Kẻ mang 2 lệnh truy nã núp bóng chủ cửa hàng ĐTDĐ
Mang 2 lệnh truy nã, Phong xuống TP.HCM mua một giấy CMND giả lấy tên Trần Công Tần (tên thường gọi Anh Vũ) để đi làm bảo kê cho một quán nhậu sau đó mở cửa hàng điện thoại.
Chiều 17/1, Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm Công an Tây Ninh phối hợp cùng Cục Cảnh sát truy nã tội phạm (Bộ Công an) và Công an phường 10, quận 6 (TP.HCM) bắt giữ Nguyễn Tú Phong (33 tuổi, ngụ ấp 1, xã Bến Củi, huyện Dương Minh Châu), trốn truy nã đặc biệt suốt 8 năm về hành vi Trộm cắp tài sản.
Theo tài liệu điều tra, Phong từng có 3 tiền án về tội Trộm cắp tài sản, nhưng lười biếng lao động nên tiếp tục phạm tội. Vào tháng 1/2007, Phong bị Công an huyện Dầu Tiếng (Bình Dương) truy nã về tội Trộm cắp tài sản. Sau đó, Phong về huyện Dương Minh Châu (Tây Ninh) lẩn trốn và ra trộm xe máy tẩu thoát.
Ngày 18/4/2007 Phong tiếp tục bị Công an huyện Dương Minh Châu ra quyết định truy nã về tội Trộm cắp tài sản. Mang 2 lệnh truy nã, Phong xuống TP.HCM mua 1 giấy chứng minh nhân dân giả lấy tên Trần Công Tần (tên thường gọi Anh Vũ) để đi làm bảo kê cho một quán nhậu ở quận 1, TPHCM.
Đến năm 2010, Phong gặp và sống như vợ chồng với người phụ nữ ngụ Kế Sách, Sóc Trăng. Phong cùng vợ về Sóc Trăng định cư và hành nghề bán điện thoại di động.
Sau 2 năm, việc làm ăn không thuận lợi nên Phong cùng vợ và con trở lại TP.HCM sinh sống tại phường 10, quận 6. Hằng ngày, Phong di bán điện thoại di dộng cũ ở chợ Nhật Tảo để sinh sống đến thời điểm bị bắt giữ.
-----------------------
Người phụ nữ trốn nã dốc tiền phẫu thuật thẩm mỹ
Bị bắt về hành vi ma túy nhưng bỏ trốn khỏi trụ sở cảnh sát, Lan dốc tiền đi thẩm mỹ để trở nên đẹp hơn. Hình dạng mới giúp chị ta lẩn trốn nhà chức trách suốt nhiều năm.
Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm (Công an Hà Nội) vừa bàn giao Trần Thị Lan (41 tuổi, ở quận Đống Đa) - kẻ bị cơ quan cảnh sát điều tra truy nã toàn quốc về hành vi ma túy, cho Công an quận Nam Từ Liêm để tiếp tục điều tra, làm rõ.
Theo hồ sơ cảnh sát, năm 2012, Trần Thị Lan bị Công an huyện Từ Liêm (cũ), bắt quả tang về hành vi Tàng trữ trái phép chất ma túy. Bị đưa về trụ sở cảnh sát ghi lời khai, lợi dụng sự sơ hở của lực lượng chức năng, Lan trốn thoát. Chị ta sau đó bị truy nã toàn quốc.
Suốt một thời gian dài lần tìm hành tung của Lan, cảnh sát nhận được thông tin người phụ nữ này vừa trải qua một loạt cuộc phẫu thuật thẩm mỹ để thay đổi hình dạng, hòng trốn tránh sự truy bắt của công an.
Không giống như nhiều người trốn truy nã, Lan ngang nhiên thuê một căn hộ ở phố Hàng Buồm (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) để ẩn mình và làm ăn.
Cuối năm 2014, cảnh sát nhận được thông tin về một phụ nữ thường xuyên đến chào hàng ma túy cho các dân chơi hay lui tới quầy bar trong khu phố cổ. Bí mật xác minh nhân thân, nhà chức trách xác định người này chính là Trần Thị Lan.
Sáng 6/1, kế hoạch bắt giữ người phụ nữ này được cảnh sát tiến hành. Hàng chục trinh sát tinh nhuệ được lệnh bao vây nơi ở của Lan. Để bắt gọn kẻ truy nã, một cảnh sát được yêu cầu hóa trang làm nhân viên điện lực, rồi gõ cửa nhà Lan. Không ngờ được tình huống này, Lan bị tóm gọn.
