Bộ ngoại giao Anh cáo buộc 2 máy bay ném bom tầm xa Nga ngày 28/1 đã bay qua eo biển Manche, vùng gần không phận của Anh, mà không bật hệ thống thu tiếp sóng. Vụ việc đã gây ra những gián đoạn đối với hàng không dân sự của Anh.
Hãng thông tấn BBC dẫn thông báo của Bộ Ngoại giao Anh nói rằng hai chiếc máy bay ném bom tầm xa Bear Tu-95 của Nga ngày 28/1 không xâm nhập không phận của Anh, nhưng việc diễn tập này là một phần của sự gia tăng mô thức hoạt động bên ngoài khu vực được cho phép của Nga. London sau đó đã phải triển khai chiến đấu cơ đánh chặn và thay đổi đường bay phi cơ dân dụng vì các máy bay Nga.
Một phát ngôn viên quốc phòng Anh cho biết đã cử 2 máy bay Typhoon của Không quân hoàng gia Anh chặn các máy bay ném bom của Nga ở phía nam Bournemouth, trên eo biển Manche.
Hai máy bay ném bom của Nga đã được “hộ tống” bởi các chiến đấu cơ Typhoon và các máy bay chiến đấu từ Hà Lan và Đan Mạch, cho đến khi 2 chiếc Bear Tu-95 bay hướng về khu vực Scandinavia.
Vụ việc này không chỉ là một nguy cơ đối với quốc phòng Anh mà còn gây nguy hiểm tới hàng không dân sự nước này. Một quan chức hàng không Anh cho biết: “Phi cơ Nga tắt hệ thống nhận và phát tín hiệu trong khi bay, vì vậy chỉ có thể phát hiện chúng trên radar quân sự. Chúng tôi phải định lại tuyến cho các phi cơ dân sự bay đến Anh”.
Bộ Ngoại giao Anh cho biết đã triệu tập Đại sứ Nga Alexander Yakovenko để giải trình và nói rằng vụ việc là một trong các dấu hiệu đang gia tăng về "hoạt động ngoài khu vực" của máy bay Nga.
Một phát ngôn viên của Bộ ngoại giao Nga đáp lại: “Các máy bay quân sự Nga luôn bay trên không phận quốc tế” và “không bao giờ xâm phạm không phận Anh khi chưa được phép”.
Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Anh cho hay các máy bay nước này đã phải chặn hơn 100 máy bay Nga trong năm ngoái. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên máy bay Nga tiến xa về phía Nam như vậy. Tháng 12 năm ngoái, Bộ trưởng Ngoại giao Anh Philip Hammond cho biết Anh đang quan ngại về “sự thăm dò mang tính gây hấn cao độ” của máy bay Nga vào không phận nước này.
Vụ việc trên cũng diễn ra trong bối cảnh cuộc khủng hoảng Ukraine đang trở nên căng thẳng, và sau khi khu trục hạm “Phó Đô đốc Kulakov” của Nga được điều đến vùng biển ngoài khơi Anh. Một phát ngôn viên Bộ ngoại giao Nga cho biết khu trục hạm này đã được tàu HMS Dragon của Hải quân hoàng gia Anh “để mắt đến”.
Nhiều câu hỏi đặt ra rằng liệu số phận của hai con tin còn lại có giống như Harana Yukawa đã bị IS hành quyết trước đó?
Jordan là một đất nước thân cận của Nhật ở khu vực Trung Đông. Trong vụ việc hai con tin của Nhật Bản bị tổ chức Nhà nước Hồi giáo IS bắt và gây sức ép đòi trả cho một nhân vật được coi có quan hệ mật thiết với tổ chức này, khiến cho cuộc đấu tranh với IS bước sang giai đoạn mới khó khăn hơn, đồng thời cũng khiến cho Nhật Bản và Jordan “vò đầu bứt tai”.
Giới phân tích cho rằng có lẽ với chính sách ngoại giao đa phương mà cả Nhật Bản và Jordan đang thực hiện sẽ góp phần vào ổn định tình hình đang hỗn loạn ở Trung Đông, và hai con tin người Nhật cũng là “chìa khóa” cho hòa bình khu vực.
Jordan- nước đi lên từ viện trợ nước ngoài
Jordan từ thế kỷ thứ 7 đã được trị vì bởi các Vương triều Hồi giáo, và bị thống trị bởi đế quốc Osman từ thế kỷ 16 trở đi. Năm 1919 là thuộc địa của Anh, và được độc lập vào năm 1946, lập nên vị Quốc vương đầu tiên của mình với tư cách là một quốc gia độc lập. Với chế độ quân chủ lập hiến, Quốc vương Abdullah trở thành nhân vật có quyền lực tối cao.
Với diện tích khoảng 89.000 mét vuông, ước tính bằng 1/4 lãnh thổ của Nhật Bản. Dân số khoảng 6,4 triệu người, nhưng đã có khoảng 600.000 người là dân tị nạn người Syria chạy khỏi cuộc chiến tranh kéo dài trong nhiều năm qua.
Hơn thế nữa, khoảng hơn 70% dân số là những người dân tị nạn người Palestine và con cháu của họ cũng muốn thoát khỏi cuộc phân tranh kéo dài tại khu vực này. 90% dân số của Jordan là người Hồi giáo.
Với chính sách ngoại giao ôn hòa và đa phương diện, Jordan đã thiết lập mối quan hệ ngoại giao tốt đẹp với các nước Âu Mỹ. Sau Ai Cập, Jordan cũng đã ký Hiệp ước hòa bình với Israel vào năm 1994, đặt nền móng vững chắc cho quan hệ với nước láng giềng sau này. Theo các nhà phân tích kinh tế, chính việc này đã tạo cơ hội cho Jordan nhận được viện trợ nhiều từ Mỹ, giúp nền kinh tế nước này phát triển, lực nước ngày càng mạnh.
