Ảnh mang tính chất minh họa.
Cho đến nay, cả nước chưa có một thống kê cụ thể nào về các vụ bạo hành trong gia đình, trong đó có gia đình CNVCLĐ. Có nhiều lý do, nhưng lý do chủ yếu vẫn là do sự cam chịu của người bị bạo hành - phần lớn là người nữ.
Bạo hành ngày càng tinh vi
Chị Trần T.T (27 tuổi) là một trong không nhiều CNLĐ ở KCN Bắc Thăng Long lấy chồng khá sớm. Chồng cô cũng là CN, công ăn việc làm ổn định. “Nhưng khi con gái đầu lòng mới 7 tháng tuổi, không may tôi bị bệnh nặng, phải phẫu thuật và chữa chạy nhiều ngày. Kinh tế gia đình bỗng dưng bị sa sút nghiêm trọng vì vừa không có lương, vừa phải chữa bệnh. Thay vì chia sẻ gánh nặng gia đình, chồng tôi lại tỏ ra chán nản và chỉ trong một thời gian rất ngắn, anh ấy bê tha rượu chè, mắng nhiếc vợ, chẳng quan tâm đến con, rồi bỏ làm, bỏ gia đình đi nơi khác làm ăn… Thế là chỉ làm vợ chưa đầy hai năm, tôi trở thành người phụ nữ cô đơn trong tình trạng sức khỏe ốm yếu và nuôi con một mình” - chị T rấm rứt kể.
Hành vi bạo lực xảy đến với chị Dương M.H (50 tuổi, làm việc trong một DN tư nhân ở Hà Nội) còn tinh vi, dai dẳng và ám ảnh hơn rất nhiều. Sau thời gian đầu êm ấm, rồi chồng chị mất việc, công việc của chị cũng bập bõm. Kinh tế gia đình luôn ở trong tình trạng “ăn bữa nay, lo bữa mai”. Có điều lạ là, cũng như chồng T, chồng chị H lại lao vào rượu. Lúc say thì vứt đồ dùng, quần áo của vợ đuổi đi; lúc tỉnh thì nhiếc móc vợ bất tài, không tháo vát như vợ người khác… “Thậm chí, anh ấy còn tỏ ra “thù hằn”, chì chiết đến tận bây giờ - khi tôi lỡ có bầu cháu thứ hai và kiên quyết không “bỏ” như yêu cầu của anh ấy” - chị H cho biết. Cuộc sống của chị H hiện nay chỉ xoay quanh với công việc quần quật suốt ngày, ngoài giờ đi làm ở Cty, chị còn nhận dọn dẹp cho mấy gia đình để thêm tiền nuôi các con ăn, học.
Vốn là con út trong một gia đình có nhiều anh chị em, chị H được cưng chiều và được dạy dỗ từ nhỏ là trong gia đình, người chồng bao giờ cũng là “đấng tối cao”. Vì thế, chị không có khả năng “chống đỡ” với những tình huống thực chất là bạo lực (tuy không bị đánh đập) đã và đang xảy ra với chị trong suốt mấy chục năm qua. Điều đáng nói là chị H cứ âm thầm chịu đựng như vậy mà không bao giờ cầu cứu đến anh chị em ruột của hai bên gia đình nội ngoại, nói gì đến việc ly hôn? “Xấu chàng, hổ ai? Rồi tương lai sau này của các con nữa…” - chị H luôn tự nhủ.
Làm gì để cải thiện tình hình?
Việc tự coi mình là thành phần “yếm thế” trong xã hội cũng như trong gia đình, từ đó chấp nhận việc bị bạo hành như một lẽ tự nhiên - đó là suy nghĩ của rất, rất nhiều phụ nữ VN nói chung, nữ CNLĐ nói riêng. Bên cạnh đó, tư tưởng trọng nam, khinh nữ đã ăn sâu vào tiềm thức của xã hội nói chung, vì thế, những hành vi bạo lực gia đình (BLGĐ) luôn được mọi người coi là “chuyện riêng mỗi nhà”, không muốn, không có trách nhiệm can thiệp.
Nhằm giảm thiểu tình trạng trên, ngày 6.2.2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về phòng, chống BLGĐ đến năm 2020. Ngay sau đó, ngày 28.2.2014, Tổng LĐLĐVN đã xây dựng kế hoạch triển khai chương trình hành động nhằm nâng cao nhận thức cũng như năng lực của NLĐ trong việc phòng, chống BLGĐ. Trong đó, có chỉ tiêu khá quan trọng là phấn đấu đến năm 2015, 90% số CNVCLĐ trước khi kết hôn được trang bị kiến thức cơ bản về gia đình, phòng chống BLGĐ… Hiện nay, các cấp CĐ cũng đang thúc đẩy nhiều hoạt động nâng cao chất lượng cuộc sống của CNVCLĐ, trong đó có cả việc loại bỏ BLGĐ.
Theo bà Đỗ Thị Yên - Phó Trưởng ban Nữ công Tổng LĐLĐVN - sắp tới Tổng LĐLĐVN phối hợp với UNFPA, Bộ VHTTDL triển khai một số hoạt động nhân ngày 26.11 - ngày xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái: Tổ chức các diễn đàn tại các KCN để nâng cao nhận thức cho NLĐ về việc phòng, chống BLGĐ cũng như xóa bỏ ý thức cam chịu bị BLGĐ trong CNLĐ.
Kết quả nghiên cứu quốc gia về BLGĐ đối với phụ nữ năm 2010 cho thấy: Có 32% số phụ nữ từng kết hôn cho biết, họ đã phải chịu bạo lực thể xác trong đời; 10% cho biết họ đã từng bị bạo lực tình dục; tỉ lệ bị bạo lực tinh thần lên tới 54% ở nhóm đối tượng này. Khi kết hợp ba loại bạo lực chính: Thể xác, tình dục và tinh thần do chồng gây ra đã có hơn nửa số phụ nữ (58%) trả lời từng bị ít nhất một trong ba loại bạo lực này trong cuộc đời… P.V