Trong văn bản trả lời chất vấn vừa gửi tới Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy về tình trạng quá tải bệnh viện, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hứa đến năm 2020 sẽ cơ bản giải quyết tình trạng này.
Phiên chất vấn Thủ tướng tại kỳ họp Quốc hội thứ 8 (tháng 11/2014), Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Đà Nẵng nêu lại tình trạng quá tải bệnh viên, nhất là ở tuyến Trung ương và tuyến tỉnh. Nữ đại biểu đặt vấn đề, tình trạng này đã diễn ra gay gắt từ nhiều năm nay mà chưa có một vị Bộ trưởng Y tế nào dám hứa giải quyết.
Chia sẻ với cái khó của vị trí người đứng đầu ngành y tế, bà Thúy chi rằng, quyền hạn và nguồn lực của Bộ trưởng có hạn, một mình không thể giải quyết được.
Nữ đại biểu muốn Thủ tướng nêu quan điểm, đánh giá về tình trạng quá tải ở bệnh viện, nỗi khổ và sự bức xúc của người dân với vấn đề này.
"Với tư cách người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng có thể huy động nguồn lực để giải quyết tình trạng này không? Thủ tướng có cam kết gì trước nhân dân cả nước tại kỳ họp này?” - nữ đại biểu đặt câu hỏi trước toàn thể hội trường.
Tuy nhiên, thời lượng phiên chất vấn Thủ tướng khi đó có hạn (chỉ khoảng 50 phút) nên câu hỏi của đại biểu Kim Thúy chưa được trả lời trực tiếp trên hội trường.
Theo quy định, sau kỳ họp, Thủ tướng tiếp tục trả lời chất vấn của các đại biểu bằng văn bản. Trong văn bản vừa gửi tới nữ đại biểu Đà Nẵng, Thủ tướng xác nhận, quá tải bệnh viện là vấn đề gây bức xúc trong xã hội, luôn được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm. Tình trạng quá tải bệnh viện chủ yếu ở các bệnh viện tuyến Trung ương và tuyến cuối, nhất là các bệnh viện chuyên khoa về ung bướu, tim mạch, chấn thương, chỉnh hình, sản, nhi.
Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Y tế thực hiện quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp để khắc phục. Đầu tư xây mới và nâng cấp mở rộng nhiều bệnh viện theo Đề án 47 và Đề án 930. Triển khai Đề án giảm quá tải bệnh viện giai đoạn 2013-2020, thực hiện nhiều giải pháp đầu tư nâng cấp, mở rộng cơ sở hạ tầng bệnh viện, tăng số giường bệnh và trang thiết bị cho các bệnh viện tuyến Trung ương, tuyến tỉnh. Khẩn trương xây dựng 5 bệnh viện hiện đại tuyến Trung ương và tuyến cuối với khoảng 4.500 giường. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, giảm thời gian chờ đợi trong khám chữa bệnh. Xử lý kịp thời phản ánh của người bệnh thông qua đường dây nóng. Tăng cường năng lực cho tuyến dưới thông qua các Đề án bệnh viện vệ tinh, luân chuyển cán bộ y tế và chuyển giao kỹ thuật từ tuyến trên xuống tuyến dưới. Nhân rộng mô hình bác sỹ và phát triển y tế ngoài công lập.
Để giải quyết tình trạng quá tải ở nhiều bệnh viện đòi hỏi nguồn lực đầu tư rất lớn. Ưu tiên bố trí tăng đầu tư từ ngân sách cho y tế theo Nghị quyết của Quốc hội, bảo đảm tốc độ tăng chi cho y tế cao hơn tốc độ tăng chi bình quân chung của ngân sách nhà nước.
Thủ tướng cũng thông tin, trong giai đoạn từ năm 2012 đến năm 2016, bố trí trên 36,6 nghìn tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ cho các dự án bệnh viện tuyến huyện, các bệnh viện chuyên khoa lao, tâm thần, ung bướu, sản, nhi và một số bệnh viện đa khoa tỉnh miền núi, khó khăn. Rà soát, đưa ra một số dự án đầu tư cho y tế vào Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020. Thu hút đầu tư cho y tế từ nguồn vốn ODA của một số nước và các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Tổ chức hợp tác quốc tế của Nhật Bản (JICA)… Đồng thời, đẩy mạnh xã hội hóa, tăng cường huy động nguồn lực ngoài nhà nước, đầu tư phát triển y tế, khuyến khích các hình thức hợp tác công-tư.
Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp trên sẽ góp phần giảm tải và nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. Phấn đấu đến năm 2020 sẽ cơ bản giải quyết được tình trạng quá tải bệnh viện.