Tại cơ quan công an, người phụ nữ này khai sau khi trốn khỏi trụ sở cảnh, chị ta lẩn trốn quanh ở địa bàn Hà Nội, trước khi về thuê nhà sống ở phố Hàng Buồm.
----------------------------
Cần điều tra thu hủy những bằng giả đã bán!
Ngày 16.1, theo nguồn tin Cơ quan CSĐT Công an TPHCM, đã ra lệnh bắt khẩn cấp đối với 8 đối tượng “chủ chốt” trong đường dây sản xuất bằng cấp giả quy mô cực lớn vừa bị Công an TPHCM phối hợp Bộ Công an triệt phá, bắt giữ ban đầu là 13 đối tượng (báo Lao Động đã đưa tin).
Điều đáng quan tâm, là từ lời khai của đường dây này, có từ 500 đến 600 bằng cấp tiến sĩ, thạc sĩ đến đại học, cao đẳng… đã bán ra thị trường cả nước, cần được điều tra thu hồi để tiêu hủy!
Chuyên án do Phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội (PC45) Công an TPHCM phối hợp Bộ Công an khám phá, bắt giữ ban đầu gồm 13 đối tượng và đến chiều 16.1, Cơ quan CSĐT cho biết hiện đã ra lệnh bắt khẩn cấp 8 đối tượng gồm: Phạm Đặng Thành (SN 1990, quê tỉnh Quảng Ngãi, tạm trú quận 1, TPHCM, là kẻ cầm đầu), Chu Ngọc Trung (SN 1983, ngụ TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai), Nguyễn Ngọc Thiệu, Lê Văn Tượng, Nguyễn Thanh Nguyên, Nguyễn Tấn Đây, Nguyễn Hiệu và Tấn Ngọc Hoàng để điều tra xử lý về hành vi “làm giả con dấu, tài liệu cơ quan, tổ chức”.
Với bất cứ “khách hàng” nào đặt bằng cấp từ bằng tốt nghiệp cao đẳng, đại học, cho đến bằng thạc sĩ, tiến sĩ tất cả các chuyên ngành, đều được đường dây này đáp ứng nhanh chóng, mọi giao dịch đều diễn ra trên mạng internet, quán càphê và qua điện thoại… Suốt thời gian theo dõi, Bộ Công an phối hợp Công an TPHCM lập chuyên án và đã nắm bắt toàn bộ các tay chân của đường dây bằng cấp giả này.
Công an TPHCM phối hợp Bộ Công an tổ chức nhiều mũi tấn công, đồng loạt ập vào khám xét nhiều điểm ở TPHCM và TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, thu giữ khối lượng cực lớn tang vật liên quan đến đường dây tội phạm này, gồm hàng trăm phôi bằng cấp các loại, học bạ, bảng điểm của nhiều trường đại học và nhiều dụng cụ để sản xuất bằng cấp giả như máy tính, máy in, máy photocopy, hàng chục con dấu các loại… Theo điều tra ban đầu cho thấy, Thành và tay chân đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội, chúng hoạt động từ tháng 2.2014 đến nay. Thành và đồng bọn rao bán bằng cấp giả trên mạng internet và trên facebook. Trong đó, các đối tượng như, Nguyễn Ngọc Thiệu, Lê Văn Tượng, Nguyễn Hiệu… là tay chân đắc lực cho Thành. Trong đường dây này, ngoài Thành cầm đầu đường dây, thì tay chân đắc lực số 1, là Chu Ngọc Trung, đối tượng có “chuyên môn” cao, thực hiện được tất cả các loại bằng cấp giả mạo.
Tại cơ quan điều tra, đường dây này khai nhận, loại bằng cao đẳng và đại học, chúng làm với giá từ 2 - 4 triệu đồng/bằng, sau đó giao cho tay chân bán lại cho “khách hàng” lên đến 5 - 7 triệu đồng/bằng. Riêng bằng thạc sĩ và tiến sĩ, thì có giá từ 7 đến 9 triệu đồng/bằng. Từ đầu năm 2014 đến nay, đường dây này đã bán trot lọt từ 500 đến 600 bằng cấp các loại (có thể nhiều hơn vì chưa thống kê hết), trong đó đa số là bằng đại học, thạc sĩ và tiến sĩ.
-------------------------