Ủy ban giám sát kiểm tra kỷ luật Trung Quốc hôm qua 30/1 đã khai trừ Đảng với Thiếu tướng Thái Quảng Liêu, Phó giám đốc công an tỉnh Quảng Đông, vì vi phạm quy định liêm chính trong ngành.
Ông Thái Quảng Liêu là quan chức quân đội mới nhất bị "sờ gáy" trong chiến dịch chống tham nhũng của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Trang tin Sina cho biết ngày 30/1, trang web của Ủy ban giám sát kiểm tra kỷ luật Trung Quốc (CCDI) đăng thông báo khai trừ đảng đối với Thiếu tướng Thái Quảng Liêu, Phó giám đốc công an tỉnh, Phó bí thư đảng ủy tỉnh Quảng Đông kiêm Phó chủ nhiệm Ban pháp chế và xã hội của tỉnh này.
Thông báo trên dẫn kết quả điều tra cho thấy ông Thái đã lợi dụng chức vụ nhận hối lộ và mưu lợi cá nhân, nhận quà biếu có giá trị, vi phạm quy định liêm chính trong ngành. Bên cạnh đó, ông này còn tham gia hoạt động kinh doanh trái phép.
CCDI kết luận hành vi của ông Thái Quảng Liêu đã vi phạm kỷ luật, pháp luật nghiêm trọng. Các hồ sơ liên quan đến vấn đề phạm tội của ông này đã được gửi tới cơ quan Tư pháp xử lý theo pháp luật.
Trang Sina cho hay ông Thái Quảng Liêu năm nay 57 tuổi, mang hàm Thiếu tướng. Ông đã đảm nhận vị trí Phó giám đốc công an tỉnh Quảng Đông từ năm 2003.
Đến năm 2012, ông Thái đảm nhiệm chức Phó Bí thư Đảng ủy Công an tỉnh Quảng Đông. Ông này đã bị CCDI đưa đi điều tra do nghi phạm tội nghiêm trọng từ tháng 10 năm ngoái.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, đã mở rộng chiến dịch trấn áp tham nhũng sang quân đội và các lực lượng an ninh trong nước và hạ bệ nhiều “hổ lớn” có cựu Bộ trưởng công an Chu Vĩnh Khang và cựu Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc Từ Tài Hậu.
Sau thông báo khai trừ Đảng của ông Thái, Xinhua cho hay Quân ủy Trung ương Trung Quốc ngày 30/1 tuyên bố quân đội phải chữa tận gốc "căn bệnh kinh niên" tham nhũng với một thái độ không khoan nhượng.
Hơn 200 sĩ quan quân đội cấp cao đã bị khiển trách, giáng chức hoặc gỡ bỏ quân hàm, sau khi hàng loạt cuộc điều tra chống tham nhũng trong chiến dịch “Đả hổ đập ruồi” của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình được tiến hành.
Nhưng con số thực sự chưa được công bố còn lớn hơn thế, kể cả nhiều “hổ tướng” trong lực lượng quân đội nhân dân Trung Quốc.
Báo chí Trung Quốc hôm qua tiết lộ, tổng cộng có hơn 4.024 quân nhân với quân hàm trung tá trở lên, trong đó có 82 “hổ tướng” có chức vụ cao cấp trong các quân khu trên toàn lãnh thổ, đã bị cơ quan điều tra chống tham nhũng giám sát và bắt giữ từ tháng 1.2013.
Trong số đó, 21 người bị cách chức khỏi vị trí công tác hiện tại, 144 cán bộ bị giáng chức và hơn 77 sĩ quan cấp cao khác bị khiển trách và yêu cầu khắc phục hậu quả do mình gây ra. Riêng với 82 tướng lĩnh hàng đầu trong bộ máy chiến tranh “đông con” của Quân đội Nhân dân Trung Quốc (PLA) vẫn chưa được xác định.
Nhiều nhà phân tích cho rằng, các tướng lĩnh quân đội cấp cao đã thoát khỏi sự trừng phạt của sách lược “Đả hổ đập ruồi” nhờ yếu tố quyền lực, và tiêu chí giữ vẫn ổn định bên trong lực lượng quân đội của chính phủ Bắc Kinh để đối phó với các thế lực bên ngoài.
Ngoài ra, chỉ khoảng 61 sĩ quan trong tổng số quân nhân bị điều tra được đánh giá là không tham gia các hoạt động tài chính mờ ám, do đơn vị công tác hiện tại của họ đang gặp nhiều khó khăn.
Hơn 820 vấn đề nghi vấn dính líu đến hoạt động tham nhũng của giới quân nhân, tại 180 đơn vị quân đội được phát hiện là nhờ các kiểm toán viên, chủ yếu tập trung trong các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng và chương trình phát triển vũ khí của quân đội.