Tối 31/1/2015, tại Quảng trường Hồ Chí Minh (TP.Vinh, Nghệ An) Lễ vinh danh và đón bằng Di sản Văn hóa phi vật thể nhân loại cho dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh đã được tổ chức trang trọng.
Dự lễ vinh danh có ông Nguyễn Sinh Hùng - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội; ông Nguyễn Xuân Phúc - Phó Thủ tướng Chính phủ; ông Vũ Đức Đam - Phó Thủ tướng Chính phủ; Bà Tòng Thị Phóng - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội; ông Hoàng Tuấn Anh - Ủy viên TƯ Đảng - Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch; Bà Katherine Muller Marin, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam cùng đông đảo lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo hai tỉnh cùng hàng ngàn người dân hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh.
Trong đêm vinh danh, ông Nguyễn Xuân Đường - Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đã có bài phát biểu chia sẻ: Xứ Nghệ là vùng đất địa linh nhân kiệt. Các thế hệ tiền nhân cũng như người Nghệ Tĩnh hôm nay luôn phải đối mặt với điều kiện tự nhiên vô cùng khắc nghiệt, thiên tai luôn rình rập, nhưng bằng nghị lực và tài trí của mình, đã luôn biết vươn lên trong cuộc sống, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, để tạo dựng một đời sống vật chất, tinh thần phong phú, đa dạng, mà một trong những thành tựu sáng tạo của cư dân vùng đất này, để hôm nay chúng ta được tự hào, là dân ca Ví, Giặm, một loại hình trình diễn dân gian độc đáo, có giá trị nhân văn sâu sắc.
Với những giá trị đặc sắc riêng có, dân ca Ví, Giặm đã được vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là sự ghi nhận của UNESCO dành cho dân ca Ví, Giặm, là niềm vinh dự, tự hào không chỉ của nhân dân hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh mà là của nhân dân cả nước. Từ đây, dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh đã thực sự trở thành một phần của di sản văn hóa nhân loại”.
Đêm đặc biệt này, Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã chúc mừng Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh đón nhận sự vinh danh của cộng đồng quốc tế và Bằng của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) ghi danh Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh là “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”.
Trong giờ phút vinh danh Dân ca Ví, Giặm, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng các vị đại biểu, hàng ngàn người dân Nghệ An, Hà Tĩnh đã nhớ lại trước lúc ra đi, Bác Hồ vô vàn kính yêu muốn nghe một câu hò xứ Nghệ. Bác muốn nghe câu ví, nhớ làng Sen từ thuở ấu thơ. Bác muốn nghe câu hát giặm quê nhà... để những bài ca đất nước theo Bác đến mênh mông, để non sông đinh ninh lời hẹn thề: "Rằng đã yêu Tổ quốc mình, càng yêu tha thiết những khúc hát dân ca".
Thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trân trọng cảm ơn UNESO, các tổ chức quốc tế, các quốc gia thành viên đã ủng hộ để Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh được vinh danh Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và mong muốn sẽ tiếp tục nhận được sự giúp đỡ, hợp tác quý báu đối với công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa của Việt Nam.
“Chúng ta hãy nguyện cùng nhau bảo vệ và phát huy những di sản văn hóa vô giá của Dân tộc, trong đó có Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh, để những nguồn mạch thanh trong, ấm nồng hơi thở nguồn cội nuôi dưỡng và nâng cánh tâm hồn Việt; để văn hóa Việt hòa trong dòng chảy văn minh nhân loại; tạo nền tảng tinh thần và động lực xây dựng thành công và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN dân giàu nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; để nền Văn hiến Việt Nam truyền lưu muôn thuở”, Phó Thủ tướng nói.
Phó thủ tướng cũng chia sẻ: “Viết về vùng đất, con người xứ Nghệ, sách Đại Nam nhất thống chí có đoạn: Đất xấu, dân nghèo, tập tục cần kiệm, nhà nông chăm chỉ ruộng nương, học trò ưa chuộng học hành… Đó cũng là vùng đất đã tác thành ra bao lớp hiền nhân, là cái nôi sản sinh, trao truyền cả một kho tàng văn hóa dân gian phong phú, trong đó dân ca ví, dặm Nghệ - Tĩnh là hai “thổ sản” độc đáo. Ví, giặm chính là một phần máu thịt của người dân Nghệ - Tĩnh. Chả thế mà nhà thơ Nguyễn Duy đã viết trong bài Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa: “Bà ru mẹ, mẹ ru ta/Sữa nuôi phần xác, hát nuôi phần hồn”. Lời ca ví, giặm ca ngợi những giá trị sâu sắc và truyền thống như sự tôn trọng với các bậc tiền nhân, hiếu thảo với cha mẹ, lòng chung thủy, tận tụy vì người khác cũng như đức tính thật thà và cách cư xử tử tế giữa người với người, là nét đặc trưng văn hóa cần được lưu giữ và bảo tồn.
