Hiệp hội Mía đường Việt Nam vừa có báo cáo sơ bộ những ý tưởng về cơ chế đấu thầu hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường.
Theo đó, phương án 1 (cơ chế rộng rãi) trong đó cho phép nhập 100% đường thô; không giới hạn đối tượng tham gia nhập khẩu; số lượng đường nhập khẩu trong hạn ngạch theo cam kết WTO có nguồn gốc từ bất kỳ quốc gia nào thì được hưởng thuế ưu đãi theo các Hiệp định thuế quan đa phương và song phương mà Việt Nam đã ký kết. Số lượng đường nhập khẩu ngoài hạn ngạch sẽ được áp dụng thuế nhập khẩu theo biểu thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch của WTO; hạn ngạch nhập khẩu hàng năm được thông báo rộng rãi, công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Theo phương án này, việc đấu thầu hạn ngạch nhập khẩu đường hàng năm là đấu thầu mức phí cam kết nộp vào ngân sách Nhà nước, trên nguyên tắc đối tượng nào cam kết nộp phí cao hơn thì sẽ trúng thầu. Hiệp hội Mía đường Việt Nam cũng trình thêm một phương án đấu thầu có chọn lọc, trong đó thực hiện cơ chế đấu thầu kép: Đấu thầu nhập khẩu và đấu thầu bán ra tại thị trường nội địa để điều tiết cung cầu và giữ được bình ổn giá. Hiệp hội cho rằng nên sử dụng quỹ bình ổn quốc gia để nhập khẩu đường.
Được kì vọng sẽ trở thành “thành phố khoa học” hiện đại, thế nhưng sau 17 năm, Khu công nghệ cao (CNC) Hoà Lạc vẫn đang loay hoay với bài toán giải phóng mặt bằng. Với sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong việc ưu tiên vốn và thực hiện cơ chế đặc thù, tiến độ giải phóng mặt bằng tại Khu CNC Hòa Lạc hiện đang được đẩy nhanh, phấn đấu tới hết quý 2/2015 sẽ hoàn thành mặt bằng sạch, đáp ứng được việc triển khai các dự án sử dụng nguồn vốn ODA.
Năm 2015: 1.125 tỷ đồng cho giải phóng mặt bằng.
Ngay sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 354/TB-VPCP ngày 30/8/2014, Khu CNC Hòa Lạc đã được ưu tiên bố trí vốn và thực hiện cơ chế đặc thù trong đền bù, giải phóng mặt bằng. Trong năm 2014, Ban quản lí Khu CNC Hoà Lạc được bố trí 836 tỷ đồng phục vụ giải phóng mặt bằng. Tới nay, 100% nguồn vốn trên đã được giải ngân, tập trung vào các dự án đầu tư quan trọng của Chính phủ Việt Nam như dự án Đại học Việt – Nhật và các dự án hạ tầng bằng nguồn vốn ODA theo cam kết giữa Chính phủ Việt Nam và Nhật Bản. Theo báo cáo của Ban quản lí Khu CNC Hoà Lạc, đến nay đã giải phóng mặt bằng được 1.008 ha, đạt 63,5% diện tích toàn khu.
Trong năm 2015, theo kế hoạch, Ban quản lý Khu CNC Hòa Lạc tiếp tục được phân bổ 1.125 tỷ đồng cho công tác giải phóng mặt bằng và tái định cư. Ông Phạm Đại Dương – Trưởng ban Quản lí Khu CNC Hoà Lạc cho biết, đến hết quý 2/2015 sẽ hoàn tất 100% diện tích mặt bằng sạch để triển khai các dự án ODA theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Trên cơ sở mặt bằng đã được giải phóng, dự án phát triển cơ sở hạ tầng Khu CNC Hòa Lạc bằng nguồn vốn ODA của Chính phủ Nhật Bản sẽ được khởi công vào tháng 6/2015 theo đúng như cam kết với Chính phủ Nhật Bản và dự kiến hoàn thành vào quý 4/2018.
Hiện nay, Ban quản lý Khu CNC Hòa Lạc đang phối hợp với chính quyền địa phương tiếp tục vận động các hộ dân di dời về khu tái định cư. Đối với những hộ dân cố tình không nhận suất tái định cư, Ban quản lí sẽ gửi quyết định cưỡng chế đến từng hộ hoặc tiến hành đăng tin trên Báo HàNộiMới và Đài Truyền hình Hà Nội để các hộ được biết trong trường hợp các hộ không ở địa phương.