Các kiểm toán viên đã tìm thấy 216 dấu hiệu khả nghi trong hoạt động tài chính từ sổ sách thống kê. Điều này đã được báo lên cho cơ quan chức năng hay thanh tra kỷ luật của PLA để tiến hành điều tra. Kết quả, phần lớn các bằng chứng thu được điều cho thấy, nhiều quan chức quân đội từng ít nhất một lần tham gia vào các hoạt động tham nhũng.
Số lượng hoạt động tài chính mờ ám của giới quân nhân Trung Quốc vào năm 2014, theo các kiểm soát viên là nhiều hơn so với tổng số báo cáo phát hiện trong 3 thập kỷ trước đó.
Do đó, việc tăng cường kiểm soát của PLA đã giúp chính phủ Bắc Kinh thu giữ hơn 12,1 tỷ nhân dân tệ ( 1,9 tỷ USD), từng bị lạm dụng hay lãng phí trước đó. Khoảng 12 triệu nhân dân tệ khác được phân phát cho các sĩ quan và tướng lĩnh quân đội dưới hình thức trợ cấp cũng bị thu hồi.
------------------------
Trung Quốc: Cấm cổ súy “giá trị phương Tây” tại bậc đại học
Bộ trưởng giáo dục Trung Quốc hôm 29/1 tuyên bố không để sách giáo khoa cổ súy các giá trị của phương Tây xuất hiện trên các giảng đường đại học. Đây là động thái mới nhất trong chiến dịch tăng cường giám sát hệ thống giáo dục đại học nước này.
Tân hoa xã ngày 29/1 dẫn lời Bộ trưởng giáo dục Trung Quốc Yuan Guiren nhận định các trường đại học cần tăng cường quản lý về hệ tư tưởng, đặc biệt trong sách giáo khoa, tư liệu giảng dạy và các giờ giảng.
Ông khẳng định giảng đường đại học sẽ không được phép có chỗ cho “những bình luận phê phán sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc”,“chỉ trích chủ nghĩa xã hội” hay vi phạm hiến pháp pháp luật Trung Quốc và những tài liệu “cổ súy cho các giá trị phương Tây”.
Phát biểu của Bộ trưởng được đưa ra tại một hội nghị về giáo dục hôm 29/1, trước nhiều quan chức trong ngành giáo dục, trong đó có lãnh đạo các trường đại học nổi tiếng của nước này như Đại học Bắc Kinh, Thanh hoa, Vũ Hán, Sơn Đông và Hạ Môn.
Trong bài phát biểu trên, Bộ trưởng Yuan kêu gọi các giảng viên đại học cần vững vàng và giữ lập trường chính trị, pháp lý, đạo đức và phải giảng dạy một cách tích cực.
Theo đó, các giảng viên không được phàn nàn, than thở về những vấn đề riêng tư trong giờ dạy để tránh truyền những tư tưởng tiêu cực cho sinh viên. Họ cũng phải tăng cường quản lý việc sử dụng sách giáo khoa và tư liệu giảng dạy lấy từ các nước phương Tây.
AFP cho hay tuyên bố của Bộ trưởng Yuan được đưa ra ngay sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chỉ thị giới lãnh đạo tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng cộng sản trong các trường đại học.
Từ năm 2012 khi ông Tập Cận Bình trở thành Chủ tịch nước, việc giám sát chặt chẽ các hoạt động giảng dạy và nghiên cứu tại Trung Quốc đã được đẩy mạnh. Theo AFP, nhiều giáo sư mất việc hoặc bị bỏ tù vì vi phạm vấn đề này.
Năm 2013, giáo sư kinh tế học Xia Yeliang đã bị đuổi việc sau 13 năm công tác tại đại học Bắc Kinh vì nhiều lần bày tỏ ủng hộ thay đổi thể chế chính trị tại Trung Quốc. Đến tháng 9 năm ngoái, giáo sư kinh tế học Ilham Tohti của một trường đại học khác cũng đã bị bắt giam vì ủng hộ phong trào ly khai.
Trong những năm qua, hệ thống giáo dục đại học của Trung Quốc đã phát triển mạnh mẽ. Số trường đại học, cao đẳng của nước này đã tăng gấp đôi chỉ trong khoảng hơn 10 năm qua.
Tuy nhiên, các quan chức chính trị và các doanh nhân giàu có của Trung Quốc đều cho con em mình theo học tại Mỹ và châu Âu. Daily Mail cho biết, Tập Minh Trạch, con gái của chủ tịch Tập Cận Bình cũng theo học Đại học Harvard hàng đầu của nước Mỹ từ năm 2010.
-------------------------