Nhân viên massage bán dâm tại chỗ
Bên ngoài quán, Phượng treo biển kinh doanh cắt tóc, massage, karaoke... nhưng phía trong lại tổ chức cho các nhân viên bán dâm với giá từ 300.000 - 400.000 đồng.
Ngày 29/1, Công an phường Thọ Quang (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) cho biết vừa triệt pha ổ mại dâm trá hình tại một quán karaoke, massage trên đường Yết Kiêu, phường Thọ Quang.
Trước đó, tối 26/1, lực lượng công an phối hợp các cơ quan chức năng bất ngờ đột kích vào quán này thì phát hiện Kiều (20 tuổi, ngụ Quảng Nam) đang có hành vi bán dâm cho vị khách 30 tuổi.
Công an tiến hành lập biên bản vi phạm đối với chủ quán là Hoàng Thị Kim Phượng (43 tuổi, ngụ Quảng Nam) và 2 người mua bán dâm, đồng thời đưa 4 cô gái đang có mặt bên trong về trụ sở làm rõ.
Phượng khai thuê địa điểm này với giá hơn 3 triệu đồng/tháng để kinh doanh massage, karaoke từ năm 2013. Bên ngoài, cô ta treo biển kinh doanh các dịch vụ trên nhưng thực chất là tổ chức môi giới cho các cô gái bán dâm.
"Má mì" bao ăn, ở cho 2 nhân viên là Kiều và Muôn (24 tuổi, quê Đắk Lắk), sẵn sàng bán dâm khi khách yêu cầu.
Những lúc đông khách, chủ quán điều thêm nhân viên massage gồm Phượng (24 tuổi, quê Đắk Lắk), Nở (20 tuổi, quê Thừa Thiên - Huế) và Lý (20 tuổi, quê Quảng Nam) đến để phục vụ.
Mỗi lần môi giới thành công, chủ quán lấy 50.000 đồng, gái bán dâm hưởng 300.000 - 400.000 đồng.
---------------------
Bắt được buôn lậu phải đăng báo ngay để tránh 'xin xỏ'
Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các đơn vị chức năng khi bắt được buôn lậu phải đăng báo ngay để không cho đối tượng phạm tội "chạy chọt", "xin xỏ".
Ngày 29/1, tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2015 của Ban chỉ đạo phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BCĐ 389 quốc gia), Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (Trưởng ban) yêu cầu các bộ ngành cần "đánh mạnh vào các đầu nậu, phát động phong trào toàn dân tham gia tố giác buôn lậu, xử lý tội buôn lậu và gian lận thương mại phải nghiêm hơn.
Một trong những giải pháp được ông Phúc nêu lên là xử lý, nghiêm trị những vụ buôn lậu lớn để làm gương cho đối tượng khác, khi bắt được buôn lậu phải đăng báo ngay để không cho đối tượng phạm tội "chạy chọt", "xin xỏ".
Phó thủ tướng cũng nhấn mạnh việc hoàn thiện chính sách biên mậu, rà soát lại cơ chế chính sách pháp luật hiện hành để xem xét sửa đổi nếu thấy không hợp lý, xác định rõ vai trò và trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu.
Cụ thể, địa phương nào để xảy ra buôn lậu lớn, lặp đi lặp lại, gây nhức nhối, thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm theo đúng quy định.
Theo Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng, những tháng đầu năm 2014, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả diễn ra phức tạp trên các tuyến và địa bàn cả nước. Nổi bật là tình trạng vận chuyển hàng hóa trái phép qua đường mòn, lối mở, sông, kênh biên giới, với thủ đoạn phổ biến là lợi dụng chính sách ưu đãi về thuế, đầu tư với khu kinh tế cửa khẩu, hàng hóa trao đổi qua biên giới, hàng tạm nhập tái xuất, hàng xuất được hoàn thuế VAT...