Là nước có nguồn tài nguyên lớn tại khu vực Trung Đông, Jordan chủ yếu xuất khẩu nguyên liệu thô, khoáng sản, nhưng vẫn là nước nhập siêu. Tỷ lệ thất nghiệp của Jordan khá cao khoảng 10%, và khoảng cách giữa đô thị và địa phương còn lớn. Do vậy, nước này vẫn chủ yếu phụ thuộc vào những nguồn viện trợ từ nước ngoài để phát triển đất nước.
Có thể giải phóng con tin?
Quốc Vương Abdullah là nhà chính trị theo chủ nghĩa thân Nhật. Ông đã từng tới Nhật Bản 11 lần. Gần đây nhất, trước khi xảy ra việc tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) công bố đoạn băng video đe dọa hành quyết hai con tin người Nhật Bản nếu chính phủ Nhật Bản không nộp 200 triệu USD tiền chuộc, ngày 17 và 18/1, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã thăm chính thức Jordan. Nhật Bản đang trở thành nước viện trợ lớn thứ 3 cho Jordan sau Mỹ và Đức. Hiện tại Jordan và Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đang hợp tác thực hiện dự án nâng cấp hạ tầng hệ thống nước sạch cho nước này.
Tháng 5/2003, tại sân bay quốc tế Amman, một nhà báo của Nhật Bản đã mang một gói thuốc nổ nhỏ, và bị phát nổ trong khi các nhà chức trách đang kiểm tra, khiến 6 người bao gồm cảnh sát của Jordan bị thương vong. Nhà báo này bị xét xử, song sau đó Quốc vương Abdulla đã đặc xá và giải phóng cho con tin này.
Trong vụ hai con tin người Nhật Bản bị bắt lần này, Jordan cũng tuyên bố hợp tác với Nhật Bản để giải phóng con tin. Tuy nhiên, một con tin là Haruna Yukawa đã bị hành quyết, và con tin còn lại là Kenji Goto tối 27/1 có nguồn tin đăng tải của IS nói rằng anh ta chỉ còn vẻn vẹn 24 giờ để sống sót.
Goto cũng cầm bức ảnh của viên phi công người Jordan cũng bị IS bắt và nói rằng viên phi công này “còn ít thời gian hơn mình”.
Quốc vương Jordan nhấn mạnh rằng sẽ tối ưu tiên trong vấn đề giải phóng con tin nước mình.
Thủ tướng Shinzo Abe trong buổi họp báo sáng 28/1 cũng khẳng định sẽ hợp tác chặt chẽ với Jordan để giải thoát cho Goto, song cũng nói thêm rằng ngoài biện pháp hợp tác với Jordan, cũng chưa có biện pháp nào mới hơn. Ông cũng kêu gọi tăng cường cảnh giới trong trong nước.
Rõ ràng trong những ngày qua, chưa có biện pháp cụ thể nào để có thể giải phóng con tin mà cả Nhật Bản và Jordan đưa ra. Và đến phút chót khi sinh mệnh của con tin tiếp theo Goto sẽ hết, việc hoán đổi con tin sẽ được thực hiện? Hay như giới phân tích nhận định, các con tin sẽ là “chìa khóa” cho ổn định khu vực? Số phận của các con tin còn lại sẽ giống như Haruna Yukawa trước đó?
Tích cực chống khủng bố, khó giải thoát công dân nước mình
Jordan là quốc gia sản sinh ra Abu Musab al-Zarqawi-cố thủ lĩnh của tổ chức thánh chiến al-Qaeda tại Iraq. Ngoài ra cũng là nước có nhiều nhân vật theo khuynh hướng chủ nghĩa nguyên lý Hồi giáo.
Vào tháng 11/2005, hàng loạt các vụ khủng bố xảy ra tại khu vực khách sạn Amman-thủ đô của Jordan do tổ chức khủng bố quốc tế al-Qaeda thực hiện, yêu cầu đòi thả nữ tử từ Sajida al-Rishawi bị giam giữ tại quốc gia này.
Jordan có một cơ quan tình báo rất lớn, luôn luôn hoạt động tích cực, thực hiện nhiều biện pháp phòng chống khủng bố quốc tế. Do vậy, trong những thời gian gần đây, những vụ khủng bố đã được hạn chế đi nhiều và hầu như không xảy ra. Đồng thời, cơ quan này cũng hợp tác chặt chẽ với cơ quan tình báo cúa Isarel, cống hiến tích cực làm thay đổi cả về lượng lẫn về chất những thông tin liên quan tới phái quá khích trong đó có IS. Tuy nhiên, người dân Jordan có xu hướng tránh đề cập tới những vấn đề mang tính chính trị.
Tháng 6/2014, một nhân vật của tổ chức IS đã lên tiếng cho rằng Jordan là một bộ phận của IS. Nhận thấy sự nguy hiểm của IS, tháng 9/2014, với chí hướng chống khủng bố, Jordan đã tham gia những hoạt động nhằm “chấm dứt hành vi dã man của những kẻ khủng bố”.
Thủ tướng Nhật Bản cũng tuyên bố rằng Nhật Bản không bao giờ khuất phục trước chủ nghĩa khủng bố. Nhưng có lẽ trong thời khắc này cả Jordan và Nhật Bản vẫn “loay hoay” trong việc giải phóng con tin. Thật khó trả lời rằng con tin còn lại sẽ được giải phóng./.