Lần đầu tiên, các hoạt động liên quan đến máu và tế bào gốc sẽ được đưa vào luật “về máu và tế bào gốc”. Bộ Y tế tổ chức lấy ý kiến cho dự thảo luật này vào sáng 16.10, đã có nhiều ý kiến trái chiều về nội dung của dự thảo.
Thạc sĩ Đỗ Trung Hưng - Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) - cho rằng, cần thiết phải có luật đưa ra các quy định về máu và tế bào gốc. Điều này xuất phát từ nhu cầu thực tế, những bất cập đang diễn ra trong việc sử dụng máu và tế bào gốc hiện nay tại Việt Nam.
Một nội dung mà Bộ Y tế và nhiều đại biểu đang băn khoăn, là có nên đưa ra quy định trách nhiệm hiến máu nhân đạo đối với một số nhóm đối tượng (cán bộ công nhân viên, lực lượng công an, bộ đội, học sinh sinh viên…), hay chỉ nên khuyến khích công dân hiến máu như hiện nay.
Theo Bộ Y tế, nếu đưa quy định này sẽ giúp cho hoạt động hiến máu dễ dàng hơn, đủ lượng máu sử dụng cho các bệnh nhân khi cần thiết. Tuy nhiên, Bộ Y tế lo ngại việc đưa vào luật quy định này có thể sẽ dẫn đến phản ứng của các cá nhân, tổ chức. Vì trong Hiến pháp năm 2013, không có quy định về trách nhiệm nghĩa vụ phải tham gia hiến máu của công dân.
Nhiều đại biểu ủng hộ quan điểm chỉ nên khuyến khích công dân tham gia hiến máu. Nhưng nhiều đại biểu cho rằng, nếu không đưa ra chỉ tiêu cho các cá nhân, tổ chức thì sẽ khó có đủ lượng máu để sử dụng, trong khi nhu cầu sử dụng máu hiện nay tại các bệnh viện rất cao.
Việt Nam cần nhân lực cho ngành khảo cổ dưới nước
Nội dung nổi bật được nhiều đại biểu đóng góp ý kiến, đó là có nên để tư nhân tham gia vào hoạt động tại các trung tâm, ngân hàng máu. Đa số đại biểu đều cho rằng, các hoạt động liên quan đến máu chỉ nên để cho Nhà nước quản lý. Nếu tư nhân cũng tham gia và chi phối hoạt động của các trung tâm truyền máu, thì sẽ dẫn đến tình trạng mua bán máu, phát sinh những người hiến máu chuyên nghiệp.
Trong khi đó, Bộ Y tế đang muốn giảm bớt đối tượng này để nâng cao chất lượng máu. Mặt khác, để các trung tâm truyền máu được đưa vào sử dụng, các đơn vị tư nhân sẽ phải đầu tư một khoản tiền không nhỏ vào trang thiết bị, kỹ thuật, công nghệ. Điều này dễ dẫn đến chuyện nâng cao giá máu, chế phẩm từ máu, tạo gánh nặng hơn cho người bệnh.
Riêng các quy định về tế bào gốc, theo ThS Đỗ Trung Hưng, hiện nay, ở thế giới có rất ít văn bản luật quy định về các hoạt động liên quan đến tế bào gốc. Do đó, việc đưa ra quy định này vào luật tại Việt Nam cũng trở nên lúng túng. Điều mà Bộ Y tế và nhiều đại biểu tranh luận là có nên quy định cơ sở nào được phép nhận, thử nghiệm lâm sàng về tế bào gốc.
Nếu quy định rõ ràng cơ sở được phép, thì sẽ hạn chế việc nghiên cứu khoa học nếu như một bệnh viện, trường học có nhu cầu nghiên cứu. Nhưng nếu linh động, để các cơ sở có nhu cầu nghiên cứu và thử nghiệm lâm sàng được quyền gửi yêu cầu Bộ Y tế xem xét sẽ dễ dẫn đến sự lỏng lẻo trong quản lý. Đồng thời, việc sử dụng chế phẩm tế bào gốc vào mỹ phẩm, các sản phẩm làm đẹp cũng phải có sự quy định rõ ràng trong luật.