Ở nội địa, tình trạng sản xuất, bày bán, tiêu thụ hàng giả, kém chất lượng diễn ra tại hầu hết các tỉnh, thành phố. Qua công tác đấu tranh, chống buôn lậu, các lực lượng chuyên trách đã phát hiện, bắt giữ, thu nộp vào ngân sách Nhà nước hàng chục nghìn tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Dũng, một vấn đề nổi lên rất đáng quan tâm là số vụ xử lý hình sự chiếm tỷ lệ rất nhỏ trên tổng số vụ việc vi phạm mà các lực lượng chức năng đã phát hiện, bắt giữ. Đối với các vụ đã khởi tố thì chủ yếu liên quan đến tội vận chuyển ma túy, hàng cấm; rất ít vụ khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử tội buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, tội trốn thuế.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho rằng, nguyên nhân chủ yếu là do việc thu thập chứng cứ, tài liệu chứng minh hành vi vi phạm rất khó khăn, công tác phối hợp xác minh, điều tra sâu giữa các cơ quan chức năng còn thiếu đồng bộ, chưa có kết nối tốt, dẫn đến nguy cơ có thể bỏ lọt tội phạm. Điển hình là vụ bắt giữ 8 tấn bao bì giả tại Hà Nội, 100 tấn hàng lậu tại Lạng Sơn...
Kiên quyết xử lý các trường hợp tiếp tay, bao che cho buôn lậu
Về giải pháp trong thời gian tới, BCĐ 389 quốc gia xác định cần xã hội hóa công tác chống buôn lậu qua việc trao đổi thông tin giữa các tổ chức, hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp; tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính để phòng chống tiêu cực, tham nhũng của cán bộ, công chức các lực lượng chức năng từ Trung ương đến địa phương, gắn trách nhiệm người đứng đầu và kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm hay tiếp tay, bao che cho buôn lậu.
Ban chỉ đạo 389 cũng yêu cầu các đơn vị phối hợp với cơ quan báo chí xây dựng kế hoạch tuyên truyền, đưa tin ngay các vụ việc lên cơ quan truyền thông nhằm ngăn chặn “chạy chọt”, “xin xỏ” của các đối tượng buôn lậu.
---------------------------
Vụ vỡ hụi ở Bình Dương: Lừa hàng chục tỷ đồng để làm đại gia
Với vỏ bọc sở hữu biệt thự, khu nhà trọ nhiều phòng, đất đai tiền tỷ và thường xuyên du lịch, vợ chồng Tuấn - Trúc mượn nợ rồi giật hụi gần 18 tỷ đồng của người lao động nghèo.
Mặc dù hành vi phạm pháp của Nguyễn Thanh Tuấn (40 tuổi), Nguyễn Ngọc Trúc (42 tuổi, cùng ngụ phường Tân Bình, thị xã Dĩ An, Bình Dương) đã rõ nhưng chính quyền địa phương không kiên quyết xử lý, người dân thường xuyên bị con nợ đe dọa...
Quỵt tiền để xây biệt thự
Trong đơn tố cáo gửi các cơ quan chức năng, bà Nguyễn Thị Bảy (49 tuổi) bức xúc trình bày, vợ chồng Tuấn - Trúc đã lợi dụng lòng tin của nhiều người để mượn và vay tiền xây biệt thự, nhà nghỉ nhằm làm tăng giá trị thế chấp tài sản tại ngân hàng, hứa sau khi bán 5.849 m2 thuộc thửa 947 tờ bản đồ số B2.1, ở ấp (nay là khu phố) Tân Hiệp sẽ trả lại.
Trót tin lời, ngoài việc chơi hụi do Trúc làm chủ từ ngày 8/1/2012 đến 11/1/2013, bà Bảy còn mang giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ) của gia đình đi thế chấp vay tiền ngân hàng cho hai vợ chồng mượn, tổng cộng 1,9 tỷ đồng.
