10 năm trước. Để tự cứu mình, bà Chung làm đơn yêu cầu UBND quận Phú Nhuận ngăn chặn việc chuyển nhượng căn nhà, đồng thời đề nghị công an điều tra vụ việc.
“Đến nay, căn nhà của vợ chồng tôi đã được UBND quận Phú Nhuận cấp phó bản giấy chủ quyền. Song, điều tôi ấm ức là VPCC Chợ Lớn lại đứng ngoài cuộc mà không nhận trách nhiệm gì, trong khi việc công chứng ẩu đã gây ra hậu quả nghiêm trọng cho gia đình tôi” - bà Chung bức xúc.
Tài xế xe ôm, ba gác đóng vai chủ đất
Bà T. - trưởng một VPCC ở thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương - hiện vẫn còn tức tối vì bị những kẻ lừa đảo qua mặt bằng giấy tờ giả khiến bà bị lôi vào những vụ kiện tụng rắc rối. Các đối tượng lừa đảo này đang bị công an truy xét nên bà T. từ chối cung cấp tên tuổi cụ thể những nhân vật liên quan.
Bà T. cho biết bên A bán miếng đất rộng khoảng 1.700 m2 cho bên B với giá 500 triệu đồng. “Kiểm tra CMND của bên A thì thấy ảnh chân dung và vân tay trên đó đúng là của A., chủ sổ đỏ tên A., sổ hộ khẩu cũng có tên A. nên tôi công chứng việc A. bán đất cho B. Khoảng 2 tháng sau, tôi té ngửa khi bên B đến thông báo kẻ bán đất cho họ là đối tượng mạo danh” - bà T. nhớ lại.
Lúc này, kẻ lừa đảo đã ôm tiền lặn mất tăm, để lại mớ bòng bong cho bà T. cùng người mua đất và chủ đất thật sự. Qua đối chiếu giấy tờ các bên, bà T. phát hiện bên bán đã mạo danh bằng cách làm giả CMND và sổ hộ khẩu, riêng sổ đỏ là sổ thật. Tìm hiểu thêm, bà T. mới biết người chủ đất thật sự đã đánh rơi mất sổ đỏ trong một lần đi đường.
Do vụ việc có dấu hiệu hình sự nên công an đang thụ lý hồ sơ. Theo thông tin mà bà T. nắm được thì A. nằm trong đường dây lừa đảo chuyên nghiệp giống băng nhóm của “ông trùm” Nguyễn Thanh Bình (40 tuổi, ngụ thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương). Bình đã bị TAND tỉnh Bình Dương tuyên án 16 năm tù giam vì bán đất ảo cho 27 nạn nhân.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, Bình vốn là một kẻ cho vay nặng lãi. Ai muốn vay được tiền của Bình thì phải thế chấp sổ đỏ và gã lấy những sổ này đi lừa. Bình thuê nhiều tài xế xe ôm, xe ba gác đóng vai chủ đất và cung cấp cho họ giấy tờ tùy thân giả nhằm qua mặt công chứng viên. Trong đó, Dũng “xe ôm” (tức Lâm Văn Dũng) là một điển hình. Dũng khai mỗi lần vào vai chủ đất chỉ được Bình trả 2 triệu đồng, trong khi những hợp đồng chuyển nhượng mà y đứng tên ký bán có giá bạc tỉ.
Kỳ tới: Chúng tôi chỉ có cái kính lúp!
Phạt nặng công chứng viên sai phạm
Bà Lê Thị Bình Minh, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP HCM, cho biết những thiếu sót, sai phạm của công chứng viên trong hoạt động công chứng có nhiều nguyên nhân, như: Trình độ, kiến thức, kinh nghiệm công chứng viên hạn chế; sự mâu thuẫn, chồng chéo giữa các quy định pháp luật liên quan. Đồng thời, không loại trừ do chạy theo lợi nhuận, cạnh tranh không lành mạnh giữa các VPCC dẫn đến việc dễ dãi bỏ qua các thủ tục bắt buộc.
Theo lãnh đạo Sở Tư pháp TP HCM, việc thanh tra, xử lý sai phạm của các VPCC luôn chặt chẽ, nghiêm túc và có tính răn đe cao. Tùy vào mức độ vi phạm, công chứng viên sẽ bị phạt tiền, tước thẻ, thậm chí thu hồi giấy phép hoạt động của tổ chức hành nghề vi phạm.
Giả cả hợp đồng công chứng
Ông Phan Văn Cheo - công chứng viên VPCC Sài Gòn, Chủ tịch Hội Công chứng TP HCM - cho biết từ đầu năm đến nay, VPCC này đã phát hiện nhiều hợp đồng công chứng giả mạo (kể cả con dấu), chủ yếu là mua bán xe máy. Các hợp đồng này xuất phát từ việc kẻ gian ăn cắp xe máy rồi làm giả hợp đồng mua bán, sau đó đến công an địa phương sang tên thì bị phát hiện.
“Trong tháng 7, đã có 4 hợp đồng công chứng mua bán xe máy bị làm giả mà cơ quan công an phát hiện khi đến xác minh tại VPCC Sài Gòn” - ông Cheo nói.
THU HỒNG - QUÝ HIỀN - NHƯ PHÚ - Theo: NLĐ