Nỗi lo về một vụ mùa thua lỗ vẫn đang ám ảnh người dân thì nạn trộm cắp mai cảnh vào dịp giáp tết đang khiến nhiều nhà vườn ở hai làng mai cảnh nổi tiếng của thành phố lao đao, bất an, mất ngủ.
Những ngày qua, hàng trăm nhà vườn trồng mai ở các phường An Phú Đông, Thạnh Lộc, Thạnh Xuân (quận 12), Hiệp Bình Phước (quận Thủ Đức) điêu đứng vì mai kiểng bị mất trộm tăng lên chóng mặt. Điều đáng nói, nhiều nhà vườn bị mất mai do khách gửi dưỡng phải tự bỏ tiền túi ra đền hoặc thế vào một cây mai khác với giá hàng chục triệu đồng.
Nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát (chủ một vườn mai tại phường An Phú Đông, quận 12) bức xúc: “Cả năm chăm sóc, thức khuya dậy sớm để vô phân, tưới nước, ghép cành, uốn thế cho từng cây mai của khách gửi nuôi. Mai tôi chăm sóc như chăm con thơ nên phát triển rất đều, tưởng rằng năm nay gia đình sẽ có cái tết đầm ấm thì bị bọn trộm đột nhập lấy mấy hơn 10 gốc. Coi như năm nay làm công cốc, thậm chí còn phải bỏ tiền túi đền cho khách gửi”.
Ông Phát cho biết thêm, ông nhận nuôi khoảng 200 gốc mai của các công ty và nhiều người trên địa bàn thành phố. “Hầu hết đều là khách mối của tôi nhiều năm, họ tin tưởng vào tay nghề và sự cẩn thận, tỉ mỉ của mình nên mới gửi. Giờ mai của họ bị lấy mất không biết ăn nói thế nào. Đền những cây mai khác thì không thể hợp ý và tốt bằng những cây của khách đã chọn” – Ông Phát tâm sự.
Theo ông Phát, bọn “mai tặc” rất liều lĩnh và có cả một nhóm chuyên nghiệp, bọn chúng có thể “khống chế” mấy con chó canh vườn rồi dùng ván bắc qua con rạch để đột nhập vận chuyển mai ra ngoài.
“Mai tặc” không chỉ “hỏi thăm” vườn mai của ông Phát mà nhiều nhà vườn ở quận 12 , Thủ Đức cũng bị trộm cũng rơi vào cảnh tương tự. Người dân trồng mai khẳng định, nạn trộm mai xuất hiện vào thời điểm giáp tết, khi mai vừa được nhặt lá.
Một nghệ nhân trồng mai khác ở phường An Phú Đông (quận 12) là ông Nguyễn Tấn Lợi, trước nạn trộm cắp mai, ông Lợi đã rất cẩn thận khi rào kẽm gai quanh vườn là sáng đèn cả đêm. Nhưng đầu tháng 1/2015, ông Lợi thức canh mai khá mệt nên vào nhà “chợp mắt”, khoảng 30 phút quay ra, ông Lợi tá hỏa khi phát hiện hàng rào kẽm gai bị trộm cắt đứt, trong vườn, hơn chục chậu mai loại 1 đã “bốc hơi” mất.
Chủ vườn kiểng Tám Hồng (quận Thủ Đức) lo lắng: “Nhà vườn chúng tôi đã bất lực, ngoài việc rào vườn, gắn dây xích giữa các chậu kiểng lại với nhau, đêm đến bật điện sáng, bố trí người quan sát nhưng không ăn thua. Bất cứ lúc nào, nhà vườn thiếu cảnh giác là trộm vào đập bể chậu, vác mai đi. Nếu tình trạng này kéo dài, vụ mai năm nay nhà vườn chúng tôi trắng tay”.
Theo ông Huỳnh Thế Trọng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân phường An Phú Đông, (quận 12), nạn trộm mai kiểng đang diễn biến phức tạp trên địa bàn trong thời gian gần đây. “Hội đã báo cáo việc này lên cấp trên. UBND và Công an quận 12 cho biết đang đẩy nhanh triển khai các biện pháp ngăn chặn” – Ông Trọng khẳng định.
Để ngăn chặn nạn “mai tặc”, UBND quận 12 đã chỉ đạo công an quận và các phường chủ động và phối hợp với công an các địa phương khẩn trương theo dõi, bắt và xử lý nghiêm các trường hợp trộm mai kiểng, tránh gây bất an cho nhà vườn, đồng thời đảm bảo tình hình an ninh trật tự trên địa bàn nhất là vào thời điểm tết Nguyên Đán đang cận kề.
Nhận thấy nhu cầu vay vốn mua sắm, trả nợ, làm ăn... của nhiều cá nhân, doanh nghiệp tăng cao dịp cuối năm, “tín dụng đen” với phương thức vay dễ dàng nhưng lãi suất “cắt cổ” bùng nổ khắp nơi.