Sau đó không lâu, ông Võ Văn Tân (60 tuổi, ở thị xã Dĩ An) đã tìm đến thông báo Tuấn - Trúc đã chuyển nhượng toàn bộ phần đất trên cho ông tại Phòng công chứng Rồng Việt ngày 7/1/2014 và đăng bộ, sang tên CNQSDĐ ngày 20/1/2014 mà không thông qua “xác nhận tình trạng bất động sản (BĐS)” của UBND phường Tân Bình theo quy định...
Ngày 11/12/2014, UBND phường Tân Bình gửi công văn trả lời cho bà Bảy, nêu rõ: “Việc xác nhận tình trạng BĐS cho ông Tuấn là “thế chấp quyền sử dụng đất” để ông Tuấn vay vốn (có ghi trong phần “đề nghị”), nhưng ông này đã cố ý xóa từ “vay vốn”, chuyển thành “sang nhượng”. Chứng từ sao lục hồ sơ gốc ngày 2/12/2014 của UBND P.Tân Bình cũng thể hiện rõ điều này...
Quá bức xúc, bà Bảy đã gửi đơn khiếu nại với Ban điều hành khu phố Tân Hiệp. Nhưng trong nhiều buổi hòa giải do Ban điều hành khu phố chủ trì, Trúc vẫn quả quyết mảnh đất hiện vẫn do chồng bà đứng tên, hứa sẽ bán để trả nợ đồng thời thách thức các chủ nợ nếu muốn cứ thưa ra tòa...
Ông Phạm Ngọc Tấn - Trưởng khu phố Tân Hiệp - đã chuyển toàn bộ hồ sơ vụ việc cho Công an phường Tân Bình ngày 19/2/2014. Chờ mãi vẫn không thấy giải quyết, ngày 11/11/2014 hàng trăm người đã kéo đến căn biệt thự của Trúc - Tuấn thì được vợ chồng này hứa trả nợ trước sự chứng kiến của Phó công an phường Tân Bình, sau đó chây ỳ đến nay.
Trong số nạn nhân, bà Nguyễn Thị Thắm (55 tuổi, làm ruộng và nuôi heo) đã gom tất cả tiền bạc của gia đình và rủ các con cùng chơi hụi hơn 2 năm qua, đóng tổng cộng cho Trúc 645 triệu đồng. Nhưng đến tháng 12/2013 khi Trúc ngưng hoạt động và không giao hụi, bà đã gửi đơn kiện vợ chồng này ra tòa.
Ngày 22/5/2014, TAND thị xã Dĩ An xử Trúc phải trả cho bà 20 triệu đồng/tháng, nhưng ngày 4/8/2014, Cơ quan Thi hành án (THA) thị xã Dĩ An đã trả đơn yêu cầu THA cho bà Thắm với lý do bên bị THA không có điều kiện thi hành...
Thảm nhất là trường hợp anh Phạm Văn Cang (43 tuổi) có mẹ bị tai biến nằm liệt một chỗ suốt 5 năm qua nhưng vẫn bị Trúc dụ đóng hết 347 triệu đồng tiền hụi và cho mượn luôn 100 triệu tiền bán đất để dưỡng già. Ngày mẹ mất, anh đến gặp vợ chồng Tuấn - Trúc lấy tiền lo mai táng nhưng cả hai vẫn dửng dưng và còn đe dọa chủ nợ.
Có chậm xử lý?
Tin tưởng chỗ thông gia, nghe Trúc - Tuấn hết lời năn nỉ nên mặc dù biết đã vỡ hụi, bà Dương Thị Lan (49 tuổi) vẫn đồng ý cho hai vợ chồng mượn 230 triệu đồng và bị họ cuỗm luôn số hụi đã đóng là 55 triệu. Điều đáng nói là dù được TAND thị xã Dĩ An xử thắng kiện nhưng số nợ đến nay vẫn còn nằm trên giấy khi Cơ quan THA đã trả lại đơn yêu cầu THA cho bà cũng như những người khác...