Chính sách ưu đãi chưa thu hút được nhà đầu tư
Tính đến hết năm 2014, có 69 dự án đầu tư còn hiệu lực tại Khu CNC Hòa Lạc với tổng vốn đăng ký đầu tư 56.932 tỷ đồng trên diện tích 350 ha, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất và kinh doanh phần mềm; công nghệ thông tin; sinh học, y học; điện tử, tự động hoá; sản xuất thiết bị viễn thông và kinh doanh hạ tầng. Riêng trong năm 2014, Ban quản lý đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư/Quyết định giao đất cho 5 dự án mới với tổng số vốn đầu tư 3.583 tỷ đồng trên diện tích 14 ha.
Trong tổng số 69 dự án còn hiệu lực, có 32 dự án đang hoạt động, 12 dự án đang xây dựng, 19 dự án đang hoàn thiện thủ tục để triển khai. Nhìn chung, số lượng dự án đầu tư tại Khu CNC Hòa Lạc chưa nhiều. Nguyên nhân là do chính sách ưu đãi đầu tư chưa đủ để hấp dẫn các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.
Để cải thiện tình trạng này, Ban quản lý Khu CNC Hoà Lạc đã phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng dự thảo quyết định ban hành chính sách ưu đãi đầu tư đặc biệt tại Khu CNC Hòa Lạc. Hiện nay, dự thảo đang được chỉnh sửa, bổ sung và hoàn thiện, dự kiến sẽ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và ban hành trong quý 3/2015.
Trong thời gian qua, do ảnh hưởng của tình hình kinh tế trong nước và thế giới, một số dự án đã không thể triển khai như đã cam kết. Trong năm 2014, Ban quản lý Khu CNC Hoà Lạc đã rà soát và tiến hành thu hồi giấy chứng nhận đầu tư của 3 dự án đầu tư, đồng thời đang thực hiện thủ tục thu hồi giấy chứng nhận đầu tư của 6 dự án khác do không có khả năng triển khai hoặc triển khai không theo đúng tiến độ cam kết.
Khu CNC Hoà Lạc được thành lập theo Quyết định số 198/QĐ-TTg ngày 12/10/1998 của Thủ tướng Chính phủ. Diện tích theo quy hoạch của dự án là gần 1.586 ha. Khu CNC Hoà Lạc được xây dựng theo mô hình thành phố khoa học với đầy đủ các dịch vụ tiện ích và những khu chức năng chính như khu phần mềm, khu trung tâm, khu giáo dục đào tạo, khu nghiên cứu triển khai, khu công nghiệp công nghệ cao… Đây được coi là dự án trọng điểm quốc gia nhằm nâng cao năng lực khoa học công nghệ quốc gia, rút ngắn khoảng cách về trình độ khoa học công nghệ giữa Việt Nam với khu vực và thế giới.
-------------------------
Hàng loạt doanh nghiệp vận tải vẫn “chây ì” giảm cước
Theo công bố của Bộ Tài chính về kết quả sơ bộ của 2 đoàn kiểm tra kê khai giảm giá cước vận tải một số tỉnh miền Bắc và miền Trung, tại nhiều địa phương, còn một số lượng khá lớn các doanh nghiệp (DN) vận tải đến thời điểm này vẫn chưa chịu giảm cước.
Thông tin từ đoàn kiểm tra cho biết, hiện trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có 10 DN kinh doanh vận tải tuyến cố định với khoảng 90 đầu xe, 17-18 DN taxi với khoảng 1.400 xe. Tuy nhiên, theo báo cáo của Sở Tài chính, hiện mới chỉ có 4/10 DN vận tải hành khách đã thực hiện kê khai giảm giá cước vào tháng 11/2014. Các DN taxi đã thực kiện kê khai giảm giá cước với mức từ 7%-12%.
Hiện Sở Tài chính Vĩnh Phúc đã có văn bản đề nghị các DN vận tải tuyến cố định kê khai giảm giá cước theo diễn biến giảm của giá xăng dầu đến thời điểm hiện nay. Tuy nhiên, tính đến thời điểm đoàn đến làm việc (từ ngày 19/1 đến ngày công bố kết quả là 30/1), các DN này vẫn chưa thực hiện kê khai giảm giá cước. Vì vậy, ngày 30/1/2015, Cục Quản lý giá đã báo cáo Bộ Tài chính ban hành Công văn 1565/BTC-QLG yêu cầu Sở Tài chính Vĩnh Phúc phối hợp với Sở Giao thông Vận tải (GTVT) thực hiện quyết liệt các biện pháp yêu cầu các DN vận tải tuyến cố định kê khai giảm giá cước phù hợp với diễn biến giảm của giá xăng dầu trong tháng 1/2015.
Trên địa bàn Điện Biên, mới chỉ có một đợt giảm giá ngày 25/11/2014, với mức giảm trung bình 4,8%. Trong khi đó, tại Lâm Đồng, đến thời điểm ngày 20/1, Sở Tài chính Lâm Đồng cho biết, đã nhận được 32/40 hồ sơ kê khai giảm giá cước của các đơn vị kinh doanh vận tải trên địa bàn tỉnh.