Phó Thủ tướng cũng đánh giá cao những nỗ lực của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, các nhà khoa học, các tổ chức trong nước và quốc tế đã đóng góp tích cực cho sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị của Dân ca Ví, Giặm nói riêng, của di sản văn hóa của Việt Nam và nhân loại nói chung.
“Từ ngày hôm nay, những nỗ lực, đóng góp ấy chắc chắn cần và sẽ được tiếp tục với niềm tự hào và trách nhiệm lớn hơn. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa văn hóa, chúng tôi mong muốn và tin tưởng sẽ tiếp tục nhận được sự hỗ trợ và những tình cảm sẻ chia, gắn kết của các bạn bè quốc tế, để các giá trị văn hóa truyền thống của Việt Nam ngày càng lan tỏa sâu rộng và hòa cùng dòng chảy của tinh hoa văn hóa nhân loại”, Phó Thủ tướng chia sẻ.
Đồng thời, Phó thủ tướng cũng đề nghị chính quyền, nhân dân hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh cùng các nghệ nhân, nghệ sĩ, cộng đồng thực hành Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, với tình cảm và trách nhiệm đối với di sản cha ông để lại, cần hợp tác chặt chẽ, triển khai nghiêm túc và hiệu quả Chương trình hành động quốc gia bảo vệ và phát huy giá trị của di sản văn hóa phi vật thể Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh, để Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh được bảo vệ và phát huy bền vững, góp phần bồi đắp tinh thần, cốt cách của con người Nghệ Tĩnh, trở thành một trong những nguồn mạch thanh trong, ấm nồng hơi thở nguồn cội, nuôi dưỡng và nâng đỡ cho tâm hồn, tình cảm của người Việt Nam, dù ở trong hay ngoài nước, trường tồn mãi mãi, ngày càng tươi đẹp.
Thay mặt Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, đồng chí Nguyễn Thanh Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh, Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Tĩnh cảm ơn sự ghi nhận của bạn bè quốc tế, của các cơ quan, ban ngành trung ương. Trong thời gian tới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh sẽ tiếp tục nỗ lực phát huy giá trị của dân ca Ví, Giặm để nâng tầm những giá trị văn hóa dân tộc, xứng đáng là di sản văn hóa phi vật thể điển hình của nhân loại.
Mỗi người dân xứ Nghệ Tĩnh đều tự hào về truyền thống của quê hương, tự hào về những di sản quý báu của ông cha để lại. Mặc dù trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử, song với sức sống của di sản cùng với sự kế tiếp gìn giữ, trao truyền giữa các thế hệ, di sản Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh vẫn được duy trì và phát triển đến ngày nay.
-------------------------
Khánh thành khu nghỉ dưỡng có kiến trúc nhà tre lớn nhất Việt Nam
Ngày 31/1, khu nghỉ dưỡng Naman Retreat của Cty CP đầu tư phát triển và xây dựng Thành Đô đã chính thức đưa vào hoạt động. Đặc biệt, khu nghỉ dưỡng này có khu nhà hội nghị với kiến trúc tre có diện tích 365m2 với sức chứa 300 người.
Được khởi công từ tháng 8/2013, giai đoạn 1 của khu nghỉ dưỡng cao cấp The Empire (đường Trường Sa, phường Hòa Hải, Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) có tổng diện tích trên 51ha - là khu nghỉ dưỡng Naman Retreat có diện tích 6ha với tổng vốn đầu tư 30 triệu USD đã được đưa vào hoạt động.
Khu nghỉ dưỡng Naman Retreat do KTS Võ Trọng Nghĩa - người đã đạt được rất nhiều giải thưởng quốc tế cho những công trình kiến trúc xanh độc đáo thiết kế gồm 120 buồng gồm khu phòng Babylon, khu Pool Villa và 2 khu biệt thự Sóng.
Đặc biệt, tại khu nghỉ dưỡng Naman Retreat này, KTS Võ Trọng Nghĩa đã thiết kế khu nhà hội nghị với kiến trúc tre vượt nhịp 13,5m, diện tích 365m2 với sức chứa 300 người. Theo KTS Võ Trọng Nghĩa, đây là công trình bằng tre lớn nhất tại Việt Nam hiện nay.
Cũng theo KTS Võ Trọng Nghĩa, công trình kiến trúc bằng tre này có thể chịu được bão cấp 12 và có thể tồn tại được hàng chục năm.
Theo chủ đầu tư dự án Naman Retreat, đây là dự án tạo điểm nhấn trong kiến trúc mà Đà Nẵng khẳng định trong tương lai gần sẽ trở thành kỳ quan thứ 8 của thế giới với vườn treo và kiến trúc độc đáo thân thiện với môi trường.
---------------------------