Bà Nguyễn Thị Kiều Tiên bị vợ chồng Trúc mượn tiền và giật hụi tổng cộng 373 triệu đồng cho biết đã gửi đơn khiếu nại và 3 lần được Công an thị xã Dĩ An mời lên lấy lời khai, nhưng gần 1 năm qua vẫn chưa thấy động tĩnh gì từ phía cơ quan chức năng. Trong khi đó, Trúc ngang tàng tuyên bố có người nhà là quan chức lãnh đạo ở tỉnh Bình Dương nên “đã lo hết từ trên xuống dưới rồi” (!).
Cụ Lê Thị Chẻo (72 tuổi) do tin lời ngon ngọt của vợ chồng Tuấn - Trúc đã đưa toàn bộ số tiền bán đất dưỡng già cho họ. Khi cụ đến đòi, hai vợ chồng tự nguyện giao bộ ghế sa lông gỗ để cấn trừ, nhưng sau đó lại báo với công an mình bị “cưỡng đoạt tài sản”. Từ đó, vợ chồng Trúc - Tuấn càng lên mặt...
Nhiều nạn nhân bức xúc phản ánh: “Chúng tôi thưa ra công an phường và thị xã hơn một năm qua. Ban đầu các cơ quan này không nhận đơn với lý do “đây là án dân sự” và yêu cầu chúng tôi khởi kiện ra tòa. Tại tòa, trong những buổi xét xử, chẳng lần nào có sự hiện diện của vợ chồng Tuấn - Trúc, do trước đó cả hai đã xin vắng mặt với lý do “bận du lịch ở xa, không về kịp” (!).
Trao đổi với phóng viên, ông Đặng Văn Năm - Chủ tịch UBND phường Tân Bình - khẳng định, đến nay phường vẫn chưa nhận được đơn khiếu nại hay tố cáo của người dân. Nếu thực chất vụ việc có dấu hiệu lừa đảo, tẩu tán tài sản như phản ánh, sau khi tiếp nhận đơn, ông sẽ chỉ đạo công an phường lập hồ sơ điều tra và trình lên cấp trên xử lý.
Ngày 21/1/2015, đại diện Công an thị xã Dĩ An, ông Nguyễn Minh Sơn - cán bộ Đội Điều tra tổng hợp - đã nhận đơn tố giác do bà Nguyễn Thị Bảy đại diện cho hàng trăm người tố cáo. Tổng số tiền các nạn nhân bị chiếm đoạt gần 18 tỷ đồng.
Mong cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương sớm vào cuộc điều tra, xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật, không bỏ sót tội phạm như dư luận phản ánh.
-------------------------
Bắt quả tang kẻ móc túi người bệnh đang nằm điều trị
Người đàn ông 45 tuổi ở tỉnh Vĩnh Long đón xe sang TP Sa Đéc (tỉnh Đồng Tháp), rồi vào giường bệnh móc túi nạn nhân trộm 2,7 triệu đồng.
Ngày 28/1, Công an TP Sa Đéc (tỉnh Đồng Tháp) cho biết đang tạm giữ hình sự nghi phạm Nguyễn Ngọc Danh (46 tuổi, ngụ phường 3, TP Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long) để điều tra về hành vi trộm tài sản.
Trước đó, người đàn ông này bị bắt quả tang tại khu vực khoa Nhiễm bệnh viện TP Sa Đéc khi đang móc trộm 2,7 triệu đồng của bà Nguyễn Thị Kim Thoa - bệnh nhân đang điều trị tại đây.
Qua làm việc, Danh khai nhận do cần tiền tiêu xài, nên đón xe từ Vĩnh Long sang bệnh viện TP Sa Đéc tìm người sơ hở để trộm tài sản. Chờ đến gần sáng, Danh đến khu vực khoa Nhiễm thì phát hiện bà Thoa ngủ say.
Danh tỏ ra giống người nhà đang chăm sóc bệnh, tiến lại gần móc túi bà Thoa lấy 2,7 triệu đồng. Khi ông ta chưa kịp bỏ tiền vào túi thì bị người dân phát hiện, bắt giữ giao công an xử lý.
---------------------