Vay dễ, trả khó
Những ngày này, thông báo mời chào vay vốn được dán khắp nơi, tại nhiều địa điểm công cộng, bảng tin tổ dân phố, trên cột điện, gốc cây, ven đường và cả qua tin nhắn điện thoại di động... với những lời quảng cáo cho vay rất hấp dẫn, như “Lãi suất thấp nhất, không cần tài sản thế chấp, giải ngân nhanh trong vòng 2-3 ngày, hạn mức cho vay cao...”.
Để tạo niềm tin cho khách hàng, họ tự giới thiệu là những “ông lớn” như: Ngân hàng 100% vốn nước ngoài, tập đoàn tài chính tín dụng ngân hàng, ngân hàng quốc tế, tổ chức tài chính phi chính phủ... nhưng không hề có tên tuổi ngân hàng, địa chỉ cụ thể, trừ số điện thoại.
Liên hệ với thuê bao 0946.813... trên tờ quảng cáo: “Ngân hàng cho vay tín chấp tới 400 triệu/người, không tài sản đảm bảo, lãi suất 1,2%/tháng”, tôi được chỉ tới đường Láng (Hà Nội) để trao đổi cụ thể.
Tìm đến địa chỉ đã cho, thì đây chỉ là một tiệm cầm đồ. Chủ tiệm liến thoắng: “Em chỉ cần để lại CMND hoặc GPLX rồi ký vào giấy vay, sẽ có tiền ngay. Lãi suất tùy số tiền, thời gian vay, chỉ chênh chút xíu so với ngân hàng, từ 4-7 nghìn đồng/ngày”.
Nhẩm tính, với mức lãi suất từ 4-7 nghìn đồng cho số tiền vay 1 triệu đồng/ngày, tương đương mức lãi suất 0,4-0,7%/ngày, thì lãi suất theo năm sẽ lên tới 144-252%/năm.
Không chỉ phải chịu mức lãi suất “cắt cổ”, sau khi đặt bút ký vào giấy vay, người vay mới thấy nhiều ràng buộc sẽ “ập” đến. Anh Lê Tuấn (Dịch Vọng, Cầu Giấy) kể, anh đã vay 100 triệu đồng trong 5 tháng, lãi suất 5 nghìn đồng/1 triệu đồng/ngày, tức mỗi ngày anh phải trả 500 nghìn đồng.
Hết một tháng kể từ ngày vay, anh Tuấn mang 15 triệu đồng đến trả lãi thì được chủ nợ thông báo trong suốt 30 ngày qua, anh không trả lãi hàng ngày nên sau mỗi ngày, số tiền nợ gốc của anh lại được cộng thêm 500 nghìn đồng để tính lãi. Cứ như vậy, sau một tháng vay, số tiền nợ cả gốc và lãi của anh được chủ nợ tính lên đến gần 130 triệu đồng.
“Quá hoảng với cách tính này, ngày nào tôi cũng phải bố trí đem tiền lãi đến gửi, cứ ngày nào có việc bận không đến được là lãi lại chồng lãi, đúng là dễ vay, khó trả”, anh Tuấn nói.
Rủi ro rình rập
Theo chuyên gia ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu, khách hàng của loại dịch vụ tín dụng “chợ đen” chủ yếu là sinh viên, tiểu thương, công nhân lao động... Họ ít quan tâm đến các điều kiện ràng buộc khi đi vay, hầu như không đọc kỹ và hiểu hết các điều khoản quy định trong giấy vay, cũng như không tính trước số tiền phải trả lãi khi các chủ cho vay khôn khéo chuyển từ cách tính phần trăm sang con số cụ thể. Do đó, họ rất dễ bị thiệt thòi khi đặt bút ký vào giấy vay. Còn bên cho vay, do hợp đồng là giấy viết tay, không đảm bảo pháp lý và thu hồi nợ, nên cũng dễ gặp rủi ro lớn.
Ông Nguyễn Trí Hiếu phân tích, các mức lãi suất cho vay hiện nay trên thị trường tín dụng “đen” phải bị coi là hành vi cho vay nặng lãi vì quy định “lãi suất vay do các bên thỏa thuận, nhưng không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố”. Do đó, nếu áp dụng theo Luật Dân sự thì hợp đồng vay/mượn tiền trong trường hợp vay tín dụng “đen” như hiện nay sẽ vô hiệu một phần (phần lãi suất).
“Hiện các ngân hàng đều có gói tín dụng cho cá nhân vay tiêu dùng, gói này lãi suất cao hơn bình thường, nhưng thấp hơn nhiều so với lãi suất “tín dụng đen”, lại có các điều khoản quy định rõ ràng, không gây mập mờ, bắt bí... nên người có nhu cầu vay nên tiếp cận những gói vay chính thống này”, ông Hiếu khuyến cáo.