Tại Khánh Hòa, tính đến trưa ngày 22/1, hiện còn 11/64 đơn vị chưa thực hiện kê khai giảm giá hoặc không giảm; 2/64 đơn vị kê khai giảm giá cước nhưng không giảm tuyến vận tải cố định và 1 đơn vị kê khai giá lần đầu, còn lại 50 đơn vị đã thực hiện kê khai giảm giá cước.
Tại Thủ đô Hà Nội, tại cuộc họp với đoàn kiểm tra của Bộ Tài chính hôm 28/1, ông Nguyễn Ngọc Minh, Phó Ban giá, Sở Tài chính Hà Nội cho biết, tính đến chiều ngày 27/1/2015, đã có tổng số 120 DN vận tải của Hà Nội kê khai giảm giá cước, bao gồm 86 DN taxi, 31 DN vận tải hành khách tuyến cố định và 3 DN vận tải container. Tuy nhiên, đại diện Sở Tài chính Hà Nội cũng thừa nhận chưa có bảng thống kê chính thức cho nguồn số liệu này.
Bên cạnh những DN chây ì không chịu giảm giá, kết quả thanh tra của Bộ Tài chính cũng ghi nhận một số địa phương đã thực hiện rất tốt công tác giảm giá cước. Tỉnh đầu tiên hoàn thành tốt việc đôn đốc DN kê khai giảm cước là Sơn La. Hiện toàn bộ 22 DN với khoảng 30 luồng tuyến trên địa bàn đã nộp hồ sơ kê khai giảm giá cước với mức giảm 5-10%. Tỷ lệ giảm này được rà soát theo lần kê khai giá gần nhất từ tháng 8/2014, và vì thế mức giảm này là hợp lý với tình hình biến động giá xăng dầu.
Tại Bắc Ninh, đoàn kiểm tra của Bộ Tài chính cũng ghi nhận tất cả 20 đơn vị kinh doanh vận tải, trong đó taxi có 14 đơn vị, kinh doanh tuyến cố định có 4 đơn vị, kinh doanh vận tải xe buýt có 2 đơn vị đã thực hiện kê khai giảm giá cước. Trong đó, vận tải theo tuyến cố định giảm bình quân 5.000 đồng/hành khách, taxi giảm khoảng 3-10% so với thời điểm tháng 6/2014. Ở miền Trung, tại Bình Thuận, qua kiểm tra, hầu hết các DN kinh doanh vận tải đều đã kê khai giảm giá cước vận tải hành khách từ 8% - 10% theo xu hướng giảm giá nhiên liệu. Một tỉnh khác là Ninh Thuận, tuy chưa đạt 100% nhưng cũng đã có 10/11 DN kê khai giảm giá cước vận tải hành khách và 1/3 DN vận tải hành khách bằng xe taxi thực hiện việc kê khai lại giá cước vận tải theo giá xăng dầu đã điều chỉnh giảm.
----------------------
Năm 2014, Việt Nam nhập khẩu 8,62 triệu tấn xăng dầu
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2014, tổng lượng xăng dầu nhập khẩu (NK) của cả nước là 8,62 triệu tấn, tăng 17,1% về lượng, với trị giá kim ngạch 7,67 tỷ USD, tăng 9,9% về giá trị so với năm 2013.
Việt Nam NK xăng dầu chủ yếu từ các thị trường như: Singapore (gần 2,6 triệu tấn, tăng 28,4%), Trung Quốc (1,73 triệu tấn, tăng 34%), Đài Loan (1,26 triệu tấn, giảm 1,7%), Kuwait (560 nghìn tấn, giảm 20,2%)… so với năm trước. Đặc biệt, năm 2014, Việt Nam NK từ Thái Lan 888 nghìn tấn xăng dầu, tăng mạnh 83,8% so với năm 2013. Bên cạnh đó, năm 2014, Việt Nam đã NK 3,1 triệu tấn than đá với giá trị kim ngạch đạt 364 triệu USD.
Với mặt hàng dầu thô, năm 2014, Việt Nam chỉ nhập 691 nghìn tấn với kim ngạch gần 532 triệu USD, giảm gần 52% so với 2013. Tính đến hết năm 2014, Việt Nam NK 933 nghìn tấn khí đốt hóa lỏng với tổng trị giá 782 triệu USD, tăng 33,8% về lượng và tăng 21,4% về giá trị so với năm trước. Riêng tháng 12-2014, lượng khí đốt hóa lỏng NK giảm 14,1% với gần 81 nghìn tấn. Do đơn giá NK bình quân giảm sâu 20,3% nên trị giá kim ngạch cũng giảm 31,5% với gần 45 triệu USD.
