Họ vờ không quen biết, cùng vào cửa hàng rồi liên tục hỏi giá, chọn đồ tạo cơ hội cho đồng phạm trộm tài sản. Trong hai giờ, nhóm này lấy được 2 máy tính bảng, điện thoại iPhone của các chủ tiệm.
Nhật Bản xét xử vụ hối lộ quan chức đường sắt Việt Nam
- Cập nhật : 03/10/2014
Tòa án quận Tokyo (Nhật Bản) ngày 1-10 chính thức mở phiên xét xử đầu tiên đối với các cựu lãnh đạo Công ty Công nghệ giao thông Nhật Bản (JTC) với cáo buộc vi phạm luật chống cạnh tranh không lành mạnh. TTXVN ngày 1-10 cho biết như trên.
Cụ thể, phiên tòa do Chánh án Shinji Sugiyama chủ trì, sẽ xem xét các cáo buộc các bị cáo do cựu Giám đốc JTC Tamio Kakinuma, 65 tuổi, đứng đầu đã “lại quả” cho các cựu quan chức một số nước (trong đó có Việt Nam) liên quan đến dự án đường sắt sử dụng nguồn vốn Viện trợ Phát triển chính thức (ODA) của Chính phủ Nhật Bản.
Các đối tượng bị xét xử với cùng tội danh bao gồm Công ty JTC với tư cách pháp nhân dính líu đến vụ án, cựu cán bộ JTC Tatsuro Wada (67 tuổi), Cố vấn JTC Koji Ikeda (58 tuổi).
Theo cáo trạng, ngoài cáo buộc chuyển trót lọt số tiền trị giá 70 triệu Yên cho 3 quan chức Tổng công ty Đường sắt Việt Nam từ năm 2009 đến năm 2014, các bị cáo còn giao 20 triệu Yên cho 5 quan chức Indonesia (2010-2013) và 54 triệu Yên cho 3 quan chức Uzbekistan (2012-2013) để nhận được sự ưu ái đối với các gói thầu công trình đường sắt ở những nước này.
Hồi tháng 4-2013, Cơ quan thuế Quốc gia đã phát giác vụ việc trên sau khi thẩm tra chứng từ của JTC. Kết quả là cơ quan này đã phát hiện ra khoản tiền ngoài thuế lên tới 130 triệu Yên.
Hàng loạt dự án đường sắt có liên quan đến nhà thầu JTC Nhật Bản sẽ bị thanh tra để làm rõ nghi án nhận hôi lộ. (Ảnh: TTXVN)
Như Pháp Luật TP.HCM đã thông tin, nghi án Công ty Tư vấn giao thông Nhật Bản (JTC) đã chi một khoản tiền (hơn 16 tỷ đồng) hối lộ cho một số lãnh đạo ngành Đường sắt Việt Nam trong quá trình thực hiện dự án “Đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến số 01- giai đoạn I” bằng vốn ODA của Nhật Bản đã gây xôn xao dư luận từ tháng 3 vừa qua.
Ngay sau khi có thông tin từ báo chí Nhật Bản, cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an phối hợp với Bộ Giao thông vận tải đã tiến hành điều tra xác minh, làm rõ thông tin về việc. Chiều ngày 9-5-2014, Bộ Công an đã có cuộc họp báo để thông tin chính thức về nghi án này.
Theo đó, Bộ Công an cho biết cơ quan Cảnh sát điều tra- Bộ Công an đã phối hợp chặt chẽ với Thanh tra Bộ Giao thông vận tải khẩn trương điều tra xác minh, đến nay bước đầu đã làm rõ, khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam 6 bị can.
Cụ thể, Cơ quan Cảnh sát điều tra-Bộ Công an đã khởi tố vụ án hình sự về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” (theo Điều 281 Bộ luật Hình sự) và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” (theo Điều 285 Bộ luật Hình sự) xảy ra tại Ban Quản lý các dự án Đường sắt thuộc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam.
Đồng thời, khởi tố bị can, ra lệnh bắt, khám xét đối với một số cán bộ thuộc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, gồm: Trần Quốc Đông, sinh năm 1964, chức vụ: Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”; Phạm Hải Bằng, sinh năm 1969, chức vụ: Phó Giám đốc Ban Quản lý các dự án Đường sắt về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ"; Phạm Quang Duy, sinh năm 1975, chức vụ: Phó Giám đốc Ban Quản lý các dự án Đường sắt về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”; Nguyễn Nam Thái, sinh năm 1977, chức vụ: Trưởng phòng Dự án 3, Ban Quản lý các Dự án Đường sắt về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”; Trần Văn Lục, sinh năm 1958, nguyên Giám đốc Ban Quản lý các dự án Đường sắt về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”; Nguyễn Văn Hiếu, sinh năm 1962, Giám đốc Ban Quản lý các dự án Đường sắt về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Hiện vụ việc vẫn đang được các cơ quan chức năng của Việt Nam tiếp tục làm rõ.
TTH (Tổng hợp)//PLO