Vụ việc Sacom chi hơn 855 tỷ đồng nhằm “nuốt chửng” Vinamotor đã gây bất ngờ cho nhiều người. Vậy bí ẩn đằng sau thương vụ thôn tính này là gì?
Đầu năm 2015, Chính phủ đã ra quyết định thoái toàn bộ vốn Nhà nước tại Tổng công ty Công nghiệp ô tô Việt Nam (Vinamotor). Và chưa đầy một tháng sau, Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển (Sacom) đã chính thức ngỏ lời với Bộ Giao thông vận tải về việc muốn mua lại tất cả cổ phần của Nhà nước tại đây.
Cụ thể, doanh nghiệp đầu tiên niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam này đề nghị mua lại một lần đối với 100% vốn nhà nước tại Vinamotor, với tổng cộng 85.581.223 cổ phần, tương đương 97,7% vốn điều lệ. Giá đăng ký mua mà Sacom chào với Bộ GTVT là 10.000 đồng/cổ phần. Theo đó, nếu được thông qua, Sacom sẽ phải chi ra ít nhất là 855 tỷ đồng để có thể “nuốt chửng” Vinamotor. Nếu xuất hiện thêm nhà đầu tư muốn mua cổ phần thì giá chuyển nhượng sẽ được xác định thông theo hình thức đấu giá.
Chủ trương của HĐQT Sacom là đầu tư vào Vinamotor để thúc đẩy sản xuất - kinh doanh, góp phần vào sự phát triển của ngành ngành công nghiệp lắp ráp ô tô Việt Nam. “Chúng tôi tự tin vào việc mua lại toàn bộ phần vốn nhà nước tại Vinamotor và quyết tâm đưa Vinamotor trở thành đơn vị kinh doanh hiệu quả”, đại diện Sacom khẳng định.
Theo các chuyên gia, việc Sacom sốt sắng xin mua toàn bộ cổ phần nhà nước tại Vinamotor là một bất ngờ, bởi hai đơn vị này không có nhiều mối liên hệ về ngành nghề kinh doanh.
Sản phẩm kinh doanh chủ yếu của Vinamotor là các loại ô tô khách, ô tô tải mang thương hiệu Vinamotor và Transinco. Bên cạnh đó, Vinamotor vẫn duy trì hoạt động trong lĩnh vực cơ khí truyền thống, sửa chữa ô tô, máy thi công, sản xuất phụ tùng, thiết bị thay thế, sản xuất kết cấu thép, trang thiết bị thi công đường bộ, xây dựng công trình,…
Trong khi đó, tại văn bản gửi Bộ GTVT, Sacom giới thiệu là doanh nghiệp chuyên sản xuất các loại dây cáp đồng, cáp quang, dây điện từ, vật liệu viễn thông và vật liệu dân dụng.
Nhìn lại kết quả kinh doanh của Vinamotor trong những năm qua có thể thấy doanh nghiệp cơ khí này đạt kết quả không thực sự ấn tượng. Tại đại hội đồng cổ đông lần đầu tổ chức vào tháng 5/2014, Vinamotor chỉ dám đặt mục tiêu doanh thu 388 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 11 tỷ đồng. Tổng doanh thu dự kiến vào năm 2016 cũng chỉ đặt ra ở mức 650 tỷ đồng, lợi nhuận 33,7 tỷ đồng, tỷ suất lợi nhuận trên vốn điều lệ là 3,85% - chưa bằng phân nửa lãi suất tiền gửi tại các ngân hàng thương mại.
Ngay cả chính bản thân lãnh đạo Vinamotor cũng từng bày tỏ mối quan ngại về tính khả thi của phương án thoái cùng lúc toàn bộ phần vốn nhà nước trong bối cảnh kết quả kinh doanh không thực sự ấn tượng này.
Tuy nhiên, đứng về phía Sacom mà nói thì khi doanh nghiệp này chấp nhận bỏ ra gần 1.000 tỷ đồng để mua hơn 97% cổ phần, chắc chắn Sacom đã thấy tiềm năng phát triển, khả năng sinh lời mặc cho kết quả kinh doanh của Vinamotor hiện tại rất kém hấp dẫn.