--------------------
Giao dịch căn hộ có giá trên dưới 1 tỷ đồng hút khách
Khảo sát của Hiệp hội Bất động sản TP HCM cho thấy, mức lợi nhuận của các doanh nghiệp bất động sản hiện chỉ còn 5 – 12%, thấp hơn nhiều so với trước đây và điều này đang khiến người mua nhà được hưởng lợi. Các doanh nghiệp BĐS cũng đang chủ động kết nối với ngân hàng để tạo điều kiện thanh toán thuận lợi nhất cho người mua nhà.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS thành phố cho biết, có ý kiến quan ngại về khả năng khủng hoảng thừa trong phân khúc thị trường căn hộ cao cấp do thời gian gần đây có nhiều dự án bất động sản cao cấp rất lớn được khởi công, chào bán sản phẩm ra thị trường. Nhưng chắc chắn các nhà đầu tư sẽ nghiên cứu kỹ nhu cầu và có tiến độ cung ứng phù hợp để thị trường không bị “bội thực”.
Sở dĩ trước đây, bất động sản cao cấp tồn kho là do diện tích quá lớn, không ở vị trí tốt, chất lượng và tiện ích chưa được như mong muốn của người mua nhà và lãi suất ngân hàng cao nên càng khó tiêu thụ. Hiện Luật Nhà ở 2013 cũng đã mở cho Việt kiều và người nước ngoài mua nhà cũng tăng thêm nguồn cầu cho thị trường bất động sản cao cấp. Phân khúc này cũng đang có sự tham gia của các nhà đầu tư kinh doanh thứ cấp lớn, mua đi bán lại hoặc mua để cho thuê nên cũng hứa hẹn nhiều tín hiệu tích cực.
Ông Châu cũng cho rằng, giá nhà, đất hiện đã ở “vùng đáy” của thị trường, người mua nhà vẫn đang có tâm lý chờ giá giảm thêm nhưng về tổng thể giá cả đang có xu thế nhích dần lên. Do vậy, người có nhu cầu mua nhà nên chọn mua nhà trong năm 2015 là phù hợp.
Thị trường bất động sản năm 2015 sẽ tiếp tục đà hồi phục mạnh, trong đó phân khúc chủ đạo vẫn là thị trường căn hộ quy mô vừa và nhỏ giá bán trên dưới 1 tỷ đồng và rộng hơn là từ 20 triệu/m2 trở xuống. Song khó khăn của năm 2015 vẫn là phải giải quyết hàng tồn kho, nhất là tồn kho căn hộ cao cấp, nợ xấu để giúp tái cấu trúc thị trường bất động sản.
Từ 1/7, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và một số luật liên quan sẽ có hiệu lực, tạo sự thông thoáng, minh bạch, thuận lợi cho doanh nghiệp bất động sản và hỗ trợ tốt cho thị trường. Tuy nhiên, theo ông Châu, Luật Đất đai 2013 vẫn còn có một số chế định gây quan ngại cho doanh nghiệp, chẳng hạn tiền sử dụng đất sẽ tiếp tục là một “ẩn số” và là một “gánh nặng” của nhà đầu tư. Một số chế định mới sẽ làm tăng chi phí trong cơ cấu giá thành bất động sản như “chi phí ký quỹ” và “chi phí bảo lãnh” bất động sản hình thành trong tương lai. Đây là 2 yếu tố hoàn toàn mới trong cơ cấu giá thành bất động sản mà cuối cùng người tiêu dùng sẽ gánh chịu khi mua nhà.
Để giá bán căn hộ không tăng thêm, Hiệp hội BĐS TP HCM cũng tiếp tục đề nghị các cơ quan Trung ương và thành phố xem xét việc thực hiện chế định bảo lãnh bất động sản hình thành trong tương lai để tránh làm tăng chi phí giá thành; miễn ký quỹ các dự án mà nhà đầu tư đã giải phóng mặt bằng và quy định mức ký quỹ 1 - 3% vốn đầu tư chỉ bao gồm chi phí tạo quỹ đất và cơ sở hạ tầng chứ không phải là tổng vốn đầu tư dự án và quy định rõ lộ trình hoàn trả tiền ký quỹ. Hỗ trợ, tạo điều kiện giúp cho doanh nghiệp giải quyết 689 dự án đang ngừng triển khai và 85 dự án đã bị thu hồi chủ trương đầu tư để có thể tái khởi động dự án...
Ông Châu cho rằng, khi tháo gỡ được các vấn đề trên sẽ có tác động tích cực đến thị trường bất động sản, tạo động lực để thị trường hồi phục nhanh hơn. Từ đó tăng nguồn cung sản phẩm để đáp ứng nhu cầu của người mua nhà.
-----------------------