"Việc vay quá dễ dàng tại “tín dụng đen” sẽ phải chấp nhận nhiều rủi ro và trả giá đắt. Khi đi thu nợ, các chủ nợ sẵn sàng sử dụng hình thức xã hội đen, gây áp lực và đe dọa đến tính mạng người vay. Những người đi vay “nóng” cần phải cẩn thận, nên tham khảo người thân, chuyên gia hoặc luật sư trước khi ký giấy vay”.
Chuyên gia ngân hàng
Nguyễn Trí Hiếu
----------------------------
Đồng Rúp mất giá chóng mặt sau khi Nga bất ngờ hạ lãi suất
Ngân hàng Trung ương Nga (CBR) hôm qua (30/1) bất ngờ cắt giảm lãi suất cơ bản đồng Rúp trong bối cảnh lo ngại về nguy cơ suy thoái kinh tế tăng cao. Đồng Rúp rớt giá mạnh sau khi quyết định này được công bố.
Hãng tin Reuters cho biết, CBR đã cắt giảm lãi suất 2 điểm phần trăm, xuống còn 15%.
Mới cách đây hơn 1 tháng, cơ quan này cũng gây bất ngờ khi tăng lãi suất từ 6,5% lên 17% nhằm cứu tỷ giá đồng Rúp. Trước khi động thái hạ lãi suất của CBR được đưa ra, thị trường hầu như không lường trước được việc lãi suất đồng Rúp sớm được đưa về mức thấp hơn.
Sau khi tuyên bố hạ lãi suất được phát đi, tỷ giá đồng Rúp có lúc sụt hơn 4% so với đồng USD, còn gần 72 Rúp đổi 1 USD, thấp nhất trong 1 tháng rưỡi. Giữa tháng 12 năm ngoái, đồng Rúp rớt giá xuống mức thấp chưa từng có trong lịch sử là hơn 80 Rúp đổi 1 USD.
Giới quan sát nhận định, động thái của CBR cho thấy sự dịch chuyển ưu tiên từ chống lạm phát và bảo vệ tỷ giá sang hỗ trợ các hoạt động kinh tế. CBR dự báo GDP sẽ giảm 3,2% trong nửa đầu năm 2015, sau khi tăng 0,6% trong năm 2014.
CRB cũng nhận định lạm phát của Nga có thể giảm trong trung hạn, nhưng ngầm thừa nhận lạm phát sẽ giữ ở mức hai con số trong năm nay. Cơ quan này dự báo lạm phát sẽ xuống dưới mức 10% vào tháng 2/2014. Lạm phát của Nga hiện ở mức 13,2%, từ mức 11,4% trong tháng 12 năm ngoái.
Việc hạ lãi suất khiến giới phân tích không loại trừ khả năng CBR đã phải chịu sức ép từ điện Kremlin cũng như hoạt động vận động hành lang của các ngân hàng và doanh nghiệp.
“Quyết định hạ lãi suất có vẻ như bị chi phối bởi yếu tố chính trị, bởi đây là một động thái cho thấy CBR đang lo ngại về rủi ro trong ngành ngân hàng. Dường như CBR đã bị buộc phải làm vậy”, ông Nicholas Spiro, Giám đốc điều hành công ty Spiro Sovereign Strategy ở London, nhận định.
“Quyết định giảm lãi suất 2 điểm cơ bản ngày hôm nay nhằm mục đích cân bằng mục tiêu chống lạm phát và phục hồi tăng trưởng”, Thống đốc CBR Elvira Nabiullina phát biểu trong một tuyên bố. Bà Nabiullina cũng nói rằng, lãi suất đồng Rúp vẫn đang ở mức đủ cao để Nga đạt mục tiêu lạm phát trong trung hạn.
Điện Kremlin phủ nhận đã gây ảnh hưởng lên quyết định của Ngân hàng Trung ương. Tuy vậy, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nga Anton Siluanov tuyên bố ủng hộ việc cắt giảm lãi suất. Theo ông Siluanov, CBR có lý do hợp lý để cho rằng thị trường tiền tệ đã được kiểm soát.
Sự dịch chuyển chính sách đầy bất ngờ có thể cũng phản ánh rằng, Nga đang nhận ra nền kinh tế nước này đang có nguy cơ hạ cánh cứng khi giá dầu giữ ở mức thấp và tình hình Ukraine tiếp tục diễn biến phức tạp.
Dữ liệu công bố mới đây cho thấy, tiền lương thực tế ở Nga trong tháng 12 vừa qua giảm 4,7% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi thu nhập khả dụng thực tế giảm 7,3%. Những con số này được cho là tín hiệu xấu cho triển vọng kinh tế Nga trong thời gian tới.
------------------------