Ở một phương diện khác, nhiểu người cho rằng sức hấp dẫn của Vinamotor trong thương vụ này có thể nằm ở một số công ty thành viên có đất đai, nhà xưởng rộng lớn như Cơ khí ô tô 3/2, cơ khí Ngô Gia Tự hay Công ty cổ phần ôtô 1/5 mà công ty mẹ vẫn giữ cổ phần chi phối.
Hiện tại, Vinamotor đã chọn xong đơn vị tư vấn để thực hiện thoái vốn nhà nước theo chỉ đạo của Bộ GTVT, đó là Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội.
Hàng loạt giải pháp, chiến lược được Tổng thống Vladimir Putin vạch ra nhằm vực dậy một nước Nga rệu rã sau trừng phạt và xây dựng một nền kinh tế đa dạng, ít bị sốc hơn trong tương lai.
Bơm tiền
Thủ tướng Nga Medvedev hôm 28/1 đã thông qua bản kế hoạch “chương trình chống khủng hoảng”, có hiệu lực trong vòng một năm, gồm 60 biện pháp cứu nền kinh tế quốc gia thoát cơn bĩ cực.
Theo đó, Nga dự kiến chi ra 2,3 ngàn tỷ rúp (35 tỷ USD) để chống khủng hoảng. Tiền lấy từ ngân sách, được tích lũy từ xuất khẩu năng lượng khi giá dầu còn ở mức cao.
Ngoài ra, Nga sẽ thiết lập một ngân hàng chuyên đi thu những khoản nợ từ các công ty và tài sản công ty còn tranh chấp. Dự kiến, đến tháng 3/2015, Nga sẽ chốt tổng số tiền phải chi để thực hiện kế hoạch tổng thể cứu vãn nền kinh tế sau khi được thông qua.
Trước đó, hôm 27/1, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev đã thông qua hàng loạt biện pháp chính trong kế hoạch cứu vãn nền kinh tế, bao gồm việc cắt giảm 10% những khoản chi lớn, ngoại trừ những khoản ngân sách cho quốc phòng và hỗ trợ ngành nông nghiệp, cũng như các cam kết với người dân trong nước và quốc tế.
Trong tuần trước, theo hãng tin RIA Novosti, Tổng thống Nga Putin cũng chỉ thị nghiên cứu khả năng cấp miễn phí một hecta đất cho mỗi cư dân Viễn Đông để đáp ứng nhu cầu sản xuất nông nghiệp và hoạt động kinh doanh.
Cụ thể, theo Tiếng nói nước Nga, Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm phái viên tổng thống khu vực liên bang Viễn Đông Yuri Trutnev cho biết, ông muốn đề nghị cấp phát miễn phí cho mỗi cư dân Viễn Đông cũng như cho ai có nguyện vọng đến Viễn Đông 1 hecta đất để làm nông nghiệp, tổ chức kinh doanh, sản xuất lâm nghiệp hoặc săn bắt thú. Thời hạn cấp đất là 5 năm, sau thời gian đó sẽ cấp quyền sở hữu hoặc thu hồi.
Hồi cuối năm ngoái, phát biểu trong Thông điệp Liên bang trước Quốc hội, ông Putin cũng đưa ra khá nhiều phương án cứu nguy kinh tế, trong đó có đề nghị ân xá để cho các dòng vốn trở lại nước Nga.
Chẳng hạn, Tổng thống Nga hối thúc ân xá toàn bộ cho các dòng vốn hải ngoại trước kia. Các NĐT có thể đưa vốn trở lại Nga, và được bảo đảm không bị truy cứu trách nhiệm hình sự và dân sự. Nếu được, đây sẽ là dòng tiền lớn giúp giải quyết những khó khăn hiện tại của kinh tế Nga, giúp đồng Rúp mạnh hơn, giải tỏa sức ép đối với hệ thống tài chính của nước này.
Đối với dòng tiền chảy ra ngoài, ông Putin cũng đã ban hành một luật mới để kiểm soát tình hình.
Nước Nga tính đường dài
Kinh tế Nga khủng hoảng bắt nguồn từ những lệnh trừng phạt của phương Tây với cáo buộc Nga hỗ trợ lực lượng ly khai tại miền đông Ukraine và tác động của giá dầu giảm “không phanh” gần đây.
“Nếu muốn gây ảnh hưởng lên nền kinh tế Nga, cần phải tăng các lệnh trừng phạt lên đáng kể nhưng chẳng có ai sẵn sàng làm những điều như vậy”, Carsten Nickel - Phó chủ tịch Teneo Intelligence (Đức) chia sẻ trên Bloomberg.
