Ngày 29/1, Phó Thủ tướng Thái Lan Wissanu Krea-ngam cho biết tình trạng thiết quân luật được áp đặt tại nước này hiện vẫn cần thiết vì các lý do an ninh.
Ông Wissanu khẳng định chính quyền Thái Lan đang tiếp tục kiểm soát tình hình và thiết quân luật chỉ ảnh hưởng đến người dân nước này ở mức độ rất nhỏ.
Phó Thủ tướng Thái Lan cũng nhấn mạnh việc áp đặt thiết quân luật không phản ánh một cuộc khủng hoảng nội bộ và cộng đồng quốc tế sẽ hiểu rõ sự cần thiết của biện pháp này.
Bình luận trên được ông Wissanu đưa ra nhằm phản hồi phát biểu của Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương Daniel Russel tại một trường đại học ở thủ đô Bangkok ngày 26/1 vừa qua.
Trong bài phát biểu này, ông Russel đã kêu gọi Thái Lan chấm dứt áp dụng thiết quân luật trên toàn quốc cũng như gỡ bỏ các giới hạn biểu tình./.
Ngày 29/1, chính phủ Malaysia chính thức tuyên bố vụ MH370 mất tích chỉ là tai nạn, và 239 người trên khoang được tin là đều thiệt mạng. Tuy nhiên, nghe lại 54 phút liên lạc từ buồng lái chiếc Boeing và đối chiếu với các mốc sự kiện dường như cho thấy giả thuyết khác.
Toàn bộ 54 phút liên lạc giữa tổ lái của chuyến bay MH370 với kiểm soát không lưu tại Kuala Lumpur, Malaysia cũng như các đài kiểm soát không lưu khác từ thời điểm máy bay di chuyển ra vị trí cất cánh, tới khi mất tích trên Biển Đông đã được tờ Telegraph của Anh đăng tải.
Trong đoạn này có cả đối thoại tại thời điểm mà cơ quan điều tra tin rằng máy bay đã bị phá hoại, cũng như những lời cuối cùng của cơ phó Fariq Abdul Hamid, 27 tuổi: “Được rồi, chúc ngủ ngon”.
Chiếc Boeing 777 biến mất hôm 8/3 năm ngoái, mang theo 239 người không lâu sau khi cất cánh từ Kuala Lumpur để khởi hành tới Bắc Kinh. Các nhà phân tích khẳng định toàn bộ chuỗi các đối thoại giữa máy bay và mặt đất có vẻ “bình thường một cách hoàn hảo”. Tuy nhiên, có 2 chi tiết đáng ngờ hoặc ít nhất là gây chú ý.
Chi tiết đầu tiên là thông điệp lúc 1 giờ 07 phút sáng, nói rằng máy bay đang bay ở độ cao 35.000 feet (10.668m). Thông tin này là không cần thiết bởi nó đơn giản lặp lại thông điệp được phát đi trước đó chỉ 6 phút.
Hơn nữa, nó đến vào thời điểm then chốt, 1 giờ 07 phút sáng. Đó là thời điểm cuối cùng thiết bị liên lạc của máy bay gửi đi tín hiệu trước khi bị tắt, khoảng 30 phút sau đó, rõ ràng một cách có chủ ý.
Một bộ phát đáp tín hiệu khác bị tắt lúc 1 giờ 21 phút, nhưng cơ quan điều tra tin rằng thiết bị liên lạc đầu tiên bị tắt trước khi Hamid nói lời “chúc ngủ ngon” lúc 1 giờ 19 phút.
Thêm một điểm lạ lùng, gây nghi vấn chiếc máy bay biến mất không phải tai nạn, đó là sau khi mất liên lạc máy bay chuyển hướng rất gấp ngay tại khu vực chuyển giao quyền kiểm soát giữa đài kiểm soát không lưu Kuala Lumpur và TP.HCM.
“Nếu tôi có ý định đánh cắp một máy bay, đó chính là vị trí tôi làm việc đó”, Stephen Buzdygan, một cựu phi công điều khiển máy bay 777 của British Airways cho biết. “Có thể có những khu vực “mù” giữa các đài kiểm soát không lưu…Đó là thời điểm duy nhất chuyến bay có thể không được nhìn thấy từ mặt đất”.
Bất chấp một chiến dịch tìm kiếm quốc tế do Úc dẫn đầu vẫn đang diễn ra tại khu vực nghi máy bay rơi xuống biển đã kéo dài, trở thành chiến dịch tìm kiếm, cứu nạn tốn kém nhất lịch sử, vẫn không có dấu vết nào của chiếc Boeing được tìm thấy.
Các cơ quan điều tra hiện đang tập trung làm rõ vì sao MH370 lại bay chệch khỏi lộ trình ban đầu hàng nghìn cây số, trước khi lao xuống Ấn Độ Dương.
Warren Truss, phó thủ tướng Úc từng thừa nhận mảnh vỡ của MH370 có thể không bao giờ được tìm thấy. “Một thứ gì đó nổi trên mặt biển cách đây rất lâu có thể sẽ không còn trên mặt nước. Cũng có khả năng một mảnh vỡ hay bất kỳ vật liệu nào khác có thể đi di chuyển một khoảng cách lớn, có thể lên tới hàng trăm cây số”.