Trong năm 2014, đồng Rúp mất giá khoảng 45% giá trị so với đồng USD và 40% giá trị so với đồng Euro, khoảng 150 tỷ USD đã bị rút ra khỏi Nga. Nhiều khả năng, EU có thể nới rộng danh sách các cá nhân Nga cũng như lãnh đạo phe ly khai bị cấm cấp visa và phong tỏa tài sản.
Tuy nhiên, nhìn chung, gần đây đồng tiền của Nga đã ổn định trở lại và có dấu hiệu nhiều nước trong khu vực EU không còn muốn gây áp lực lên nước Nga trong cuộc đối đầu căng thẳng Nga - Mỹ.
Hơn thế, một số chuyên gia nhận định trên Bloomberg cho rằng, các lệnh trừng phạt của EU sẽ không thể thay đổi được tình hình.
Một số nguồn tin cho thấy, có tới gần một nửa các nước trong EU ủng hộ dỡ bỏ lệnh trừng phạt Nga, do vậy khả năng đồng loạt 29 thành viên khối này nâng trừng phạt áp lên Nga là rất thấp.
Khoảng lặng trong cuộc đối đầu Đông Tây có lẽ là thời gian quý báu để ông Putin đưa ra những chính sách vực dậy nền kinh tế rệu rã và tính đường lâu dài cho tương lai, nhất là khi tỷ lệ ủng hộ của người dân đối vị tổng thống nhiệm kỳ thứ 3 này vẫn còn rất lớn.
Sau hơn một thập kỷ phát triển bùng nổ và lấy được vị thế tương đối trên quốc tế, nước Nga vẫn còn nhiều điểm yếu chết người. Đó là một nền kinh tế kém đa dạng, phụ thuộc quá nhiều vào dầu khí. Một nền kinh tế mà các sản phẩm nông nghiệp nhập phần lớn từ châu Âu. Người dân muốn tiêu dùng hàng hóa cao cấp, xa xỉ cũng phải nhập từ nước ngoài.
Kế hoạch chống khủng hoảng trị giá 35 tỷ USD vừa được Thủ tướng Nga đưa ra có lẽ là giải pháp sơ cứu nền kinh tế đang bị tổn thương. Trong khi đó, chính sách hướng Đông cùng với các giải pháp vực dậy nền kinh tế yếu kém ở Viễn Đông là chiến lược vực dậy nước Nga về dài hạn.
Mặc dù vậy, kế hoạch chuyển giao quyền kiểm soát đất đai tại vùng Viễn Đông cho người dân địa phương của chính phủ Nga và bài toán xây dựng “đối tác chiến lược” cũng tiềm ẩn khá nhiều nguy cơ.
Bởi, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, đây có thể là khu vực hậu phương chiến lược quan trọng, cung cấp hàng loạt hàng hóa, nguyên liệu chủ chốt cho Trung Quốc. Cơn khát của các nguyên liệu cùng với như cầu phát triển nóng của nền kinh tế Trung Quốc có thể dẫn tới một làn sóng di cư ồ ạt sang khu vực Viễn Đông xa xôi rộng lớn nhưng ngày càng ít người Nga sinh sống.
-------------------------
Giàu quá nhanh, nữ tỷ phú trẻ phải trả giá
Từng có thời Ngô Anh là tên tuổi nổi bật trong giới doanh nhân trẻ, được nhiều người ngưỡng mộ khi xếp thứ sáu trong số các nữ tỷ phú giàu nhất Trung Quốc. Cho đến khi tòa án cáo buộc cô tội gian lận tài chính, dư luận nước này mới ngỡ ngàng.
Ngô Anh sinh năm 1981, là con gái lớn trong một gia đình nghèo làm nông có 4 chị em gái ở thôn Đường Hạ, thị trấn Ca Sơn, thành phố Đông Dương, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. Vì nhà nghèo nên Ngô Anh cố lắm mới được học hết trung học rồi học nghề kế toán ở một trường dạy nghề của địa phương. Đi học chẳng được bao lâu thì cô nghỉ học. Năm 1997, Ngô Anh mở một hiệu làm tóc nhỏ sau đó chuyển sang loạt lĩnh vực khác như khách sạn, tổ chức tiệc cưới, giặt ủi, hậu cần… Cuối cùng, cô gái trẻ chuyển sang làm việc cho một thẩm mỹ viện của người bác họ. Đến năm 22 tuổi, Ngô Anh mở thẩm mỹ viện đầu tiên ở thành phố Đông Dương. Sự nghiệp phất lên, cô mở một chuỗi thẩm mỹ viện, khách đến nườm nượp nhờ liệu pháp chống lão hóa bằng nhau thai cừu.
Chỉ trong một thời gian ngắn, Ngô Anh huy động vốn được 127 triệu NDT để mở rộng kinh doanh. Đến năm 2005, doanh nhân trẻ này thành lập Tập đoàn Bense Holdings với 15 công ty con hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh vật liệu xây dựng, bất động sản, thương mại điện tử, du lịch, khách sạn, siêu thị, giải trí, cà phê internet… và 780 nhân viên, tổng số vốn lên đến 300 triệu NDT. Năm 2006, khi mới khởi nghiệp được 3 năm và mới 25 tuổi nhưng Ngô Anh đã đứng top 6 trong số các nữ tỷ phú giàu nhất Trung Quốc với tài sản vào khoảng 3,6 tỷ NDT, tương đương 567 triệu USD. Cô cũng là người đứng thứ 68 những người giàu nhất Trung Quốc lúc bấy giờ.
Bản án nghiêm khắc
Việc “phất lên” quá nhanh khiến Công an thành phố Đông Dương nghi ngờ Ngô Anh huy động vốn bất hợp pháp. Đến đầu năm 2007, sau khi có đơn tố cáo nữ doanh nhân hoạt động mờ ám, lực lượng công an bắt đầu điều tra công việc kinh doanh của nữ tỷ phú này. Ngô Anh khẳng định, tài sản của cô đều hợp pháp, vốn do tích lũy từ thời kinh doanh nhỏ lẻ trong lĩnh vực mỹ phẩm và vật liệu xây dựng.
Tháng 2-2007, Chủ tịch Tập đoàn Bense Holdings bị bắt giam về tội huy động vốn bất hợp pháp. Theo kết quả điều tra, từ tháng 5-2005 đến 2-2006, bị cáo Ngô Anh đã lừa đảo, chiếm đoạt tài sản khi huy động vốn bất hợp pháp 770 triệu NDT (tương đương 112 triệu USD) với lời hứa trả lãi suất cao đến 80%/năm. Khi bị bắt, bị cáo chỉ mới trả được 386 triệu NDT, còn lại chiếm đoạt 384 triệu NDT cùng nhiều khoản nợ khác. Khi huy động vốn, bị cáo nói để hùn vốn mở công ty, đầu tư vào các dự án sinh lợi. Lãi suất mà Ngô Anh hứa trả khi huy động vốn có lúc lên tới 180%/năm, khiến nhiều người không ngại trao tiền cho cô gái trẻ này. Ở thời “hoàng kim”, cô ta có lối sống xa hoa, sở hữu tới 4 chiếc xe BMW và một chiếc Ferrari cùng nhiều trang sức quý giá.
Theo luật pháp Trung Quốc, với tội huy động vốn bất hợp pháp, Ngô Anh phải đối mặt với mức án tối đa 15 năm tù. Tuy nhiên, do mức tiền vay huy động vốn quá lớn, gây hậu quả rất nghiêm trọng nên cơ quan chức năng Trung Quốc đã chuyển tội danh của Ngô Anh thành tội gian lận tài chính với khung hình phạt có thể là tử hình. Tháng 4-2009, Tòa án Nhân dân tỉnh Chiết Giang tuyên án tử hình đối với bị cáo Ngô Anh vì tội gian lận tài chính và huy động vốn trái phép, hoãn thi hành án sau 2 năm. Ngô Anh nộp đơn kháng cáo nhưng sau đó đã bị bác đơn. Đến tháng 1-2012, Tòa án Nhân dân tỉnh Chiết Giang hoãn thi hành án tử hình đối với bị cáo Ngô Anh và chuyển vụ này lên Tòa án Nhân dân Tối cao Trung Quốc. Tháng 4-2012, Tòa án Nhân dân Tối cao quyết định không thông qua án tử hình, đồng nghĩa với việc Ngô Anh được giảm xuống hình phạt tù chung thân.
--------------------------