--------------------------
Nga hối phương Tây dừng ủng hộ lực lượng chiến tranh ở Ukraine
Ngày 29/1, tại cuộc họp của Hội đồng thường trực Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu (OSCE), đại diện thường trực Nga tại OSCE Andrei Kelin tuyên bố Nga không thấy dấu hiệu Kiev sẵn sàng chấm dứt hành động quân sự và tiến hành đối thoại với lực lượng ở miền Đông...
... Trong khi Ukraine đưa ra thông tin bịa đặt về sự có mặt của binh sỹ Nga ở Ukraine nhằm yêu cầu phương Tây trợ giúp tài chính và vũ khí.
Ông Kelin kêu gọi Mỹ và các nước có ảnh hưởng tới Kiev cần chấm dứt dung túng các lực lượng ủng hộ chiến tranh cũng như thúc đẩy họ tiếp tục các hành động quân sự ở miền Đông Ukraine.
Đại diện này nhấn mạnh Nga tin rằng vẫn có thể đạt được hòa bình tại Ukraine thông qua đối thoại cho dù phức tạp.
Trong một diễn biến khác, cuộc họp tiếp theo của Nhóm tiếp xúc về Ukraine dự kiến diễn ra ngày 30/1 tại Minsk (Belarus). Bộ Ngoại giao Belarus ngày 29/1 cho biết Nhóm tiếp xúc đã thông báo với phía Belarus về ý định này.
Quyết định chọn Minsk làm địa điểm họp của Nhóm tiếp xúc về Ukraine được đưa ra ngày 26/8/2014 tại hội nghị thượng đỉnh Liên minh hải quan (Nga, Belarus, Kazhakstan).
Phiên họp đầu tiên diễn ra ngày 5/9/2014 đạt thỏa thuận về kế hoạch ngừng bắn và kế hoạch giải quyết hòa bình cuộc xung đột Ukraine. Nhóm tiếp xúc gồm đại diện Ukraine, lực lượng đòi độc lập, Nga và OSCE.
Cuộc gặp gần nhất của Nhóm tiếp xúc diễn ra ngày 24/12/2014. Cuộc gặp tiếp theo đó dự kiến diễn ra ngày 16/1 đã không thực hiện được do đại diện Ukraine không tới dự.
Cùng ngày 29/1, Tổng thống Ukraine Petr Poroshenko đã có cuộc gặp với các thành viên Nhóm tiếp xúc về Ukraine, trong đó ông kêu gọi Nhóm tiếp xúc tiến hành các cuộc tham vấn nhắm đưa đến ngừng bắn và rút vũ khí hạng nặng ra khỏi đường ranh giới theo Bản ghi nhớ Minsk ngày 19/9/2014 và các vấn đề khác.
Cũng liên quan đến tình hình Ukraine, trong cuộc gặp giữa Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg với Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Pavel Klimkin ngày 29/1 tại Brussels (Bỉ), lãnh đạo NATO tuyên bố tiếp tục hỗ trợ Ukraine. NATO cũng kêu gọi các bên xung đột tuân thủ lệnh ngừng bắn, ủng hộ mọi nỗ lực giải quyết hòa cuộc xung đột Ukraine trên cơ sở các thỏa thuận Minsk./.
--------------------------
Trung-Nhật thực hiện cơ chế quản lý khủng hoảng trên biển
Ngày 29/1, theo Tân Hoa xã, Bộ Quốc phòng Trung Quốc thông báo nước này và Nhật Bản đã nhất trí sớm thực hiện cơ chế quản lý khủng hoảng trên biển và trên không.
Phát biểu trong cuộc họp báo hàng tháng, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc, Dương Vũ Quân cho biết hai nước đã đạt được sự nhất trí về nhiều lĩnh vực tại cuộc đàm phán trong tháng này ở Tokyo, bao gồm tái khẳng định các thỏa thuận trước đó về mục tiêu, thể chế, hoạt động và các vấn đề kỹ thuật của cơ chế này; nhất trí thay đổi tên gọi thành "cơ chế quản lý khủng hoảng trên biển và trên không" nhằm thực hiện hiệu quả hơn công tác tham vấn về các vấn đề liên quan. Hai bên cùng cho rằng các điều kiện để thực hiện cơ chế này đã được đáp ứng và nhất trí thực hiện vào thời gian sớm nhất có thể".
Cơ chế tham vấn cấp cao về các vấn đề hàng hải giữa Trung Quốc và Nhật Bản được khởi động vào năm 2012 và đến tháng 6/2012 hai bên đã tiến hành ba cuộc gặp. Tuy nhiên, tiến trình này đã bị gián đoạn sau khi Chính phủ Nhật Bản quốc hữu hoá một số hòn đảo thuộc quần đảo tranh chấp mà Nhật Bản gọi là Senkaku, trong khi Trung Quốc gọi là Điếu Ngư trên Biển Hoa Đông. Tháng 11/2014, hai bên đã ký một thỏa thuận 4 điểm tại Bắc Kinh, theo đó nhất trí khôi phục các cuộc đối thoại về chính trị, ngoại giao và an ninh.
-------------------------